Trang

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

Nắng trưa với hai gia đình Gạc Ma ở Quảng Bình

HUY ĐỨC (nhà báo)

Rất tiếc là thời gian ở Quảng Bình ngắn, nên tôi chỉ có thể thay mặt Nhịp Cầu Hoàng Sa đến thăm gia đình hai liệt sĩ hy sinh ngày 14-3-1988 tại Gạc Ma: trung úy Nguyễn Mậu Phong và chiến sỹ Hoàng Văn Túy. Trung úy Nguyễn Mậu Phong là sĩ quan có cấp bậc cao nhất trực tiếp xuống đảo chỉ huy, hy sinh ngay trong loạt đạn đầu và xương cốt hãy còn nằm lại ở Gạc Ma cùng với 51 đồng đội khác (3 người được đồng đội tìm thấy xác ngay cuộc thảm sát Gạc Ma; 10 bộ hài cốt được tìm thấy trong những nỗ lực của Bộ Tư lệnh Hải quân vào tháng 7 & 8-2008).

Theo Lê Hữu Thảo, người sống sót trong ngày 14-3: "Trung úy Phong là người trực tiếp ra các mệnh lệnh trong thời khắc lịch sử ấy và đã hy sinh như một anh hùng".

Cha mẹ của trung úy Phong, ông Nguyễn Mậu Bảo (sinh năm 1930) và bà Nguyễn Thị Lênh (sinh 1932), cư ngụ tại thôn Hiển Lộc, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh. Ông Bảo nói: "Nhà cửa vậy cũng tạm ổn (đã xây tường nhưng chưa đủ tiền đóng cửa), trợ cấp bố mẹ liệt sĩ được 1,3 triệu/người cũng tạm đủ sống. Chỉ buồn về đường con cái.

Con trai cả của ông, trung úy Phong, hy sinh năm 29 tuổi; người con thứ hai, cũng đột ngột mất khi đang làm phó chủ tịch một huyện ở Tây Nguyên; người con trai thứ Tư sinh ra hai đứa con, cả hai được xác định là chịu ảnh hưởng của chất độc da cam, bị mù và mất trí nhớ.

Với cụ Nguyễn Mậu Bảo, 85 tuổi, thân phụ trung úy Nguyễn Mậu Phong.
 
Cách đó không xa là nhà chị Trần Thị Liễu, vợ trung úy Nguyễn Mậu Phong. Mất chồng năm 28 tuổi, khi đang mang thai người con trai thứ hai, chị Liễu - một thôn nữ xinh đẹp, từng phục vụ 5 năm trong quân đội - hiện ở một mình với cháu nội. Hai con trai của chị và anh Phong sau đó đều xung phong nhập ngũ.

Người con thứ hai, sinh năm 1988, đang là sĩ quan Hải quân. Người con đầu, sinh 1986, từng là lính Trường Sa, hiện xuất ngũ về học cao đẳng điện rồi làm thợ ở Vũng Tàu, trong khi vợ con vẫn ở quê. Vừa bế đứa cháu nội, chị Liễu vừa nói với chúng tôi: "Chỉ mong hai đứa nó xin được việc làm hoặc cùng ở Vũng Tàu, hoặc cùng ở Quảng Bình để được gần nhau". Tuy theo chị Liễu, những ngày tháng cơ cực nhất đã qua nhưng công cuộc mưu sinh của người con trai xuất ngũ còn cơ cực quá.

Gia đình của liệt sỹ Hoàng Văn Túy hiện sống ven bờ biển Tân Định, Hải Ninh. Mẹ anh, cụ Nguyễn Thị Tròn (sinh 1931) vừa qua đời trước Tết Ất Mùi. Cha anh, cụ Hoàng Văn Nhỏ (sinh 1928) lưng còng nhưng gương mặt quắc thước, chân bước thoăn thoắt.

Năm ngoái khi Công đoàn Bộ Văn hóa tặng 100 triệu. Con trai út của Cụ vay mượn thêm để xây một ngôi nhà hết 470 triệu đồng. Để có ngôi nhà khang trang hơn trong xóm, gia đình vẫn còn nợ 170 triệu. Người con trai út ngày ngày ra biển đánh cá trong khi người vợ ở nhà làm món đặc sản nổi tiếng của Quảng Bình: khoai deo.

Cụ Hoàng Nhỏ, 87 tuổi, thân phụ liệt sĩ Hoàng Văn Túy.

Năm 2013, khi một doanh nghiệp tặng gia đình 20 triệu đồng để sửa nhà, cụ Hoàng Văn Nhỏ đã dùng số tiền ấy làm một bữa giỗ chung cho 64 liệt sĩ Gạc Ma. Theo nhà báo Cu Làng Cát: "Cụ dựng rạp, lập trang thờ; cỗ, món nào cũng đủ 64 phần, 64 đôi đũa, 64 chiếc bát, 64 phần khoai đặc sản, 64 bát nước, 64 nén nhang... Cụ mời xóm làng, mời cán bộ xã cùng đến để nhớ về, biết về sự kiện đó. Bài khấn của cụ giản dị. Cụ nói: Các con, 64 đứa, mỗi đứa một xóm, mỗi đứa một làng, mỗi đứa một miền. Nhưng tiếng nói là tiếng Việt Nam, nước uống là nước uống xứ Nam, máu mủ ruột rà người Nam. Bọ nghèo có bữa cơm đạm bạc, mời mấy con cùng về ăn với xóm làng của bọ để bà con biết mặt, biết tên. Về đây để biết nhà thằng Túy, biết làng hắn, biết dạ người ở đây như dạ người của quê các con".

Làm khoai deo - đặc sản Quảng Bình - ở nhà em trai liệt sĩ Hoàng Văn Túy.

Từ đó, đến ngày giỗ Gạc Ma, cụ đều nhang khói cho cả 64 liệt sĩ.

Huy Đức (Osin), theo Facebook Trương Huy San xem ở đây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét