Trang

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Dành cho K17: Anh Trần Quang Thuật

TRẦN QUANG TỬU

    Tôi và anh sinh ra cùng ở một làng. Đó là vùng đồng chiêm trũng giữa đồng bằng Bắc Bộ, thuộc huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ngày chúng tôi còn nhỏ, nước ngập trắng đồng, trắng làng. Các cụ thường bảo rằng đất quê tôi là đất “sống ngâm da, chết ngâm xương”. Anh Thuật và tôi lớn lên trong cái nghèo khó của cuộc sống các gia đình nông dân đông con và trong cả cái bức bách thiếu thốn của việc thu gom ruộng đất nhằm thực hiện phong trào HTX nông nghiệp duy ý chí một thời.

   Anh Thuật học phổ thông trước tôi 3 năm. Nghĩa là anh tốt nghiệp lớp 10 tôi mới bắt đầu vào học lớp 8. Anh rất mê văn chương và nhà anh có rất nhiều sách. Tôi cũng không hiểu tại sao nhà thì nghèo mà anh sưu tầm, mua, xin…được nhiều đầu sách đến thế. Hầu như các bộ tiểu thuyết, thơ ca của Ta, Tàu, Tây anh đều có cả. Học xong cấp 3, anh làm cán bộ văn hóa thôn và bắt đầu viết truyện ngắn. Truyện anh viết chỉ khai thác các đề tài quanh xóm làng, có cái đọc được, có cái còn non nớt của những người mới cầm bút. Tuy nhiên  cuối cùng anh cũng tập hợp lại được thành một tập truyện có tên là “Vuông vắn”. Tập truyện sau đó được Ty văn hoá tỉnh Nam Hà cho in năm1970 để cổ động cho bờ vùng, bờ thửa lúc bấy giờ. Trong con mắt của tôi, anh Thuật trở thành Nhà văn từ đó.


   Năm 1971 anh Thuật thi đỗ vào Tổng hợp văn. Lúc đó khoa Ngữ văn của ĐHTH Hà Nội trong suy nghĩ của tôi chỉ là 3 từ như thế thôi. Tôi ngưỡng mộ anh ghê lắm. Hiện tôi đang học lớp 9 của Trường cấp III Bắc Lý Nhân (Lớp 8 tôi học ở Bình Lục, lớp 9, 10 xin chuyển về Lý Nhân học cho gần nhà). Tôi tiễn anh đi ĐH và xin anh một lời khuyên về kì thi ĐH năm sau của tôi. Anh không khuyên can gì mà chỉ nói: Mê cái gì thì theo đuổi cái ấy. Năm sau, 1972, vì có chút máu mê văn chương lây từ anh Thuật, hay nói đúng hơn là lây từ những cuốn sách tôi được tự do đọc của anh, tôi học khá văn nhất trong các môn học. Tôi tham dự các kì thi HSG văn  và được chọn vào Đội tuyển đi thi HSG văn miền Bắc của tỉnh Nam Hà. Tốt nghiệp cấp 3, tôi cũng chọn thi ĐH vào Tổng hợp văn như anh Thuật và đỗ. Ngày tựu trường ở khu sơ tán Yên Phong Hà Bắc, tôi gặp lại các bạn cũ trong đội tuyển HSG như Vũ Đức Nghiệu, Phạm Văn Bích, Nguyễn Thị Thanh Đạm… Tuy nhiên có lẽ vui nhất là được gặp anh Thuật, người anh cùng làng và giờ đây hai anh em cùng học một khoa với nhau. Anh Thuật học khoá 16, tôi học khoá 17.

   Sinh viên khoa Ngữ văn khoá 17 có truyền thống ân tình, ân nghĩa. Vì lẽ đó nói đến khoá 17 không thể không nói đến các anh chị của khoá 16 đã “ngồi lại” với khoá 17 chúng tôi trong đó có anh Thuật. Anh Thuật lưu ban và cùng học một lớp với tôi từ năm thứ 3. Về chuyện này, tôi chẳng biết nên vui hay nên buồn, còn anh Thuật thì cứ dửng dưng và coi đó là chuyện bình thường. Anh chỉ lưu ý tôi rằng về làng đừng nói chuyện với ai. Lẽ đương nhiên là tôi giữ im lặng.

   Anh Thuật ở cùng phòng tầng 3, khu KTX Mễ Trì với tôi. Phòng tôi, ngoài anh Thuật còn có các anh Vũ Lệnh Năng, Huy Cờ là những người cao tuổi nhưng sống rất hoà đồng và vui vẻ. Đặc biệt anh Thuật và anh Cờ đã phát hiện ra một triết lý rất nổi tiếng về phụ nữ: Cái đẹp là cái to để gieo rắc vào đầu lũ SV trẻ. Lúc đó nghe cũng vui và không biết có đúng hay không? Trần tình cho đến bây giờ tôi vẫn chưa được biết mặt các phu nhân của hai anh. Không biết khi lập gia đình các anh có theo đuổi triết lý về phụ nữ mà mình đã phát minh ra hay không nữa?!

   Năm thứ 4, anh Thuật làm luận văn tốt nghiệp về VH Xô-viết do thầy Huy Liên hướng dẫn. Cuối năm 1976 tốt nghiệp ĐH, đầu 1977 tôi được phân công nhận công tác ở Trường Dự bị Đại học Dân tộc TƯ đóng ở Việt Trì Phú Thọ. Anh Thuật xung phong vào Sài Gòn và quyết tâm làm báo Chính nghĩa, tờ báo của những người công giáo VN vì anh Thuật cũng là người công giáo. Tuy nhiên mộng ước ấy của anh không thành. Tổ chức phân anh vào dạy văn hoá cho một trường chuyên nghiệp ở Quận 3.  Năm 1978, anh Thuật lấy vợ. Vợ anh là con một tư sản người Bắc di cư theo Chúa vào Nam hồi 1954 có gốc gác cùng làng ngoài Bắc với anh. Vợ anh trước giải phóng là nhân viên của sở Mĩ. Một gia đình như thế vào thời kì sau 1975 rất cần tựa vào một ông cán bộ được đào tạo chính qui ở Bắc như anh Thuật để khỏi bị chính quyền dòm ngó. Anh được gia đình vợ hào phóng “biêú” không một căn nhà rất to ở đường CM Tháng Tám thông qua 2 con phố giữa SG để phân tán của cải trong đợt cải tạo công thương sau giải phóng. Nhà anh có 7 phòng cho thuê trọ nên tiền bạc khá rủng rỉnh nếu như không muốn nói là giầu so với các bạn bè cùng khoá đang công tác ở SG lúc bấy giờ. Anh bắt đầu chán việc nhà nước vì đồng lương ít ỏi và cơ bản vì bất đồng chính kiến. Khoảng 1981, anh bỏ việc mua một chiếc xích lô máy chạy dạo ở đất Sài thành cho khác người là chính chứ không phải để kiếm tiền. Về chuyện chạy xích lô của anh Thuật thì bạn bè và cả các thầy dạy anh ai cũng biết. Bởi vì hễ gặp lại bất cứ ai ở Tổng hợp văn vào Sài Gòn anh đều đưa, rước, thăm thú và bao ăn uống miễn phí. Anh coi đó như một nghĩa cử đối với Khoa văn.

   Từ 1982, anh Thuật bắt đầu rẽ hẳn sang một hướng khác xét về quan điểm so với những gì anh đã học được trong sách vở và nhà trường ngoài Bắc. Anh giao du với một số linh mục công giáo ở SG và nói toàn chuyện lề trái. Anh lại viết truyện, cũng toàn truyện lề trái. Sợ liên luỵ nên nhiều người, kể cả bạn bè ít người dám nghe, dám bàn về thời cuộc với anh. Càng không có NXB nào in truyện của anh. Anh đành nhờ “nhà xuất bản mồm” để cho ra đời những đứa con tinh thần của mình.

   Cuối 1987 anh về Bắc chịu tang bố thì vợ và 2 con anh do sợ chính quyền o bế đã thuê một đường dây tổ chức cho vượt biên mà không thông báo gì cho anh. Thuyền gặp nạn giữa biển. Vợ con anh bị bắt vào một trại tị nạn ở Thailand và sau đó buộc phải hồi hương. Về chuyện này, suýt nữa thì anh Thuật mất cả vợ lẫn con, nghĩa là mất cả chì lẫn chài như người ta vẫn nói. Do cú sốc này anh trở nên trầm hơn, buồn hơn và cũng lề trái hơn.

   Năm 1998 tôi có dịp vào SG công tác, tôi nhờ Thông Cào đưa đến gặp anh Thuật. Thật bất ngờ là lúc này anh đã làm xong mọi thủ tục đoàn tụ gia đình ở Mĩ theo cam kết giữa 2 chính phủ. Mĩ cho phép tất cả những ai đã từng phục vụ chính quyền cũ, nhất là các sở Mĩ đều được định cư cùng với gia đình trên đất Mĩ. Anh Thuật, một công dân VN, vì rất nhiều lý do sắp trở thành công dân của Hợp chủng quốc Hoa Kì đó sao? Tôi có hỏi anh dự định sang Mĩ sẽ làm gì? Anh cười và đưa ra một tập bản thảo có tựa đề là “Méo mó” và nói rằng sang đó chỉ để được nói, viết và xuất bản những gì mà mình thích. Tôi có đọc qua tập bản thảo, tôi thấy những điều anh viết không hoàn toàn sai nhưng lúc đó là phạm thượng, là không thể…Chẳng biết giờ đây, sau khi sang Mĩ lâu rồi anh đã in được tập truyện yêu thích của mình ở Mĩ hay chưa, anh Thuật?

   Thông Cào còn kể lại với tôi rằng sau khi đi Mĩ được một thời gian, anh Thuật có gửi bưu điện cho Thông và Nguyễn Thế Hùng (K16) một số tài liệu gì đó nhưng chỉ được một thời gian rồi thôi. Từ đó mọi thông tin về anh Thuật bị gián đoạn và đứt hẳn.

   Con người ta ai cũng có một chân dung dù vui hay buồn. Dựng lại chân dung một thời của các SV Ngữ văn khoá 17 là ôn lại những kỉ niệm xưa cũ nhưng ngọt ngào. Nói như Sánh  đó là Một thời để nhớ!  Vì lẽ đó tôi xin góp mấy dòng về anh Thuật, một SV đặc biệt của khoá 17 mà có lẽ chẳng bao giờ chúng ta còn được gặp anh nữa cho dù anh, có thể vẫn đang sống sờ sờ ra trên thế gian này.
Hà Đông, hè 2012
T.Q.T

4 nhận xét:

  1. Trường, DBĐH, TP.HCMlúc 23:50 18 tháng 7, 2012

    Gửi Bích.
    Anh Thuật lắm khi cực đoan quá. Hồi ấy, bọn mình cứ nghĩ chắc gia đình anh thuộc diện "có vấn đề" nên anh có giọng điệu khác thường thế. Sau này mới hiểu rằng không phải. Có lẽ anh đã "nhìn xuyên sáu cõi" trước bọn mình nhiều. Chỉ tiếc, lâu lắm rồi, không nhận tin tức gì của "đại ca" cả. Nghe đâu, người chỉ trồng rau muống trong vườn nhà thờ mà cũng đủ sống để viết văn tả chân, chứ không đến nỗi như cụ Vũ Trọng Phụng xưa...

    Trả lờiXóa
  2. Cô còn nhớ có lần Thuật tâm sự với cô Thuật là đồng hương của Nam Cao nên lấy bút danh là Nam Sang. Không rõ bút danh ấy có được Thuật sử dụng trong đời văn không nhỉ?

    Trả lờiXóa
  3. Đảng đã cho ta sáng mắt , sáng lòng....

    Trả lờiXóa
  4. cái dáng đi lập cập, nhỏ sắt của anh Thuật ai mà quên được! cầu mong anh vẫn khỏe mạnh và cho ra đời được những đứa con tinh thần của anh. Biết đâu qua bài viết này của Tửu, anh lại lên tiếng!?!và kỷ yếu của K.17 se ấm áp hơn. hiHi!(MD)

    Trả lờiXóa