Trang

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Thoáng Huế

Làm dân xứ này, một đời người mà chưa lần nào đến Huế, quả thật uổng lắm thay.

Mình vừa có dịp làm thân với Huế dù rằng suốt bao hành trình xuyên Việt trước đây cũng đã từng từ nhà ga hỏa xa Huế ngó vào đại nội, ánh mắt thèm thuồng  gửi đi bao nhiêu mơ ước. Nay thì "ta dạo gót trên đường phố Huế", mà những hơn 2 ngày, đầy vồ vập yêu thương. Hai ngày, trong chuỗi nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày kể ra cũng chỉ thoáng chốc, một lát cắt mỏng thôi, vậy mà cũng kha khá vốn liếng đủ cho mình tạo cái nỗi niềm khác về Huế so với nỗi niềm suông khi trước.

Khá khen cho đứa nào nẩy ra ý định tụ bạ K17 ở Huế chứ không phải Hà Nội hoặc nơi chi khác. Mà điều này còn chờ lịch sử phán xét, dù vẫn đang nóng hôi hổi, bởi mình nghe nói (lại nghe nói, suốt đời chết vì nghe nói) nhiều đứa là tác giả bản quyền ý tưởng tuyệt vời ấy. Chả sao, đến ngay chiếc xe tăng nào, 390 hay 843 húc đổ cánh cổng sắt dinh Độc Lập cũng phải mất mấy chục năm mới xác định được rõ ràng mặc dù người húc cổng vẫn còn sống nhăn. Ấy thế, dù một đứa hoặc nhiều đứa là tác giả, kẻ tầm thường là mình cũng cúi đầu bái phục, cám ơn lắm lắm.

Đoàn gồm: Bùi Trọng Cường, Vũ Lệnh Năng, Nguyễn Huy Cờ, Ma Duy Giang, Đặng Quốc Khánh, Trần Ngọc Hồng, Nguyễn Doãn Tấn, Trần Quang Tửu, Nguyễn Khôi, Nguyễn Văn Bảo, Trịnh Xuân Ba, Phạm Xuân Hoàng, Lê Tài Thuận, Trương Đình Chiến, Nguyễn Thông, Nguyễn Thị Bé, Lê Thanh Nga, Nguyễn Thị Nam, Trần Thị Sánh, Nguyễn Thị Hồng, Cao Dung Hòa, Nguyễn Thị Thúy, Đỗ Thị Cúc, Nguyễn Minh Huệ. Chú em Tuấn lái xe của Lilama rất tận tình. Lớp vắng khá nhiều, tuy nhiên đủ cả quân dân chính đảng, nam phụ lão (đếch có ấu), miền ngược miền xuôi. Thằng Bá Tân gọi điện vào bảo bọn này là bọn đi dối già, Chính xác, hi hi.

Khi mình về đến Sài Gòn và gõ những con chữ rì rào này, thì đám bạn K17 đang trên hành trình ngược bắc,
có nhẽ chúng đang rủ rê nhau vào động Thiên Đường. Các ông các bà lên lão cả rồi sao tham thế, Huế chưa đủ là thiên đường hay sao mà còn muốn kéo dài những phút thần tiên. Nhưng các anh ấy và chúng bạn quyết thế cũng phải. Chương trình ghé Quảng Bình đã xếp sẵn nhưng cu Bính nó bận, người nhà nước, người chức việc không tầm thường như chúng mình được, phải thông cảm cho nó, kéo nhau vào Thiên Đường chơi, ngủ lại một đêm, sáng sau về là đúng rồi.

Mình đặt chân lên sân ga Huế đúng giữa chiều 27.7 sau 20 tiếng đồng hồ chen chúc với đám bình dân như mình trên tàu hỏa xuyên Việt. Vui ra phết, nghe đủ thứ chuyện đời. Ai muốn biết dân tình thế thái nghĩ thật thế nào, cứ làm một chuyến tàu toa thường ghế gỗ. Chỉ nhăm nhăm cưỡi tàu bay, nhìn đời sao mà chả đẹp. Cái đẹp mù mờ, phập phào, khiếm khuyết, chông chênh. Mình nghĩ quẩn, giá có thằng bạn làm chủ tịch nước, rủ nó đi một chuyến như thế, chắc làm chuyển biến thứ đầu óc tròn trĩnh của nó, tạo nhiều lợi ích cho quốc gia. Nhưng mình lại đếch có bạn làm to, chơi với toàn đứa như mình, nên quốc gia còn khổ.

Anh Thuận, bác cả Lê Tài Thuận ra đón, gọi điện bảo em là đứa thứ 2 có mặt, sau cái Huệ. Mình cả đời bao giờ chả sau cái Huệ, mà không chỉ cái Huệ, sau và thua tất tần tật, kể cả đám đang ngồi trên xe Lilama đang hùng dũng tiến vào giải phóng Huế kia. Anh Thuận tất tả chạy đôn đáo, lúc đón đứa này, lúc chỉ đường đứa khác, lúc thu xếp chỗ ăn ở, cuối chiều đã hội quân đông đủ. Thằng Phạm Xuân Hoàng người bản xứ cũng chạy qua. Cái khách sạn nho nhỏ Ngọc Bình trong con hẻm đường Nguyễn Tri Phương ồn ào như chợ vỡ. Ông Xuân Ba tìm gọi ông Ma Duy Giang "ải lậc cậc đâu nhỉ" khiến mình chợt nhớ thầy Lê Chí Quế. Có những đứa 37 năm từ ngày ra trường giờ mình mới gặp lại như cái Hồng (Hà Tĩnh), hoặc chỉ đôi ba lần như Cao Dung Hòa, Nguyễn Thị Nam, Nguyễn Văn Bảo. Đứa nào cũng trẻ trung, tươi vui, kệ mẹ sự già. Vắng mấy thằng xộc rãnh Bá Tân, Ngọc Tân, Nguyễn Sĩ Đại, Trần Ngọc Vương, nhất là thằng Bá Tân, mà lão Xuân Ba nhấn mạnh rằng đó là xộc xệch đầu tiên và thiệt thòi đau xót nhất của chuyến gặp mặt chờ chết này.

Anh cả Thuận nhiệt tình lắm, hệt hồi sơ tán ven sông Cầu, cứ chăm chút lo toan từng li từng tí. Xe máy nhoáng cái đã chỗ này chỗ khác, lo cho bạn và mấy đứa em hư. Bác cả huy động luôn chị Tiêu phu nhân vào cuộc. Thằng Trần Quang Tửu và thằng Ba cứ oang oang "phen này thì anh Thuận rước giặc về nhà". Bác Nguyễn Doãn Tấn đếch bình luận gì, rút phắt ống điếu cày (còn mới toe, chắc vừa mua ở chợ Hàng Điếu) nạp cục thuốc Tiên Lãng bắn một phát, thay cho câu giả nhời. Khiếp, bọn con gái đi chơi mà lôi theo lắm đồ nghề phụ tùng, đứa nào đứa nấy túi này giỏ nọ phát ngốt. Chả bù mình, chỉ đánh 2 cơ số, một ngắn một dài, kể cả hai chiếc quần đùi, hành lý cứ nhẹ bỗng.

Đêm đầu tiên 27.7, anh Thuận và Ban tổ chức chiêu đãi món ca Huế trên sông Hương. Tất nhiên là đã ăn tối no nê, đủ thứ bánh nậm, bánh bèo, bún hến... ở cồn Hến buồm giong ngược bến Tuần. Tất nhiên là ngự trên thuyền rồng. Những ai đã nghe ca Huế kiểu này đôi ba lần có thể chán, còn mình lần đầu tiên, thấy được được. Giọng Huế nhẹ như gió thoảng ngoài dòng Hương sóng lăn tăn kia, thật dễ thương. "Vặn đàn mấy tiếng dạo qua/Dẫu chưa nên khúc, tình đà thoảng bay". Tự dưng mình đồng cảm với mấy nàng ca kỹ, biết họ cũng như mình, làm nghề lương thiện để kiếm sống thôi. Mình rụt rè lên tặng nhành hồng nhỏ cho cô gái mang nét mặt u sầu, cô ấy cười nhẹ cám ơn nho nhỏ nhưng đôi mắt vẫn buồn xa xăm. Hình như đó là nét Huế đầu tiên mà mình cảm nhận được.

Chỉ thoáng Huế nhưng kết quả thu về không nhỏ. Ấn tượng nhất là Hương giang. Sông Hương xanh ngắt, trong đẹp đến sững sờ. Mình dám liều mạng tuyên bố đây là dòng sông đẹp nhất nước, và có nhẽ độ sạch cũng nhất nước. Lại nhớ sông Đa Độ quê mình, hồi mình còn nhỏ, tắm sông nhìn thấy tận đáy, nay thì đục ngầu, sủi bọt, kín đặc bèo tây. Hương giang không thế, dường như vẫn thơ hệt dạo thi sĩ Nam Trân viết về nó, cả gần thế kỷ mà chẳng suy suyển gì. Thằng Xuân Ba ngâm thơ Nguyễn Trọng Tạo "Sông Hương hóa rượu ta đến uống/Ta tỉnh, đền đài ngả nghiêng say", sao nó thuộc nhiều, biết nhiều thế, đi đến chỗ nào nó cũng có cái để nói khiến ai cũng thích. Mình cùng nó theo đoàn vào chùa Thiên Mụ, nó cứ vài bước lại kể cho mình nghe thứ này thứ nọ liên quan đến ngôi chùa cổ, lẩn mẩn rờ ngón tay trên mấy cái chữ nho mờ mờ, cắt nghĩa từng chữ (tất nhiên cũng có những chữ nó đếch đọc được) làm mình sướng tê. Thằng này đàn bà thích mà đàn ông cũng thích.

Chùa chiền mình đến và chiêm bái cũng đã nhiều nhưng nếu ngôi chùa nổi tiếng trong văn chương nghệ thuật thì đây là cửa phật thứ hai mà mình đặt bàn chân trần tục. Chùa nhất là chùa Thầy hồi đi bắn đạn thật năm 1974, và nay sau gần 40 năm, nhì là chùa Thiên Mụ. Nghe nhiều về chúa tiên khởi Nguyễn Hoàng khi tránh Trịnh Kiểm, tìm đường mở cõi phía nam, đến vùng Thuận Hóa thì một trong những việc đầu tiên là ngài cho người tìm ngay cuộc đất tốt xây chùa. Mình chả hiểu gì về phong thủy, thậm chí ngay trước nhà mình ở bây giờ có chỗ cứ hễ mưa là đọng nước, phía sau nhà còn cái gốc bàng to cứ khô dần, mình chả biết xử lý thế nào, vậy nhưng coi cái vị trí, thế đất hội tụ sơn thủy của Thiên Mụ tự cũng phải trầm trồ. Ngôi tháp vẻ vang kia, nhà chúa và bao nhiêu bậc quân vương con cháu đã ngước nhìn, lời cầu khấn như còn thấm vào từng viên gạch, nay vẳng ra theo tiếng chuông chiều. Mình sờ vào viên gạch tường tháp trải mưa nắng sương gió đã hơn 400 năm rồi thì thầm với nhà chúa rằng dân tộc mãi mãi biết ơn ngài, con người xuất chúng, đảm lược, anh hùng ạ.

Đoàn trưởng Đặng Quốc Khánh cứ như ông bố của cô bé ngày xưa, trong lúc mình còn đang săm soi xem cụ rùa cõng cái bia ghi những nhời vàng ngọc của quốc chúa Nguyễn Phúc Chu trong nhà lục giác (mình tự tiện đặt là bi lâu- lầu bia) thì nghe cụ ấy giục mọi người nhanh nhanh còn đi xem Hoàng thành, "thầy kêu mau lên nhé/chiều hôm nay ta về". Lúc đi, giáo sư Phạm Xuân Hoàng lấy xe máy chở mình, y vừa đi vừa đóng vai tour guide thổ công xứ Huế khiến mình vỡ ra ối điều, lúc về Hoàng thành bị bác Bùi Trọng Cường giành mất suất. Thì em chiều bác, ngồi xe ô tô chật với lũ con gái sồn sồn cũng có nhiều cái hay.

Nắng Hoàng thành nóng như đổ lửa. Tranh thủ chụp với nhau vài kiểu ảnh. Lần đầu tiên mình chụp riêng với thị Cúc đồng hương. Sao nó hiền thế nhỉ, lúc nào cũng tủm tỉm, chả cãi cọ với ai bao giờ. Cái Thúy cũng đồng hương còn nói này nói kia, hoạt khẩu ra phết (thị là cán bộ phụ nữ, rồi làm tuyên huấn, chả thế thì sao) chứ bạn Cúc không phải không biết nói (từng phó tổng báo quê nhà cơ mà) nhưng ai nói gì nó cũng tha tất, chỉ ban cho nụ cười là xong. Nửa nhóm ngồi lại bên ngoài chờ, nửa nhóm lóc cóc vào coi cung cấm, chỗ ăn nghỉ, làm việc, chơi bời của những bậc đế vương. Mình cũng làm phát vé 50 ngàn, rảo chân nhòm chỗ này một tí chỗ kia một tí rồi theo bác Cờ, bác Giang rút quân. Mai phải ra tiệm ảnh in ảnh cho hai cụ này mới được, đóng gói gửi về Bắc Giang và Thái Nguyên bởi hai cụ là số ít trong lớp (có cả bác Trọng Cường nữa) không thèm văn minh thái tây, cứ nhất khoát không chơi với vi tính, internet.

Cơm trưa no nê xong, đúng 3 giờ chiều từ khách sạn Điện Biên 2 (đổi nơi ở từ bữa qua) ngay đầu cầu Nam Giao, anh Thuận dẫn một nhóm còn háo hức khám phá Huế đi thăm lăng mộ. Hai địa chỉ được chọn là lăng Tự Đức và lăng Khải Định. Bác cả Thuận bảo, với các vua nhà Nguyễn, khi sống thế nào thì lúc về cõi âm cũng vẫn như thế, đủ tất tật mọi thứ. Thăm hai lăng này thôi cũng gần hết buổi chiều rồi, rất tiếc là không viếng thăm lăng vị vua nổi tiếng nhất triều Nguyễn, vua Minh Mạng.

Khiêm lăng, như cái chữ nho ở cổng mà Xuân Ba đọc trệu trạo, phần nào nói lên được bản tính thực con người nằm ở đây. Lăng ông vua hay chữ rộng mênh mông, đi mỏi chân, đủ cả rừng thông, hồ sen, suối róc rách, tường gạch trải mấy trăm năm vẫn chắc nình nịch. Nhà bia nằm ngay phía trước mộ vua. Trần đời, mình chưa thấy tấm bia nào nhớn như thế, sừng sững khối đá xanh núi Nhồi (Thanh Hóa) rộng cỡ vài mét vuông, khắc chữ đủ hai hai mặt, kín đặc những chữ Hán kiểu chân tuyệt đẹp, nhỏ li ti. Tự hỏi người thợ đá hồi ấy mất biết bao năm, bao nhiêu người để làm nên di sản văn hóa lịch sử tuyệt tác này. Đứng trước bia đá, thấy mình đúng là thằng mù chữ, không hơn không kém. Giá có ông bạn Cao Tự Thanh ở đây thì thôi rồi, nó chẳng bỏ sót cột nào, nét nào. Bất giác mình nghĩ, Huế xưa phải thuộc những người như thằng Cao Tự Thanh mới đúng. Quý vật cần quý nhân, loại như mình chỉ làm giá trị của tiền nhân bị rơi vào quên lãng.

Trầm ngâm bên khối đá xanh đồ sộ, nấm mộ bậc quân vương, thêm hiểu chữ Khiêm của vua Tự Đức. Hồi còn bé, đi học chỉ nghe những bản án kết tội ông vua, nào hèn nhát, có tội với dân tộc khi cắt đất cho Pháp, nào xây Vạn Niên bằng xương máu nhân dân, nào đàn áp nhiều cuộc khởi nghĩa... Về sau biết thêm Tự Đức là ông vua hay chữ, giỏi thơ văn, rất nhân tình "đập cổ kính ra tìm lấy bóng/xếp tàn y lại để dành hơi", trọng người tài "Văn như Siêu Quát vô tiền Hán/Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường", nay trước nấm mộ ngài, kẻ hậu sinh cúi đầu nhận ra rằng con người này độc đáo lắm. Mộ phần là những khối đá xanh vuông vức ghép lại, và chỉ có thế thôi, không rồng phượng hoa lá, không ban thờ nghi ngút khói hương. Bậc quân vương có thể tạo cho mình tất cả mọi điều, kể cả ngôi mộ hoành tráng, uy nghi, cực kỳ tốn kém. Nhưng mộ vua Tự Đức, chỉ hơn mộ người bình thường một chút. Và đó là điều vô cùng lớn lao, khác biệt ở ngài. Trong ánh chiều tà, thoang thoảng hương hoa đại, mình nhìn quanh quất, không hề có bóng dáng người bảo vệ trông coi. Một ông vua nằm xuống mà không hề lo sợ kẻ khác phá nơi yên nghỉ của mình, tất không phải ông vua thường, lại càng không phải đối tượng bị đời căm ghét. Lăng mộ dù có to tát hoành tráng, đủ lính canh ban bệ, liệu đã đủ chắc chắn, vững vàng. Có chỗ nằm thiên thu nào chặt vững hơn khi ở trong lòng dân. Bậc quân vương là thế.

Đi trên lối gạch cổ dẫn lên ngôi mộ, tự hỏi mỗi hòn gạch mình đang ướm dấu chân thô kệch của mình lên, nó đã nuốt vào đó biết bao dấu lịch sử, bóng dáng con người. Nghĩ mà rùng mình và cũng là may. Giả sử Huế vô tình nắm trên phần đất bên kia vĩ tuyến 17 thì chả biết lăng mộ phong kiến hoành tráng như thế này có trụ nổi, tồn tại nổi, qua được cái đận bài phong những năm đầu thập niên 60 không nhỉ. Gạch kia, đá kia, gỗ kia có mà xây hàng nghìn cái trại chăn nuôi cũng chả hết. Thì đình làng Trà Phương quê mình đó thôi, bề thế hoành tráng, tuổi mấy trăm năm, chỉ trong 2 ngày mà tan hoang, sạch sành sanh, không để lại chút gì. Nghe nói mấy chục chiếc cột lim hai người ôm cao vút ấy, chả có mấy cái thành chuồng lợn, phần nhớn đã chuyển hóa về đâu thì ai cũng biết.

Xe chạy vòng vèo một hồi tới lăng Khải Định. Nếu lăng vua cụ hoành tráng không gian thì lăng vua cháu bề thế, tinh xảo cực kỳ. Đành rằng đến thời Khải Định, Bảo Đại, việc xây lăng đã nhận được sự hỗ trợ triệt để của khoa học kỹ thuật, nguyên liệu văn minh nhưng dấu ấn rõ nhất vẫn là bàn tay con người. Khiếp thật. Nguyên cả quả đồi biến thành quần thể kiến trúc lăng tẩm. Từng bậc đá, nét chạm khắc, hoa văn, và nhất là những bức tranh tường, ban thờ đồ sộ ghép từ gốm mảnh cứ liền khít khìn khịt, mỗi mảnh một kiểu dáng, màu sắc, to nhỏ khác nhau mà sao tạo nên cái tổng thể tuyệt vời đến thế. Trần Quang Tửu bảo hồi lâu rồi có nghe thầy Hoàng Thiếu Sơn kể, để có đủ mảnh gốm ghép tường lăng vua cha, vua con đã cho nhập biết bao chuyến tàu bát đĩa gốm sứ mới tinh từ Trung Quốc, Pháp, Ý..., đem về đập bể tức thời chứ tuyệt đối không dùng (để khỏi bị ô uế). Hỡi người thợ tài hoa, thân xác các vị có thể tan biến vào cõi vô thường vô thể nhưng tinh thần, tâm hồn của các vị mãi mãi còn đây. Mình cứ hình dung ra cái tình huống bức tranh gốm tường tỉ mỉ, công phu đã gần xong, chỉ còn lắp thêm vài miếng nữa thôi, tìm ra cái miếng hợp màu, hợp cạnh, đúng khổ, đúng dáng để ghép vào cho khít khịt, cho tự nhiên cũng là công trình kể biết mấy mươi. Chứ chả vậy sao.

Chỉ cần sông Hương và quần thể chùa chiền, cung đình, lăng tẩm, nếu biết khai thác hiệu quả, tài tình, triệt để, cố đô chả sợ thiếu nguồn thu từ túi khách phương xa. Mấy bạn mình bảo rằng thu du lịch của Huế còn khiêm tốn lắm. Mình tin điều đó vì nhác thấy cách tổ chức, cách làm vẫn còn đơn giản, thậm chí xuề xòa, thiếu sự bài bản, căn cơ. Nói ra thì sợ làm giảm đi cái lòng yêu Huế nhưng đúng là những nhà quản lý, nhất là người làm du lịch, bảo vệ di sản phải xem xét lại. Chỉ một ví dụ nhỏ thôi nhé: trên lưng con rùa đá đội bia trong tòa lục giác phía đông lối vào chùa Thiên Mụ, cứ mỗi ô mai rùa là bị một nhát khắc tàn bạo ghi tên tuổi, lời này ý nọ của ai đó khi vãng du đây. Chả sót ô nào. Một công trình mỹ thuật sống động, độc đáo, tuyệt mỹ thế mà ố tạp bởi những bàn tay, ý thức trần tục, bôi bẩn qua hết ngày này ngày khác thì rõ ràng việc bảo vệ di sản có vấn đề. Thương con rùa đá, gánh nặng trên lưng không phải là tấm bia chứa những lời vàng ngọc mà chính là những nhát bôi bẩn của kẻ hậu sinh.

Tối 28, cả bọn kéo nhau về thăm nhà anh Thuận chị Tiêu, Anh chị đều đã hưu, các cháu phương trưởng cả, mới làm nhà xong. Nhà đẹp, rộng rãi, thoáng cực kỳ, một chỗ nghỉ ngơi lý tưởng cho người đã bớt sự ham hố với đời. Chúc mừng anh chị. Gớm, cứ nhao nhao thay phiên nhau chụp ảnh với vợ chồng chủ nhà tốt tính, nhân hậu. Xong kéo nhau ra nhà hàng gần đó mà anh Thuận đã đặt trước, ăn uống, hát hò đến tận khuya. Rượu nốc thả cửa. Mình hát một bài, thằng Ba đánh nhịp, đứa nào cũng lắc đầu... khen hay. May mà không có thằng Bính, bởi bài ấy là bài hay hạng nhì ca ngợi quê hương Quảng bọ nhà nó.

6 giờ sáng 29.7, chia tay nhau, ngược bắc xuôi nam. Giờ vui đời có vậy/thoáng ngày vui qua rồi. Suốt đêm hôm trước, đám anh Doãn Tấn, thằng Tửu, thằng Ba phòng bên cạnh cứ rì rầm rì rầm bất tận như xe ta đi trong đêm Trường Sơn. Nói suốt cả ngày, suốt buổi tối, lại gần như nguyên đêm, chuyện gì lắm thế không biết. Tưởng chỉ có phòng 3 lão ấy, sáng hỏi kỹ thì hóa ra phòng nào cũng vậy. Đó là bệnh của người già, người sống bằng quá khứ. Mà quá khứ đẹp đẽ thân thương thế, hai đêm chứ hai trăm đêm để rì rầm cũng đáng.

Chào tạm biệt mọi người. Hầu hết lên đường cùng chú Tuấn tài xế trực chỉ phương bắc, mình và Minh Huệ, Bé, Khôi đi riêng. Ba bạn ấy tiễn mình ra ga xe lửa, xong đi tiếp ra sân bay để về Hà Nội. Mình chào chúng nó, không dám quay đầu lại. Hết vé tàu đi trong ngày, dù tàu nhanh tàu chợ. Mình quyết định ra sân bay. Được nửa đường, thị Huệ gọi hỏi sao rồi. Cái con mụ này, đáng nhẽ nó phải làm bà thủ tướng mới đúng. Nó bảo đi nhanh lên, tao đã đặt vé cho mày rồi, 15 phút nữa là bay. Taxi đến nơi, nó đã chờ sẵn làm thêm tí thủ tục giấy tờ, đưa vé cho mình, giành cả trả tiền. Thế này thì tao sống mấy kiếp mới trả hết nợ cho mày, hả con mụ tốt bụng kia.

Mình tạt qua chỗ Khôi, Bé ngồi chờ chuyến bay, chào chúng nó, lại tất tả lên máy bay. Đúng một tiếng đồng hồ sau có mặt ở Sài Gòn

Thoáng Huế đi qua như một giấc mơ.

29.7.2012
Nguyễn Thông
(bận quá, mai post ảnh)









14 nhận xét:

  1. Bác Thông nói chí phải, từ nam vĩ tuyến 17 trở vào, mới có 9 năm sau cách mạng Tháng 8 mà đã có bao nhiêu đền đài miếu mạo trong vùng cách mạng bị phá hủy, huống hồ một trung tâm đồ sộ của văn hóa phong kiến mà nằm trong tay ta thì làm sao mà tồn tại, đây quả là một sự may mắn (!) của dân tộc.

    Trả lờiXóa
  2. Bác viết hay quá. Tôi là người HUế, đọc bài bác viết, cảm giác Huế đang nuông chiều bá, một người khách phương xa, có tình, có tâm với Huế. Cảm ơn bác. Nguyên.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình lần đầu đến Huế mà cảm giác nặng tình với Huế từ lâu, bác Nguyên ạ. Cám ơn bác.

      Xóa
  3. Đây cũng người Huế bác ơi, và cũng đọc một hơi. Đã bảo trong lớp bác ấy, em biết 1 ít nên cũng đọc luôn xem họ ra răng, Rồi Huế cũng của mình nên cũng đọc xem bác thấy hẳn ra răng. Hè hè, em cũng mới đi dự lớp về, có khi k vui bằng lớp bác, có khi tại vì chưa phải... dối già.

    Trả lờiXóa
  4. Quỹ thời gian còn ít nên phải bộc lộ nhiều, Văn tiên sinh ạ.

    Trả lờiXóa
  5. ai đến huế chả nặng lòng cùng huế
    xa huế rồi... nhớ huế lắm ... huế yêu
    cứ gì một mình anh thông yêu huế đâu, tháng trước tôi ra huế .... huế như chảo lửa , già rồi leo các bậc thềm thăm mộ các vị vua thở cả ra đằng tai mà khi tới trên thềm nơi thờ nhìn cảnh sông hương núi ngự lòng yêu huế quên cả đói , cả nóng gió lào cháy xém da người... hết mệt. thế mới thấy tình yêu quê hương đất nước mình vẫn còn sôi sục , nhìn truyền thống và tinh thần văn hóa của các bậc tiền nhân xưa nay nhìn lại bây giờ nghĩ nhục và buồn , văn hóa nhân cách suy đồi quá , nghĩ thẹn với người xưa

    Trả lờiXóa
  6. Hay nhất của bác Thông bài này; tình, cảnh, tâm... đủ cả dù chỉ là chuyện hội lớp!

    Trả lờiXóa
  7. Bản nha báo bận tý việc
    Thần dân không đến công đường
    Khuya khoắt lòng riêng nhơ nhớ
    Ghé vào bỗng gặp Huế thương .

    Trả lờiXóa
  8. Toàn các cụ 60, 70 tuổi, học với nhau 40 năm mà vẫn tụ tập, đi chơi, hát hò thế là quý quá, hiếm quá các bác ạ. Chúng em cũng học văn đây, nhưng chả bao giờ tụ tập đông đủ và vui vẻ thế. K26

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ơ, thế mi là K26 à, bây giờ làm đâu, nếu ở SG nhớ ghé chỗ anh nhé.

      Xóa
  9. Nếu kể cả các bạn ở Sài Gòn ra, các bạn ở Huế và các bạn gặp dọc đường là 32 người đấy. Như vậy đâu phải là vắng, là ít so với cái tuổi gần đất, xa trời hả Cào?
    Không phải là chuyến đi dối già, cũng không phải là chuyến đi chờ chết như chúng mày nói mà chúng tớ vẫn tiếp tục tổ chức những chuyến đi khác, đi nữa và càng đi càng vui. Không tin Thông cứ hỏi bất kỳ ai tham gia chuyến đi vừa qua sẽ rõ. Sánh

    Trả lờiXóa
  10. Cái Sánh nói chí phải. Chúng tao sẽ còn đi nữa để vui, để cười. Cuối năm nay lại đi, Cào có đi không? Đứa nào không đi là thiệt, là tiếc đấy.

    Trả lờiXóa
  11. ANH NĂNG HAI PHONG e
    GUI CHÚ THÔNG: Anh đã đọc các bài trên blog của chú về khóa 17 Văn, về chuyến đi chơi, anh rất cảm ơn chú. Sắp tới, anh và Thúy, Cúc muốn mời Ban Biên tập Kỷ yếu K17 về HP, để họp thống nhất một số vấn đề trước khi in ấn. Nếu có điều kiện, chú về HP tham dự và thăm gia đình thì tốt biết mấy! Thời gian cụ thể anh sẽ báo chú sau nhé.

    Trả lờiXóa
  12. Thằng Cào nó mải chiến đấu với Tàu và đi với gái nên ko trả lời anh Năng. Để em nhắc nó anh Năng nhé.
    Sánh

    Trả lờiXóa