Trang

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

Chim cu

     Nhà tôi từ trung tâm Q.5 (Sài Gòn) chuyển về nơi đang ở (H.Bình Chánh) đến nay gần 15 năm, chuyển nhà đúng vào ngày 24.12.2000. Hôm ấy chiều Noel, Thiên Chúa giáng sinh, còn vợ chồng con cái lo lắng tất bật. Đêm Noel, khi người ta ăn thịt ngỗng, thì mình lo sắp xếp nhà cửa đến gần sáng, đếch được ngủ.

     Về nơi ở mới có nhiều cái lạ. Sướng nhất là không phải gói ghém tầm mắt trong 4 bức tường hộp xi măng. Công viên sau nhà tôi, nho nhỏ nhưng như cái sở thú. Vài con đường bê tông loanh quanh, sẵn mấy cây phượng, bàng, bằng lăng, tôi trồng thêm cây xoài, cây mít, cây trứng cá. Chúng đều còi cọc bởi đất mùn phía dưới bị công ty xây dựng hồi trước nó bới đi hết, đổ vào đó tinh dững xà bần, sỏi đá vụn. Nhưng bù lại, thảo ít thì thú vật, chim chóc khá nhiều.

     Không kể đám gà đám chó do mấy nhà hàng xóm láng giềng nuôi, thả ra công viên, đây là nơi tụ hội của bầy chim. Chúng về từng đàn, nhặt nhạnh sâu bọ, thức ăn. Nhà tôi và nhà ông hải quân đánh tàu Maddox hằng ngày rải cơm nguội, thóc, có khi cả gạo ra cho chúng xơi. Quen thói, hôm nào chúng kéo ào về mà chưa thấy có sẵn cơm gạo là cứ ồn cả lên, inh ỏi phát khiếp, làm như mình phải có trách nhiệm với sự no đói của chúng. Mình có phải đảng đâu. Nhiều nhất là sẻ, từng đàn vài chục con. Lũ này rất tinh, chỉ kén thóc,
không thèm cơm nguội, mà ăn thóc rất giỏi, lấy mỏ mổ mổ vài phát là tách vỏ trấu, độc xơi gạo. Có mấy con chim sáo, toàn bắt sâu, chả thèm xuống đất, hót thật hay. Ông Maddox đặt tên chúng là thượng điểu. Hồi tôi mới về còn thấy cả con chim mỏ dài như con bồ nông, nặng cỡ 4-5 ký, chắc lạc từ sở thú về, cứ quanh quẩn trên cây bàng sau nhà. Nhìn cái mỏ nó to dài như hai cánh tay trẻ con ấp lại, biết là cu cậu khó bắt mồi ở những nơi đô thị hóa thế này, bảo con gái mở tủ lạnh lấy cho bố mấy con tôm. Tôi cột hờ con tôm vào cây sào dài, thọc qua cửa số trên lầu ra tận cành bàng cho nó thấy. Cu cậu đớp được 1 lần nhưng lần sau đớp hụt, mình rút sào lại, nó tưởng mình có ý đồ xấu nên bay vụt. Vài hôm sau nó quay về trông rã rượi, xơ xác, chắc đói quá. Chưa tìm ra cách giúp đối tượng chính sách này thì từ hôm sau không gặp bạn ấy nữa, chỉ còn lưu được mấy tấm ảnh. Thương nó quá.

     Dễ thương nhất là đôi vợ chồng chim cu. To bằng con chim bồ câu nhưng chúng duyên dáng hơn, đi đâu cũng có nhau, sáng sáng chiều chiều tha thẩn nhặt nhạnh trong công viên, tối ngủ nơi nào chẳng biết. Chồng đi trước, vợ theo sau, thỉnh thoảng lại âu yếm gáy cu cù cu, tiếng ấm áp, ngân dài. Tiếng cu gáy tầm sáng trưa chiều đã thành nếp, hôm nào im ắng lại như thiêu thiếu cái vô hình chi đó. Cậu dân phòng mấy lần định bẫy nó bắn nó, tôi phải năn nỉ van xin mãi, hối lộ 2 bao Con mèo, vợ chồng chim cu mới thoát án tử hình. Có một dạo tự dưng chỉ còn con trống (cao hơn, dài thân hơn, không bầu bầu như con kia nên nghĩ là con trống), tha thẩn một mình, hay là vợ chồng nó giận dỗi, bỏ nhau. Mấy tuần sau lại thấy cả đôi, anh trước em sau, "em không dám đi mau, ngại chàng chê hấp tấp", có nhẽ nàng đi đẻ hồi vừa rồi, nhưng con cái đâu chả thấy. Khi tôi đang gõ mấy dòng này, chúng vẫn cúc cu cu đều đặn, ấm áp, vang xa phía sau nhà.

     Nhắc đến chim cu, sực nhớ mấy câu thơ của đại thi sĩ thơ XHCN Chế Lan Viên. Bác ấy làm thơ nịnh chế độ nhưng phải công nhận là siêu hay, hồi xưa lứa chúng tôi đứa nào cũng phải học thơ bác ấy, chỉ đọc vài lần mà thuộc đến giờ. Hồi tôi còn đi dạy, lũ học trò sinh viên bảo chắc trong bụng thầy toàn thơ là thơ, ngượng bỏ mẹ. Bác Chế viết:

Ruộng đoàn tụ nên người thôi chia cắt
Đêm no ấm giọng chèo khuya khoan nhặt
Lúa thêm mùa khi lúa chín về ta
Đều lộng hương thơm những cánh đồng hợp tác
Chim cu gần, chim cu gáy xa xa

Ong bay khu nhà tỉnh ủy Hưng Yên
Mật đồng bằng mùa nhãn ngọt môi em
Cây xanh ngắt đất bạc màu Vĩnh Phúc
Ôi cái thuở lòng ta yêu tổ quốc
Hạnh phúc nào không hạnh phúc đầu tiên.

     Tôi đã sống từng mẩu từng tí cái thời hợp tác xã ấy, nào có phải vậy đâu. Đói rách lắm, nghèo lắm, vậy mà vẫn cứ thấy những dòng thơ này sao chúng hay thế. Văn chương làm cho con người quên cả đời thực, cả những điều mắt thấy tai nghe. Kinh thật.

Nguyễn Thông

4 nhận xét:

  1. Anh ơi,
    Xem pháo hoa người tai quên đi cái nghèo cái đói anh ạ.
    Nên thơ hay làm người ta quên rằng ... nói nói sai cũng có lý anh ơi...

    Trả lờiXóa
  2. Thời buổi bọn chuột chỉ luôn bàn về chuyện chim chuột,còn cái anh một cục lại bàn về chuyện chim cu. Quá nghịch cảnh !

    Trả lờiXóa
  3. Ồ. giờ mới đọc lại trang bác Thông. Cứ tưởng bác nghỉ blog mãi mãi. Vui quá. bác đã trở lại

    Trả lờiXóa
  4. Con chim còn khó sống, lại thêm chú dân phòng giương súng mà thất kinh ôi VN! đi đâu để sống hỡi chim hay ngụ nhờ bác Tâp?

    Trả lờiXóa