Trang

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

Núi Trà Phương bị đục rỗng như thế nào?

Lần nhớ trước, khi biên ghi lại ký ức về cánh đồng làng, bỗng dưng chập chờn một hình ảnh khó quên thời thơ ấu.

Đó là dãy Yên Tử hùng vĩ. Không phải ở nơi quê tôi bởi quê tôi chỉ có núi Trà Phương, tục gọi là núi Chè. Núi Chè và núi Đối trên huyện lỵ Kiến Thụy (Hải Phòng) là một cặp, cách nhau thôi đường ngắn chừng hơn cây số. Hồi tôi còn bé nghe bu tôi kể rằng bà chúa Chè gánh đất đá lấp biển nhưng đến đây thì gãy đòn gánh nên bỏ lại hai hòn núi này. Núi Chè cao chừng 50 mét, dài gần cây số, đầu núi có hang bà chúa Chè, hồi nhỏ tôi lên giếng núi gánh nước vẫn tranh thủ trèo vào hang, mát rượi. Có hôm đi sớm, giấu thùng và đòn gánh vào bụi dứa rồi trèo hẳn lên đỉnh núi. Nhìn về biển Đồ Sơn, Bàng La, Cổ Tiểu… thấy gần ơi là gần, tưởng chỉ vươn tay là sờ được những cánh buồm nâu ngoài ấy. Vậy mà suốt hơn 2 chục năm từ lúc sinh ra không hề đặt chân đến Đồ Sơn, bởi phải đi học và tranh thủ phụ giúp thầy bu làm ruộng, rồi chiến tranh bom đạn, máy bay Mỹ ầm ì suốt ngày, xe cộ không có, lội bộ thì ngại, nhưng cơ bản là không có tiền. Nghe người ta bảo Đồ Sơn cảnh đẹp lắm, con gái Đồ Sơn rất đẹp, tắm biển thích hơn tắm sông Đa Độ nhiều, chỉ ao ước thôi, thèm quá thì lại lên đỉnh núi nhìn và tưởng tượng.
 
Hồi tôi lên 10, năm 1964, tự dưng thấy bộ đội công binh kéo về đầy làng. Ban chỉ huy dựng lán trại ngay sân ủy ban, còn các chú bộ đội thì chia nhau vào ở nhà dân. Nhà tôi có chú A, chú Ngưỡng, chú Quát, bên nhà Mai Long cũng 3-4 chú, có chú tên Đận. Các chú đều là thợ mộc, suốt ngày hì hục xẻ gỗ thành từng tấm dài lớn, sau đó xe ô tô chở lên núi. Hỏi chú Đận để làm gì, chú đằng hắng tao nói chúng mày nghe chúng mày biết nhưng bỏ đó đừng có bép xép. Chờ mỏi tai, chú mới bảo gỗ đó là cốp pha, đổ bê tông làm hầm xuyên núi, chống được cả bom nguyên tử. Trong hầm chứa đạn, cửa hầm thì đặt đại bác tầm xa, bắn tận ra hạm đội 7 Mỹ, nếu nó bắn lại thì pháo ta sẽ tụt vào hầm an toàn. Có điều, bộ đội công binh ta chỉ được làm phần bên ngoài, còn khoan núi, chở đất đá ra, dựng hầm bên trong thì hoàn toàn do bộ đội Trung Quốc đảm nhận. Suốt hơn 2 năm ròng rã, họ đã đục rỗng ruột quả núi, phần chân núi phía nam có 5 miệng hầm lớn, xe tải ra vào được, phần sườn núi phía tây có 3 miệng hầm đều ở lưng chừng núi, trẻ con từ đó bị cấm không cho trèo lên nữa, ngay cả chăn trâu cũng không được. Lạ là bao nhiêu đất đá khoét từ lòng núi, không hề biết lính Trung Quốc chở đi đâu bởi họ không đổ tí ti nào ra nên ngoài, Cứ đêm đêm xe tải rì rầm chở đi, không ai thấy, không ai biết đi đâu. Mãi khoảng cuối năm 1967 thì chỉ trong 1 đêm, họ bịt hết 5 cửa hầm, sáng ra mọi người mới biết.

Sau này có nhiều dư luận về chuyện đào hầm khoét núi. Có người bảo rằng các bố làm chuyện tào lao, đại bác mà đặt trong hầm chĩa nòng về hướng biển thì bắn thế đéo nào được, chỉ nổ vài phát đã điếc mẹ nó hết, còn bắn biếc gì. Ngoài biển, pháo nó căn trúng cửa hầm, nó chơi cho một phát thì có mà chạy đằng giời. Còn ông em rể tôi lại nghi ngờ hay bọn Tàu nó tìm của chôn giấu từ hồi xưa, biết đâu tổ tiên nó giấu, ém ở núi Chè, nó bày ra chuyện làm hầm chứa pháo rồi khoét núi, chở hết về Trung Quốc rồi, còn ta thì được quả núi rỗng vô tích sự.

Giờ đây, ai đi qua núi Chè chỗ nga ba Đại Hà ít để ý đến mấy cái cửa hầm bởi dân địa phương đã làm nhà kín đặc phía trước, che chắn mất cả. Quả núi rỗng vẫn nằm trầm mặc, chứa trong mình bao bí ẩn của một thời.

Mải viết về núi Chè, đành để phần nhớ về Yên Tử lần sau vậy.
Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. "Xu thế ghét Trung Quốc rất nguy hiểm cho dân tộc", Bộ Trưởng Quốc phòng, Đại Tướng PQT tâm tư...!!!

    Trả lờiXóa