Trang

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Con rồng của làng Hạ

BÌNH NHẤT CHỈ

Cùng là ba làng nằm ven biển nhưng khác với sự phồn vinh của làng Trung và làng Thượng, làng Hạ lại là làng nghèo khó nhất vùng mặc dù tiềm năng kinh tế của làng Hạ chẳng kém chi hai làng Trung, Thượng kia.

Trưởng làng Hạ cay cú lắm, chỉ mong có ngày đuổi kịp và vượt mặt hai làng Trung, Thượng vốn đã được thiên hạ nức nở khen là những con rồng trong vùng. Sau nhiều đêm trằn trọc nghĩ suy, Trưởng làng Hạ quyết định triệu tập tất cả các chức sắc trong làng lại mà rằng: “ Sự tụt hậu của làng ta so với hai làng kia chắc chắn là do nơi an táng ngài tiền hiền dựng làng trước đây không nhằm đúng cuộc đất phát. Nay ta cần phải rước thầy địa lý giỏi về chọn chỗ đất tốt để cải táng ngài tiền hiền của làng ta vào đấy mới có cơ đuổi kịp hai làng Trung, Thượng được”.
Một chức sắc mách: “ Thầy địa lý giỏi hiện nay chẳng ai hơn thầy Tả Đìa, thầy ta là cháu đời thứ 301 của cụ Tả Ao, một bậc Thánh về địa lý thời trước. Bí kíp địa lý của cụ Tả Ao hiện do thầy Tả Đìa nắm giữ. Làng ta nếu rước được thầy Tả Đìa về giúp thì hóa rồng là cái chắc”.

Trưởng làng nghe thế mừng lắm, kêu gọi dân làng gom góp tiền bạc để thỉnh thầy Tả Đìa về chọn cuộc đất tốt cho làng. Thầy Tả Đìa đến làng Hạ được Trưởng làng và các chức sắc đối đãi cực kỳ cung kính, cứ nhứt nhựt thết tiểu yến, tam nhựt thết đại yến, kéo dài như vậy cả tháng trời. Sang đến ngày thứ 31 thầy Tả Đìa mới chống gậy dạo khắp nơi để tìm cuộc đất tốt cho làng. Hai hôm sau thầy Tả Đìa đưa Trưởng làng đến một gò đất cao chỉ vào đó mà rằng: “ Đây là cuộc đất mà sách địa lý của cụ tổ ta kêu là “Long trục quần dương”, tả hữu đều có thần Thanh Long phù trợ. Cuộc đất này chắc chắn sẽ giúp làng Hạ hóa rồng”. Trưởng làng mừng rỡ thưa: “ Nếu vậy thì xin thầy sớm chọn ngày lành để chúng tôi cải táng ngài tiền hiền vào cuộc đất này”. Thầy Tả Đìa nói: “ Không phải cải táng ngài tiền hiền vào đây mà hãy kiếm một con cá chép chôn đúng vào chỗ này này!”. Thầy chỉ đầu gậy vào một điểm ở đỉnh gò. Trưởng làng thắc mắc: “ Sao lại chôn cá chép?”. Thầy Tả Đìa giải thích: “ Ngươi há không nghe chuyện cá chép vượt vũ môn sẽ hóa thành rồng hay sao? Cái tích hóa rồng ấy thường chỉ vào những người học trò thành đạt trong thi cử. Các làng Trung,Thượng kia sở dĩ phồn thịnh hóa rồng đều nhờ sự học mà ra. Sau khi táng con cá chép này vào đây ngươi hãy động viên người làng cho con em nỗ lực học tập. Chừng hai mươi năm sau làng Hạ sẽ đuổi kịp hai làng kia, độ ba mươi năm sau thì làng ngươi vượt qua họ là chắc chắn! Nếu làm đúng như lời ta dạy, hai mươi năm nữa ngươi cho đào chỗ chôn con cá chép lên sẽ thấy nó đã hóa thành rồng”.


Trưởng làng Hạ vô cùng mừng rỡ, trở về triệu tập toàn thể dân làng để thuật lại lời dạy của thầy Tả Đìa. Dân làng hết sức phấn khởi lùng tìm bằng được con cá chép thật to chôn vào đúng vị trí mà thầy Tả Đìa đã chỉ dẫn. Từ đó nhà nhà quyết tâm cho con em học tập dầu phải cầm cố nhà cửa lẫn đất đai để con em có đủ kinh phí theo nghiệp sách đèn.

Thấy cả làng quyết chí hóa rồng, Trưởng làng bèn lên một kế hoạch chỉnh chu cho chuyện học tập của con em trong làng qua từng giai đoạn, mỗi giai đoạn đúng 5 năm, kêu là kế hoạch ngũ niên, áng chừng 4 kỳ ngũ niên như vậy thì con em trong làng sẽ trở thành cử nhân, tiến sĩ ráo trọi. Đích thân Trưởng Làng cắt cử một vị chức sắc đặc trách sự học, phong làm Trưởng ngành giáo dục toàn làng. Vị Trưởng ngành này có nhiệm vụ soạn thảo chương trình học tập, cung cấp sách giáo khoa, chọn thầy giỏi cho học trò để sau khi kết thúc kế hoạch ngũ niên lần thứ tư thì lứa con em hiện nay của làng đều vượt qua được vũ môn mà hóa rồng cả.

Là người nhiệt tâm với sự nghiệp hóa rồng của làng Hạ, vị Trưởng ngành giáo dục luôn lấy thành tích dạy và học làm đầu với nhiều hình thức thi đua  đủ loại. Chẳng bao lâu sau từ thầy đến trò ở làng Hạ đều chạy theo thành tích đến mờ cả mắt. Không chỉ học ở trường, học trò còn túi bụi học thêm ngoài giờ với thầy cô ở nhà riêng mới mong đuổi kịp chương trình giáo dục của làng đề ra. Khốn khổ thay cho cả thầy và trò, nội dung giáo dục do vị Trưởng ngành soạn thảo lại thay đổi xoành xoạch, sách giáo khoa liên tục cải cách tới mức học trò lớp sau chẳng bao giờ kế thừa được nội dung sách giáo khoa do lớp trước để lại. Việc cải cách đó được vị Trưởng ngành cho là để nâng cao chất lượng học tập theo tầm thời đại hầu đuổi kịp và vượt qua hai làng Trung, Thượng. Dân làng thắc mắc hỏi sao không áp dụng quách chương trình và nội dung giáo dục giống như hai làng Trung, Thượng kia thì vị Trưởng ngành giáo dục làng Hạ quắc mắt lên mà rằng: “ Mỗi làng có đặc thù riêng, cái đó kêu là tính dân tộc. Làng ta hòa nhập cùng các làng khác trong công cuộc hiện đại hóa nhưng không hòa tan vào họ mà phải giữ bản sắc riêng của làng. Chúng ta xây dựng một  sự nghiệp giáo dục tiên tiến nhưng phải thật đậm đà bản sắc dân tộc. Đó chính là sự ưu việt của làng Hạ chúng ta so với hai làng Trung, Thượng”. Dân làng nghe vậy đều ngớ ra, chẳng ai hiểu được ý tưởng cao siêu của vị Trưởng ngành nhưng vẫn tiếp tục cắn răng thắt lưng buộc bụng để đáp ứng mọi chi phí ngày càng cao cho việc học của con em nhằm hoàn thành kế hoạch hóa rồng của làng Hạ.

Đúng như dự liệu của vị Trưởng làng, kế hoạch ngũ niên lần thứ tư vừa kết thúc thì hầu hết số sĩ tử của làng Hạ đều vượt qua vũ môn, 3/4 sĩ tử trở thành cử nhân, 1/4 trở thành tiến sĩ theo tiêu chuẩn giáo dục đậm đà bản sắc dân tộc của làng Hạ. Ngặt nổi số cử nhân, tiến sĩ của làng Hạ tuy nhiều nhưng số người tìm được việc làm đúng ngành nghề đào tạo thì chẳng được bao nhiêu bởi không có thực học. Phần lớn số cử nhân, tiến sĩ này buộc phải xoay qua nghề kinh doanh địa ốc hay khai thác khoáng sản để xuất thô ra bên ngoài. Hậu quả để lại là môi trường làng Hạ bị ô nhiễm tùm lum, cái bong bóng địa ốc thì phình to với nguy cơ nổ tung lúc nào chẳng biết. Với sự phát triễn không bền vững đó, áng chừng tới Tết Công-gô làng Hạ cũng chẳng thể đuổi kịp hai làng Trung, Thượng.

Nhớ lời dặn của thầy Tả Đìa, vị Trưởng làng Hạ bây giờ đã ngoại thất tuần, run rẩy chống gậy lên chiếc gò nơi chôn con cá chép 20 năm về trước và ra lệnh khai quật. Dân làng reo lên mừng rỡ khi phát hiện bên dưới một chiếc đuôi dài ngo ngoe na ná đuôi rồng, nhưng khi túm được con vật đưa lên soi rọi dưới ánh sáng mặt trời thì đích thị nó là một con lươn cực lớn. Dân làng kêu lên thất vọng: “ Tưởng là con rồng dè đâu là con lươn lẹo!”.

Vị Trưởng làng tiu nghỉu quay về, tìm gặp vị Trưởng ngành giáo dục thì thấy ông ta đang ngồi ở bàn làm việc, đăm chiêu tính toán để… tiếp tục cải cách chương trình giáo dục và bán sách giáo khoa cho lũ con em làng Hạ…
N.K.N
(Ghi chú: Bình Nhất Chỉ là bút danh của nhà báo Nguyễn Khắc Nhượng, nguyên Tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên, người nhiều năm liền giữ mục "Châm cứu cuối tuần" của báo với bút danh Lang Là nổi tiếng. Nay anh đã nghỉ hưu). 

2 nhận xét:

  1. Thật hay và thâm thúy quá

    Trả lờiXóa
  2. Trưởng ngành giáo dục của làng Hạ làm việc vất vả như vậy mà hậu thế có người đòi giải tán ngành giáo dục của làng ! Thật ác độc !

    Trả lờiXóa