Trang

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

Cần thay đổi tư duy về đất đai

Dưới đây là bài phân tích khá sâu sắc về một trong những cấn đề nóng bỏng nhất hiện nay ở xã hội ta: quyền sở hữu đất đai. Mặc dù có vài ba ý kiến trong bài mình chưa nhất trí nhưng có thể nói tác giả đã chỉ ra được thực trạng, nguyên nhân dẫn đến những bất ổn xã hội vừa qua.

CẦN THAY ĐỔI TƯ DUY VỀ ĐẤT ĐAI
NGÔ NGỌC QUANG


Trong quá trình hình thành và phát triển của xã hội loài người, đất đai được sở hữu một cách tự nhiên mang tính bản năng, và bởi những con người cụ thể.

Quyền sở hữu một vùng đất được hình thành và ghi nhận thông qua quá trình sống và lao động của con người. Khi con người ta sống ở một vùng đất nào đó, đổ mồ hôi, tranh giành với thú hoang và cỏ dại quyền sở hữu vùng đất đó. Thế rồi, vùng đất có được nhờ mồ hôi và công sức đó được truyền lại, đời này qua đời khác. Dựa trên vùng đất tổ tiên để lại con người ta trồng trọt chăn nuôi, kiếm sống cho bản thân và gia đình. Từ đó hình thành quyền sở hữu đất đai của con người.

Gốc rễ của quyền sở hữu này không tự nhiên mà có, không phải do ai ban phát mà tự nó được khẳng định bằng mồ hôi công sức của người dân, một điều hiển nhiên của công lý, ai cũng phải thừa nhận.

Quyền sở hữu đất đai bị thay đổi
Trải qua biến thiên của lịch sử, rất nhiều vùng đất đã bị tước đoạt bằng bạo lực, bị thay chủ sở hữu sau những cuộc binh đao khói lửa chiến tranh. Điều bất công này xảy ra trong xã hội loài người đã hàng ngàn năm, và nó gây nên điều lầm tưởng cho kẻ có cường quyền bạo lực rằng: Họ xứng đáng là chủ của vùng đất mà họ cướp được bằng bạo lực.

Điều tệ hại này xảy ra khắp nơi trên trái đất này, và từ hàng ngàn năm nay, từ thủa hồng hoang ăn lông ở lỗ, cho tới thời hiện đại văn minh này. Và dường như con người ngày nay không muốn và cũng không thể sửa chữa nó nữa?
Con người văn minh muốn ngưng lại quá trình cướp bóc bất công đó, trả về cho đất đai người chủ đích thực của nó.

Để được sống yên thân, được bảo vệ trước cường quyền của các tộc người khác, con người ta buộc phải cố kết lại, suy tôn một cá nhân mạnh mẽ nhất lên làm thủ lĩnh và chấp nhận phó mặc cho thủ lĩnh quyền định đoạt về đất đai sở hữu của mình. Các vị vua sinh ra từ đó, thời gian trôi, và mặc nhiên dân chúng trong nước chấp nhận, vị vua này có quyền sở hữu toàn bộ đất đai của quốc gia, trong đó có cả những thửa ruộng mà cha ông tổ tiên họ bao đời đổ mồ hôi mới làm nên sự màu mỡ của đất.

Người dân sống nhờ vào sự che trở, răn dạy, và đồng thời cai trị của vua chúa, họ mặc nhiên chấp nhận điều đó (thực ra họ không có sự lựa chọn nào khác): đất đai lãnh thổ thuộc quyền sở hữu của vua. Nhiều khi người dân còn bị ở trạng thái mơ hồ về quyền sử dụng đất đai do cha ông mình khai phá để lại.

Trong chế độ phong kiến, vua có quyền nói rằng mảnh đất này là của ai, và người dân có bổn phận phải chấp hành lời phán truyền đó của vua.

Tâm lý “kẻ cướp”
Để quy tụ sức mạnh của nhân dân, trong đó lực lượng nông dân đông đảo là chính, vào việc chống lại thực dân Pháp để giành độc lập, người Cộng sản đã khôn khéo tuyên truyền để người dân tin rằng: Đánh đuổi thực dân đế quốc, thì người dân sẽ được rất nhiều thứ tốt đẹp trong đó có vấn đề được làm chủ đồng ruộng của mình.
Sau này, những người Cộng sản đã đánh tráo khái niệm sở hữu, và làm cho người dân tin rằng mình đã được làm chủ ruộng đồng thông qua hợp tác xã. Thật ra là nhà nước đã thâu tóm toàn bộ đất đai vào tay mình, người dân thực chất vẫn là kẻ làm thuê chứ không phải là chủ thực sự của đất đai mà cha ông họ truyền lại.
Với quyền lực trong tay, nhà nước đã làm ra các đạo luật về đất đai. Theo đó người dân được nhà nước ban ơn, cho người dân mượn tạm thời đất đai để sử dụng. Khi cần nhà nước lấy lại bất kỳ lúc nào bằng những quyết định thu hồi, mà người dân phải có nghĩa vụ chấp hành.

Cách hành xử như vậy về bản chất, giống hệt vua chúa phong kiến thời xưa. Chúng ta những người Cộng sản, thường tự hào nói rằng: Chúng ta đánh đổ thực dân phong kiến để xây dựng nhà nước công nông của dân, do dân, và vì dân. Vậy mà chúng ta lại hành xử về đất đai y như vua chúa phong kiến thời xưa.

Quyền sở hữu đất đai rõ ràng là phải thuộc về những con người cụ thể - những con người bỏ công sức khai khẩn tranh chấp với thú hoang và cỏ dại.

Ấy vậy mà nhà nước lại sử sự theo lối vua chúa ngày xưa, nắm quyền lực trong tay và phán rằng đất đai là cuả nhà nước, núp dưới mỹ từ mang màu sắc lừa bịp: sở hữu toàn dân. chính vì thủ đoạn như vậy nên mới sinh ra khái niệm thu hồi – một khái niệm hết sức sai trái.

Trong thực tế cuộc sống nhà nước tưởng rằng mình có công trong việc tạo nên tài nguyên đất đai, kể cả trong việc giành lại đất đai từ tay phong kiến thực dân hay mở rộng giang sơn bờ cõi, nhưng thực ra đều là do sức dân làm nên tất cả.
Vậy mà với tâm lý kẻ cướp, nhà nước đã dùng quyền lực, sức mạnh của mình để tước đoạt quyền sở hữu của người dân một cách tinh vi nhất.

Nhà nước đã làm ra những bộ luật về đất đai, mà ở đó quyền sở hữu của người dân bị tước đoạt hoàn toàn, và theo đó người dân luôn ở thế chông chênh bất ổn, do vậy mà ruộng đồng không thể tìm ra được cách sinh lời tốt nhất cho con người. Người dân trở thành kẻ ăn nhờ ở đậu trên mảnh đất do chính mồ hôi công sức của mình khai khẩn hay của cha ông để lại, hoặc mua lại của người khác.

Vì vậy chúng ta cần khẳng định: đất đai là của người dân, người dân không mượn của nhà nước nên nhà nước không có quyền thu hồi!

Trong khái niệm đến bù thì rõ ràng là khi nhà nước muốn lấy đất của dân, hay nói cách khác là xâm hại đến lợi ích của dân thì đương nhiên phải đền bù. đền bù như thế nào? Rõ ràng rằng sự đền bù phải được người dân chấp nhận một cách tự nguyện và thỏa đáng. Còn hiện nay, đền bù theo kiểu kẻ cướp thì thật sự là việc làm thiếu đạo đức.

Khái niệm giải phóng mặt bằng cũng là một khái niệm hết sức bậy bạ sai trái. Đất đai của người dân mà nhà nước lại dùng sức mạnh của mình xua đuổi người dân ra khỏi mảnh đất của họ rồi nói rằng giải phóng. Nguyên nhân của lối tư duy sai lầm này chính là vì nhà nước cho rằng đất đai là của nhà nước nên mới nhìn người dân như những kẻ chiếm hữu bất hợp pháp mà nhà nước cần xua đuổi để giải phóng.

Nhìn nhận và quản lý đất đai như thế nào?
Trong toàn bộ diện tích đất đai của tổ quốc, nhà nước với vai trò quản lý của mình chỉ cần và chỉ nên đưa ra những chính sách quy hoạch làm sao có lợi nhất cho việc xây dựng và phát triển của đất nước. Khi cần đất đai cho các dự án phát triển nào đó thì nhất thiết phải thương thảo với chủ đất là người dân. Nhà nước có quyền vận động nhưng không có quyền cưỡng bức người dân.

Trong công tác quản lý, nhà nước có trách nhiệm cấp giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu đất đai cho người dân (nên phân biệt rõ quyền sở hữu chứ không phải quyền sử dụng đât), bất kể thời điểm người dân hay cha ông họ khai khẩn sử dụng từ khi nào, hay mua một cách hợp pháp.

Đối với những vùng đất chưa có người khai khẩn sở hữu, nhà nước chịu trách nhiệm đứng ra quản lý, và phải quy hoạch rõ công năng sử dụng của những vùng đất đó trong hiện tại cũng như tương lai. Đối với những vùng đất này, nhà nước thay mặt dân đứng ra quản lý, khai thác sao cho có lợi nhất cho quốc gia. Nếu người dân có nhu cầu mua một diện tích đất nào đó thì nhà nước phải bán và cấp cho người dân quyền sở hữu.

Nhà nước phải có những chính sách khuyến khích người dân khai khẩn những vùng đất hoang vu mà nhà nước không có đầu tư phát triển được, và ghi nhận quyền sở hữu của người dân sau khi họ khai khẩn.

Mọi hoạt động của xã hội liên quan đến đất đai đều phải được thông qua thương thảo tự nguyện của chủ sở hữu, thể hiện bằng hợp đồng mua bán hay cho tặng quyền sở hữu về đất đai.

Chỉ bằng cách ghi nhận quyền sở hữu của người dân về đất đai, nhà nước mới thoát khỏi mớ bòng bong hỗn tạp hiện nay về quản lý và sử dụng đất đai một cách khôn ngoan.

Nhà nước cần dũng cảm nhìn thẳng vào hiện tình đất nước về đất đai hiện nay một cách có trách nhiệm nhất. Nhà nước cũng cần thẳng thắn nhìn ra những yếu kém và cả những sai lầm trong đường lối và chính sách về đất đai trong quá khứ cũng như hiện tại, kể cả những sai lầm về đường lối mang tính bao quát của ý thức hệ. Và phải nhìn nhận những sai lầm này một cách trung thực nhât, trên tinh thần cầu thị. Tất cả vì lợi ích của tương lai dân tộc Việt.

Nhà nước hiện nay cần thay đổi toàn diện tư duy về đất đai, và không được chậm trễ thêm nữa. Chỉ có bằng cách thay đổi tư duy về đất đai thì mới mong chúng ta có được một bộ luật về đất đai mang hơi thở của cuộc sống. Và từ đó Bộ luật đất đai mới phục vụ tốt cho việc quản lý của nhà nước cũng như việc sử dụng đất đai của người dân.
N.N.Q
(theo bbc.co.uk/vietnamese)

7 nhận xét:

  1. Nhà nước nào cần dũng cảm nhìn thẳng vào hiện tình đất đai hiện nay một cách có trách nhiệm nhất?Nhà nước nào cần thẳng thắn nhìn ra những yếu kém...kể cả những sai lầm về đường lối...của ý thức hệ..v.?
    Nhà nước đó chắc chắn phải không có bọn tham nhũng cầm quyền, không có bọn cơ hội vun vén cho các hoàng tử công chúa tạo nên những nhóm lợi ích tích lũy tư bản bằng mọi cách táng tận lương tâm nhất.Nhf nước đó chắc chắn phải là nhà nước pháp trị chứ không phải đảng trị.

    Trả lờiXóa
  2. Sai lầm từ trong hệ tư tưởng ? CNXH là không có thật mà các nhà nguyên cứu, các nhà dân chủ trong nước, các nhà trí thức cộng sản (như Trần Xuân Bách, Nguyễn Hộ, Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Trần Phương, Lê Hồng Hà, ....)không kể những nhà ly khai, họ đã chỉ ra sai lầm nghiêm trọng trong học thuyết mà đã áp đặt trên dân tộc ta quá lâu, chẳng đem đến một điều gì tốt đẹp cả, đó là sự thật lịch sử. Dân tộc ta không trông mong gì vào các vị đang đương quyền đương chức trong bộ máy Đảng hiện nay mà tin vào khối đoàn kết dân tộc, những nhà dân chủ trí thức trong nước, phải tin vào dân chủ , xu thế phát triển của thời đại. Dân tộc Việt Nam phải làm chủ dân tộc mình ! Nhân dân Việt Nam không thể phó thác sự tồn vong của dân tộc cho những kẻ cuồng tín, giaó điều, họ đang sống trong một ảo giác sai lầm Chủ Nghĩa Cộng sản, họ muốn duy trì quyền lực mặc dù họ biết điều đó trước sau gì cũng kìm hãm sự phát triển của đất nước, mang đến hậu quả là lạc hậu, yếu kém và nguy cơ phụ thuộc ngoại bang. CNXH đang áp đặt trên dân tộc Việt Nam giống như phong tục cổ hủ bên Tàu là cha mẹ mong rằng con mình sau này giàu có khỏi phải làm gì cả thì phải bó chân chung lại khi còn nhỏ. Tiếc thay, cha me chúng sai lầm là chúng có giàu sang gì đâu ? chân bị teo không thể đi để làm ăn & học hành, chúng chỉ có thể bò mà đi mà ăn xin khi cha mẹ chúng chết đi. CNXH là vậy đó ! mong các ông trí thức cộng sản còn lại đương chức , có cái nhìn sáng suốt , có lương tri với đất nước nên thay đổi hòng cứu lấy dân tộc này, nên vứt bỏ suy nghĩ sai lầm đang đi trên con đường tai hại. Các vị nên mạnh mẻ như một ông Bí Thư Tỉnh ở Trung Quốc mới hôm qua đã phát biểu "Chủ nghĩa Cộng Sản Trung Quốc vô cùng sai lầm, mang yếu kém, nghèo nàn và bất bình đẳng cho nhân dân Trung Quốc"

    Trả lờiXóa
  3. Có 1 luật sư trẻ đã nói:Vấn đề đất đai là tử huyệt của chế độ cộng sản...Chúng ta cứ chờ xem !

    Trả lờiXóa
  4. Rất đồng tình với các ý kiến của tác giả bài viết này ! "Đất đai là của người dân, người dân không mượn của nhà nước nên nhà nước không có quyền thu hồi, hay cưỡng chế đất của dân." và nên xóa bỏ quy định cực kỳ vô lý :" Đất đai thuộc sở hữu toàn dân..". Quy định đó không có chủ thể sở hữu rõ ràng, rất trái quy luật tự nhiên và trái với tư tưởng "Vì Dân" của Hồ Chí Minh :" Mọi quyền lợi đều thuộc về Nhân dân."--- Đất đai, cũng là tài nguyên thiên nhiên, cũng quý giá như Ánh sáng và bóng tối vậy...Không có thể chế nào của con người có thể tạo ra, hay thu hồi - cưỡng chế được !
    Tôi cũng có 1 ý "chưa nhất trí" với tác giả (gần như anh Thông.): Giá như tác giả bớt đi 1-2 lần dùng từ "kẻ cướp"...(Dù rất đúng, nhưng "ma quỷ" nó sợ, nó tức tối, nó không nghe...và nó bảo mình là "thù địch, chỗng phá.." - Dân đen tôi cảm nhận bài như vậy, không biết quá đúng, hay "nhát" quá chăng ?
    Rất cảm ơn anh Thông đăng tải bài viết hay, 99.999 % ý đúng này !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất xin lỗi các bạn vì gõ nhầm chữ "quá", ý tôi là "có đúng"...(câu 2 dưới comment.)

      Xóa
    2. Thiên hạ cứ bảo tìm người tri kỷ khó lắm thay, nay thấy chưa hẳn thế. Đọc vài nhận xét của bác Lê Huy mà thấy bác rất hiểu mình, dù mình không nói ra. Cám ơn bác.

      Xóa
  5. Hãy dừng lại trước khi chưa muộn

    Thủa sinh ra nước nhà hết giặc
    Mẹ bảo đời con khốn khó đã qua rồi
    Đất nước hai miền, tưởng được thảnh thơi
    Bát cơm độn, sắn khoai tràn miệng bát

    Lưng trâu, con vênh mặt, nghêu ngao câu hát
    " Dân có ruộng dập diù hợp tác
    Lúa mượt đồng ấm áp làng quê
    Ngày một, ngày hai đổi đời nhờ mùa về nặng hạt

    Và lớp lớp cha anh lại nghe theo lời Bác
    Bỏ cuốc cày xung trận lần thứ hai
    Mong kéo non sông sớm về một mối
    Và mẹ lại còng lưng sớm tối đợi con về

    Mẹ chỉ đón chiếc khăn tang quấn tròn trên đầu bạc
    Gò má nhăn nheo theo vết lệ hằn
    Cuộc chiến qua đi, người còn kẻ mất
    Ngắm non sông lòng mẹ cũng nguôi dần

    Nhưng bổng từ đâu mây mù cuộn đến
    "Giấc mơ con đè nát cuộc đời con"
    Lợi ích nhóm băn vằm xã tắc
    Cha lại trằn trọc, tìm kiếm nguồn cơn

    Một Tiên Lãng tưởng rõ thiệt hơn
    Bài học lớn chưa ngấm vào xương tủy
    Chủ thuyết cao siêu chẵng bằng dân túy
    Lạc nghiệp, an cư âu vốn lẽ đời

    Sinh từ đất, ai chẵng về với đất
    Dưa hấu An Tiêm nhờ mảnh đất cắm dùi
    Ông cha ta chẵng còn gì để mất
    Khi thẻo ruộng cuối cùng bị cướp bởi dùi cui

    Một công viên xanh, một Văn Giang hay Tiên Lãng
    Một tấm lòng dân và niềm tin yêu Đảng
    Một bàn cân, nặng nhẹ thiệt hơn
    Ai hiểu cho ai ? chỉ Mẹ tỏ nguồn cơn ...

    Trả lờiXóa