Trang

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Hát nhép vì chính trị

Đã bảo không nói chuyện chính trị, nhưng điều dưới đây liên quan đến cái gọi là chính trị nên mình cũng phải thẽ thọt đôi nhời.

Chả là Bộ Văn hóa-thể thao-du lịch đang lấy ý kiến về nghị định quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật sắp ban hành, trong đó có nêu cả những chuyện hát nhép, hát nhái, mặc áo hở vú, mặc quần sát rốn... Trời, để cho tệ nạn đã thành nếp thành chai rồi mới lo quản, kể cũng quá chậm, mất bò mới lo làm chuồng. Dẹp loạn bây giờ hơi khó đấy. Thôi vậy, chậm còn hơn không.

Mình cực kỳ ghét hát nhép. Có nhẽ vì vậy mà hàng chục năm nay không hề đến các sân khấu ca nhạc. Ghét luôn cả những chương trình truyền hình ca nhạc, nhất là truyền hình trực tiếp. Lý do duy nhất: Không muốn bị lừa dối. Hay cách mấy cũng không thèm.
 Một tiết mục trong đêm diễn, nhưng không phải nhép sĩ Cao Thái Sơn, còn dàn múa thì cực xinh

Nhớ hồi tháng 8 năm ngoái, ông bạn, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến từ thủ đô vào, cho chiếc giấy mời dự đêm nhạc "Tổ quốc nhìn từ biển" tại Nhà văn hóa Thanh niên Sài Gòn. Lão Chiến nổi như cồn sau khi đăng lại bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển trên báo Thanh Niên chủ nhật. Thực ra cái tên bài thơ chả có gì mới, chưa nói là bản quyền thuộc về đại ca Nguyễn Duy thì đúng hơn, với "Tổ quốc nhìn từ xa" hồi nẳm. Tuy nhiên lúc ấy vấn đề biển đảo đang sốt, tên bài thơ của lão Chiến đánh ngay vào ý thức công dân về chủ quyền đang hừng hực, sôi sùng sục. Như được tiếp thêm sức mạnh, bài thơ lại được cô nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc, dù không hay lắm nhưng hợp thời.

Thế là hai bố con mình ăn cơm sớm đi coi ca nhạc. Mình cũng phải thuyết phục mãi, con gái mới chịu đi. Nó bảo để gặp chào bác Chiến thôi, chứ nhạc nhẽo gì.
Nghe vài bài mở màn, cũng tàm tạm. Đến lượt Nam Khánh cháu mình hát, thấy khá hơn. Tiếp theo MC giới thiệu nam ca sĩ Cao Thái Sơn thể hiện. Chàng trai ra làm vài động tác rồi cất giọng. Quái lạ, nó là đàn ông mà sao hát giọng đàn bà. Nghe giật mình, loáng thoáng "Trường Sa ơi, em luôn bên anh, Trường Sa luôn bên em, em nhớ về các anh người chiến sĩ Trường Sa, ớ ơ", đại loại vậy. Cu Sơn cứ say sưa hát, loa cứ phát giọng đàn bà em này em kia yêu Trường Sa. Cả khán phòng bò ra cười. Bộ đội hải quân (bữa ấy đông nhất) bò ra cười. Cu Sơn đếch biết cứ say sưa. Rồi loa tắt tịt. Hóa ra người ta lắp nhầm đĩa của cô ca sĩ sẽ hát sau. Hóa ra ca sĩ lừng danh Cao Thái Sơn chuyên hát nhép. Mình quay lại trò chuyện với vợ chồng bác Ngọc Thịnh- phó tổng biên tập tạp chí Heritage hàng ghế sau, bác Thịnh cười hề hề, xem chừng bác thấy màn kịch hài vui quá. Con gái nằng nặc đòi về, đành dắt nó lên hàng ghế đầu chào bác Việt Chiến. Bác bảo còn dài mà, mình dạ dạ, lui về sau, động viên cháu chờ bác phát biểu xong hãy về. Sau mình có hỏi Nam Khánh, cháu có hát nhép không, nó bảo giọng cháu thì cần gì phải nhép.

Kể lể chút để thấy hát nhép đúng là bi hài kịch, là thứ đồ rởm, là tệ nạn, là căn bệnh kinh niên của đời sống âm nhạc nước nhà. Nào phải chỉ lác đác giả dối như cu Sơn kia, mà tràn lan, thành hệ thống. Nói như bác PGS tiến sĩ Phạm Quang Long- Giám đốc Sở Văn hóa-thể thao-du lịch Hà Nội (một đàn anh đồng môn với mình, cứ khoe tí cho sướng) thì không phải chỉ những ca sĩ dở ngô dở ngọng mới hát nhép mà ngay cả các bậc nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân lâu nay vẫn nhép như thường. Họ công khai lừa dối người yêu nhạc, lừa dối khán giả. Họ xổ toẹt vào những giá trị đích thực.

Khổ nỗi, công luận cứ mỗi lần đặt vấn đề cấm hát nhép, cần có biện pháp xử lý, chế tài mạnh với kẻ hát nhép thì mấy ông lãnh đạo nhà đài truyền hình và một số nhà tổ chức chương trình lại đứng ra bảo vệ. Đã không ít lần mình nghe, mình đọc trên báo, ông này ông kia bảo rằng có những chương trình truyền hình trực tiếp phục vụ chính trị, để bảo đảm thành công nên phải hát nhép, chấp nhận hát nhép. Cha bố các ông, nếu để nó hát nhép thì đem về nhà mà nghe, đừng bắt dân nghe nhé. Thật thà còn chẳng ăn ai, nữa là giả dối. Càng chính trị chính em lại càng phải chân thật cho dân tin, bởi xưa nay chính trị giả dối quá nhiều rồi. Đem thứ giả dối để xây nền cho chính trị, mấy ông tưởng nó chắc lắm sao, mấy ông tưởng dân gà mờ không biết sao.

Thôi đi, kể từ giờ phút này, mấy ông truyền hình hạ màn hát nhép cho dân nhờ. Nếu còn hát nhép trên truyền hình, đề nghị đảng-nhà nước cho mấy ông ấy về vườn, dù có là ủy viên trung ương chăng nữa cũng về vườn.

14.6.2012
Nguyễn Thông

10 nhận xét:

  1. Hoàn toàn nhất với đề xuất cảu bác Thông, đúng là thói giả dối hiện nay đã thành dịch.

    Trả lờiXóa
  2. Có khi tính giả dối là bản chất của các cụ LĐ nước mình đó chớ ! Phải nói 1 đường, làm 1 nẻo mới làm LĐ được. Thật đúng cho cái câu ai đó đã từng nói: " đừng nghe những gì...." !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không phải đâu Bác Nguyễn An Liên ơi! Phải nói thế nỳ mới đúng: "... tính giả dối là bản chất của toàn dân nước mình".

      Xóa
  3. chả có con số hoặc thông tin gì từ phía chính phủ công bố là sự thật, tất cả đều qua bộ phận sơ chế rồi mới vất ra cho người dân chiêm bái ba cái thông tin rẻ tiền mau hỏng

    Trả lờiXóa
  4. - Loài người đã trải qua mấy phương thức sản xuất ( hay mấy thời kì)? thày giáo hỏi sinh viên.
    - dạ thưa thày! loài người đã qua các thời kì:
    + Thời kì đồ đá ( nguyên thủy)
    + Thời kì đồ đồng ( chế độ chiếm hữu nô lệ )
    + Thời kì đồ sắt cũ( chế độ phong kiến )
    + Thời kì đồ sắt mới ( chế độ tư bản CN)
    - Vậy sau thời kì đồ sắt mới là thời kì gì kế tiếp tại thế giới và nước Việt nam ta? thày giáo hỏi tiếp.
    - Dạ! dạ ... thế giới sẽ là thời kì tiến lên xã hội chủ nghĩa! còn nước ta do bỏ qua thời kì phát triển tư bản CN nên đã tiến thẳng lên: THỜI KÌ ĐỒ ĐỂU ạ!
    - Tốt! Thày buông lời khen, nhưng hỏi tiếp:" Hãy lấy các thí dụ minh chứng cho THỜI KÌ ĐỒ ĐỂU ở nước nhà"?
    - Dạ thưa thày ...Dạ, dạ thưa ... Điều này thày đi mà hỏi Bác Nguyễn Thông thì rõ ạ!!!

    Trả lờiXóa
  5. "...để đảm bảo thành công nên phải hát nhép,chấp nhận hát nhép."!Tuyệt cú mèo!Sáng tạo Việt mang tầm thời đại(hẳn các đỉnh cao...ngọn cỏ khoái cái ni)!

    Trả lờiXóa
  6. Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định trước Quốc hội:
    “Trong môi trường công tác chịu rất nhiều áp lực, tuyệt đại đa số CSGT giữ được phẩm chất đạo đức của mình, hoàn thành nhiệm vụ, không nhận hối lộ, không tiêu cực”.
    Xem tại đây:
    http://soha.vn/hinh-su/canh-sat-nganh-tham-nhung-nhat-tai-viet-nam-20101215110934559.htm

    Trả lờiXóa
  7. Truyền hình hay cuộc họp quan trọng hay hội nghị đối ngoại hay liên hoan văn nghệ hay phát thưởng hay kỉ niệm này khác hay.....rất cần hát nhép, ngay cả thi tiếng hát cũng nên hát nhép...Tóm lại nên NHÉP toàn bộ...
    Thế không Nhép mấy thằng bất mãn lên sân khấu nó hát bài khác thì bỏ mẹ à?

    Trả lờiXóa
  8. Trong chương trình nghệ thuật "Bài ca không quên" do Cu Vinh là tác giả và tổng đạo diễn,diễn ở Đồng Hới năm 2009, được VTV truyền hình trực tiếp, nhiều nghệ sĩ có danh hiệu nhà nước tham gia biểu diễn. Một NSND hát một bài tủ có Quang Tèo diễn kịch phụ họa, khán giả hoan hô rầm rầm.

    Sáng hôm sau, ngồi cà-phê KS Lương thực (Đồng Hới) NSND cầm trong tay cái CD, tâm sự : tối qua may có cái này không thì nguy, vào đây mình bị viêm họng...

    Trả lờiXóa