1. Đó là chùa Trà Phương, tên chữ là Thiên Phúc tự, tại thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, H.Kiến Thụy, TP.Hải Phòng.
Theo sử sách ghi chép, chùa được xây dựng từ thời nhà Lý, do dựng trên một gò đất vắng vẻ, cây cối rậm rạp, cách xa chốn quần cư nên ban sơ có tên chùa Bà Đanh. Điều này được chứng minh rất rõ qua những di vật còn sót lại, trong đó có 3 chân cột bằng đá xanh tảng vuông vức, mỗi cạnh khoảng 60 cm, điêu khắc hoa sen mang phong cách đặc trưng của kiến trúc-điêu khắc thời Lý, và một vế đối chữ Hán còn lưu trong chùa “Lý triều khai sáng danh lam cựu” (Triều Lý đã khai mở danh lam này). Năm 2010 tôi về viếng chùa Trà Phương vẫn nhìn thấy những tảng đá khắc hoa sen cực kỳ quý giá ấy nhưng bị nhà chùa vứt bỏ lăn lóc ngoài vườn, chỉ lo nhỡ có thằng trộm nào đánh xe bò đến khênh đi thì mất toi báu vật.
Năm 1527 xã hội loạn lạc, triều đình suy vong, Mạc Đăng Dung phế truất nhà Lê lập ra nhà Mạc. Sau khi lên ngôi, vua ban chiếu cho phép trùng tu lại chùa Bà Đanh, nơi từng cứu mạng ngài trong một lần bị truy sát thuở hàn vi. Và một lẽ khác nữa bởi Trà Phương là quê hương của bà Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ vua Mạc Đăng Dung. Dân gian lưu truyền “Cổ Trai đế vương, Trà Hương công chúa” (thời nhà Nguyễn do phạm húy nên Hương bị đổi thành Phương), làng Cổ Trai quê Mạc Đăng Dung cách làng Trà khoảng 3 cây số đường chim bay. Kể từ đó chùa có tên mới do vua ban thành Thiên Phúc tự, không chỉ trùng tu mà còn mở rộng, xây thêm nhiều hợp phần mới. Trên tấm bia đá “Tu tạo Bà Đanh tự” được khắc vào đời Mạc Mậu Hợp, Thuần Phúc sơ niên 1562 ghi rõ đây là đợt trùng tu rất quy mô, khiến chùa Trà Phương thành trung tâm Phật giáo lớn vùng duyên hải, góp phần quan trọng việc chấn hưng và phát triển đạo Phật mấy tỉnh xứ Đông. Sau khi nhà Lê trung hưng, đánh đổ nhà Mạc, tướng Trịnh Tùng nhà Lê đã sai quân lính phá hủy tàn khốc những công trình kiến trúc ghi dấu ấn triều cũ trên đất Dương Kinh, chùa Trà Phương cũng không tránh khỏi nạn binh đao trả thù. Suốt gần 4 thế kỷ nữa, Thiên Phúc tự ngày càng đổ nát, mãi đến năm 1936 thời Nguyễn chùa mới được tu bổ xây dựng lại, với những công trình chính gồm tòa điện phật-tam bảo 5 gian 2 chái kèm hậu cung, nhà tổ, nhà khách, nhà bia, cổng chùa… trên khuôn viên rộng hơn 6 ha. Hiện nhà chùa còn lưu giữ nhiều văn vật vô giá, đặc sắc về điêu khắc, kiến trúc, như 2 bức tượng đá Hoàng đế Mạc Đăng Dung và Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, đôi sấu đá, các tấm bi ký đều tạc từ thế kỷ 16, chân đá tảng hoa sen từ thời nhà Lý, các kiến trúc đậm dấu ấn phong cách thời Mạc, Nguyễn. Năm 2007, chùa Trà Phương được Bộ Văn hóa-thông tin trao bằng xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Chùa Trà Phương ngày nay vừa là một di tích lịch sử-văn hóa, vừa đóng vai trò một bảo tàng nghệ thuật thời Mạc ít nơi nào có được.
2. Điều không ngờ, mặc dù là công trình văn hóa kiến trúc xếp hạng quốc gia nhưng sự quản lý lại hết sức lỏng lẻo. Gần như người ta giao phó hẳn cho ni sư Trang trụ trì toàn quyền quyết định, đến mức nhà chùa muốn làm gì thì làm. Ngôi chùa cổ kể từ đợt trùng tu đầu thế kỷ 20 đến nay tuy có không ít hạng mục xuống cấp theo thời gian nhưng về cơ bản vẫn chắc chắn với những hàng cột lim to cao bóng lưỡng, tường đá xây bằng vôi mật trải bao nắng mưa vẫn chắc nình nịch. Những cây nhãn cổ thụ hơn 400 năm tuổi tuy xác xơ hơn hồi xưa vẫn tỏa bóng xanh trùm lên mái ngói cổ. Nhưng vị ni sư Trang trụ trì dường như thấy sự xưa cũ ấy kém giá trị, muốn làm lại tất tật theo phong trào chùa to tượng lớn, muốn bê tông hóa di sản. Điều lạ nữa ở chỗ chính quyền xã Thụy Hương đã đồng ý với “cuộc cách mạng chùa” đó mà không hề tham khảo ý kiến các cơ quan quản lý văn hóa hoặc báo cáo lên cấp trên. Bằng chứng là họ nhiệt tình tham gia vào lễ động thổ xây chùa mới, còn lãnh đạo huyện lúc người dân cấp báo về vụ việc thì hoàn toàn không biết gì. Khi được hỏi về cách thức xử lý ngôi chùa cổ, ni sư Trang trụ trì đã không ngần ngại cho biết sẽ phá tất bởi trên một khuôn viên không thể tồn tại 2 ngôi chùa. Và nhà chùa lách rất “khéo” bằng cách tạo ra sự đã rồi, đi trước một bước qua việc chủ động xây hàng trăm mét tường bao bằng đá dầy dặn, cao khoảng 3 mét bọc quanh phía tây và nam chùa. Nhiều người dân thôn Trà Phương và thôn Phương Đôi mà tôi gặp đã nhăn nhó, cấm cẳn “chùa chiền gì nhìn vào cứ như cái nhà tù”. Thật tiếc cho cảnh quan một thời đã là niềm tự hào của vùng đất duyên hải rộng lớn này. Khi tôi còn đi học ở ngôi trường cấp 2 gần đó, chỉ cần nhìn qua khoảng cánh đồng nhỏ đã thấy khuôn viên chùa Trà, bao bọc quanh chùa là hàng tre hàng ruối xanh mát, xén vuông chằn chặn, bên trong cây cối tươi tốt như một khu bảo tồn thực vật, thấp thoáng mái ngói vảy nâu bền dấu thời gian, cửa chùa lúc nào cũng rộng mở. Nay thì đập vào mắt là khối tường xù xì lực lưỡng, thô kệch hơn cả tường nhà giam khiến không ai dám nghĩ bên trong lại có một ngôi chùa.
Theo điều 34 luật Di sản văn hóa, “việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải được dựng thành dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải bảo đảm giữ gìn tối đa những yếu tố của di tích”. Hình như ni sư Trang trụ trì chùa Trà Phương và chính quyền xã Thụy Hương không quan tâm đến luật này nên mới quyết định làm lễ động thổ xây dựng chùa mới to lớn hoành tráng hơn. Lễ được tiến hành sáng 16.4.2012 nhưng điều may mắn là những người am hiểu luật Di sản, thấy được sự vô giá của ngôi chùa cổ ngàn năm lịch sử, đã gọi điện ngay cho mấy vị lãnh đạo chính quyền huyện. Đích thân ông Nguyễn Duy Bình - Chủ tịch UBND H.Kiến Thụy đã lắng nghe, hứa chắc như đinh đóng cột việc cử ngay người xem xét vụ việc. Vì vậy dù lễ động thổ đã diễn ra nhưng việc thi công bị tạm dừng ngay, chờ các cấp có thẩm quyền giải quyết.
Những ngày cuối tháng 7 âm lịch này, ai có dịp đi ngang chùa sẽ chứng kiến khung cảnh cả bên trong lẫn xung quanh chùa ngổn ngang như công trường, không chút dáng vẻ gì chốn thiền môn, nhìn mà nao lòng. Nhiều người dân địa phương rất bất bình, nói rằng nhà chùa vẫn âm thầm xúc tiến, thục hiện cho bằng được việc xây chùa mới. Mặc dù huyện đã chỉ đạo ngưng nhưng nhà chùa vẫn tiếp tục xây nốt bức tường đá cao phía bắc lối vào chùa khiến con đường nhỏ xinh xắn giống hệt lối vào nhà giam. Phải chăng họ muốn thách thức cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhân dân địa phương? Có nhẽ T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chính quyền huyện Kiến Thụy và TP Hải Phòng cũng như cơ quan bảo vệ di sản văn hóa quốc gia cần tỏ động thái rõ ràng, dứt khoát trong việc bảo vệ một ngôi chùa nghìn năm tuổi; đừng để xảy tiếp cái sự đã rồi, đừng để khó xử như vụ chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) hoặc đình Ngu Nhuế (Hưng Yên) vừa qua. Đến lúc ấy có cố mấy chăng nữa cũng chỉ là vớt vát, chữa cháy mà thôi.
Các cụ cao tuổi kể lại
chùa Trà Phương có chiếc chuông cực quý đúc từ thời nhà Mạc, trong lần trùng tu
lớn thế kỷ 16. Sử sách ghi tiếng chuông vang xa cả chục dặm. Riêng tôi hồi còn
nhỏ tiếng chuông chùa mỗi chiều ngân vang, vừa trong vắt vừa ấm áp đã thành kỷ
niệm khó quên, có lần ở xa mấy cây số vẫn nghe vọng âm vang chuông chùa Trà.
Sau khi gác chuông bị hư hỏng, chuông được đem treo vào gian phật điện nhưng có
dư luận rằng đó không phải chuông quý cũ mà là chuông mới, tiếng không vang
không vọng, chỉ cách vài trăm mét đã không nghe được âm. Hình như người ta đổi chuông, đem chuông cũ đi đâu không rõ. Chả biết có phải
vậy không? Còn cây si cổ thụ ở bờ ao chùa, cây móng rồng ở khu mộ tháp có tuổi
hàng trăm năm cũng không cánh mà bay.
Rằm tháng bảy Nhâm Thìn 2012
NGUYỄN THÔNG
Dưới đây là một vài bức ảnh về cảnh chùa:
Chùa cổ dưới vòm nhãn đại thụ
Đường vào chùa
Chân cột bằng đá tảng điêu khắc hoa sen, có từ thời nhà Lý, di vật cổ nhất hiện còn
Cổng chùa
Nhà tổ và trai phòng
Khu lăng mộ tổ với những cây đại cả trăm tuổi
Nhãn cổ thụ trong vườn chùa
Khách đi lễ chùa
Bức tường đá đang được xây bao bọc toàn khuôn viên khu chùa
Đêm trước lễ động thổ xây chùa mới
Đọc bài viết của bác Thông xong nhìn bà vợ người Thụy Hương,Trà Phương mà thấy toát lên cái vẻ kiêu sa,tha thướt...tướt mồ hôi hột.Xứ sinh ra công chúa...hoàng hậu có khác thảo nào cứ có vấn đề gì trục trặc trong gia đình tui lai an ủi mình là"Số mình có phúc mới lấy được hậu duệ mấy mươi đời công chúa nhà Mạc,chứ đâu phải ai cũng có cái diễm ấy đâu."Thế là quên phắt chuyện lọ,chuyện chai...toàn tâm toàn ý phụng sự vợ con không mảy may lăn tăn hối tiếc...hoan hô bác Thông!OK Mt THONG!THANK...
Trả lờiXóaĐã gọi là di sản quý hiếm, thì phải bảo vệ và trùng tu, chứ sao lại phá đi và xây mới? Việc này chẳng khác gì "bắn đại bác vào quá khứ". Đề nghị lãnh đạo TP. Hải Phòng sớm có những hành động kiên quyết để cứu sống ngôi chùa!
Trả lờiXóaBài này bác không đăng được trên báo Thanh niên mà đăng trên Blog ư! Nghĩ đến bức tường lòng buồn và thấy kẻ chủ trương, kẻ đồng ý cho xây tường định phá chùa cổ, chúng là lũ quỷ, chắc Thái Hoàng Thái Hậu cho chúng lời khuyên vì Người đã thành Bồ Tát, còn ông thông nên gửi trực tiếp bài này cho Thựơng tọa Thích Quảng Tùng trưởng ban giáo dục tăng ni Hội phật giáo Hải Phòng và các cơ quan chức năng của TP Hải Phong & huyện Kiến Thụy mới có hiệu quả vì một số quan ta có máy ai xem blog, mong ông bớt chút công và thời gian cho việc bảo vệ di sản văn hóa. Đồng thời thể hiện dũng khí trước thói hư tật xấu của người đời, nếu không chỉ các người xem Blog biết thì tác dụng của bài viết hạn chế và phí công của ông?
Trả lờiXóaÔNG EM NHẮC NHỞ ÔNG ANH
Trả lờiXóaCỐ BẢO VỆ CHỐN"BÀ ĐANH"CHÙA LÀNG
ÔNG ANH CHẮC ĐÃ SẴN SÀNG
HAY CÒN BẬN CHỬA NGÓ NGÀNG LỜI EM?
Lời một cán bộ văn hóa (xin giấu tên):
Trả lờiXóaCCCP- Các chú cứ phá đi, vì đây là tàn dư của chế độ phong kiến, phải xóa sạch! Đất nước hòa bình, thống nhất rồi, mọi thứ cần được xây dựng lại đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Đừng tiếc một di tích đã có mấy trăm năm tuổi. Mấy trăm năm nữa, chùa mới lại có tuổi mấy trăm năm thôi mà!...
Làng Trà tôi có núi đôi.
Trả lờiXóaĐa Độ uốn khúc nước trong đôi bờ
Chùa Thiên Phúc lo bị phá
Đình làng ta đó ngày xưa đâu còn.
-Đề nghị bác Thông tìm hiểu viết bài về ngôi đình làng Trà đã bị phá vào năm 1966
-Cần phải ngăn chặn bọn vô văn hóa đang phá hoại văn hóa,kiến trúc,lịch sử dân tộc
-Đừng để chùa Thiên Phúc cùng chung số phận ngôi chùa trăm gian nghìn tuổi ở Hà Nội nhé.
Hôm nay Tôi mới đọc bài (cứu chùa Trà phương ) của Nguyễn Thông thấy thật buồn nhìn cảnh chùa ( bao giờ trở lại ngày xưa ) Đúng là một lũ ngu từ ô Trưởng làng đến Cán bộ địa phương xã mặc kệ ni cô Trang muốn làm gì thì làm , muốn phá cứ phá , sao chúng lại ngỗ ngược như thế được , ô Trưởng làng suôt ngày ăn cơm thịt chó và hưởng lộc do NC Trang ban phúc thì còn gì để mà nói vì mồm ông ta đã ngậm chặt rồi , và Tôi đề nghi Ông Nguyễn Thông viết bài về sư Trang đề nghị Hội phật giáo HP không cho NC Trang chủ trì chùa này nữa nhìn cảnh chùa bây giờ nó đã được bê tông hóa, tường bao như ( nhà tù)không hiểu về sau này chúng để sx Heerooin hay cái gì khác . NC Trang xây tường bao vững chắc như vậy để giữ của chùa thế mà tất cả những thứ quý giá nhất của chùa thì bị mất cắp hết . (Đúng là tất cả loại giá áo túi cơm) đề nghị HPGHP xem xét lại ni cô Trang này .
Trả lờiXóa