Trang

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Mình vì mọi người ở Miến Điện

"Mình vì mọi người", câu khẩu hiệu ấy còn một vế nữa "mọi người vì mình", được coi là thuộc sở hữu, bản quyền của cách mạng, tôi nghe từ hồi còn bé tí. Cụ Hồ hay nhắc đến câu này để răn dạy cán bộ. Những bức tường ở miền Bắc hồi xưa nhan nhản khẩu hiệu, trong đó câu trên được kẻ vẽ nhiều nhất.

Đã có thời, xa lắm rồi, nhiều cán bộ đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo cấp cao nói riêng, thực sự sống theo phương châm "mình vì mọi người". Khi còn tại vị, họ là tấm gương, khi qua đời, họ được người dân thương tiếc ca ngợi. Giờ thì hiếm lắm. Tiếc thay.

Hôm nay bất chợt đọc cái tin giải thưởng hòa giải hòa hợp Trần Nhân Tông được Viện Trần Nhân Tông (Đại học Harvard, Mỹ) trao cho hai nhà lãnh đạo Myanmar (Miến Điện): tổng thống U Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi. Lại nhớ dạo cách đây chưa lâu người xứ ta rất coi thường Miến Điện, họa chăng chỉ có khen gạo Miến Điện trắng ngon. Mà người Việt ta lạ thật, dù mình chưa là cái đinh gì trên bản đồ thế giới nhưng rất giỏi coi thường người khác. Họ chẳng thèm nhớ xứ Miến ấy từng có cả Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc U Thant chắc ghế suốt 10 năm trời (1961-1971), xứ Miến hồi giữa thế kỷ trước đã có những năm tháng phát triển rất ấn tượng khi ta chỉ mải đánh nhau. Xứ Miến không may khi nảy nòi ra bộ máy độc tài chuyên chế cầm quyền, nhà binh hóa gần như trăm phần trăm đội ngũ lãnh đạo. Chính quyền kiểu gì mà toàn những thống chế, tướng lĩnh, mở miệng ra là thét gào trừng trị, bắn giết, mỗi lần động chân động tay là lũ lượt dân
chúng vào tù. Cả nước như chốn lao tù. Giới quân nhân hoành hành biến đất phật Miến Điện xinh đẹp, hiền lành thành nơi cả thế giới khinh ghét, coi thường. Ở Miến Điện không có trời bởi giới quân nhân cầm quyền là trời. Cao hơn trời, to hơn trời, vững như bàn thạch không gì lay chuyển được. Vì vậy Miến Điện cứ thế tụt hậu, ai cũng nghĩ là vô phương cứu chữa. Thủ tướng nhà ta còn cầm lòng không đậu đã sang khuyên bảo họ điều này điều nọ, rằng nên học Việt Nam. Kể ra lằng nhằng thế để thấy rằng có những thứ tưởng đổ bê tông chắc khừ, nhất thành bất biến, bất di bất dịch, vậy mà đổi thay, thay trong phút chốc, thay đến kỳ diệu, lạ lùng.

Có mấy ai dám hình dung ra ngày chính quyền quân sự Miến Điện sẽ hồi lại tâm tính, thức tỉnh bước khỏi cơn mê quyền lực, dám hy sinh chính mình để vì quyền lợi dân tộc. Không nghĩ có ngày họ lại chịu bắt tay San Suu Kyi kẻ thù không đội trời chung. Độc tài chuyên chế mà lại cùng chiếu với dân chủ ư? Chuyện lạ. Vậy mà họ làm được, làm nhanh, làm tốt. Tổ chức bầu cử tự do, tôn trọng đảng phái đối lập, chấp nhận San Suu Kyi đắc cử, thả ào ạt tù chính trị, cho phép tự do ngôn luận tự do báo chí... Bầu trời Miến Điện trở nên tươi sáng, xã hội Miến Điện thoát khỏi sự ngột ngạt, con người Miến Điện được làm quen với tự do. Một cuộc cách mạng thật sự, không gây chết chóc đau thương, mở ra tương lai tốt đẹp cho xứ này. Tại sao họ làm được như thế? Một người bạn tôi bảo vì xứ Miến Điện thấm nhuần tinh thần Phật giáo, dù có thời điểm nào đó bị thế lực hắc ám thống trị nhưng căn bản tâm hồn con người Miến Điện vẫn là hòa hợp, hòa giải, yêu thương, từ bi hỉ xả. Điều đó chẳng sai, nhất là trên đất nước mà đạo Phật là quốc giáo. Riêng tôi còn thấy rằng, một nguyên nhân rất quan trọng là những người cầm quyền đã giác ngộ thực sự, biết quên mình đi, biết "mình vì mọi người". Họ không thèm hô khẩu hiệu ấy nhưng lời nói, việc làm, nghĩ suy của họ thấm nhuần tinh thần "vì mọi người". Không đăng đàn diễn thuyết, không hình thức tổ chức học tập làm theo này nọ, không xảo trá nói một đằng làm một nẻo, không trát phấn tô son cho cái lỗi thời, rác rưởi. Họ xóa bỏ hận thù, chặt bớt cái tôi to đùng trong mỗi con người, sẵn sàng phục thiện, sẵn sàng nhận lỗi xin lỗi, sẵn sàng tôn vinh "kẻ thù" nếu "kẻ thù" hay hơn, tốt hơn, được lòng dân hơn mình.

Chưa dám khẳng định Miến Điện đã qua cơn tăm tối, đã hết bĩ cực để vào thái lai. Nhưng Miến Điện đang tràn đầy hy vọng. Hạnh phúc không ở ngưỡng cửa nữa mà đã lan tỏa trong nhà. Tôi đồ rằng những nhà thông thái của ủy ban xét tặng giải thưởng hòa bình Nobel Na Uy chắc chẳng ngại ngần gì mà không ghi tên ngài tổng thống Thein Sein vào danh sách, đưa vào top 10, top 5 hoặc vào chung kết. Nếu giây phút xướng danh, tên của vị thống chế ghê gớm ngày nào được hô lên thì chắc những người yêu hòa bình, hòa giải, hòa hợp trên trái đất này cũng chả lấy làm ngạc nhiên. Bởi vì ông hoàn toàn xứng đáng. Sau giải Nobel hòa bình của San Suu Kyi, thêm giải nữa cho Miến Điện, cho Thein Sein, ai dám bảo là không nào.

Học người để sửa mình. Nay để học, chả cần xuống tàu bến Nhà rồng đi Âu-Mỹ làm chi cho xa, cứ bước vài bước qua xứ Miến đã khối điều hay. Mới hôm nào mình (cứ tưởng mình giỏi mình tài) khuyên bảo họ, nay họ làm tốt hơn, sang mà học. Lẽ thường, chả có gì xấu hổ.

Cơ bản là có muốn học hay không, có muốn "mình vì mọi người" hay không? Hay chỉ muốn kẻ khẩu hiệu trên tường?

23.9.2012, ngày Nam bộ kháng chiến
Nguyễn Thông

20 nhận xét:

  1. Nói nên còn thì giờ đâu làm,làm thì còn thì giờ đâu nói!!XHCN là những đất nước chuyên khẩu hiệu!

    Trả lờiXóa
  2. Đối với những ai chỉ muốn hãnh diện qua bóng đá thì đội bóng Miến Điện thời đó gần như bậc nhất khắp vùng Đông Nam Á.

    Trả lờiXóa
  3. Bác Lê Đức Thọ nhà ta còn được thì Thein Sein rất có hy vọng

    Trả lờiXóa
  4. Những kẻ cầm quyền sáng suốt như ở chế độ ta, luôn coi mình là "đỉnh cao trí tuệ" (vượn) thì học ai,họ không học mình thì thôi, anh lại khuyên ta đi học chúng.Rõ là phản động

    Trả lờiXóa
  5. Bác Thông viết "bình luận chính trị" (à quên "bình luận xã hội") nhẹ nhàng mà ... hay.

    (ờ mà "vấn đề chính trị" và "vấn đề xã hội" khác nhau thế nào hở bác Thông ? Hihi)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì là xã hội thôi, chả chơi với chính trị, chết có ngày.
      Cám ơn bác đã động viên.

      Xóa
    2. Đừng dính vào chính trị, nguy hiểm lắm . Chuyện chính trị ấy à, nhà nước và đảng nói thế nào ta nghe thế ấy thôi, đừng bàn tán lung tung kẻo lôi thôi có ngày . Cũng đừng bàn chuyện "nhạy cảm", đừng bàn chuyện Trung Quốc, đừng bàn chuyện Công an, đừng bàn chuyện người chết, đừng bàn chuyện biển đảo, đừng bàn chuyện vật giá và kinh tế, đừng bàn chuyện giáo dục, đừng bàn chuyện thuế mà hãy nghĩ đóng thuế là iu nước, đóng càng nhiều càng iu nhiều, đừng bàn chuyện giải tỏa đất đai, đừng bàn chuyện tham nhũng, đừng bàn chuyện đảng viên và trẻ vị thành niên, đừng bàn chuyện tự do, đừng bàn tư tưởng, cũng đừng bàn chuyện dân chủ -cấm tiệt đề tài này . Đúng hơn, ta phải quên, xem như những việc trên không tồn tại ở đất nước ta .

      Ta có thể bàn những chuyện sau đây: thể thao, leo cột mỡ, hút bàn đèn, ăn gì chơi ai, làm giàu, thơ về thiên nhiên, về tình yêu, ta có thể bàn về Lolita, ta có thể bàn về người mẫu -đúng hơn là những gì đáng lẽ ra phải che giấu của người mẫu, ta có thể bàn về khoái cảm nhục dục -bàn càng nhiều càng tốt, ta có thể bàn về các mưu chước kiếm tiền, về các chiêu cưa gái, càng nhanh và càng trẻ càng tốt, ta có thể bàn về các loại rượu, về các loại rượu vua và các đẳng cấp thưởng thức rượu, ta có thể bàn về các món ăn từ vài trăm đô trở lên cho tới khi chủ đề đó lại trở thành nhạy cảm .

      Thái độ duy nhất đúng hiện nay là khi đọc tin về lũ đang giết hại người dân, tự dưng thấy cầm lòng không được nên phải đi đóng góp tiền xây dựng bảo tàng nghìn tỷ .

      Xóa
  6. Một bài viết quá hay. Ưu tiên dành cho mấy bề trên đỉnh cao đọc và ngẫm...Cám ơn anh Nguyễn Thông !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ, cám ơn sự chiếu cố (đọc và khen) của bác, hì hì.

      Xóa
  7. Ban lãnh đạo độc tài quân sự trước đây của Myanmar tuy không thể chấp nhận được nhưng họ không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ chủ thuyết nào (một thời gian rất ngắn họ gọi là XHCN nhưng sau đó bỏ ngay) mà họ vẫn chịu ảnh hưởng rất lớn của đạo phật nên họ đã thắng chính bản thân mình để từ bỏ độc tài quân phiệt trả lại dân chủ, tự do cho nhân dân.

    Còn những nước độc tài chịu ảnh hưởng của học thuyết nào đó hay chế độ gia đình trị thì họ có chết cũng không từ bỏ quyền lực.

    Chúng ta đang chứng kiến việc này xảy ra trên thế giới. Nhưng cuối cùng các chế độ độc tài dù là tập thể, cá nhân hay gia đình trị cũng đều bị nhân dân lật đổ và lịch sử lên án.

    Trả lờiXóa
  8. Thực ra câu nói "mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người" được nói đến từ Thế kỷ XIX, trong tiểu thuyết "Ba chàng pháo thủ ngự lâm" của nhà văn Alecxandr Duymas. Trong truyện, D'Artagnan và ba chàng ngự lâm pháo thủ thường xuyên hát câu "mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người" (nhất là phim do Liên-xô làm) và họ cũng thực hiện tốt phương châm đó.

    Trả lờiXóa
  9. X.H.C.N là một đoàn tàu mà 95 phần trăm công suất dành cho còi

    Trả lờiXóa
  10. Cứ thấy cung cúc sang Trung Quốc tìm đường... Quàng bụi rậm.

    Trả lờiXóa
  11. Quân phiệt MĐ có gì ghê gớm lắm đâu mà ai cũng nói quá. Bao nhiêu năm cầm quyền có ai dám làm mẻ viên gạch nào của chùa, nhà thờ MĐ đâu ? Các đ/c quân nhân bên ấy còn phải học tập và làm theo đảng ta nhiều!

    Trả lờiXóa
  12. Dạo còn nhỏ bị nhồi sọ rằng một người dân Thuỵ Điển hay Na Uy gì đấy mơ ước sáng hôm sau tỉnh dậy trở thành người Việt Nam, thế là thấy tự hào lắm. Rồi lớn lên, có dịp được sang châu Âu, nhìn cách cư xử của người Việt và người Nhật khác nhau thế nào, thấy dân bản xứ kính nể người Nhật và khinh rẻ người Việt ra sao thì lại muốn trở thành người Nhật. Bây giờ thì chỉ ước mơ được là người Cam Pu Chia thôi hay Miến Điện thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sao nặc danh09:32 không ước mơ làm người Trung quốc có phải oai hơn không?Nhất cử lưỡng tiện không?

      Xóa
  13. Tin nóng: Chủ trang Trương Duy Nhất đang vinh dự được công an điều tra lý lịch nội, ngoại. Không biết bao giờ đến lượt Thongcao55.blogspot đây?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ai bảo Nhất dám có góc nhìn khác, như vậy là thiếu sự đồng thuận, lập trường chính trị của Nhất không vững vàng - Sau đợt này liệu Nhất có dám nhìn góc nhìn khác không

      Xóa
  14. Lý do của thay đổi ở Miến Điện là đây

    http://www.youtube.com/watch?v=24zPJe3Fgwc

    Bác nào biết tiếng u, phụ đề tiếng Việt rồi bót lại lên youtube cho mọi người thưởng lãm .

    Trả lờiXóa
  15. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa