Trang

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Bài học quét nhà gửi anh Hữu Thỉnh

Thưa anh Hữu Thỉnh đang cầm quyền trượng văn chương nước nhà.
Đã mấy nhiệm kỳ dưới sự dẫn dắt của anh chả thấy nền văn chương xứ ta tiến được bước nào, thậm chí chỉ có lùi, lùi mãi cho đến lúc không lùi được nữa. Bất cứ khai hội văn thơ nào cũng thấy anh và cấp cao yêu cầu các nhà văn phải vươn lên ngang tầm thời đại, dân tộc khoa học đại chúng, phải là người thư ký trung thành của cuộc sống, phát ngôn viên của nhân dân, sáng tác lên những tác phẩm đỉnh cao... Nhưng tất cả chỉ là lời nói suông, còn trên thực tế, họa hoằn mới tòi ra được một vài sáng tác khiến công chúng quan tâm (không phải kiểu Thi vân Yên Tử đâu nhé).
Văn chương gì mà đọc cứ trôi tuồn tuột, chả gợi chút chi trong lòng bạn đọc, các anh không thấy ngượng khi xin nhà nước cấp ngân sách để nuôi đội ngũ các anh, để tồn tại thái vô tích thế ư.
Các anh hãy đọc đi, cái truyện ngắn dưới đây của Nam Cao chẳng hạn, chả ai thúc giục ông ấy vươn lên ngang tầm thời đại, chả ai cho tiền để viết, nhưng có bạn đọc nào cầm lòng được không.
Một nền văn chương không sớm thay đổi, cứ khuôn sáo "mực thước" như các anh đang duy trì, sẽ chẳng để lại điều gì cho nhân dân, đất nước.

Bài học quét nhà
NAM CAO
Hồng đang thẩn thơ chơi một mình ở trong vườn... Ít lâu nay, những lúc được đi chơi, Hồng chỉ chơi có một mình. Chị Thảo về rồi (Thảo là con ở trước kia vẫn giữ em Hồng). Thằng em chửa biết đi. Còn thầy u thì bây giờ hay gắt quá. Hồng cũng chẳng hiểu tại sao lại thế. Thầy, đã đành: thầy vốn nghiêm khắc lắm, nhất là khi thầy viết hay đọc sách. Thầy chiếm một mình cả một căn buồng đầu trong. Cửa ra vào đóng luôn luôn, chỉ có cửa sổ mở thôi. Thầy ngồi trong, viết hay đọc sách suốt ngày. Những lúc ấy thầy muốn được yên tĩnh hoàn toàn. Hồng hơi nói to là thầy quát mắng ngay. Có khi thầy mở cửa đánh sầm một cái, sồng sộc bước ra, chực đánh Hồng. Đã bao nhiêu lần, Hồng gần bạt vía. Bởi vậy Hồng sợ lắm. Mỗi lần phải đi qua chỗ buồng thầy, Hồng nín thở, kiễng chân, cố cho không có một mảy may tiếng động. Chỉ cần có thế. Ngoài ra,
thầy hiền như ông bụt đất. Mỗi chiều ở trong buồng làm việc bước ra, thế nào thầy cũng gọi Hồng. Nếu thầy mải đi tắm, hay bận đi đâu, thì thầy chỉ vuốt tóc Hồng, hỏi vài câu, nhìn Hồng bằng đôi mắt yêu thương, rồi khẽ tát vào má Hồng một cái, bảo: "Cho con đi chơi...". Nhưng nếu thầy không còn bận việc gì, thì thầy xách hai cái ghế ra sân. Thầy ngồi một cái, Hồng ngồi một cái. Thầy gác hai chân lên cái ghế của Hồng. Hai bố con nói chuyện với nhau. Thường thường chỉ mình Hồng nói mà thôi. Hồng nói bất cứ cái gì: chuyện u, chuyện em Thiên, chuyện con chó con hay chuyện mặt trăng, cái đèn pin của ông giời. Cũng có khi Hồng nhắc đến bác Hòa, bác Kim và những bác gì, bác gì đến chơi nhà Hồng vào một hôm Hồng đau bụng. Hồng nói nói, cười. Đôi mắt như hai cái hạt nhãn của Hồng, cái miệng chúm chím, đôi hàm răng trắng và nhỏ như răng chuột, cái đầu Hồng, với đôi bàn tay nhỏ xíu nhưng múp míp, làm những điệu bộ xinh xinh, rất đáng yêu. Thầy sung sướng nhìn, mỉm cười rất dịu dàng. Có khi đôi mắt thầy ươn ướt vì cảm động. Thầy nắm tay Hồng, nhắc Hồng sang ghế của thầy, ôm Hồng trong lòng, vuốt ve tóc và hôn. Không! Thầy có ghét Hồng đâu? Trái lại, thầy rất yêu Hồng. Cả u cũng thế. Thường thường thầy u chỉ ăn cơm với tương mắm mà thôi. Nhưng bao giờ u cũng mua cho Hồng một thức ăn riêng: thịt, cá, trứng hay là đậu. U cũng không để Hồng phải thèm quà bánh. Hồng ao ước thức gì hôm trước, chỉ hôm sau, lúc u đi chợ về đã có thức ấy trong thúng của u rồi. U nói với Hồng rất nhẹ nhàng. Năm thì mười họa mới có một lần u quở mắng Hồng: ấy là những khi Hồng nghịch dại, làm bẩn người và quần áo.

Bây giờ thì khác hẳn, Hồng bị mắng luôn luôn. Động một tí gì u cũng mắng. Nói một mình, mắng! Vấp ngã, mắng! Đi chậm, mắng! Bữa ăn, không có thức ăn, ngả ngốn không ăn được: mắng!... Như vậy kể cũng còn đáng tội. Nhưng lại còn những cái không phải tội Hồng: thí dụ như nhà bẩn, nhà lắm ruồi vào, con chó bới vườn trầu, hay thằng Thiên ngã, thằng Thiên khóc... đâu có phải tại Hồng. Hồng làm sao cho không thế được? Ấy thế mà u cũng cứ Hồng mà mắng. Hồng mếu mếu suốt ngày vì phải mắng. Nhưng Hồng không dám khóc, Hồng chỉ cố tránh thầy u, lẩn lút ra vườn, chơi một mình.

Chơi một mình, buồn lắm. Hồng ngơ ngẩn. Hồng tiếc những ngày xưa cũ quá. Những ngày xưa cũ chỉ cách đây hơn nửa tháng. Chị Thảo chưa về. Chị Thảo bế em Thiên. Hồng lẽo đẽo theo sau. Chúng đi chơi khắp xóm. Ngày ấy, Hồng có biết bao nhiêu là bạn! Thằng Hỉ đỏ mũi, thằng Hân cởi truồng, thằng Tảo đầu trọc như quả bưởi và mắt trố như hai con ốc nhồi, với cái Như, cái Mùi, cái Vót... Chúng chơi với nhau vui lắm, vui lắm! Bây giờ Hồng chỉ còn được chơi với cây soan, cây chuối, cây cam. Hồng gọi chúng là bác soan, bác chuối, bác cam. Hồng lấy bẹ mèo chuối xúc cát làm gạo bán cho chúng nó. Hồng hỏi rồi lại tự trả lời, cùng một lúc là mình và là tất cả. Nhưng coi chừng đấy! Nếu u nghe thấy, u sẽ mắng: Hồng điên! Bởi vì theo ý u, có điên mới lảm nhảm nói một mình. Và nếu u biết Hồng nghịch cát thì chết! Thế nào u cũng đánh. Nghịch cát, bẩn quần áo, bẩn cả đầu tóc, mặt mũi chân tay. Ai rỗi mà tắm giặt cho Hồng được? Mà tiền đâu mà mua xà phòng? Xà phòng thì đắt như nhân sâm, vàng cốm... U sẽ gào lên thế. U sẽ bảo: Hồng làm khổ u, Hồng tưởng u còn sướng lắm nên phải làm tội, làm nợ cho bớt đi một chút. U sẽ bắt Hồng ngồi ro ró ở trong nhà, không được ra đến ngoài. Bước chân ra khỏi cửa là chặt chân! Chặt chân! Hơi một tí là chặt chân!

Hồng cũng chẳng hiểu tại sao u bỗng nhiên sinh khó tính như thế vậy. Chỉ biết: đã ít lâu nay, cả thầy lẫn u đều có vẻ không vui. Thầy lúc nào cũng cau có đăm chiêu, nhất là sau khi đọc nhật trình. Có lần buông tờ báo xuống bàn, thầy lắc đầu một cách chán nản bảo u:
- Tình hình nguy lắm rồi, mình ạ. Tôi sợ khó mà được hết năm nay.
- Sao vậy?
- Giấy khan lắm! Việc in, việc xuất bản bị hạn chế rất gắt gao.
- Với lại cái lúc khó khăn thế này, việc gì mà chả khó.
Thầy thở dài. U thở dài. Trán thầy tối như trời lúc sắp mưa.
U cười gượng, bảo:
- Nhưng thây kệ! Hơi đâu mà lo trước? Đến đâu hay đến đấy. Thời buổi này, khổ đến đâu mà không phải chịu? Vả lại nhà mình khổ mãi, quen đi rồi. Tìm được no, ăn no; tìm được đói, ăn đói. Chẳng tội gì mà lo mình ạ.
- Đã đành thế nhưng còn nợ?
- Thì ta ì ra đấy. Thịt người có ăn được đâu mà sợ!
Thầy cười chua chát. U cũng cười. Một lúc sau, u lại bảo:
- Nói đùa vậy, chứ nợ thì thế nào cũng phải trả. Mình không phải là hạng người lì được. Bán gì thì bán, cũng phải bán đi mà trả.
- Còn gì mà bán?
- Cái nhà! Mình công nợ cũng vì làm nhà. Nay không còn làm gì trả nợ được, thì lại bán nhà đi mà trả, có khó gì đâu?
- Đến nước ấy thì đẹp mặt!
- Ai cười thì cũng đành chịu vậy, chứ biết làm sao bây giờ?

Thầy lại lầm lì không nói. Nhưng thỉnh thoảng, mắt thầy lóe ra một tia dữ tợn. Trông mặt thầy sợ lắm. U bấm Hồng, khẽ bảo: "Đi chơi đi!" Rồi thì u cũng lảng ra. U dắt Hồng sang nhà hàng xóm chơi, bởi sợ thầy gây sự...

Những mẩu chuyện na ná như trên, nhắc đi nhắc lại nhiều lần lắm. Hồng chẳng hiểu gì. Nhưng Hồng cũng lờ mờ thấy một sự sụp đổ gì sắp tới. Một nỗi lo lắng lảng vảng trong nhà Hồng. Thầy làm việc nhiều hơn. Tận lúc tối không còn trông thấy chữ, thầy mới ở trong phòng làm việc đi ra. Thầy mải suy nghĩ gì, quên cả việc gọi Hồng. Hồng quen lệ, đứng đợi thầy ở sân, chạy lại bám lấy thầy. Nhưng thầy khẽ gạt ra, và hơi cau mặt bảo:
- Đi chơi! Để cho thầy nghỉ! Thầy hơi nhức đầu.
Một hôm, thầy nhận được một bức thư. Không phải thư của bác Hòa. Hồng biết vậy lúc đọc thầy không mỉm cười. Thầy sầm mặt. Rồi mặt thầy hơi tái đi một chút. U nhìn thầy, lo lắng hỏi:
- Thư của ai đấy, hở mình?
Thầy có vẻ không nghe thấy, bởi thầy không đáp lại. U sợ thầy gắt, không hỏi nữa. Một lúc sau, đột nhiên thầy bảo:
- Nay mai mình tính công cái Thảo, trả cho nó, rồi cho nó về. Cái Hồng ngót năm tuổi rồi, chẳng còn bé bỏng gì, trao cho nó giữ em. Ngày mai đi chợ, nhớ mua một củ nâu. Bao nhiêu quần áo trắng của tôi, của chúng nó nhuộm tất cả đi, cho bền và đỡ tốn xà phòng. Còn ba chục thùng thóc, mình phải liệu chia ra; làm thế nào cho đủ ăn từ nay đến tết. Ăn ít chứ! Miễn không chết người thì thôi. Quà bánh cho chúng nó thì bỏ đi.

Những huấn lệnh của thầy được đem ra thi hành đúng từng chữ một. Chị Thảo về, Hồng phải giữ em và đánh vật với nó suốt ngày vẫn không xong! Nó vẫn ngã, vẫn khóc, vẫn đập phá, khiến Hồng phải mắng. Quần áo của cả nhà đều nhuộm nâu. Những khi u đi chợ về muộn, thầy làm bếp. Thầy u ăn mỗi ngày có một bữa trưa. Mỗi trưa u cất đi một bát cơm, để dành cho Hồng ăn bữa tối. Trừ hai bữa cơm. Hồng chẳng còn được ăn quà bánh gì. Mà u luôn luôn sai làm việc nọ, việc kia, mà hơi lóng ngóng là mắng ngay.

- Cái Hồng đi đâu rồi?
Hồng tái mét mặt, chạy về sân:
- Con đây ạ!
- Lại lẻn đi chơi đấy, phải không? Con này chơi quen rồi! Về ngay đây, tao bảo!
Giọng u gắt gỏng. Hồng lóp ngóp trèo lên cái đầu hè cao đến ngực, rồi lạch bạch chạy vào nhà. Nó mở to đôi mắt trong trẻo nhìn u...
- Mày nhìn gì tao? Thử nhìn cái nhà xem! Bẩn thế mà mày không quét... Hễ mẹ cất lấy em một cái là chạy mất.
Hồng mải mốt chạy lại một xó nhà, lấy chổi. Cái cuống chổi to quá, bàn tay nhỏ bé của Hồng cầm rất khó. Nó lúng túng chuyển từ tay phải sang tay trái, rồi lại từ tay trái sang tay phải. Tay nào cầm cũng ngượng. Người mẹ quát:
- Mày luống cuống gì mãi thế? Cái tay trông đẹp nhỉ? Lớn đầu bằng ấy mà không biết cầm cái chổi! Chỉ ăn là nhẹn thôi!... Được rồi. Quét đi!
Hồng quét. Nhưng nó ấn cái chổi xuống thềm nhà quá. Cái chổi không đưa đi được. Hồng cố đẩy. Cái chổi bật lên và tuột khỏi tay Hồng. Người mẹ nghiến chặt hai hàm răng lại, rít lên:
- Giời ơi là giời! Con với cái! Chơi quen rồi!
Hồng nghẹn cổ. Nó ngừng quét, ngước lên mẹ, đôi mắt ầng ậc nước. Mồm nó mím lại, toan méo xệch. Mẹ nó càng điên tiết. Thị vùng đứng dậy, chỉ vào mặt nó:
- Mày đứng đấy à? Mày có quét ngay, không thì chết với tao bây giờ. Quét đi!
Hồng sợ hãi, lại vội vàng vơ lấy chổi. Trong lúc lính quýnh, cái chổi lại buột tay lần nữa. Người mẹ giơ tay lên chực tát. Hồng đưa một tay đỡ, tay kia hấp tấp nhặt cái chổi. Người mẹ ngăn kịp giận, để rơi bàn tay xuống. Hồng nắm cái cuống chổi bằng hai tay. Nó ì ạch vần cái chổi, như người ta vần cái cối đá nhất. Trông thật là ngứa mắt! Người mẹ cố nén giận, cầm lấy tay nó mà dắt, dạy quét như mấy ông đồ dạy viết...
- Người ta phải đưa ngang cái chổi thế này, thế này... Đó! Không cần ấn mạnh, nó chạy làm sao được? Mà cứ dịch dần đi: Một nhát chỗ này, một nhát chỗ này, rồi chỗ này, chỗ này... thế, thế!
Hồng bị mẹ kéo đi xềnh xệch. Những nhát chổi, tay mẹ đưa rộng quá, tay con bị giật theo, cả người đi. Con bé gần chúi đầu xuống đất. Nước mắt nó tuôn ra mờ cả mắt. Nhưng nó vẫn mím chặt môi, không dám khóc...
Người mẹ hăm hở làm một lúc, rồi buông tay ra, đứng thẳng người lên, vừa thở vừa bảo con:
- Đấy! Cứ thế... Bây giờ mày quét đi, tao xem nào!
Hồng quét. Nhưng nó vẫn lờ rờ, lúng túng. Cái chổi ngập ngừng trên mặt đất, không biết nên đi lối nào cho phải. Người mẹ thấy khắp người ngứa ngáy. Thị không còn nhịn được, nước mắt thị ứa ra một chút. Thị tức tối đập vào mình đánh đét. Hồng giật mình, đánh rơi cả chổi. Ấy thế là đét!... thêm tiếng nữa. Lần này thì cái bàn tay dán vào một bên má cúp bê của con bé từ trước đến nay chỉ nhận được những cái tát yêu của bố. Nó chúi người đi một cái và òa lên khóc. Người mẹ sửng sốt như chợt nhận ra cái cử chỉ vô lý và tàn nhẫn quá. Thị đứng ngây người ra một chút. Rồi thị vồ lấy cái chổi, quét như điên, như dại. Mặt thị co rúm lại chực khóc. Nước mắt, nước mũi chảy ròng ròng xuống đất. Thị vừa quét vừa rên nho nhỏ.
- Giời ơi! Giời ơi!... Giời làm khổ tôi thế này!

Người bố chỉ lẳng lặng nhìn tất cả tấn bi kịch đang diễn ra trước mắt. Y thấy lòng đau quằn quặn. Có một lúc, đứa con gái ngước đôi mắt giàn giụa nước mắt, nhìn bố, như cầu cứu. Y quay mặt đi, giả tảng như không nhận thấy. Nhưng suốt buổi chiều hôm ấy, y buồn bã. Y cũng vào phòng viết, ngồi như thường lệ, nhưng y không viết được. Y nhìn qua cửa sổ. Cái nhìn của y, len lét theo dõi trong một góc vườn, đứa con gái thẩn thơ giữa những cây chuối, cây xoan, cây bưởi... Nó có vẻ buồn bã thêm. Ba bốn lượt, nước mắt y rỏ xuống...
***

Tối hôm ấy, sau khi đã uể oải ăn xong bữa cơm nguội rắc vừng, Hồng uống nước rồi lẳng lặng vào giường ngủ. Một lát sau, người bố vào, nằm bên con, quạt cho con. Một bàn tay y vuốt ve những sợi tóc mềm như tơ. Con bé nhắm nghiền đôi mắt, không dẫy dọn. Nhưng nó chưa ngủ hẳn... Bỗng nó nghe thấy mẹ khẽ bảo:
- Hôm nay, tôi tức quá, tát cái Hồng một cái, rồi thương đứt ruột. Suốt hôm, nghĩ đến lúc nào, tôi lại khóc. Không biết tôi điên hay sao ấy.
Thầy Hồng bảo:
- Đấy là mình lo lắng quá. Tôi cũng vậy: lắm lúc tôi biết mình mắng nó bất công mà cứ mắng; tại ruột mình lúc nào cũng nóng như lửa đốt; hơi một tí là mình cáu.
- Ấy tôi cũng thế...
- Nhưng chúng mình phải coi chừng! Tôi thấy nó ít lâu nay chậm chạp và ngơ ngẩn lắm, không được nhanh nhẹn, ngộ nghĩnh như trước. Đừng mắng lắm, nó mụ người đi đấy. Mà mình bắt nó làm vừa chứ! Nó còn non tuổi lắm: Đến tháng chín này mới đầy năm tuổi. Đã làm, làm sao được?
- Thì ai chả biết! Hồng nó thì làm gì được? Có mà còn phải hầu nó chán.
- Thế sao mình cứ bắt làm? Mà nó làm không được thì lại đánh?
- Thì đã bảo: điên mà lại! Con bé thật có nết. Chỉ vì mình túng cho nên nó khổ... Mẹ nó! Ấy thế mà ngủ ù ỉ như lợn rồi đấy!...
Thật ra thì Hồng có ngủ đâu. Nó nghe thấy tất. Tự nhiên nó thấy nước mắt giàn giụa chảy ra đầy má. Nó không dám chùi, sợ thầy nó biết. Nhưng bỗng thầy nó quay vào, ôm lấy nó, áp môi vào má nó, ngạc nhiên một thoáng rồi bùi ngùi bảo:
- Tội nghiệp con tôi! Đang khóc mê đây này...
Nam Cao
Tiểu thuyết thứ bảy số 473 (7.8.1943)

15 nhận xét:

  1. Không so với bọn văn nô bây giờ nào là VN mình quang vinh,vô địch ,sáng suốt,tấm gương thời đại...Con người mới XHCN mất hết nhân tính rồi.Văn học hiện thực XHCN chỉ có Cướp-giết-hiếp-loạn luân...

    Trả lờiXóa
  2. Tôi thấy so sánh Nam Cao với Hữu Thỉnh về nghiệp văn thì khập khiễng quá.Sao bác Thông không so sự nghiệp lãnh đạo hội nhà văn, phát hiện , bồi dưỡng nhân tài, xin kinh phí, tổ chức bầu bán, đi công tác địa phương, phát triển hội viên, tuổi đảng, thời gian công tác...Nếu cộng vào chia đều ra cụ Nam Cao thua anh Hữu Thỉnh là cái chắc.Bác Thông bắt bẻ quá.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có chi tiết nào so sánh Hữu Thỉnh với Nam Cao?Lẽ
      nào dơi mang đọ với chim phượng?Chỉ có một điểm chung:
      có cánh,bay.Mà đến cái điểm chung duy nhất này nó cũng
      không giống nhau dù một tí nhỏ:sãi cánh,sắc lông,cách
      bay,đường bay...
      Không cẩm nang lý luận văn học,không dân tộc-khoa học-
      đại chúng,không viết cho ai,viết để làm gì,viết như thế nào,một chuyện vặt,ép con trẻ 5 tuổi quét sân,Nam Cao đã phá bỏ thói quen thường tình,bằng
      phần dẫn nhập khá dài,phần trung tâm chủ đề gọn lỏn,
      với óc quan sát tinh tường,rất thật,bài viết cách nay 70 năm,khiến ai có chút lòng với văn học nước
      nhà phải kinh ngạc,thảng thốt trước một thiên tài,
      trước một con chim phượng óng ánh sắc lông,cách bay
      ngoạn mục,đường bay nhân văn.
      Đừng nóng vội to mồm,tuyên xưng,định hướng,hãy xem lại cái cán chổi to đùng mà bàn tay trẻ lên 5 không
      thể nào cầm nắm xuể.Cầm nắm không xuể,thì nói chi đến quét!
      Dựa theo ý"đùa"của HảiPhòngTô mà mình gõ còm này.
      Vẫn biết HPT cũng một ruột với mình.Chào.

      Xóa
    2. Ấy chết, bác HP tô, mình không hề, không hề có ý so sánh hai con người ấy, mình chỉ bảo anh Thỉnh lãnh đạo thế nào mà để cả nền văn học nguội tanh nguội lạnh, không có lấy được một tác phẩm bình thường mà xúc động như Bài học quét nhà; vậy thôi.

      Xóa
    3. Vâng ạ.Nhiều lúc em dở hơi cứ thích nói ngang, gàn bát sách, chứ em sao dám mạo phạm bậc tiên chỉ làng văn Việt Nam bác TMD ạ.

      Xóa
    4. CHÍNH RA LÀ

      "Có đám mây mùa hạ
      Vắt CỬA... mình !... sang thu"
      Hữu Thỉnh

      Xóa
  3. Bác Thông ơi!
    "thời thế, thế thời, thời phải thế"!
    ***
    Ông Thinh, ông Thỉnh, ông Thình
    Muốn sướng được mình, thì chỉ thế thôi!
    Tội gì đội đá vá trời
    Miếng ăn bị mất, tội thời đến ngay
    Bây giờ mà sống thẳng ngay
    Nói thật, nói đúng có ngày tù luôn.
    Âu là phận kiếp kiến giun
    Viết mà không lách, đói run không tiền.
    Tội gì mà chuốc lấy phiền
    cứ khen,cứ tặng hết tiền,lại xin.
    Việt nam có mấy vi shin ( à vina shil)
    Mấy ông ăn đủ,dân tin ai nào?
    Văn chương " là cái tầm phào"
    700 tờ báo, cái nào viết hay?
    Hỡi ôi, chữ nghĩa mượn vay
    Văn chương thời đại rõ ngay: phường chèo!!!

    Trả lờiXóa
  4. Thời Nam Cao có cụ nào sánh được như các vị bây giờ đâu,có vị chuẩn bị giật giải Nô ben,có vị xứng đáng giải Nô bộc,danh(rau)giá quá chứ lị

    Trả lờiXóa
  5. Bác Thông ạ, hôm rồi đọc ở đâu đấy, thấy có mấy câu hay hay, tôi chép vào đây, bác xem có được không nhá:
    Ghét nhau chung chiếu không ngồi/ Chung chăn không đắp, chung nồi không ăn/ Chỉ trừ có Hội nhà văn/ Ghét nhau như chó vẫn lăn sả vào!

    Trả lờiXóa
  6. Những người như Nam Cao đã học qua các trường của chế độ cũ, còn Hữu Thỉnh do chế độ XHCN đào tạo ra.

    Trả lờiXóa
  7. Nam Cao viết được những truyện giàu tính nhân văn như truyện BÀI HỌC QUÉT NHÀ này là nhờ ông không bị những tên cảnh sát văn chương suốt ngày rình mò, lúc nào cũng vung gậy, thổi còi, còng tay những nhà văn nào không viết đúng định hướng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.

    hữu thỉnh (KHÔNG THỂ VIẾT HOA), một ngày nào đó, sẽ được phong hàm đại tướng và phong chức bộ trưởng bộ cảnh sát văn chương

    Trả lờiXóa
  8. Xin cảm ơn anh Thông, lâu lắm rồi, đâu như cái ngày học lớp 6, lớp 7 tôi đã đọc cái truyện ngắn này rồi. Nay đọc lại, man mác buồn cho tuổi thơ của mình một thuở chân quê

    Trả lờiXóa
  9. Thời chủ tịch Hữu Thỉnh có cả một tập thơ thiên giáng được đề cử Nobel,còn thời nào hơn?

    Trả lờiXóa
  10. Bài này bác Thông hơi bị quá đà. Cái truyện ngắn này thì mắc mớ chi đến Hữu Thỉnh hở bác?

    Trả lờiXóa
  11. Các bác sai bét. HT là người rất biết mình biết người đấy ạ. Một con vật biến hình cực kỳ giỏi. Xin lỗi. Ai sinh ra HT, chắc không phải "người" thường.

    Trả lờiXóa