Trang

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Một thời lãng mạn: Vì đàn em thân yêu

Ngày này đúng 35 năm trước, mình có mặt ở Sài Gòn, lúc 12 giờ kém một chút. Và ở từ đó cho đến nay.
Nói rõ hơn để tránh sự hiểu lầm, mình không được theo những binh đoàn vào thành phố, chỉ đơn giản là gần 2 năm sau ngày 30.4, chính xác là ngày 15.4.1977 mình mới đặt bước chân đầu tiên lên mảnh đất này, sau 48 tiếng đồng hồ lênh đênh trên con tàu khách Thống Nhất.

Nhận tờ quyết định phân công công tác từ vụ Tổ chức, bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (hình như lúc ấy ở đường Trần Xuân Soạn) mình bắt xe quày quả về lại Hải Phòng để kịp lên đường. Dự định về công tác tại báo Hải Phòng thôi đành dở dang. Ra đi trĩu nặng nỗi buồn. Nhà có 4 chị em nhưng chị lấy chồng xa, em gái đang đi học sư phạm, anh trai cũng nơi xa tít, giờ mình lại đi nốt, chỉ còn thày mẹ ở nhà. Nhiều kỷ niệm vui buồn xen lẫn. Bước đi một bước giây giây lại dừng.

Ghé vào Ngân hàng nhà nước ở Hải Phòng, lối gần bến Bính, đổi 100 đồng tiền miền Bắc được 90 đồng tiền Nam. Một chiếc va li nho nhỏ (nay vẫn còn giữ, bà xã không hiểu mấy lần cứ bảo bỏ đi cho khỏi chật nhà). Tất cả chỉ có thế cho chặng đường mới chưa biết sẽ như thế nào. Còn nhớ mãi lúc xuống tàu, rồi bờ bãi xa dần, khuất dần... Thiếu một người. Lúc ấy mới hiểu thế nào là chia ly.
Cặp bến nhà Rồng, mình được mấy anh công an vũ trang, anh Vuôn, anh Trùng ra đón đưa về đồn (sau này anh Vuôn về lại HP, anh Trùng lên đại tá chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng cảng SG). Ăn chơi một ngày cho khuây khỏa, anh Vuôn lấy xe đạp đưa mình về nhiệm sở mới.
Trường Dự bị đại học TP.HCM (bấy giờ có tên là Tiền Giang) trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5 gắn bó với mình 16 năm trời, sau đó dù không dạy nữa nhưng mình vẫn lưu luyến nó. Bao lứa học trò, biết bao kỷ niệm, bao tình yêu thương. Xin cám ơn tất cả những học trò đã giúp tôi nên người. Quãng đời dạy học này, xin hẹn dịp khác sẽ viết rõ hơn.

Kỷ niệm ngày này 15.4 của 35 năm trước, mình lại nhớ đến một quãng đời đã đi qua và giờ gửi gắm vào bài hát của ca sĩ- nhạc sĩ Trần Thụ. Đây là giọng ca mình rất yêu thích, từ hồi còn đi học cấp 3, sau này vào đời lại càng quý mến anh hơn. Hình như thế hệ mình, chả mấy ai không biết bài hát này.

Xin cám ơn nhà sưu tầm Zanhanoi.

Kỷ niệm tròn 35 năm lưu cư trên đất Sài Gòn
Nguyễn Thông

11 nhận xét:

  1. "sau 48 tiếng đồng hồ lênh đênh trên con tàu khách Thống Nhất."
    Trời năm 77 mà tuyến HN-SG nhanh thế sao bác ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng thế bác ạ, tàu thủy nhanh hơn tàu lửa nhiều lắm, tàu lửa những 72 tiếng đồng hồ vì đường rất xấu, lại đến ga nào cũng dừng. Tuy nhiên mua vé tàu thủy rất khó, phải xếp hàng ở bến Chùa Vẽ cả tuần có khi vẫn không được.

      Xóa
  2. Đọc những dòng viết của anh Thông về kỷ niệm cũ sao thấy có nhiều điểm giống em.
    Em tốt nghiệp Tài chính năm 80, nhận được cái QĐ phân công của bộ đi thẳng từ HN vào SG nhận công tác. Em đi tàu lửa đúng 4 ngày đêm. Có lẽ đấy là chuyến tàu nhiều kỷ niệm nhất.
    Thi TN xong chưa đầy tuần (Thi vội), trên bộ họ bảo có đợt tăng cường cán bộ cho MN, thời hạn 6 tháng, ai đi sau này về sẽ được bộ ưu tiên phân công công tác, ai khg đi sẽ phải tự liên hệ chỗ làm theo cơ chế mới. Mình biết phận con nông dân chắc khó xin việc nên xung phong đi. Ai ngờ đến nay đã qua 65 lần cái hạn 6 tháng không thấy ông bà bộ nào nói gì(?).
    Ngày em lên tàu mang theo luôn cái hòm sinh viên bằng gỗ. 2 năm sau đi bộ đội gửi lại nhà người quen dưới Tri Tôn - An giang, bảo nếu tôi về được sẽ xin lại, nếu không về được thì 5 năm sau gửi về địa chỉ này (Hà Bắc) hộ nhé. Hơn 5 năm sau em về họ vẫn giữ. Trong hòm vẫn còn bộ quần áo, cái mùng đơn màu phòng không của bố em lúc phục viên mang về, ít cuốn sách và quyển lưu bút thời sinh viên. Đến giờ cái mùng không còn nhưng cái hòm thì vẫn nguyên, có thêm cái ba lô và chiếc bi đông thời bộ đội bên K của em. Em để trên gác, thỉnh thoảng bà xã lại dọa vứt, thấy em trừng mắt lại thôi. Con bé con gái thỉnh thoảng ở SG về lại lục lọi đọc lưu bút của bố, bảo lúc sinh viên bố rảnh nên mới viết lưu bút, bây giờ con học tối ngày, không học thì đi chơi chứ chả ai ngồi rảnh như bố. Em lại mắng nó, con ranh, biết cho gì!
    Dũng_Ninh Thuận.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông Dũng ơi, tôi cũng có điểm giống ông nữa, bà xã tôi người An Giang, huyện Chợ Mới. Mà con gái mình cũng thế, chỉ hay la bố.

      Xóa
  3. "Hình như thế hệ mình, chả mấy ai không biết bài hát này".Nên nói rõ là thế hệ mình ở miền Bắc, Anh Nguyễn Thông viết vậy không đúng chút nào, tôi cùng độ tuổi với anh ở miền Nam mà chẳng nghe bài hát quen chút nào cả.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng ạ, chính xác là phải viết như vậy. Xin lỗi bác và các bạn.

      Xóa
  4. Anh Thông ạ, biết anh là dân "văn" nên mạn phép anh có đôi lời lẩn thẩn thế này nhé.
    Em thấy dạy văn và học văn bây giờ khác xưa nhiều lắm. Dạy và học giờ đều vất vả hơn trước vì dạy nhiều, học nhiều mà kiến thức chả có là mấy. Không biết em nghĩ thế đúng không, vì mình không phải dân sư phạm, nhưng qua sách vở, qua chương trình học của con cái thì thấy thế. Và em vẫn cho là học văn như ngày trước, thời của em với anh ấy, vẫn tốt hơn, hợp lý hơn bây giờ, vừa đủ cho học sinh phổ thông. Có điều nội dung SGK thì sửa đổi bổ sung sao cho phù hợp với thời kỳ mới thôi.
    Thực tình thì em không thích học văn lắm, nhưng nhớ hồi lớp 6 học trích giảng VH có bài "Anh chủ nhiệm". Cô giáo dạy văn của em giảng thế nào mà có đến hơn nửa bọn con trai lớp em nuôi trong lòng giấc mơ khi lớn sẽ làm chủ nhiệm HTX. Em cũng thấy cô giảng hay, đến giờ vẫn nhớ. Hình ảnh anh chủ nhiệm đứng trên đê, trong nắng chiều nhìn sóng lúa rập rờn, với chiếu áo nâu bạc màu bay với gió... đép quá chừng.
    Cô dạy văn của em sau này lấy chồng bộ đội, theo chồng vào SG sống và vẫn dạy văn. Nghe bảo cô cũng là GV văn có tiếng khu vực Tân Bình. Giờ cô nghỉ hưu rồi, cứ có dịp đi SG em lại ghé thăm cô. Cô bảo D là HS duy nhất thời đó còn đến thăm cô. Vào những ngày lễ, khg đến được thì ủy quyền cho con gái đến thăm và mang hoa tặng cô, cô cảm động lắm giữ nó ở ăn cơm mấy lần, bảo bố cháu ngày xưa học văn giỏi lắm, vì thế nên giờ vẫn nhớ cô. Em nghĩ chắc cô nhầm hay muốn động viên cháu, chứ văn em xưa may thì 5, không chỉ 4 là hết cỡ.
    Lan man vài dòng hoài niệm, làm phiền anh và mọi người.
    Dũng_NT

    Trả lờiXóa
  5. Chia sẻ niềm xưa
    Thưa bác,
    Những kỷ niệm chỉ sống lại khi có người nhắc nhớ... Cuối 74' tôi được cử trong đoàn cán bộ kỹ thuật vào tiếp quản cơ sở sản xuất ở Sài Gòn. Tôi không bàng hoàng như một nữ nhà văn, nhưng có chút ngỡ ngàng khi thấy những con phố với tên đường quen thuộc và những tượng đẹp của Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão (đường Gia Long cũ). Ấn tượng là trẻ nhỏ Sài Gòn thật ngoan và lễ phép; Tôi cũng tìm được nhiều sách thời TLVĐ mà chỉ được nghe tên ... Sau nửa năm công tác, tôi về Hà Nội và có lang thang đến Thiên Mụ để nhớ cái "trời mưa ở Huế" những ngày giáp Tết.
    Mạn phép chia sẻ cùng Anh (như một bạn đọc) ít hoài niệm ghi lại sau này:
    Ta về xứ Huế chiều mưa bụi,
    Thăm chùa Thiên Mụ, ngắm sông Hương;
    Mới đó mà nay: đầu điểm bạc,
    Đất nước nơi nào chẳng thân thương.
    Thế hệ đau thương và ly tán,
    Vẫn chẳng rời xa đất nước mình;
    Càng nhớ càng thương, càng đau đáu,
    Xin giữ cùng nhau một chữ TÌNH.

    Không quen viết (dân kỹ thuật mà) nhưng cũng mạo muội chia sẻ để gửi niềm trân trọng.

    Kính bút.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giá có dịp nào được ngồi với bác mà trò chuyện thì thật tương đắc. Đoạn thơ (nhà cháu nghĩ là bài chắc còn dài hơn) tình cảm sâu nặng lắm. Cám ơn bác.

      Xóa
  6. "Cào" chỉ được cái tài moi móc những bài hát tuyệt vời của ngày xưa. Mình đã quên bài hát này, nhưng nghe lại thì nhớ ra ngay và vẫn thuộc làu làu! HiHi(MĐ)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. He he, còn nhiều lắm. Tuần tới mình sẽ tặng riêng Độ bài Lá thư hậu phương (của Phạm Tuyên) nhé.

      Xóa