Trang

Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Ngày 2.9, đọc lại Phùng Quán viết về Nguyễn Hữu Đang

Giới thiệu:
Nguyễn Hữu Đang là tên tuổi lớn, một nhân cách cực lớn. Ông tham gia phong trào yêu nước rất sớm, được cụ Hồ tin cậy giao cho việc chủ trì (trưởng ban) tổ chức lễ độc lập 2.9.1945 (cụ Hồ bảo "có khó mới giao cho chú"); một trong những người đứng đầu Nhân văn giai phẩm, chịu mức án cao nhất khi đảng và nhà nước do ông góp phần xây dựng nên xử vụ án tai tiếng này. Suốt 15 năm ông bị đầy ải biệt giam ở nhà tù tuốt tận vùng núi cao Đồng Văn, Hà Giang (từ 1958 đến 1973) đến nỗi không hề biết miền Bắc có chiến tranh; rồi được thả mà không có tự do, bị đưa về quê Thái Bình quản thúc gần 20 năm trời. Ông mất tháng 2.2007 tại Hà Nội, tang lễ của ông cũng bị "người ta" làm khó dễ.

Nguyễn Hữu Đang là một tấn bi kịch thời đại, đầy rẫy oan khiên, nhưng cho đến giờ vẫn chưa có ai đứng đầu nhà nước này, đảng cầm quyền này nhận lỗi trước linh hồn ông (cũng như các ông Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Trần Dần...).

Cách nay vài năm, tôi có dịp trò chuyện với nhà văn lão thành Thái Vũ (tên thật Bùi Quang Đoài, thời ấy cụ là sinh viên, đệ tử của các thầy Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh) cũng bị lên bờ xuống ruộng khi "người ta" quy kết cho Thái Vũ tội tham gia Nhân văn giai phẩm. Ông Thái Vũ bảo các nhà văn bị xử lý oan sai đều sẵn lòng tha thứ cho chính quyền bởi họ là những tâm hồn độ lượng nhưng chính quyền này thì chưa biết bao giờ mới hết xóa bỏ hận thù.

Bài viết dưới đây của nhà văn Phùng Quán, một đàn em, người gần gũi với Nguyễn Hữu Đang, đủ cho chúng ta độ tin cậy về sự thật lịch sử, về con người Nguyễn Hữu Đang, chủ yếu trong thời gian ông bị quản thúc chặt chẽ ở quê nhà. Chúng ta chưa có tư liệu nào về thời gian Nguyễn Hữu Đang chịu án tại Hà Giang, ngoài một vài trang nhắc đến ông trong tập hồi ký Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên, Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn (cả hai tác giả đều từng được đảng ưu ái cho ăn cơm tù chốn Đồng Văn). Giam cầm một người tài giỏi như ông Nguyễn Hữu Đang suốt 15 năm để con người ấy không phát huy được gì phục vụ cho nhân dân, đất nước, đó là tội ác, cần phải lên án mạnh mẽ. Ai muốn biết thêm về Nguyễn Hữu Đang, có thể đọc thêm bản báo cáo của nhà văn Lê Hoài Nguyên, tức đại tá A25 Thái Kế Toại, người được coi là hiểu và đánh giá công bằng nhất về Nhân văn giai phẩm.

Bài của nhà văn Phùng Quán được đăng lần đầu trên Talawas năm 1993 sau khi báo Văn nghệ không chịu đăng.

Những ngày cuối năm, tìm thăm người dựng lễ đài tuyên ngôn độc lập (trích)
PHÙNG QUÁN


...Anh Nguyễn Hữu Đang thì tôi được biết mặt từ mấy chục năm trước, nhưng rất ít khi được chuyện trò với anh. Mỗi lần tôi được anh hỏi chuyện, tôi bối rối, sướng mê người, đầu không khiến mà chân cứ rụt về tư thế đứng nghiêm, như ngày còn làm trinh sát mỗi lần được Chính ủy Sư đoàn hỏi chuyện. Tôi nghĩ bụng: Tôi là cái thá gì mà được một người như Nguyễn Hữu Đang hỏi chuyện? Nguyễn Hữu Đang, người tham gia hoạt động cách mạng từ khi tôi chưa đẻ; nhà hoạt động báo chí công khai của Đảng cùng thời với Trường Chinh, Trần Huy Liệu; một trong những người tổ chức và lãnh đạo chủ chốt của Hội Truyền bá Quốc ngữ cùng thời với Phan Thanh, cụ Nguyễn Văn Tố. Một trong những người sáng lập và tổ chức Hội Văn hoá Cứu quốc cùng với Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi. Và cuối cùng là Trưởng ban Tổ chức ngày Đại lễ của Đất nước: 2-9-1945.

Cách đây khoảng mười lăm năm, anh từ cao nguyên Hà Giang trở về, tá túc tại quê nhà. Hàng năm vào dịp giáp Tết, lại thấy anh đáo lên Hà Nội trên chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô (cũ). Anh mang đến cho mấy bạn cũ mỗi người một cân gạo nếp. Một lần tôi cũng được anh cho một cân. Tôi cảm động và ngạc nhiên hỏi anh:
“Anh kiếm đâu ra gạo nếp mà cho chúng em thế?”. Anh cười: “Mình sống ở nông thôn cũng phong lưu ra phết. Không những có gạo nếp biếu bạn, lại còn có cả thóc và rơm cho nông dân vay”. - “Hiện nay anh đang làm gì ở dưới đó?”. “Mình nghiên cứu Lão Trang và dịch lại cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên xô qua bản tiếng Pháp. Đối chiếu thấy bản dịch đã in sai nhiều quá” .

Hai năm trở lại đây không thấy anh lên Hà Nội nữa. Mấy anh em quen cũ chúng tôi hỏi nhau:
“Không biết anh Đang có gặp chuyện gì trắc trở dưới đó không?”.

Nỗi lo lắng này thường xuyên ám ảnh tôi. Nhân thể tôi muốn tìm hiểu về công trình Lễ đài Độc lập, năm đó tôi nhất quyết phải về thăm anh, mặc dầu đã gần giáp Tết. Tôi nói khó với vợ:
“Em bớt cho anh một phần lương hưu tháng này; lấy tiền tàu xe, ăn đường, về Thái Bình tìm thăm anh Đang...” “Nhưng tết nhất đến nơi rồi, chờ ra giêng anh đi có được không?”. “Anh bỗng nhiên thấy nóng ruột quá... đợi đến ra giêng e chậm mất. Anh Đang đã gần cái tuổi tám mươi, mà lại một thân một mình...”. “Anh có biết địa chỉ của anh Đang không?”. “Anh chỉ biết anh ấy ở Thái Bình, địa chỉ cụ thể thì không biết”. “Cả cái tỉnh Thái Bình rộng mênh mông với hơn hai triệu dân, không có địa chỉ cụ thể làm sao anh tìm được?”. “Trời đất! Một người như anh Nguyễn Hữu Đang thì anh tin rằng về dưới đó hỏi đứa con nít nó cũng biết”. Vợ tôi đành trao cho tôi nửa số tiền lương hưu tháng cuối năm vừa lĩnh, với vẻ mặt nhẫn nhịn của người vợ phải trao cả một nửa sản nghiệp cho chồng tiêu hoang vào một việc không đâu! Tôi vội nhét mấy tờ giấy bạc vào túi, nhảy lên xe đạp, cắm đầu đạp thẳng ra ga vì sợ vợ thay đổi ý kiến.

Vừa đi tàu, vừa ô-tô, xe đạp... sáng 26 Tết, tôi có mặt tại thị xã Thái Bình. Để đỡ bớt thì giờ tìm kiếm, tôi hỏi đường đến Sở văn hóa và Hội văn nghệ tỉnh, hỏi địa chỉ của anh. Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy nhiều anh chị em cán bộ ở hai cơ quan này không biết Nguyễn Hữu Đang là ai. Có vài người biết nhưng lại rất lơ mơ:
“Hình như ông ta ở Quỳnh Phụ, Kiến Xương hay Tiền Hải gì đó...”. Ở Hội văn nghệ tỉnh, tôi làm quen với một nhà thơ trẻ. Khi biết rõ ý định của tôi, anh hăng hái nói: “Cháu sẽ đưa chú ra cái quán thịt chó, ở đó thường có mấy anh cán bộ về hưu, (chắc sẽ hỏi ra”. Đến quán thịt chó, tôi đành móc) số tiền còm cõi trong túi, gọi một đĩa thịt chó luộc và hai chén rượu cho phải phép. Đợi chừng nửa tiếng, có một người đứng tuổi để chiếc xe cúp trước cửa, đi vào quán. Nhà thơ trẻ bật dậy nói với tôi: “Ông này ở cơ quan an ninh tỉnh, hỏi chắc biết”. Tôi vội níu tay anh lại, dặn nhỏ: “Cậu đừng giới thiệu mình là ai, sẽ rách việc”. “Biết rồi, biết rồi, chú không phải dặn”. Anh bạn trẻ đi đến gặp anh ta, nói cái gì đó, và chỉ tay về phía tôi. Anh cán bộ an ninh tươi cười bắt tay tôi, ngồi đối diện và niềm nở hỏi: “Xin lỗi cụ, năm nay cụ hưởng thọ bao nhiêu tuổi ạ?”. Tôi đoán chắc anh ta thấy tôi ăn vận nhếch nhác – áo quần bà ba nâu, chân dép lốp – râu tóc bạc trắng, nên hỏi vậy. Tôi liền nói phứa lên: “Cám ơn đồng chí – tôi cười – cũng thất thập cổ lai hi rồi đồng chí ạ”. “Trước cụ công tác ở đâu ạ?”. “Tôi làm thường trực cho một cơ quan thương nghiệp trên Hà Nội... về hưu đã gần chục năm rồi”. “Cụ là thế nào với ông Nguyễn Hữu Đang ạ?”. “Tôi có quen biết gì ông ta đâu. Thậm chí cũng chưa biết mặt. Chẳng là ở tổ hưu của tôi có một cụ nghe đâu hồi bí mật cùng hoạt động với ông ta. Biết tin tôi về thăm đứa cháu họ công tác giáo viên ở Quỳnh Côi, ông cụ gửi tôi mười ngàn bạc để biếu ông ấy, mà giao hẹn phải đưa tận tay. Tôi tưởng ông ấy ở thị xã, hỏi loanh quanh mãi không ai biết...”. Anh cán bộ cười: “Ông ấy đâu có ở thị xã. Hiện ông ấy đang ở thôn Trà Vỵ, xã Vũ Công, huyện Kiến Xương... cách đây gần hai chục cây số. Ngược gió này mà cụ đạp xe về đó cũng vất vả đấy...”. Thấy tôi chăm chú lắng nghe, anh cán bộ trở nên cởi mở: “Nói để cụ biết, trước kia cái ông Đang ấy cũng là người hoạt động cách mạng có tên tuổi... Nhưng rồi ông ta giở chứng, làm báo làm văn chống đối Đảng và Nhà nước, bị xử phạt 15 năm tù ngồi, đưa lên giam trên trại tù Hà Giang. Mãn hạn tù, ông ta xin về cư trú tại quê quán. Tuy vậy (cách đây mấy năm ông Đang này tự tiện đi) sang Nam Định không có giấy đi đường, đến nhà một đối tượng mà công an đang theo dõi. Công an hai tỉnh liền phối hợp, hỏi giấy tờ đi đường của ông ta, rồi bắt giam giữ bốn tháng ở nhà lao hai tỉnh để cảnh cáo, và tổ chức khám nhà. Sau đó thả cho về...”. Tôi tỏ ý sợ hãi gãi đầu gãi tai: “Chà... biết rắc rối thế này thì tôi chẳng gặp ông ấy nữa... đem tiền về trả lại thôi...”. Anh cán bộ xuê xoa: “Không sao đâu cụ ạ, chính sách của ta bây giờ là đổi mới tư duy. Nghe đâu trên cũng đang sửa soạn cho ông ấy được hưởng lương hưu. Nếu cụ muốn về thăm ông ấy, cứ việc về. Tôi sẽ chỉ đường cho cụ”. Anh cán bộ chấm ngón tay vào li rượu, vẽ lên mặt bàn, chỉ vẽ cho tôi rất cặn kẽ con đường từ thị xã về chỗ anh Đang tá túc. Tôi đứng lên rối rít cảm ơn anh...
*
Con đường đá mười mấy cây số chi chít ổ gà. Gió cuối đông buốt như kim châm táp thẳng vào mặt. Nhưng vừa đạp xe tôi vừa nghĩ ngợi miên man về sự thăng trầm của những kiếp người tình nguyện dấn thân vì nghĩa lớn, nên con đường cũng như bớt xa... Đến chỗ ngã ba rẽ vào trường phổ thông cấp I, II xã Vũ Công – Nơi anh Đang tá túc – tôi vào cái quán bên đường uống li rượu cho ấm bụng. Ông cụ chủ quán khi biết tôi từ Hà Nội về tìm thăm anh Đang, rót rượu tràn li và nói: “Ông ấy thỉnh thoảng vẫn ngang qua đấy, tôi đều mời vào uống nước. Ông ấy tằn tiện khét tiếng cái xã Vũ Công này. Mới cách đây dăm hôm, ông ấy đèo sau xe cái rỏ tre ràng buộc rất kỹ. Ông ấy kể với tôi tối qua bắt được con rắn gì dữ lắm, phun phè phè bò vào nhà mình. Định làm thịt ăn nhưng tiếc, chở lên chợ bán cho một tay buôn rắn độc, kiếm lấy mấy nghìn mua mấy lạng mỡ lá...”. Tôi bật phì cười: “Ông ấy bây giờ lại thêm cái tài bắt rắn độc, mà mất công đạp xe mini những mười mấy cây số để đổi lấy mấy lạng mỡ lá... Vui thật! Tôi có người bạn làm thơ tên là Tuân Nguyễn, chết lâu rồi, làm câu thơ nghe thật vô nghĩa, nhưng cứ bất chợt hiện ra trong trí nhớ tôi: Cuộc đời vui quá không buồn được!”. Ông chủ quán rót thêm li rượu nữa, giọng hào hiệp: “Li này tôi đãi cụ!... Mà khổ, ông ấy có bán được đâu. Chiều tối ông ấy đạp xe về phàn nàn: nó không chịu mua, nó bảo loại rắn này không nằm trong bộ tam xà!”. Tôi cười ngất.

Anh Đang ở gian đầu hồi cái nhà bếp của khu tập thể giáo viên, trước mặt là ao cá Bác Hồ của xã. Đứng bên kia bờ ao, một cô giáo chỉ cho tôi: “
Bác ấy đang ngồi ở bậc cầu ao kia kìa! Đang cọ rửa cái gì mà chăm chú thế không biết...”. Tôi dắt xe đạp qua sân trường, vòng ra sát sau lưng anh. Anh đang dùng nắm rơm cọ rửa những viên gạch vỡ đôi, xếp thành chồng cao cạnh chỗ ngồi. Tôi đứng lặng nhìn anh. Đầu anh đội cái mũ cối méo mó, khoác cái ruột áo bông thủng be bét, quần lao động màu cháo lòng, hai ống chân ôm vòng hai dây cao su đen nom như vòng cùm sắt; chắc hẳn để nhét hai ống quần vào đó chống rét, lưng anh khòng hình chữ C viết nghiêng... Tôi chợt nhớ cách đây rất lâu, tôi được nghe những người cùng thời với anh kể. Hồi Mặt trận Bình dân, Nguyễn Hữu Đang là cán bộ Đảng được cử ra hoạt động công khai, ăn vận sang trọng như công tử loại một của Hà thành, thắt cà vạt đỏ chói, đi khắp Trung Nam Bắc diễn thuyết, oai phong, hùng biện, tuyên truyền cách mạng... Mỗi lần cách mạng cần tiền để hoạt động, Nguyễn Hữu Đang có thể đến bất kì một nhà tư sản Hà Nội nào giàu có, vay vàng, tiền. Mà những người này trao vàng, tiền cho anh đều không đòi hỏi một thứ giấy tờ gì, vì họ tin sâu sắc rằng trao vàng, tiền cho anh là trao tận tay cho cách mạng... Và bây giờ, anh ngồi đó, gần tám chục tuổi, không vợ, không con, không cửa không nhà, lưng khòng chữ C viết nghiêng, tỉ mỉ cọ rửa những viên gạch vỡ - chẳng hiểu để làm gì – như người bõ già trong truyện „Hương cuội“ của Nguyễn Tuân cọ rửa những viên cuội trắng để tẩm kẹo mạch nha vào dịp tất niên... Miên man nghĩ như vậy và tôi bật phì cười... “Anh Đang!”, tôi nghẹn ngào gọi. Anh quay lại, chớp chớp mắt, răng vàng sỉn, cùn mòn gần nửa vì năm tháng... “Phùng Quán! Chú về đây từ lúc nào thế?”. Hai anh em chúng tôi ôm chặt nhau giữa bậc cầu ao. Và cả hai gương mặt già nua phút chốc đẫm lệ...
*
Cái chái bếp căn hộ độc thân của anh rộng chỉ khoảng 5 mét vuông, chật kín những tư trang, đồ đạc. Mấy cây sào ngọn tre gác dọc ngang sát mái, treo vắt cả chục cái khăn mặt rách xơ như giẻ lau bát, áo may-ô thủng nát, quần lao động vá víu. Cạp quần đeo lủng lẳng một chùm lục lạc làm bằng vỏ hộp dầu cao Sao vàng xuyên thủng, buộc dây thép, bên trong có hòn sỏi nhỏ. Đụng vào, chùm lục lạc rung lên leng keng, nghe rất vui tai. Sau đó tôi được anh giải thích tác dụng của chùm lục lạc: Đi lại trong đường làng những đêm tối trời, anh thường bị cánh thanh niên đi xe đạp, xe máy phóng ẩu đâm sầm vào, làm anh ngã trẹo tay, sầy gối. Học tập sáng kiến của đồng bào các dân tộc ở Việt Bắc, treo mõ vào cổ trâu – trâu gõ mõ, chó leo thang – anh Đang chế chùm lục lạc đeo vào cạp quần, báo hiệu có người để họ tránh xe. Tác dụng thứ hai, quan trọng không kém... Mỗi lần đạp xe trên đường vắng, nghe tiếng lục lạc loong coong ngang thắt lưng, tự nhiên cảm thấy đỡ cô độc. Chính giữa gian chái kê cái tủ gỗ tạp nhỏ, hai cánh mọt ruỗng không khép kín được, khoá một chiếc khoá lớn như khoá nhà kho. Trên nóc tủ, xếp một chồng mũ cối, mũ vải, mũ lá mà ở Hà Nội người ta thường quẳng vào các đống rác. Cạnh tủ là một cái giường cá nhân, bốn chân giường được thống cố thêm bốn chồng gạch. Trên giường một đống chăn bông trần rách thủng, và một xấp quần áo cũ làm gối.... Sát chân giường kê chiếc bàn xiêu vẹo chỉ có hai chân, hai chân kia được thay bằng hai sợi dây thép buộc treo vào tường. Anh nói, giọng Lão Trang: “Một cái bàn bốn chân là một con vật. Khi nó chỉ còn hai chân nó là một con người”. Trên mặt bàn xếp kín các chai lọ, vỏ đồ hộp, hai (... mất nửa dòng...) vài con dao làm bằng mẩu (... mất một dòng...) thuyết minh viên giới thiệu hiện vật trong bảo tàng nghệ thuật: “Nó là loại gạch nung rất già, gần đạt tới tiêu chuẩn của sành sứ cổ, sức nặng và độ bền của nó làm cho các loại chuột, mối, dán phải vị nể”. Bây giờ tôi mới hiểu anh cọ rửa những viên gạch vỡ để làm gì. Dưới gầm bàn là mấy chục đôi dép cao su hư nát, đứt quai, được bó thành từng bó, hai cái vại muối dưa rạn nứt, sứt miệng, một đống bản lề cửa, sắt vụn, đinh còng queo, mẩu dây thép han rỉ... Tất cả những đồ lề đó, phủ lên một lớp bụi tro... Lúc tôi bước vào, gian buồng mờ mịt khói. Anh giải thích: “Giờ này các cô giáo nấu ăn. Bếp tập thể ở sát bên kia tường. Tôi đã trộn rơm với bùn trát những khe hở sát mái, nhưng khói vẫn cứ lọt sang – anh cười - Chịu khói một chút nhưng cũng có cái lợi. Thỉnh thoảng lại được ngửi mùi xào nấu lẫn với khói, cái mũi được bồi dưỡng. Trong việc dở nào cũng có việc hay, và ngược lại”. “Để em đạp xe ra chợ mua cái gì về ăn”. “Thôi khỏi cần. Chú về chơi hôm nay là rất gặp may. Sáng nay tôi vừa chế biến được một mẻ thức ăn ngon vô địch. Chú nếm rồi sẽ biết. Cơm cũng có sẵn rồi. Tôi mới nấu lúc sáng, ủ vào lồng ủ rơm, còn nóng nguyên. À, tôi lại có cả rượu cho chú, rượu cam hẳn hoi, quà của Hội Nhà văn gửi biếu vào dịp Tết năm ngoái... Tôi chỉ mới mời mấy thầy giáo mấy chén, còn đủ cho chú say sưa suốt mấy ngày ở chơi”. Anh xăng xái lấy chùm chìa khoá buộc chung với chùm lục lạc, mở khóa tủ tìm chai rượu. Tôi liếc nhìn vào mấy ngăn tủ. Những xấp quần áo cũ nát để lẫn với những chồng báo, giấy má, sách... ố vàng. Ngăn dưới cùng để rất nhiều chai lọ, vỏ đồ hộp, vỏ lon bia, và nhiều chồng các loại bao thuốc lá. Anh lúi húi tìm một lúc khá lâu mới lôi ra được chai rượu cam còn già nửa: “Đây rồi! Bây giờ già hóa ra lẩm cẩm. Để chỗ này lại tìm sang chỗ kia”. Tôi cười, nói: “Nhìn anh, em cứ tưởng là một nhà quí tộc Nga thời Sa Hoàng, tự tay tìm chọn loại rượu quí cất giữ một trăm năm trong hầm rượu, để đãi khách quí”. Tôi chỉ những chồng vỏ bao thuốc lá, hỏi: “Anh chơi sưu tập vỏ bao thuốc lá à? Thế mà em (... mất một dòng...) vì phải dọn nhặt đem đốt”. Anh kêu lên: “Thế có tiếc không! Lần này chú về trên đó nhớ dặn cô, có vỏ bao thuốc là ngoại cứ cất giữ cho anh Đang, càng nhiều càng tốt. Nó là hàng đối lưu của tôi đấy...”. “Hàng đối lưu?”, tôi ngạc nhiên hỏi. “Để tôi dọn cơm cho ăn rồi tôi giảng cho chú nghe thế nào là hàng đối lưu. Tôi xem ra chú mù tịt về môn kinh tế chính trị học”. Tôi ngắm nhìn căn hộ độc thân đầy khói của anh, hỏi: “Hơn mười lăm năm qua anh vẫn sống ở gian buồng này à?”. “Ngày tôi mới về xã, tôi sống ở trại lợn của Hợp tác xã. Chẳng là cán bộ xã cũng thông cảm hoàn cảnh khó khăn của tôi, nên đề nghị tôi ra đó trông coi giúp như nhân viên thường trực của trại. Ở đó một thời gian. Nhà kho cũng thoáng mát, tôi có thể ăn ở, đọc sách, viết lách kết hợp với trông coi trại. Mỗi mùa hợp tác xã trả công điểm mấy chục cân thóc, mấy chục cân rơm làm chất đốt. Số thóc, rơm này tôi không phải dùng đến, trong mấy năm tiết kiệm được hai ba tạ thóc, hai trăm sáu chục cân rơm cho bà con vay. Ngoài ra, vào dịp tết, Hợp tác xã bồi dưỡng thêm ít thóc nếp, đem lên Hà Nội biếu các chú... Khi bắt tay vào việc dịch thuật lại cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, tiếng lợn kêu âm ĩ quá làm tôi mất tập trung tư tưởng, nên phải xin thôi công việc trông coi trại, chuyển về đây để được yên tĩnh hơn”.

Anh lôi dưới gầm giường ra một cái xô tôn thủng đáy, đặt lên miệng xô tấm gỗ dán.
“Đây là bàn ăn – anh giới thiệu và vần tiếp ra hai cái vại muối dưa sứt miệng – Còn đây là ghế ngồi. Bà con nông dân mình nghèo mà phí phạm thế đấy. Hai cái vại còn tốt như thế này mà đem quẳng bụi tre... Tôi nhặt về, cọ rửa sạch sẽ, lật đít lên, làm thành cái ghế ngồi vừa vững chãi lại vừa mát. Chú ngồi thử mà xem, có khác gì ngồi trên đôn sứ đời Minh?”. Anh dọn ra hai cái đĩa, rồi chọn trong hai cái bát hương đậy viên gạch vỡ gắp ra năm sáu viên gì đó tròn tròn, đen xỉn, nom rất khả nghi. Anh chỉ vào một đĩa, giới thiệu thực đơn: (“Đĩa này là chả cóc, đĩa này là chả nhái. Nhờ ăn) thường xuyên hai thứ đặc sản này mà tôi rất khỏe, còn khỏe hơn cả chú”. Anh nhắc trong cái rổ phủ đầy rơm để ở góc nhà, xoong cơm đã ăn mất một góc mà anh giới thiệu vẫn nóng nguyên. Nói đúng hơn là một thứ cháo rất đặc, có thể xắn thành từng miếng như bánh đúc. “Ba năm trở lại đây, tôi phải ăn cơm nhão, nếu ăn cơm khô thì bị nghẹn. Tôi nấu cơm với nước vo gạo nên rất bổ. Chẳng là các cô giáo thường bỏ phí nước vo gạo. Tôi đưa cho các cô cái chậu, dặn đổ nước vo gạo vào đấy cho tôi, để tôi chắt ra nấu lẫn với cơm. Tinh túy của gạo nằm trong nước vo, bỏ đi thật phí phạm”. “Nhưng cóc nhái đâu ra mà anh bồi dưỡng được thường xuyên thế?”, tôi hỏi. “Ấy chỗ này mới là bí quyết. Phải huy động lực lượng quần chúng, tức là các cháu thiếu nhi. Biết các cháu ở đây thích chơi vỏ bao thuốc lá, nhất là các loại vỏ bao đẹp. Mỗi lần lên thị xã hoặc sang Nam Định chơi, tôi đều nhặt nhạnh về, đổi cho các cháu lấy cóc, nhái. Cũng đề ra tiêu chuẩn hẳn hoi. Một vỏ bao ba số đổi 3 con cóc hoặc 5 con nhái. Các loại khác 2 cóc, 3 nhái. Bởi vậy tôi mới nói là hàng đối lưu, chú hiểu chưa. Mỗi tháng tôi chỉ cần ba bốn chục cái vỏ bao là thừa chất đạm, mà là loại đạm cao cấp… Hôm nào chú về tôi gửi biếu cô, chú Cung, mỗi nhà mấy viên nếm thử. Cô chú ăn thịt cóc của tôi rồi sẽ thấy các thứ thịt khác đều nhạt hoét!”.

Anh rót rượu, chọn gắp viên chả cóc, nhái bỏ vào bát cho tôi, ân cần, âu yếm, trang trọng, làm tôi ứa nước mắt. Anh hỏi:
“Chú đi đâu mà lại lặn lội về tận đây, vào lúc tết nhất sắp đến nơi?”. “Em về đây chỉ một mục đích là thăm anh. Hơn hai năm nay không thấy anh lên Hà Nội, chúng em rất lo. Không biết anh ốm đau gì, liệu anh có còn sống không? Về đây thấy anh vẫn khỏe mạnh, em rất mừng… Anh là nhân chứng của một quá khứ hào hùng của đất nước. Nếu anh chết đi, tàn lụi như cỏ cây, không nhắn gửi gì lại cho các thế hệ sinh sau, theo em là một tổn thất không gì bù đắp được…”. Tôi lấy đưa anh xem số tài liệu liên quan đến ngày Đại lễ mồng 2 tháng 9 năm 1945, vừa sao chụp: (“ Em suy luận ra anh là Trưởng) ban Tổ chức Ngày Độc lập như trong tư liệu hiện còn giữ được. Em muốn được tận tai nghe anh kể lại những kỉ niệm, những hồi ức mà anh cho là sâu sắc nhất… mà nếu anh không dùng đến thì cho em xin”.

Anh im lặng rất lâu, dùng đũa tém lại những mảnh vụn thịt cóc, nhái trong đĩa, gắp bỏ vào bát mình những mảnh khác rớt xuống mâm ván. Anh chăm chú nhìn vào cái đĩa đã tém gọn, như đang gắng đọc những hồi ức in lại trong lớp men sành… Anh chợt nói, mắt vẫn không rời cái đĩa:


“Thấm thoắt thế mà đã bốn mươi bảy năm trôi qua… Tôi còn nhớ như in ngày hôm đó là ngày 28 tháng 8… Tại sao tôi nhớ, vì đó là thời khắc lịch sử phải được tính từng phút một… Năm đó tôi bước vào tuổi băm ba. Chính phủ cách mạng lâm thời họp tại Bắc Bộ phủ, để quyết định ngày lễ ra mắt quốc dân đồng bào… Hôm đó, tôi có việc cần phải giải quyết gấp, nên đến nơi thì phiên họp vừa giải tán. Vừa bước lên mấy bậc thềm thì thấy cụ Nguyễn Văn Tố từ trong phòng họp đi ra. Cụ mừng rỡ chụp lấy tay tôi, nói
: “Anh vào ngay đi, cụ Hồ đang đợi anh trong đó”. Tôi theo cụ Tố vào phòng họp. Đó là lần đầu tiên tôi được gặp mặt ông Cụ. Ông Cụ ngồi ở ghế tựa, mặc bộ quần áo chàm, tay chống lên ba toong. Cụ Tố kéo tôi lại trước mặt Cụ, giới thiệu: “Thưa Cụ, đây là ông Nguyễn Hữu Đang, người mà phiên họp quyết định cử làm Trưởng ban Tổ chức ngày lễ”. Cụ Hồ nhìn tôi một lúc với cặp mắt rất sáng, cặp mắt mà về sau này nhân dân cả nước đồn rằng có bốn con ngươi – như muốn cân nhắc, đánh giá người mà Cụ quyết định giao trọng trách. Cụ hỏi tôi với giọng Nghệ pha, rất giống giọng cụ Phan Bội Châu mà có lần tôi đã được nghe: “Chính phủ lâm thời quyết định làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày mồng hai tháng chín. Chú có đảm đương được việc tổ chức buổi lễ không?”. Tôi tính rất nhanh trong đầu: tháng 8 có 31 ngày, như vậy là chỉ còn 4 ngày nữa thôi... Tôi suy nghĩ cân nhắc trong từng phút. Hình dung ra tất cả những khó khăn như núi mà tôi phải vượt qua... để tổ chức được một ngày đại lễ như vậy, trong khi mình chỉ có hai bàn tay trắng. Tôi nói với Cụ Hồ: “Thưa Cụ, việc cụ giao là (quá khó vì gấp quá rồi”. Cụ Hồ nói ngay: “Có khó thì mới giao cho chú chứ!”). Anh Đang ngẩng phắt lên nhìn tôi. Vẻ già nua cùng quẫn trên con người anh như được trút bỏ hết. Dáng dấp oai phong, khí phách của người chiến sĩ cách mạng luôn luôn đứng ở hàng xung kích lại hiện nguyên hình.

Như chú biết đấy - giọng anh vụt trở nên sang sảng – tôi là một nhà tuyên truyền, động viên thiên hạ, chuyên nghiệp. Thế mà lần này tôi lại bị ông cụ động viên một cách tài tình, bằng một lời thật ngắn gọn, giản dị! Nghe ông Cụ nói vậy lúc đó tôi thấy trong con người mình bừng bừng khí thế, muốn lập nên được những kì tích, những chiến công thật vang dội... Tôi nói với ông Cụ: “Thưa Cụ, Cụ đã nói như vậy con xin nhận nhiệm vụ. Con xin hứa sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành trọng trách”. Cụ Hồ đứng lên, bắt tay tôi, dáng bộ, gương mặt nom rất vui vẻ, bằng lòng: “Thế thì chú trở về bắt tay ngay vào việc đi. Đến sáng ngày kia, chú đến đây báo cáo với tôi công việc được tiến hành như thế nào”. Tôi chào Cụ, ra về, lòng rạo rực lâng lâng... Nhưng khi vừa bước xuống hết những bậc thềm rộng thênh thang của Bắc Bộ phủ, tôi chợt nghĩ ra một điều. Tôi liền quay trở lại phòng họp. Cụ Hồ vẫn còn đứng đó. Cụ hỏi ngay: “Chú còn cần gì nữa?”. “Thưa Cụ, để hoàn thành trọng trách, xin Cụ trao cho con một quyền...”. “Quyền gì, chú cứ nói đi!”. “Thưa Cụ, quyền được huy động tất cả những gì cần thiết cho buổi lễ, về người cũng như về của...”. “Được, tôi trao cho chú cái quyền đó. Nếu ai hỏi huy động theo lệnh của ai, cho phép chú được trả lời: Theo lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh!”.

Công việc đầu tiên là tôi thảo một thông cáo ngắn gọn
– anh gắp thêm mấy viên chả cóc trong bát hương, bỏ ra đĩa rồi kể tiếp - Nội dung như sau: ngày 2 tháng 9 năm 1945. Chính phủ cách mạng lâm thời sẽ làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào, tuyên ngôn Độc lập tại vườn hoa Ba Đình. Đồng bào nào có nhiệt tâm, muốn đóng góp sức, góp của vào việc tổ chức ngày lễ lịch sử trọng đại này, xin mời đến Hội quán Trí Tri phố Hàng Quạt gặp Ban tổ chức. Thông cáo được gửi ngay đến tất cả các báo hàng ngày, yêu cầu đăng lên trang nhất, với hàng tít thật lớn chạy hết trang báo (... mất một dòng ...) ngoài chật kín Hội quán. Người ghi tên vào các công tác, người góp tiền, góp vàng, góp vải vóc, gỗ ván. Nhiều người từ chối không lấy giấy biên nhận: “Biết bao anh hùng, liệt nữ đóng góp cho nền độc lập của dân tộc, đâu có lấy giấy biên nhận“, họ nói vậy. Tôi mời mọi người dự cuộc họp chớp nhoáng, và đưa ra ý kiến: Việc cần thiết trước tiên là phải dựng một lễ đài Độc lập thật đẹp, thật lớn, thật uy nghi, xứng đáng với ngày lịch sử trọng đại này, tại trung tâm vườn hoa Ba Đình để Chính phủ cách mạng lâm thời đứng lên ra mắt. Vậy đồng bào nào hiện có mặt tại đây có thể đảm nhiệm trọng trách đó? Một người trạc ngoài ba mươi, ăn mặc lối nghệ sĩ, đeo kính trắng, bước ra nói: “Tôi là họa sĩ Lê Văn Đệ. Tôi xin tình nguyện nhận việc dựng lễ đài. Trưa nay tôi sẽ mang bản phác thảo lễ đài đến ban tổ chức xem xét”. Tôi bắt tay họa sĩ, nói: “Tôi được biết tên tuổi anh từ lâu và cũng nhiều lần được xem tranh của anh. Tôi xin thay mặt Ban tổ chức hoan nghênh nhiệt tâm đóng góp của anh. Nhưng Lễ đài Độc lập là một công trình kiến trúc, tuy dựng gấp rút, tạm thời, nhưng phải đạt những tiêu chuẩn không thể thiếu của nó như sự vững chắc, sự hài hòa công trình với tổng thể... Nói ví dụ nếu như không vững chắc, mấy chục con người đứng lên, nó đổ sụp xuống thì ngày lễ coi như thất bại. Bởi vậy cần một kiến trúc sư phối hợp với anh”. Một người trẻ tuổi ăn vận chỉnh tề, từ trong đám đông bước ra, tự giới thiệu: “Tôi là kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh, cùng hoạt động trong Hội Văn hóa Cứu quốc với anh Phạm Văn Khoa. Hôm qua tôi được anh Khoa cho biết ý đồ của Ban tổ chức, tôi đã vẽ xong bản đề án thiết kế lễ đài”. Anh Quỳnh trải cuộn giấy can cầm sẵn trên tay lên mặt bàn. Đó chính là toàn cảnh lễ đài Độc Lập mà sau này chú được nhìn thấy in hình trên báo chí. Bản vẽ thật đẹp, thật chi tiết, tỉ mỉ... Lễ đài với tổng thể vườn hoa Ba Đình, vị trí dựng lễ đài, chiều cao, chiều rộng, mặt bằng, mặt cắt ngang, cắt dọc lễ đài, độ lớn các xà gỗ, tổng diện tích mặt ván ốp lát v.v... Sau khi nghe anh Quỳnh thuyết trình, tôi xem xét, cân nhắc rồi đặt bút kí duyệt bản thiết kế, đóng dấu Ban tổ chức. Tôi nói với anh Lê Văn Đệ và anh Ngô Huy Quỳnh: “Ban tổ chức quyết định giao việc này cho hai anh (Các anh cần gì, chúng tôi) sẽ lo chạy đầy đủ, Hiện nay chúng tôi có một kho ba ngàn thước len đỏ, cần dùng bao nhiêu các anh cứ lấy dùng. Lễ đài phải được dựng xong trong vòng 48 giờ đồng hồ. Đúng 5 giờ sáng ngày mồng 2 tháng 9, tôi sẽ đến nghiệm thu. Chúc các anh hoàn thành nhiệm vụ”.

Sáng ngày 31 tháng 8, tôi đến Bắc Bộ phủ gặp Cụ Hồ như Cụ đã chỉ thị. Sau khi nghe tôi báo cáo ngắn gọn, đầy đủ về tất cả mọi việc có liên quan tới ngày lễ, Cụ nói giọng hết sức nghiêm trang: “Chú phải nhớ ngày Mồng hai tháng Chín tới sẽ là một ngày lịch sử. Đó là ngày khép lại cuộc Cách mạng tháng Tám, và ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Ông Đang ơi! Ông Đang ơi!”, tiếng con nít gọi nheo nhéo ngoài cửa, ngắt ngang câu chuyện của anh. Tôi nhìn ra, thấy hai chú bé chạc 9, 10 tuổi, mỗi chú cầm một cành tre, đầu cành tre thõng thượt một con rắn nước, mình nhỏ bằng chuôi dao, đầu bị đập dập còn rỉ máu tươi: “Ông có đổi rắn nước không ạ?”. Anh Đang bỏ đũa bước ra cửa, xem xét cẩn thận hai con rắn nước, rồi hỏi: “Các cháu định đổi như thế nào?”. “Ông cho cháu mỗi con hai cái vỏ bao ba số”. “Các chú đừng có giở thói bắt chẹt”, giọng nói vá dáng bộ của anh đã chuyển sang giọng của dịch vụ đổi chác, “Mỗi con rắn này chỉ giá trị bằng hai con cóc. Nhưng thôi, thì ông cũng đành chịu thiệt vậy, mỗi con một vỏ bao ba số, các chú có đổi thì đổi, không đổi thì thôi”. Hai chú bé ngần ngừ một lúc, rồi nói: “Chúng cháu đổi ạ”. Anh quay vào mở khóa tủ, chọn lấy ra hai cái vỏ bao ba số, đưa cho mỗi chú một chiếc, và cầm lấy hai con rắn. Hai chú bé cũng xem xét hai cái vỏ bao cẩn thận không kém ông Đang xem xét hai con rắn. Một chú nói: “Ông đổi cho cháu cái vỏ bao khác, cái này bên trong không có tờ giấy vàng”. Anh cầm lấy cái vỏ bao xem lại, cười: “Được, ông sẽ đổi cho vỏ bao khác. Sau này chú mà làm cán bộ thu mua thì Nhà nước sẽ không phải chịu thua thiệt”.

Anh cầm hai con rắn bỏ vào cái rổ con ở góc nhà, mặt tươi hẳn lên, như người buôn bán vừa vớ được món hời:
“Thịt rắn còn bổ hơn thịt nhái. Tối mai tôi sẽ đãi chú món rắn om riềng mẻ. Ăn vào (... mất một dòng..) Tân Đệ.

Tôi ở lại chơi với anh Đang ba ngày, thuê một anh phó nháy ở xã trên xuống chụp mấy ảnh làm kỉ niệm. Bữa cơm tiễn tôi, anh có vẻ buồn. Vừa dùng đũa tém tém mấy khúc rắn om mặn chát nổi muối trong đĩa, anh vừa nói: “Hiện nay tôi đang cố gắng hoàn thành thiên hồi ký thuật lại tất cả những gì có liên quan đến thế sự, kể từ khi tôi bước chân vào con đường hoạt động cách mạng cho đến những năm tháng gần đây... Trong hồi ký, tôi sẽ đề cập đến những việc mà từ trước đến nay tôi chưa hề tiết lộ với ai. Ví dụ như bản thảo “Tuyên ngôn Độc lập” Cụ Hồ viết... còn hay mất, nếu còn thì bây giờ đang ở đâu... Hoặc cụ định sửa hai câu trong bản “Tuyên ngôn”, nhưng không kịp vì bản chính đã đưa in mất rồi. Là Trưởng ban Tổ chức ngày lễ, tôi phải phụ trách việc in ấn những tài liệu có liên quan đến vận mệnh đất nước này, nhưng ... như chú biết đấy, hiện nay trong Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng như Bảo tàng Lịch sử, không có bản thảo “Tuyên ngôn Độc lập” ... Tôi sợ sẽ làm không kịp mất, gần tám chục tuổi đầu rồi còn gì, mà lại không có điều kiện làm việc, ban đem coi như chịu chết, đèn đóm tù mù, đúng là đóm thật”... Anh im lặng một lúc lâu, rồi ngẩng lên nhìn tôi, hỏi tiếp: “Chú có biết điều lo lắng nhất của tôi hiện nay là gì không?”, không đợi tôi đoán, anh nói luôn: “Tôi lo nhất là không biết chết ở đâu. Lúc sống thì tôi ở nhờ nhà ai chẳng được, ở đây cũng như ở trên Hà Nội... Nhưng lúc chết thì người thân mấy cũng làm phiền người ta. Có ai muốn một người không phải ruột ra máu mủ lại nằm chết trong nhà mình? Ngay cả cái chái bếp này cũng vậy, tôi nằm chết sẽ làm phiền đến nhà trường, các thày các cô, các cháu học sinh... Bởi vậy mà hai năm nay tôi không muốn lên Hà Nội. Ở đây, tại quê hương bản quán, tôi đã chọn sẵn chỗ để nằm chết... Chú ra đây tôi chỉ cho, đứng ở đây cũng nhìn thấy...”.

Tôi theo anh ra đứng trên cái trụ xi măng cầu ao cá. Gió mùa đông bắc lạnh thấu xương thổi thốc vào mặt hai anh em. Anh chỉ tay về phía một búi tre gần cuối xóm, đơn độc giữa cánh đồng, ngọn tre đang vật vã trong gió buốt.
“Đấy, dưới chân búi tre ấy có một chỗ trũng nhưng bằng phẳng, phủ đầy lá tre rụng, rất vừa người tôi... Tôi sẽ nằm đó chết để khỏi phải phiền ai... Tôi đã chọn con đường ngắn nhất để có thể bò kịp đến đó, trước khi nhắm mắt xuôi tay...”

Trở vào nhà, cả người tôi nổi gai, ớn lạnh, chắc là bị cảm... Tôi dốc hết rượu ra bát uống ực một hơi chống lạnh. Rượu vào lời ra, tôi cất giọng ngâm to mấy câu thơ của Phùng Cung gửi tôi mang về tặng anh:

Mặt ra giông chớp
Rạc mái phong lưu

Gót nhọc men về thung cũ

Quỳ dưới chân quê

Trăm sự cúi đầu

Xin quê rộng lương

Chút thổ phần bò xéo cuối thôn
!

Tháng 12.1992
Phùng Quán 
Bức ảnh này nhà báo Xuân Ba vừa gửi cho, trong đó gồm ảnh: nhà văn Phùng Quán (đứng), nhà văn hóa Nguyễn Hữu Đang (ngồi) trong buổi Phùng tiên sinh tổ chức mừng thọ 80 cho bác Đang năm 1992 tại nhà Phùng, phần bút tích bác Quán tặng Xuân Ba, và chính bác ấy chép lại bài thơ viết về Nguyễn Hữu Đang.
 

62 nhận xét:

  1. Tôi không thể giải thích được tại sao những người như Hồ Chí Minh ,Trường Chinh không cứu được Nguyễn Hữu Đang ?Và sau này với ông Trần Độ cũng thế ? Lịch sử VN 60 năm qua đã có biết bao người CHỈ VÌ TRUNG THỰC MÀ BỊ HÃM HẠI như thế .Còn lâu mới có một lời xin lỗi ,mà xin lỗi cũng chẳng ích gì .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ Nguyễn Du sẽ giải thích hộ,ông TỰ ơi!
      "Có tài mà cậy chi tài
      Chữ TÀI cùng với chữ TAI một vần"(Đoạn trường tân thanh)

      Xóa
    2. Và đây nữa ông Tự này:
      "Cao điểu tận lương cung tàng;
      Giảo thố tử tẩu cẩu phanh;
      Địch quốc phá mưu thần vong!"
      Đây là câu đúc kết của Tầu.Hàn
      Tín nói khi bị Lưu Bang bắt bỏ
      ngục.(Chim cao hết cung tốt xếp xó;thỏ khôn chết,chó sănđem nấu;nước địch đã phá;
      thì mưu sĩ phải chết)Tất cả
      thói đểu của người mình đều
      học tầu cả mà!?

      Xóa
    3. Chừng nào chúng ta vẫn còn "đời đời nhớ ơn" thì đừng hy vọng một lời xin lỗi. Nếu giết người mà không bị xử tội mà chỉ tốn "vài giọt mước mắt" thì rất nhiều kẻ cũng sẵn sàng.

      Xóa
    4. Chừng nào còn đặt niềm tin vào mấy người không đáng tin ấy,thì không thể anh BÙI CÔNG TỰ ạ !

      Xóa
    5. Xin được trả lời anh Tự:
      Thuyền chủ nghĩa xã hội không có người lái không biết đi đâu. Mỗi một Người lái thì đi theo một hướng theo cái riêng của mình, những người anh than trách thì giai đoạn đó có được lái đâu? cho dù họ có là thái thượng hoàng cũng vậy!!!!

      Xóa
    6. Đừng thắc mắc! Đừng buồn phiền! Đừng oán thán!!!
      Lịch sử nào cũng có vết nhơ, vết bẩn, vết ố!
      Tại vì chúng ta quá tin, quá thần tượng, quá quá quá...nên mới có nhiều câu hỏi: " Tại sao? Tại sao? Và tại sao "ông cụ" và nhiều "ông" khác không cứu được NHĐ hay TĐ hay sau nàu là PQ..."...??? (Này nhé! Nếu như mấy ông ấy không quay lưng và chủ trương???) "
      123 rất buồn vì thế kỉ XXI rồi mà vẫn còn có quá nhiều ngây thơ đến vậy? Chu choa mạ ơi là buồn...!

      Xóa
    7. Ông Bùi công Tự cần phải học hỏi nhiều hơn nữa để tìm cách giải thích các sự kiện đơn giản nhất.

      Xóa
  2. Chờ đcs đứng ra xin lỗi những sai lầm của họ? Đừng có mơ đến chuyện viễn vông đó. Họ không bao giờ dám thừa nhận sai lầm và chính vậy nên luôn đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, càng ngày càng trầm trọng hơn. Những người từng cưu mạng khi họ còn đang trong trứng nước như bà Nguyễn Thị Năm còn bị họ mang ra xử bắn như đồ cúng thần theo lệnh của Tầu khựa thì làm sao có thể nói đến chuyện NHÂN NGHĨA được.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin nhờ Cụ Trứ nói hộ:
      "Đéo mẹ nhân tình đã biết rồi
      Lạt như nước ốc bạc như vôi;
      Tiền tài hai chữ son khuyên ngược;
      Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi!..."

      Xóa
    2. Thế cụ Trứ cảm khái vì chủ nghĩa cộng sản hở?

      Xóa
  3. Trả lời
    1. Lênh đênh muôn dặm nước non .
      Dạt vào ao cạn
      vẫn còn lênh đênh...
      Phùng Cung

      Xóa
  4. "Có khó mới giao cho chú"
    Câu này nghe quen quen....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hồi chú nặc danh 19:31 ngày02thang9nam2012 bưng bô cho Mao trạch Đông nghe lỏm được câu nói với Hoa quốc phong chú về khoe mãi bây giừ còn giả vờ.

      Xóa
  5. Nguyễn Hữu Đang

    Tại sao đất nước nghèo hèn?
    Bởi vì tài giỏi ho hen suốt đời
    Nhẹ thì một xó ngồi chơi
    Nặng thì phát vãng góc trời, chân mây.
    Cụ Đang lòng dạ thẳng ngay
    Chết rồi khuất tất đến nay vẫn còn.
    Nhục thay một lũ cháu con
    Chưa thằng nào mở cái mồm minh oan.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cuộc sống cần phải bình an
      Bệnh vào đằng miệng vạ ra đằng mồm.

      Xóa
  6. Các blogger phải lập được danh sách, chí ít là các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ bị cơn lũ "Nhân văn Giai phẫm" càn quét và nhấn chìm. Mặc dù còn một số người mới bước vào con đường tập viết văn thơ, chỉ vì gần gủi với các nạn nhân bị đánh mà chịu vạ lây.
    Sau này, khi nước nhà yên bình, Nhà nước mới nên đứng ra công khai xin lổi việc làm của Nhà nước tiền nhiệm, để cho vong linh các nạn nhân của cuộc đàn áp vô nhân tính và vô nhân văn này!

    F 361

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác cựu binh sư đoàn 361 góp ý rất chí lý. Hoan hô bác.

      Xóa
    2. Chắc là học Met vê đép sang xin lỗi Ba lan xong về thẳng DSQ không kịp uống nước...Hề ...hề...

      Xóa
    3. TMĐ:
      -Nhìn những phận người bị chế độ CS chà nát dưới chân như Nguyễn Hữu Đang,Trần Dần,Thạch Quì,
      Phùng Quán...tơi tả hơn miếng giẻ rách mà xót xa lặng người.Không có một lý lẽ nào để biện
      minh cho tội ác súc sinh đó đối với anh em nhân văn giai phẩm.Lịch sử,thời gian sẽ nâng đặt
      đúng vị trí những văn nhân,trí thức dũng cảm ấy.
      -Chưa vừa lòng lắm về nhận xét của Bác Thái A khi kết luận về Nguyễn Hữu Đang:Có tài mà cậy
      chi tài.Cảm thụ và so sánh văn học thế này,Bác có buồn,tôi vẫn nói:cạn cợt và khập khiểng,
      sẽ bị hiểu theo hướng chê trách hơn là đồng cảm,mặc dù Bác rất đồng cảm!
      -Tình cảm của Bác F361 quá tốt.Tuy nhiên chế độ mới không bao giờ nói lời xin lỗi thay chế độ cũ.Đó là nguyên tắc.Họ chỉ lên án hành động man di độc ác đó của chế độ cũ,chia sẻ đau thương cùng gia đình,soát xét từng trường hợp để vinh danh như đặt tên các trí thức ấy cho đương phố,
      các công trình văn hóa...
      -Thông chỉ khen Bác cựu binh F361 mà không chê thì lời khen có vội vội vàng vàng.Chắc là để cỗ vũ động viên một cựu binh tiến bộ,thêm vào đó,công việc bừa bộn,có thể không quán xuyến hết.
      Cũng dễ thông cảm cho Thông.Nhưng cái tính mình trời sinh nó thế.Thẳng như ruột ngựa.Mình sống
      với Cộng Sản không được cũng do đối lập giữa cái dối trá,nhập nhằng và cái thấy sao nói vậy.
      Mình rất quí trọng và hết lòng ủng hộ Thông.

      Xóa
    4. Thưa ông TMD ông chỉ ra lực lượng chính trị nào không dối trá nhập nhằng?Con người thánh thiện như ông có tu cũng không được vì chắc là tu chỉ tu hú.

      Xóa
    5. Các bác mơ cứ mơ đi
      Xin đừng mê muội bỏ bu có ngày
      Sư 361 tìm ngay
      Có thằng bố láo thày lay sư đoàn

      Xóa
    6. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    7. Cả đến chỗ trà đàm ý vị,vui vẻ,nhẹ nhàng,mà chó chúng cũng đến đánh hơi.Nhưng là chó ghẻ nên
      mới ngoài ngõ,hiên trà cũng lợm vì mùi thối của nó:21 51,21 52,22 30!!!Đúng là kiếp chó!!!

      Xóa
    8. Chó mà cũng biết uống trà à. nặ danh05:08?

      Xóa
    9. Nó và liếm nước dãi của những trà khách nhỗ ra đấy.Đúng là chó!!!

      Xóa
    10. Nặc danh07:17:Chó cả.Cãi giề?

      Xóa
    11. Uống trà mà lại nhỏ rãi ra sàn.Khiếp mất vệ sinh.Tởm quá nặc danh 07:17.Ngợm.

      Xóa
  7. Anh Thông nên liên hệ với F361 vì đó là một cuốn từ điển sống đấy, rất uyên thâm. Tôi nói vậy có đúng không hả 4..?

    Trả lờiXóa
  8. Trước đây là Nguyễn Hữu Đang , gần đây là Trần Huỳnh Duy Thức , mỗi người bị chính quyền cộng sản kết án 15 và 16 năm tù . Vì sao hai người này bị án nặng nề như vậy? Chỉ bởi vì họ là những người ưu tú ,tài giỏi nhưng không cùng tư tưởng với những người cộng sản .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hàng thì sống , chống thì chết, bắt được bắn bỏ tại trận , nếu là tù binh hay tù nhân viên chính quyền cũ :trình diện xong cho đi cải tạo , hàm tá 15 năm, hàm úy 10 năm ăn sắn thay cơm nhé. Từ năm 54 lúc nào chẳng vậy....
      Bác nào không thích thì đi chỗ khác ở ....Hầy dà lói nhìu quá lớ...

      Xóa
    2. Lại cái thằng gián điệp người hoa nguyenmucar.

      Xóa
    3. Ai bảo Trần huỳnh duy Thức là người ưu tú tài giỏi nhưng không cùng tư tưởng với cộng sản.?Không cùng mà cùng với Nguyễn tấn Dũng thành lập Con đường Việt nam à?

      Xóa
  9. Hồi Mặt trận Bình dân, Nguyễn Hữu Đang là cán bộ Đảng được cử ra hoạt động công khai, ăn vận sang trọng như công tử loại một của Hà thành, thắt cà vạt đỏ chói, đi khắp Trung Nam Bắc diễn thuyết, oai phong, hùng biện, tuyên truyền cách mạng... Mỗi lần cách mạng cần tiền để hoạt động, Nguyễn Hữu Đang có thể đến bất kì một nhà tư sản Hà Nội nào giàu có, vay vàng, tiền. Mà những người này trao vàng, tiền cho anh đều không đòi hỏi một thứ giấy tờ gì, vì họ tin sâu sắc rằng trao vàng, tiền cho anh là trao tận tay cho cách mạng...
    ... tôi đã chọn sẵn chỗ để nằm chết... Chú ra đây tôi chỉ cho, đứng ở đây cũng nhìn thấy...”....
    “Đấy, dưới chân búi tre ấy có một chỗ trũng nhưng bằng phẳng, phủ đầy lá tre rụng, rất vừa người tôi...


    Đọc mà cổ cứ nghèn nghẹn, nhưng mắt thì khô khốc !
    Bây giờ mới hiểu tại sao một số nước Đông Âu cấm ĐCS hoạt động và lôi cổ đám đồ tể ra xét xử.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Trường Lưu dốt như con bò tót.Ở các nước Đông Âu cấm Đảng Cộng Sản hoạt động thì đại đa số các lãnh đạo quốc gia lại là cựu đảng viên cộng sản.Các đảng cánh tả hiện nay đều có lực lượng đảng viên đa số từ đảng công sản cũ.Bác này ngộ chữ cộng sản chứ không hiểu thực chất .Đây cũng là một dạng thiểu năng chí tuệ.

      Xóa
  10. Về vụ này tác giả Tiến Quân Ca là Ns Văn Cao cũng bị chính quyền mình cấm không cho sáng tác nữa, nên nước ta mất đi những áng thơ văn và nhạc hay. Chế độ mình cũng ưu việt quá Bác Thông nhỉ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi cụ Văn Cao dính Nhân văn giai phẩm, hàng xóm xì xào :cụ Văn Cao phản động.Cụ bà tức mình:Nhà tôi phản động?Sao nhạc nhà tôi sáng tác cất lên cả nước phải đứng yên?

      Xóa
  11. Đọc ứa nước mắt bác ơi?http://khanhminhdc.blogspot.com/

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khánh minh sao cũng nực cười
      Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa?

      Xóa
  12. Đọc bài về ông Nguyễn Hữu Đang, tôi thiết nghĩ cũng nên đọc về ông đang sống sờ sờ ở Miếu Nổi, để hiểu rõ hơn bản chất...

    Trả lờiXóa
  13. Thời nào thì đất nước cũng có những nhân tài, tuy nhiên không phải ai cũng chọn đúng con đường nên đi. Nhưng đúng hay sai cũng không phải lỗi của họ. Đó là vấn đề của lịch sử. Lịch sử của đất nước chúng ta gắn chặt với đấu tranh, ngay cả trong thời tưởng đã yên bình. Có lẽ nên bàn thêm về vấn đề vai trò lịch sử...

    Trả lờiXóa
  14. Sởn gai ốc, nổi da gà
    Mồ hôi nhớt lạnh tuôn ra ầm ầm

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Da gà lại nổi gà da?
      Mồ hôi khắm khú tuôn ra ầm ầm.

      Xóa
    2. Thằng nầy hay thù dai. Éo quân tử.

      Xóa
    3. Em trêu bác.

      Xóa
  15. Th. xin chào Phùng Quán - người bạn vong niên của tôi. Mình biết Phùng Quán cũng như Hữu Đang chẳng giận ai vì cuộc đời bầm dập nhưng mình vẫn xin lỗi P. Quán vì đã hai lần chạm đến nỗi đau của anh. Không được tiễn đưa Phùng Quán là nỗi bất hạnh của mình chắc Phùng Quán hiểu. Xót xa, yêu thương Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang về cái đẹp của CON NGƯỜI. Có cái đẹp khiến người đàn ông không cầm nổi nước mắt. Là cái đẹp đơn sơ, tồn tại vĩnh hằng trên mọi nỗi đau. Hẹn ngày gặp lại. Th.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Úi giùi ui nói thì dễ và hay lắm.Chỉ được cái lỗ mồm.

      Xóa
  16. Không cầm được nước mắt ở đoạn cuối Anh Thông ạ. Sao Bác ấy khổ thế? Vụ này tên nào là chủ mưu hả Anh thông?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trưởng ban tổ chức Lê Đức Thọ và trưởng ban tuyên huấn Tố Hữu là thủ phạm trực tiếp, còn đồng phạm thì nhiều lắm, bác ạ.

      Xóa
    2. Đúng đấy! Nhiều lắm, nhiều lắm! nhiều lắm!!!Sư bố chúng nó! Vậy mà miệng lúc nào cũng nói nhân văn...?

      Xóa
    3. Có nghe bác Phạm Viết Đào thuật lại lời của TBT Trần Phú không? Rồi các "cụ" sẽ trả lại một đất nước Việt Nam hoàn toàn toàn khác. Hi vọng lời TBT TP "nói đúng"...!

      Xóa
    4. Cụ Trần Phú có câu:Trí, phú, địa , hào đào tận gốc, trốc tận rễ .
      Lê đức Thọ , Khang sinh, Bêria,những con quỉ đội lốt người.

      Xóa
  17. Thông Cào cho đăng bài của Phùng Quán hay quá, nhất là trong tình hình chỉnh đốn Đảng hiện nay. Liệu có làm mềm lòng những người CS đương nhiệm không? Nhất là bác TBT, vì bác cũng là dân khoa văn mà.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bao giờ chạch đẻ ngọn đa.
      Sáo đẻ dưới nước thì ta mềm lòng .
      Bao giờ cây cải làm đình .
      Gỗ lim ăn ghém thì mềm lòng ta !

      Xóa
  18. Yêu quá đi những tấm lòng nghĩa hiệp, sống trên đời này thật là khó. Người Việt mình sao khổ mãi vậy? Tại xã hội hay tại con người?

    Trả lờiXóa
  19. Tôi yêu sao Đất Nước mình, yêu những tình cảm dành cho nhau. Sao cứ thấy đau đau, nghẹn trong cổ họng....sao mọi người cứ làm khổ nhau.

    Trả lờiXóa
  20. Cô đọc bài viết này trong Ba phút nói lên sự thật của Phùng Quán lâu rồi. Hôm nay đọc lại vẫn thấy rưng rưng cảm động xót xa cho một con người tài ba chịu nhiều đầy đọa bất công. Cho cô mang về trang nhà cô nhé để lưu giữ như một nén tâm nhang nhớ về NHĐ trong những ngày đại lễ mà sao thấy quá buồn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em chào cô. Chúc cô thật nhiều vui vẻ, an lành.

      Xóa
    2. Thông ơi! Mình đã chuyển bài này của Phùng Quán về làm tài liệu luu giữ của BTLSQGVN. Quên đi thì thôi, chứ cứ đọc những trang viết này về những người TỬ TẾ, thì thấy người như sôi máu sùng sục!!!! Bọn người máu lạnh này đang cầm giữ quyền cai trị đất nước thì...Cụ Hữu Đang và những Hữu Đang khác vẫn sẽ phải chịu cảnh khốn cùng trớ trêu! Thôi cụ đã lên thiên đàng rồi!

      Xóa
  21. http://vi.wikipedia.org/wiki/Phong_tr%C3%A0o_Nh%C3%A2n_V%C4%83n_-_Giai_Ph%E1%BA%A9m

    Trả lờiXóa