Như sinh viên các khóa học
trước, sau khi học xong năm thứ nhất, tháng 10.1973, lớp Văn K17 Đại học Tổng hợp Hà Nội được khoa Văn
tổ chức cho đi thực tế, sưu tầm văn học dân gian ở các tỉnh Tây Bắc, Việt Bắc. Chúng
tôi cùng 15 bạn được cử lên Lạng Sơn sưu tầm văn học dân gian của đồng bào dân
tộc Nùng. Mặc dù lúc đó trời chưa rét, song để chống chọi với mùa đông giá lạnh
của miền sơn cước này, mỗi người phải mang theo một chiếc chăn bông. Xuống tàu
ở ga Chi Lăng, 5 anh em gồm Lê Tài Thuận, Bùi Trọng Cường, Ma Duy Giang, Trần
Thị Sánh, Hồ Thu Hiền vai đeo ba lô, tay ôm chiếc chăn to tướng đi bộ dọc theo
đường tàu hỏi thăm về xã Chi Lăng, xóm làng Vặc, số còn lại đi tiếp đến huyện
Cao Lộc. Chi Lăng là một trong những địa danh nổi tiếng với các di tích lịch sử
như ải Chi Lăng, núi Yên Ngựa và cũng là nơi sinh sống của đồng bào Tày, Nùng,
cách thị xã Lạng Sơn khoảng gần 30 km.
Sau gần một tiếng đi bộ, rẽ
xuống con đường mòn, men theo một con suối nhỏ nước chảy róc rách, hai bên cỏ
cây um tùm, dân cư thưa thớt, chúng tôi cũng đến được nhà ông chủ tịch xã. Do
đã liên hệ trước nên Sánh và Hiền được phân công về ở nhà bác Nông Văn Lầm (đội
trưởng đội sản xuất), còn Giang và Thuận, Cường về ở một gia đình khác, cách
nhà bác Lầm chừng 300m. Khác với nhà sàn của đồng bào Thái, Mèo ở trên rẻo cao,
người Nùng không ở nhà sàn mà làm nhà giống như người Kinh. Nhà thường chia làm
hai phòng và được ngăn sơ sài bằng một tấm liếp tre. Phòng ngoài vừa ở vừa tiếp khách, còn phòng trong thường
là nơi ở của vợ chồng chủ nhà. Nhà của hai gia đình cho chúng tôi ở cũng vậy:
nhà tranh, vách đất, chật chội, đông con, song chủ nhà đã đón tiếp chúng tôi
niềm nở và dành chiếc phản gỗ to nhất ở phòng ngoài cho khách.
Ải lậc cậc Ma Duy Giang thăm Hoàng thành Huế, tháng 7.2012
Việc đầu tiên trong chuyến đi
thực tế này của chúng tôi là tìm hiểu phong tục, tập quán và làm quen với bà
con trong xã. Tuy vậy, đang là lúc mùa màng bận rộn, ban ngày hầu hết người dân
đều lên nương, lên rẫy, ra đồng nên rất ít khi chúng tôi gặp được mặc dù truyện
cổ và dân ca của bà con ở đây khá phong phú. Là người dân tộc Tày ở Thái Nguyên
nên phần nào tôi (Giang) hiểu được phong tục, tập quán của người Nùng. Vì vậy,
tôi bàn với cả nhóm phải bắt chước bộ đội sống 3 cùng với dân “cùng ăn, cùng ở,
cùng làm việc” thì mới lấy được lòng tin và uy tín của họ. Tranh thủ những lúc
rảnh rỗi, chúng tôi thường ra vườn tưới rau, thái sắn, lên nương bẻ ngô, hái
măng cùng chủ nhà. Mặc dù ít tuổi nhưng Sánh, Hiền cũng có sáng kiến phối hợp
với Đoàn Thanh niên xã tổ chức sinh hoạt cho các em thiếu nhi vào buổi tối, kết
hợp dạy các em học chữ, làm toán và hát. Vậy là cứ 7 giờ tối, bài hát “Việt Bắc
nhớ Bác Hồ” mở đầu cho buổi sinh hoạt lại được các em ngân nga theo Sánh và
Hiền.
Rừng núi quê ta đẹp mùa xuân
nắng chan hòa.
Thẳng đường xe bon qua bản
mới.
Nghe suối hát ngàn năm khúc
nhạc yêu thương.
Rừng xanh ngô lúa phơi vàng
đồi nương.
Sau mỗi tối như vậy, do Hiền
và Sánh sợ ma nên tôi thường rọi đèn pin đưa hai bạn về. Trước khi vào nhà, tôi
cẩn thận hỏi: Có đi tiểu không? Nếu hai bạn bảo: Có. Tôi liền tắt đèn. Hai bạn
bảo: Xong rồi, tôi lại dọi đèn cho hai bạn vào nhà, rồi mới về. Đêm tối, núi
rừng âm u, Sánh và Hiền rất hay hỏi: Anh Giang ơi, liệu có bị ma bắt hay ma
chài không? Tôi bảo: Có, nếu ai vi phạm đến phong tục, tập quán thì bị ma chài,
ma bắt đấy. Từ đó các bạn gái càng sợ, không dám đi đâu nếu không có mấy anh em
chúng tôi.
Mặc dù vậy, gần hai tuần trôi
qua, việc sưu tầm dân ca của chúng tôi vẫn chưa đạt yêu cầu. Trong khi cả đoàn
lo lắng, tìm mọi cách để tiếp cận dân thì có một chuyện may mắn xảy ra. Đó là
việc cháu Nông Văn Nhỏ, con trai duy nhất của ông chủ nhà Nông Văn Lầm bị sốt
cao, nằm lì bì cả ngày, không ăn uống gì cả. Vợ chồng bác Lầm lo lắng cho con
uống thuốc nam (lá cây), song cháu vẫn không đỡ. Bác Lầm nghi Nhỏ bị con ma làm
nên bảo tôi cùng con gái lớn của bác là Nông Thị Lúc cùng Sánh, Hiền đi đón
thầy mo về cúng. Lội qua một con suối sang bờ bên kia, chúng tôi dò dẫm trong
đêm tối giữa mênh mang núi rừng tìm nhà thầy mo. Thỉnh thoảng tôi tắt đèn pin,
dọa ma làm Sánh và Hiền cứ bám chặt lấy hai tay tôi như đang dẫn giải tội phạm.
Quay về cùng thầy mo, tôi
thấy một con gà trống to cùng đĩa xôi trắng đặt trên chiếc mâm gỗ. Thầy mo trùm
chiếc khăn đỏ, đầu lắc lắc, quay quay gầm rú lúc to, lúc nhỏ nghe rất ghê sợ.
Trong khi Sánh và Hiền sợ sệt đứng nép vào cánh cửa theo dõi nghi lễ cúng ma
thì tôi phân công anh Thuận ghi chép lại toàn bộ quy trình cúng của thầy mo,
nhưng bí mật không cho chủ nhà biết. 5 giờ sáng, thằng bé vẫn sốt cao, tôi đi
xe đạp gần 20 km đến thị trấn Đồng Mỏ mua thuốc. Ngày đấy thuốc hiếm nên chỉ mua
được 10 viên giảm sốt, 10 viên thuốc cảm. Có thuốc rồi, nhưng làm thế nào để
cho thằng bé uống thuốc mới là vấn đề nan giải bởi theo phong tục thầy mo đang
cúng ma không được cho người bệnh uống thuốc. Tôi bèn nghĩ ra cách, lấy nước
cháo hòa với thuốc và đường cho thằng bé uống. Một tiếng sau, cu Nhỏ giảm sốt,
ngồi dậy và đòi ăn. Thầy mo bảo đã bắt được con ma rồi và hạ mâm để thầy mang thịt
gà về. Chúng tôi khoái quá, nhìn nhau cười nhưng không ai dám cười to.
Lúc đưa thầy mo về nhà, tôi
hỏi: “Thầy dạy cháu bùa bắt ma nhé”. Thầy bảo: “Ở miền xuôi làm gì có ma, có
bắt thì bắt con gái ấy”… Đến trưa, tôi lại lấy thuốc cho Nhỏ uống và lúc ấy vợ
chồng bác chủ nhà mới biết chúng tôi cho con bác uống thuốc cảm cúm và giảm
sốt. Bác Lầm nhìn chúng tôi từ ngơ ngác chuyển sang tin cậy. Tôi bảo: Ở quê
cháu vừa cúng ma, vừa cho uống thuốc thì người bệnh chóng khỏi.
Sau lần đó, gia đình bác Lầm
và bà con trong xóm, trong xã rất tin yêu và tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp
cận với những người biết nhiều truyện cổ, dân ca, những người biết hát shi, hát
lượn. Với vai trò đội trưởng sản xuất, bác Lầm còn đưa chúng tôi đến gặp ông
Nông Văn Hòa, người cao tuổi nhất trong xã và cũng là người thuộc nhiều shi,
lượn. Sau 10 ngày, chúng tôi không chỉ có trong tay mấy quyển sổ ghi chép dày
đặc các truyện cổ, dân ca của đồng bào dân tộc Nùng Lạng Sơn mà còn thuộc khá
nhiều làn điệu shi, lượn.
Vượt kế hoạch, đoàn chúng tôi
rút về hang Nhị Thanh, nơi sơ tán của Sở Văn hóa tỉnh Lạng Sơn để viết bài tổng
kết và đính chính tư liệu đã sưu tầm được trong sự lưu luyến, nhớ thương của bà
con nơi đây, nhất là gia đình bác Lầm. Sánh tặng lại thằng Nhỏ chiếc bát ăn cơm
bằng sắt tráng men màu xanh của bộ đội và sau này còn nhiều lần viết thư thăm
hỏi họ. Có lần, bác Lầm còn gửi cho anh em chúng tôi mấy cân miến dong do chính
vợ bác làm.
Đến năm cuối khóa học, tôi
xin thầy Lê Chí Quế (giảng dạy văn học dân gian) làm luận văn tốt nghiệp về đề
tài dân ca dân tộc Nùng. Được thầy đồng ý, tôi khoác ba lô trở lại làng Vặc,
gặp lại những người quen cũ để sưu tầm cho đủ các thể loại dân ca của người
Nùng Phàn Sình. Do có lòng tin và tình cảm của đồng bào từ trước nên chỉ trong
vòng một tháng tôi đã có đầy đủ các bài hát shi (dân ca Nùng Phàn Sình). Điều
quý nhất là tôi đã có được bài hát shi cúng người chết do ông thầy mo cung cấp.
Bài shi này gần như chưa phổ biến và rất ít người biết.
Luận văn tốt nghiệp của tôi
với tiêu đề “Shi - Tiếng hát trữ tình của người Nùng Phàn Sình” với 500 trang
tư liệu sưu tầm và biên dịch đã được Hội đồng bảo vệ tốt nghiệp đánh giá xuất
sắc. Thầy Lê Chí Quế cho biết luận văn và tài liệu chúng tôi sưu tầm và biên
dịch đến nay vẫn được các sinh viên các khóa sau tham khảo và sử dụng.
Bây giờ, mỗi lần gặp nhau, 4
anh em chúng tôi (riêng Hiền sống ở Ba Lan nên ít gặp) thường nhắc lại những kỷ
niệm ngọt ngào, khó quên ấy và hẹn nhau sẽ trở lại thăm bác Lầm, thăm làng Vặc
và những người dân miền sơn cước nghèo khó nhưng đậm đà chất dân gian và nghĩa tình
ấy.
Thu 2012
Ma Duy Giang-Trần Thị Sánh
Trời ơi, hồi các anh chị học hay thế, được đi thực tế, được đi sưu tầm văn hóa dân gian và được học các thầy cô giáo giỏi, tâm huyết. Vì vậy, ngày ấy ai ra trường rồi làm báo cũng giỏi, chuyên nghiệp. Em ngưỡng mộ K17 quá.
Trả lờiXóaĐỗ Thị Thúy Lan - K26 Văn
Cám ơn nhé.
XóaBài viết cho chúng tôi hiểu thêm về sinh viên Văn khoa, bây giờ không được như vậy đâu. Toàn day chay thôi, chất lượng sinh viên kém lắm. Cảm ơn các anh chị K17.
Trả lờiXóaTHK - Báo Thời báo Doanh nhân
Nhưng chân họ (SV nữ) bây giờ dài hơn. Nhân vô thập toàn mà.
XóaThế mà ngày ấy anh Giang không làm thịt Sánh và Hiền nhỉ? Con con mồi đều ngon lành, sao anh ấy hèn thế, như ta đây thì không cho chúng nó thoát hi hi ha ha
Trả lờiXóaTT K17
Thằng kia, sao mày biết lão Giang chưa làm gì. Sói chả bao giờ chê cừu, nhất lại là cừu non. Tao thì tao nghĩ, cừu Sánh nói với sói Giang: anh sói ơi, ăn thịt em đi.
XóaThông Cào nói náo nhé. Ngày đấy ai cũng vô tư, hồn nhiên chứ không như Cào nghĩ đâu. Mình và Hiền coi các anh ấy như anh mình,các anh ấy cũng coi bọn mình như em. Sao Cào không đưa ảnh anh Giang lên nhỉ?
XóaSánh và Hiền
Ừ sao hai con nó bám hai tay mà lại để yên nhỉ? Hay bác Giang không có khả năng ấy?
XóaAnh Giang hai vợ, cái khoản đấy rất hăng giống như Cụ Phidden ấy. Đừng coi thương anh ấy.
XóaNT - K17
Bài viết cho tôi hiểu về một thế hệ sinh viên trong trẻo, được đào tạo bài bản, chính quy. Vì vậy chất lượng sinh viên khác hẳn bây giờ. Các anh chị K17 sống hay quá, tuyệt quá. Càng đọc càng thấy quý.
Trả lờiXóaĐỗ Thu Trang - K 27 Báo Thời báo Doanh nhân
K17 chào K27 nhé.
XóaSao các bạn đi thực tế ở Việt bắc viết bài,còn các bạn đi thực tế ở Tây bắc không thấy ai viết nhỉ?
Trả lờiXóaDH - K17
Đúng là một thời để nhớ, để yêu. Tôi ao ước được quay lại thời ấy.
Trả lờiXóaThành Tâm báo Quân đội
Bốc thơm nhau quá.
cẩn thận kẻo hỏng khứu giác
Nghe giọng văn là biết ai là tác giả hai câu trên. Lại giọng châm chọc bạn bè rồi, xấu tính quá, không nên thế.
XóaSao không dám ghi tên thật đi.
Tác giả
Mình là người Tày ở Đồng Mỏ và tốt nghiệp phổ thông năm 1972 cùng các bác Giang-Sánh đây, chỉ có điều mình là dân kỹ thuật. Xin đính chính một tẹo về địa lý: ga Chi Lăng cách Đồng Mỏ 8 km và cách thị xã Lạng Sơn 44 km.
Trả lờiXóaCảm ơn bác người Tày, quê ở Đồng Mỏ. Hồi về Chi Lăng, bọn mình mới 19 tuổi nên không nhớ kỹ. Chỉ nhớ rằng đi xe đạp từ Chí Lăng lên Đồng Mỏ và Lạng Sơn mua gạo và thức ăn xa lắm, song ko biết cụ thể là bao nhiêu cây số. Khi in vào cuốn kỷ yếu của lớp, bọn mình sẽ sửa.
Trả lờiXóaQuê bạn thật đẹp, người dân nghĩa tình nhưng vẫn còn nghèo lắm. Rất mong được quay trở lại nơi đây.
Tác giả bài báo
Nếu có dịp - mời các bác lên Chi Lăng thăm lại kỷ niệm xưa. Hoặc nếu tình cờ đi ngang qua ĐH Kiến Trúc HN thì mời các bác rẽ vào Khoa Xây dựng hàn huyên - cả trường chỉ nhõn 1 GV người dân tộc thiểu số thôi. Rất hân hạnh.
Trả lờiXóaVâng cảm ơn lời mời của bạn. Cuối năm nay họp lớp nhân kỷ niệm 40 năm vào đại học bọn mình sẽ đến thăm ĐH Kiến trúc, Khoa Xây dựng nhé. Hy vọng gặp bạn. Bạn cho biết quý danh nhé. Thân mến
Trả lờiXóaTrần Thị Sánh, K17 Văn - ĐT 0903230005
Đọc bài H2 cảm động quá .Lại đang mừng vì vừa biết tin bệnh viện chẩn nhầm bệnh anh G (nghe tin anh G bệnh khóc mấy lần đấy ).Anh G và S nhớ nhiều chi tiết .Kỷ niệm ùa về...Còn nhớ có chủ nhật cả nhóm rủ nhau đi chơi chợ .Đi dọc đường tầu hàng tiếng vẫn chưa tới .Đi mãi mỏi chân ,S và H2 cứ tụt lai lại phía sau .Hội con trai vừa đi vừa phải chờ ,động viên :"sắp tới rồi ,chỉ tí nữa là tới...".Hai nàng tưởng thật hăng hái đi tiếp .Mấy lần bị ăn quả lừa ,hai nàng sinh ì ,ngồi ăn vạ bên đường không đi nữa .Anh Thuận ,anh Cường (anh G về vối vợ) quay lai hái quả lạc tiên dại bên dường cả hội cùng ăn .Anh Cường nảy ý sáng tác chuyện cổ tích: 4 đứa chết đi ,nơi đây mọc lên 4 cây lạc tiên.Đời sau ai qua nơi này thấy 4 cây ...Sau câu chuyệ đó cả hội đi 1 mạch tới chợ.Bốn mỏ khoét thả phanh ăn bánh rán ,mía ...rồi lại đi bộ về.
Trả lờiXóaÔi nhớ cả đội quá .Một thời đẹp đẽ ,trong trẻo đã qua .