Trang

Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Một cái tên đã thành danh: Trần Quang Cơ

Lời chủ blog:
Ông Trần Quang Cơ, nhà ngoại giao VN nổi tiếng, từng đóng chức Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao, người từng gây xôn xao dư luận với cuốn hồi ký "Hồi ức và suy nghĩ", đã qua đời ngày 25.6.2015. Cũng lạ ở chỗ, gia đình ông Cơ thì thông báo sớm, nhưng đảng cầm quyền và nhà nước thì mãi đến hôm qua, 29.6 mới công bố và cho phát tin trên báo chí chính thống. Đại loại cũng giống như hồi các ông Trần Xuân Bách, Trần Độ mất vậy. Cả 3 ông Trần (dù cụ Trần Độ chính thức không phải họ Trần) đã gần như chung một hoàn cảnh: bị nhà cai trị dè chừng nhưng không dám bỏ.
Sau khi cụ Cơ mất, nhà báo Huy Đức có bài viết về cụ, "Một cái tên thành danh: Trần Quang Cơ", xin lưu ở đây làm tư liệu.

HUY ĐỨC
Tuy từ chối chức bộ trưởng Ngoại giao, ông Trần Quang Cơ vẫn là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất lên đường lối đối ngoại của Việt Nam – không phải bằng quyền lực, chức vụ mà bằng những gì ông bạch hóa trong cuốn Hồi Ức & Suy Nghĩ được “leak” ra hồi đầu thập niên 2000s. Cuốn hồi ký có giá trị cảnh báo nguy cơ Việt Nam rơi vào thời kỳ Bắc thuộc mới.
Năm 1991, ông Nguyễn Cơ Thạch chịu nhiều áp lực phải rời khỏi chính trường. Chiếc ghế bộ trưởng ngoại giao được chuẩn bị cho ông Trần Quang Cơ nhưng ông từ chối. Khi Quốc hội đã nhóm họp, ông Trần Quang Cơ vẫn “công tác” ở Lào. Ông Đỗ Mười tưởng ông Cơ “đòi” cái ghế ủy viên Bộ chính trị nên hứa là nếu ông Cơ nhận, Trung ương sẽ bổ sung. Ông Cơ kiên quyết từ chối.
Thật tình cờ, tôi nhận được điện thoại của đại sứ Đinh Hoàng Thắng báo ông Trần Quang Cơ đồng ý trả lời phỏng vấn khi đang ở trong Thành phỏng vấn Tướng Lê Đức Anh. Phải ngồi với cả hai mới thấy được sự khác nhau giữa họ về nhân cách, tầm nhìn; sự khác nhau giữa tham vọng quyền lực và lòng yêu quê hương đất nước.
Trong cuộc gặp vào chiều cùng ngày (có đại sứ Đinh Hoàng Thắng), tôi hỏi, vì sao ông lại không nhận chức bộ trưởng Ngoại giao. Ông Cơ thẳng thắn: “Lúc ấy, trong Bộ chính trị đã phân công cho Tướng Lê Đức Anh, Chủ tịch Nước, phụ trách quốc phòng, an ninh và ngoại giao. Tướng Lê Đức Anh là kiến trúc sư chính của Hội nghị Thành Đô. Nghị quyết Đại hội VII xác định đường lối ngoại giao đa phương. Nhưng chúng tôi biết rõ ‘phương ưu tiên’ của ông ta là ai, là ngược lại với chúng tôi, dẫu có nhận chức, trước sau cũng mất chức”. Tôi nói: “Tại sao anh không nhận chức rồi đấu tranh, nếu có mất chức vì bất đồng quan điểm thì lịch sử càng làm rõ ai công, ai tội”. Ông Trần Quang Cơ cười: “Cậu nghĩ là người ta sẽ cho tôi mất chức vì bất đồng quan điểm ư”. Khi ông Cơ nói điều đó, chưa xảy ra vụ “hai bao cao su” nhưng tôi cũng phần nào hiểu được.

Nghe GS Khê kể chuyện ăn ngon (kỳ cuối)

Kỳ 4: Muốn ăn phải lăn vào bếp

Mười lăm phút trôi qua thật nhanh. Tôi chỉ kịp rít xong điếu thuốc, lúc vào chỗ ngồi của mình thì đã thấy GS Trần Văn Khê chĩnh chiện trên ghế từ bao giờ. Ông bảo được về nước nói chuyện, trao đổi với bà con mình những nét đẹp của văn hóa Việt nam như thế này, ông chỉ thấy khỏe ra chứ không mệt. Nếu các ông bà còn đủ sức nghe thì tôi còn đủ sức trao đổi. Mọi người ồ lên, xin giáo sư cứ kể cứ nói tiếp đi, chúng tôi nghe đến tối cũng chưa đã. Cụ Khê bảo, vậy thì được, tôi lại xin hầu chuyện các ông các bà.

GS Khê kể tiếp: Nếu chỉ có thế thôi thì chưa bộc lộ được những nét độc đáo của văn hóa ẩm thực Việt Nam. Lại quay về chuyện mấy ông đầu bếp nhà hàng ông bạn Việt kiều về hưu mà tôi nói ở trên. Họ bảo đám nhà báo rằng muốn biết cụ thể thế nào thì hãy xuống bếp là có cái lý của họ. Mỗi dân tộc chế biến thức ăn có những nguyên tắc riêng. Theo tôi, người Việt Nam mình trong ẩm thực có 3 nguyên tắc chính:

Trước hết, nấu cho ngũ quan thưởng thức. Đâu chỉ ăn bằng miệng, mà phải thỏa mãn cả 5 giác quan. Mắt nhìn thấy đẹp, mũi ngửi thấy thèm, lỗ tai nghe được âm thanh vui vui, miệng luôn “khoái khẩu”, thậm chí người Ấn Độ họ ăn bốc bằng tay cũng có nguyên do để da thịt tiếp xúc (xúc giác) trực tiếp với thực phẩm nhằm tăng thêm khoái cảm ăn uống... Một món không đáp ứng được ngũ quan thì kết hợp nhiều món, tạo đủ mùi vị, sắc màu, âm thanh, cảm giác, có thế mới ngon.

 Không chỉ nghiên cứu, am hiểu sâu sắc về âm nhạc cổ truyền dân tộc, GS Trần Văn Khê còn là một chuyên gia thượng thặng về ẩm thực phương Đông. Ảnh: Nguyễn Thông

Nguyên tắc thứ hai và là nguyên tắc quan trọng nhất của ẩm thực Việt, đó là món ăn phải quân bình âm - dương, nhiệt - hàn. Lẽ trời vốn vậy. Ăn không đơn thuần là ăn mà gói vào đó cả triết lý. GS Khê kể tiếp: Mấy người Tây hỏi tôi làm sao biết được cái gì dương, cái gì âm? Tôi bảo, nói cặn kẽ thì dài lắm, vậy các ông cứ biết đơn giản thế này: Món nào mặn, vị mặn là dương; còn món nào chua hoặc ngọt thì là âm. Người Việt Nam chúng tôi khi kho nấu thịt cá bắt buộc phải có mắm muối (dương), nhưng vẫn thêm chút đường (ngọt, là âm); nấu chè ngọt thì lại có chút muối, ăn dưa hấu (ngọt), ăn bưởi (chua) đều là âm cũng chấm thêm tí muối (dương). Mấy người Tây nghe tôi giới thiệu thế thì thắc mắc “ăn chua thì phải thêm đường mới hợp lý chứ”, tôi bèn bảo: “Bưởi vốn chua, lại thêm đường, đều là âm cả. Âm thịnh, dương suy là nguy rồi. Ăn, dù chỉ ăn chơi chơi, cũng phải làm sao cho âm - dương tương xứng, hàn - nhiệt phân minh. Tôi nói thêm, chả thế, người Việt chúng tôi ăn thịt vịt, cá trê, ba ba (cua đinh), những món ăn ấy đều mang tính hàn nên nước chấm phải có gừng. Cân bằng âm - dương là vậy.

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Nghe GS Khê kể chuyện ăn ngon (3)

Kỳ 3: Chuyện về ông Việt kiều mê mắm

Vuốt nhẹ mái tóc bồng bềnh, cặp mắt hấp háy tinh anh, vui tươi, GS Khê dường như không biết mệt khi muốn truyền cho người nghe những thú vị của chuyện ăn uống. Ông kể tiếp: Có một chuyện vui thế này, các ông bà ạ. Một ông người Việt sống ở Pháp đã lâu, nhà ông ấy tại một chung cư, hàng xóm toàn là tây đầm. Xa đất nước quê hương đã lâu, thèm mắm quá, ông ta mày mò tự làm lấy, cứ nhớ cứ làm theo kiểu ngày xưa từng chứng kiến bố mẹ, anh chị đã làm. Ông ấy làm món mắm kho. Không ngờ mùi mắm bốc lên, lan sang nhà khác. Đám tây đầm hàng xóm thấy nơi mình ở có mùi lạ mới hoảng hồn, bèn đi thưa cảnh sát.

Nhà chức trách đến điều tra, họ bảo bởi nghe nói “nhà này có người chết”. Tìm tòi lục tung cái căn hộ của ông gốc Việt kia, họ tìm ra, thu được “hợp chất” đáng ngờ, thực ra tinh những mắm là mắm, nào mắm nêm, mắm tôm, mắm ruốc. Họ niêm phong, đem về phòng thí nghiệm và trước khi rút quân không quên cảnh cáo chủ nhà, nếu chúng tôi phát hiện ra điều gì, nhất là chất độc, thì đừng có trách pháp luật.

 GS Trần Văn Khê trong một buổi thuyết trình về ẩm thực tại trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thông

Nhân viên la bô (laboratoire) cho những con bọ ăn thử hợp chất khả nghi ấy, lạ thay, mấy ngày sau, đám bọ chẳng những không lăn ra chết mà con nào con nấy mập hẳn lên, thì lấy làm thắc mắc: chất gì đen thui mà lại nhiều dinh dưỡng thế? Kết quả phân tích cho thấy hợp chất ghê gớm gọi là mắm đó rất nhiều enzyme. Cuối cùng thì cảnh sát phải đến tận nơi đem trả lại tang vật (họ rất đàng hoàng, không vi phạm pháp luật thì trả lại đầy đủ và xin lỗi), chỉ khuyên ông nghiện mắm: lần sau ông có nấu hoặc ăn, xin ông nhớ đóng kín cửa hoặc đem đi đâu xa xa, kẻo làm phiền người khác.

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

Bài hát tặng bạn ngày chủ nhật: Học giỏi chăm làm cháu ngoan Bác Hồ

(Mục này của tôi, bạn nào không nghe clip nhạc thì cũng nên đọc qua, ở phần nội dung tôi muốn truyền tải một số kiến thức về giai đoạn lịch sử - xã hội liên quan đến bài hát. Đọc để biết có những thời gian chúng tôi đã sống như thế nào). Bài hát này, tôi xin phép dành cho những ai từng là thiếu niên những năm 60-70 ở miền Bắc. Hồi ấy, tuổi thơ gắn liền với những ngày vất vả buổi đầu dựng xây hòa bình ở miền Bắc, tiếp đó là những ngày chiến tranh ác liệt.

Mỗi đứa trẻ con như chúng tôi hầu hết như những tâm hồn thơ trẻ chứa trong cơ thể già nua khắc khổ gầy gò. Đời sống tinh thần chả có bao nhiêu ngoài tình gia đình, thầy trò, bè bạn. Sách vở hiếm, phim ảnh năm thì mười họa, rốt cục vui chơi vẫn chỉ dựa vào đội thiếu niên. Và sinh hoạt đội thời ấy, về bản chất, giống như đảng viên sinh hoạt chi bộ bây giờ, nội dung là yêu nước, căm thù giặc, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu kính bác Hồ. Chả thấy nhắc đến yêu thương bố mẹ, anh chị em ruột bao giờ, hình như người ta đã mặc nhiên đứa trẻ con nào cũng phải ngấm vào ống xương mạch máu tình yêu ấy nên không cần đưa vào nội dung sinh hoạt. May mà hồi đó không có vấn đề biển Đông, Hoàng Sa-Trường Sa, chứ nếu không lại suốt ngày suốt đêm trống dong cờ mở đi hô khẩu hiệu khắp đường làng ngõ xóm, bị biến thành cụ non hết chứ chả chơi.


Đây là một bài hát phổ biến những năm đó, của nhạc sĩ Hoàng Vân (trong clip người sưu tầm ghi nhầm là Phạm Tuyên), do đội Sơn Ca (Nhà thiếu nhi Hà Nội) trình bày. Bây giờ nghe có cảm giác kỳ kỳ nhưng những năm tuổi thơ xa lắc ấy, nó là một trong số ca khúc thiếu nhi phổ biến nhất.


Tôi vốn nặng lòng với quá khứ, thậm chí yếu đuối mỗi lần hồi tưởng chuyện xa xưa, nên khó dứt ra những kỷ niệm thế này. Ai nghe được thì cùng nghe, còn các bạn trẻ đừng trách người hoài cổ.



Chúc người thân, bạn bè ngày chủ nhật vui.
Nguyễn Thông 

https://www.youtube.com/watch?v=5Fs9dsWcHqU 

Nghe GS Khê kể chuyện ăn ngon (tiếp)


Kỳ 2: “Chưa được ăn mà chúng tôi đã khoái lắm rồi”

Bãi xe chật ních. Gửi xong chiếc xe thì đã muộn mất 15 phút. Tôi ba chân bốn cẳng vào. Thật may, chị Hưng vẫn dành cho tôi một ghế hàng đầu. GS Khê đang kể, mọi người đang chắm chú lắng nghe. Ông kể rằng:

Tôi có anh bạn ở Pháp, cũng người Việt Nam mình, lúc về hưu bèn mở tiệm ăn, nấu theo kiểu VN và Trung Hoa. Hôm khai trương, theo lệ, tổ chức họp báo, phóng viên nhà báo đến rất đông bởi họ cũng muốn biết về ẩm thực phương Đông. Họ hỏi ông bạn tôi: “Thưa ông, tiệm ăn của ông nấu theo cả kiểu Việt Nam lẫn Trung Hoa, vậy có gì khác nhau?”. Chủ quán bảo: “Khác chứ”, và cho mời hai vị đầu bếp mũ trắng lên. Hai ông này bảo: “Khác nhau nhiều lắm, nhưng các vị muốn biết cụ thể thì... mời xuống bếp”. Đám phóng viên nghe đầu bếp trả lời vậy chỉ biết ngớ người ra, bởi có xuống bếp cũng chưa chắc gì đã hiểu.

Đang lúc lúng túng chưa biết giải quyết ra sao, ông chủ quán bèn nhờ tôi giải thích giùm. Ông nói với các nhà báo: “Thưa các ngài, có ông Trần Văn Khê đây, một người sành ăn, ông ấy sẽ phân tích cho các ngài hiểu”. Tôi liền bảo: “Điều các ông muốn biết, tôi chỉ xin nói gọn lại: Thứ nhất, người Trung Quốc thích dùng bột mì làm bánh, bánh bao chẳng hạn; còn người Việt Nam thì dùng bột gạo (bánh đúc, bánh xèo, bánh tráng, bún, phở, hủ tiếu...). Khác thứ hai, là nước chấm của người Việt Nam làm từ cá, tôm tép, cáy còng..., còn của người Trung Quốc làm từ đậu tương (đậu nành). Và cuối cùng, khi trộn vị, người Việt Nam trộn theo công thức mặn + ngọt, còn người Trung Quốc trộn theo công thức chua + ngọt. Nếu Việt Nam ăn món có vị chua ngọt thì phải quân bình chua – mặn – ngọt, sao cho đừng quá chua, quá mặn, quá ngọt. Cả 3 vị này có tương đương nhau thì mới ngon. Chính vì thế, món canh chua của Việt Nam tưởng đơn giản mà rất khó nấu, chút nữa các ông ăn các ông sẽ biết. Mấy nhà báo nghe tôi giải thích xong, họ bảo: “Hiểu rồi, khác nhau rõ nhất là... nước chấm và cách dùng vị”.

GS Trần Văn Khê trò chuyện, trao đổi cùng các GS Phạm Biểu Tâm, Hoàng Đức Như (Ảnh: Nguyễn Thông)

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Nghe GS Khê kể chuyện ăn ngon

Hôm nay, mình bắt đầu đăng loạt bài viết về Giáo sư Trần Văn Khê, gồm 4 kỳ. Đây là bài mở đầu:

Giáo sư nhạc sĩ Trần Văn Khê qua đời, đó là tin buồn nhưng cũng rất nóng thu hút sự quan tâm của đông đảo mọi người, nhất là báo chí truyền thông. Chỉ mấy ngày qua, đã có hàng trăm bài báo viết về ông, tiếc thương, ca ngợi. Ông là một đại thụ về nghiên cứu âm nhạc dân tộc, danh tiếng đã phủ sóng không chỉ trong nước mà còn rộng khắp thế giới. Nhưng ông còn được nhiều người biết đến như một chuyên gia am hiểu sâu sắc về ẩm thực phương Đông, nhất là văn hóa ẩm thực Việt, một người sành ăn bậc nhất.

Kỳ 1: Một kẻ sĩ kỳ tài

Nhắc đến GS Trần Văn Khê, điều đầu tiên mà mọi người liên tưởng, rằng cụ là một đại thụ về âm nhạc, nhà truyền bá số 1 âm nhạc dân tộc Việt ra thế giới. Nhưng có một góc khuất, cụ giáo sư số 1 ấy cũng chính là chuyên gia thượng thặng về văn hóa ẩm thực Việt, sành ăn hiếm có.

 GS Trần Văn Khê sử dụng tinh thông hầu hết các loại nhạc cụ dân tộc

Những năm 1960 - 1970 ở miền Bắc, do hoàn cảnh chiến tranh cùng những rào cản về hệ thống chính trị nên người dân ít được biết đến những sự việc, con người xảy ra bên ngoài, nhất là ở những nước bị coi là tư bản, thực dân, đế quốc. Thỉnh thoảng mới nghe nhắc đến những trí thức Việt kiều, chủ yếu ở Pháp, những người hướng về miền Bắc hoặc có cảm tình với cuộc chiến đấu chống Mỹ. Tôi còn nhớ, suốt mấy năm học đại học, đôi lúc các thầy trích dẫn thơ của Phạm Văn Ký, Việt kiều Pháp, ủng hộ cuộc chiến đấu của miền Bắc, bộc lộ những tâm tư nhớ nước thương nòi. Sau này được biết thêm, chính thi sĩ Phạm Văn Ký là anh ruột của nhà thơ Phạm Hổ (miền Bắc) và nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (miền Nam). Hoặc đó là nhà nghiên cứu văn học Thái Thu Lan, Việt kiều Đức; ông Nguyễn Ngọc Giao, nhà khoa học, Việt kiều Pháp, ông Lê Bá Đảng, họa sĩ, cũng Việt kiều Pháp... Và đôi lúc, chúng tôi cũng có nghe tới tên tuổi của Trần Văn Khê, cũng chỉ biết rằng ông là một nhạc sĩ, nhà nghiên cứu nổi tiếng về âm nhạc phương Đông, đặc biệt về âm nhạc dân tộc Việt Nam. Có người bạn tôi còn khoe từng đọc đâu đó viết ông Khê là anh ông Trần Văn Trạch, một nhạc sĩ nổi tiếng thời trước 1954, sinh sống ở miền Nam. Nói thế để thấy rằng, có những con người Việt Nam tên tuổi lẫy lừng thế giới nhưng lúc ấy chính người trong nước lại chả nắm được bao nhiêu, nói chi đến chuyện tự hào, hãnh diện, ca ngợi, khâm phục.

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Miền Trung quê tôi

BÁ TÂN
      Tôi là người miền Trung. Nắng nóng như lửa đốt đang và sẽ hành hạ khúc ruột miền Trung. Nhiệt độ ở đây, trong nhiều tháng liên tục, luôn mấp mé hoặc trên 40 độ C.

      Nắng nóng miền Trung gay gắt nhất Việt Nam và thuộc tốp đứng đầu thế giới. Sự sống ở miền Trung đang ngắc ngoải từng ngày.  Đến thời điểm này, cả nước có 2 địa phương ban bố tình trạng thiên tai hạn hán nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, đó là Ninh Thuận và Nghệ An, thuộc khu vực miền Trung.

       Thời kỳ chiến tranh, khu vực miền Trung trở thành chảo bom. Những năm tháng bom rơi đạn nổ, cho dù là hậu phương, nhiều tỉnh miền Trung hứng chịu bom đạn ác liệt chẳng khác gì chiến trường. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng cho đến tận bây giờ, người dân miền Trung vẫn còn gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề bởi cuộc giải đáp “ai thắng ai” bằng bom đạn.

        Hiện thời, cùng với đầy rẫy bức xúc trong đời sống xã hội, nắng như thiêu như đốt biến miền Trung thành chảo lửa. Con người, cây trồng, vật nuôi trở thành nạn nhân thảm khốc của siêu đại hạn.

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

Thành ngữ mới: Thành công tốt đẹp

Phàm con người ta cũng như bất cứ tập thể, tổ chức, đơn vị nào, làm điều gì cũng mong được thành công, đạt như mình muốn. Trên cả sự thành công thì gọi là thành công tốt đẹp.

Nói như thế để thấy rằng đó là điều bình thường trong cuộc sống, thuận lòng người chứ chẳng phải trái nghịch gì. Nhưng nhiều khi nhân định không bằng thiên định, ngoài khao khát của con người thì còn có ý trời, có những sức mạnh ngoài quy luật xã hội chi phối hành vi con người. Có cưỡng mấy cũng chỉ vá víu được phần nào cho tấm áo số phận thôi.

Phải công nhận người cộng sản có ý chí ghê gớm. Họ đã làm gì hoặc muốn làm gì thì làm cho bằng được. Họ cưỡng lại tất, coi quy luật tạo hóa chẳng là cái đinh. Có một thời họ hô khẩu hiệu “vắt đất ra nước thay trời làm mưa” khi thời tiết khô hạn, hoặc “nghiêng đồng đổ nước ra sông” khi úng lụt. Họ làm thơ “Ước gì kéo núi lên cao mãi/Xáp mặt quân thù đánh tuyệt hơn” (thơ Nam Hà, tức Nguyễn Thành Vân)... Trời còn chả mùi mẽ gì, vậy thì người chỉ là con muỗi, con tép với họ.

Và có nhẽ, tự tin như thế, đỉnh cao trí tuệ như thế, người cộng sản luôn cho rằng sự nghiệp của họ chỉ có “đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, đảng của họ “là người tổ chức, lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Trong từ điển của họ, chỉ có từ “thắng lợi, thành công” chứ không bao giờ có từ “thất bại”. Nếu chẳng may thất bại thì lỗi không thuộc về họ, mà do lực lượng khác. Chính vì vậy, dân gian tổng kết một cách mỉa mai, đùa cợt rằng “Mất mùa thì tại thiên tai/Được mùa bởi tại thiên tài đảng ta”.

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Bồi thường oan sai

Vừa rồi, quốc hội mất cả mấy buổi để bàn về án oan sai, còn dư luận thì cực kỳ hồ hởi với việc ông Nguyễn Thanh Chấn được nhà nước đền bù (thậm chí báo chí dư luận được đà, còn muốn đi đến tận cùng, đòi biết tiền đền bù do ai trả).

Ân đền oán trả, sai thì phải sửa, kẻ làm sai phải bồi thường, người bị oan được giải oan, đó là công lý.

Tôi mong có ngày quốc hội công khai bàn giữa hội trường Ba Đình mới và dõng dạc lên tiếng "bồi thường oan sai", giải oan cho những người như: bà Nguyễn Thị Năm, các ông Nguyễn Hữu Đang, Vũ Đình Huỳnh, Hoàng Minh Chính, Phan Khôi, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Bùi Ngọc Tấn, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Vũ Thư Hiên, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Kiến Giang, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Trấn, Nguyễn Hộ, Trần Độ, Trần Xuân Bách, Bùi Minh Quốc... So với những con người này, oan sai của ông Chấn chưa là gì cả.

Hầu hết họ bị quy kết "tội" xét lại chống đảng, đi ngược lại đường lối chính sách của đảng, tuy nhiên, họ không hề phản bội tổ quốc, chống lại đất nước, dân tộc, nhân dân. Nếu chỉ chiêu tuyết, trao cho vài cái danh hiệu, huy chương... coi như xong thì cái gọi là chấm dứt oan sai ở xứ này không bao giờ kết thúc.

Chỉ chính thức giải oan, xin lỗi, bồi thường cho họ, cả về vật chất và tinh thần, một cách công khai, sòng phẳng, lúc ấy mới có ngày hội của dân tộc.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

Uy tín của tờ báo

BÁ TÂN 
Là nhà báo chuyên nghiệp, thường ngày tôi đọc nhiều báo, dĩ nhiên có Báo Thanh Niên.
Có ai đó sẽ bảo rằng vì thường xuyên đọc tờ báo nào đó, nên dễ coi tờ báo ấy là có uy tín nhất. Nói như thế có thể gây tranh cãi, thậm chí không ai chịu ai.
Người thường xuyên được cấp (không phải mua) báo Nhân dân, họ sẽ cho rằng không tờ báo nào bằng báo Nhân dân.
Một người, như tôi chẳng hạn, hằng ngày đọc Thanh Niên, bởi trong thâm tâm đã mặc định đó là tờ báo mình ưa thích và có uy tín hàng đầu.
Tôi khẳng định với các bạn như vậy không phải theo cảm tính, mà “nói có sách, mách có chứng”, bằng chứng hùng hồn, khó ai bác bỏ.

GS-TS Trần Văn Khê là nhà văn hóa lớn đương đại của nước ta, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc, đặc biệt ở những nghiên cứu sâu rộng và sự truyền bá âm nhạc dân tộc ra thế giới. Tài sản văn hóa ông để lại cho thế hệ sau cực kỳ đồ sộ, giá trị sâu sắc. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đều biết danh tiếng GS-TS Trần Văn Khê.

Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

Viết hoa

Tôi thấy cứ làm sao ấy khi báo chí chính thống viết hoa chữ đảng (Đảng) nhưng lại không viết hoa chữ nước, chữ dân. Ví dụ, tường thuật chuyến thăm Trung Quốc của ông Phạm Bình Minh hôm qua, các báo viết "tăng cường hơn nữa mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau giữa hai Đảng, hai nước".

Đúng ra thì phải ngược lại, đảng chỉ viết thường, còn dân và nước mới viết hoa, mà đã cố ý không viết hoa thì không viết hết, chả nên đặc cách cho anh nào.

Chỉ vì độc quyền chữ đảng nên mới ra nông nỗi nhất bên trọng, nhất bên khinh ấy. Xin nhớ rằng, đảng gì gì đi chăng nữa cũng chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích, chính nước và dân mới là mục đích. Vì nước vì dân, thế là đủ. Chả ai vì cái phương tiện bao giờ.

Ngày xưa các cụ bảo: Dân là dân nước, nước là nước dân. Hồi ấy thiếu gì đảng đứng ra tranh đấu nhưng đảng luôn khiêm tốn đứng nép sau dân sau nước chứ có chường mặt ra bao giờ. Thế mới đáng phục.

Tôi nói vậy phải không, hả các bác?

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

Thành ngữ mới: BƠ THỪA SỮA CẶN


Mở mục mới.
Kể từ bữa ni, nhà cháu sẽ mở mục mới, tạm gọi là "thành ngữ mới", chuyên nêu ra và giải nghĩa những thành ngữ, cụm từ quen thuộc mà từ hồi bé đến giờ nhà cháu đã được nghe ra rả trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Cũng có thể những thành ngữ ấy không hẳn do cộng sản chế ra nhưng nó được họ dùng nhiều đến mức người ta nghĩ không phải họ là tác giả thì còn ai vào đây.

Kiến thức hạn hẹp, có khi chỉ trình bày nông cạn, mong nhận được sự chỉ giáo, góp ý. Xin đa tạ.

Sau đây là thành ngữ mở hàng: BƠ THỪA SỮA CẶN

Nhớ hồi những năm 60 - 70 ở miền Bắc, khoai còn chả đủ ăn, lấy đâu ra bơ sữa. Tôi sinh năm 1955, một năm sau khi miền Bắc được gải phóng khỏi người Pháp, thú thực,  mãi đến hơn 20 năm sau mới biết mặt mũi của miếng bơ. Còn sữa, cũng chỉ nghe nói thì nhiều chứ chả mấy khi được uống. Với nông dân đặc sệt như tôi, bơ sữa là cái gì đó rất cao sang, mà cũng chả mơ được ăn uống nó bởi vì hiểu phận mình chỉ có khoai sắn làm bạn.

Nhưng đài báo nhà nước thì cho dân “ăn” bơ sữa thường xuyên, nhất là khi lên tiếng tố cáo chính quyền “ngụy” Sài Gòn. Họ gọi đó là bọn tay sai của đế quốc Mỹ, cam phận “bơ thừa sữa cặn” để áp bức bóc lột đồng bào miền Nam, gây chiến tranh chia cắt đất nước. Theo cán bộ hồi đó giải thích, cũng như đọc báo Nhân Dân, ăn “bơ thừa sữa cặn” là ăn thứ người ta đổ đi, ăn hèn ăn nhục, bám đít đứa khác, chả khác gì con chó ăn cứt. Thà đói khổ mà làm người cách mạng còn hơn sống kiếp “bơ thừa sữa cặn”. Nghe giải thích vậy, tự dưng thấy không thèm bơ sữa nữa.

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Kinh thành giông gió

Nếu là nhà chép sử, chắc tôi phải biên rằng:

Đúng vào thời điểm triều đình đang họp tại nhà kín Ba Đình gần mộ cụ tổ cách mạng, vào cuối giờ Thân đầu giờ Dậu, ngày Canh Thân, tháng Tân Tỵ năm Ất Mùi, theo lịch tây là cuối chiều ngày 13.6.2015, trời đang nóng nực, đứng gió, dân tình kinh đô rất bức bối, khó chịu, bỗng nhiên xuất hiện cơn giông gió mạnh chưa từng thấy. Nhiều người già ở ô Quan Chưởng bảo rằng lớn nhất mấy chục năm qua. Cây đổ hàng loạt, đè chết người, bẹp biết bao xe cộ, cả mấy trăm cây bật gốc lên nhưng hầu hết bị trụi rễ bởi một phần do đám đào đường khoét hè đặt dây điện, ống nước đã chặt trụi lủi, phần khác do đám nha lại ngu si khi trồng cây tinh bứng cây cả chục tuổi về trồng, không cây nào có rễ cái rễ cọc, chỉ cơn gió nhẹ cũng đổ, huống chi giông lốc kinh hoàng như vậy.

Người kinh thành kẻ chợ lâu nay tự hào về khung cảnh cây cối, hồ ao đất này, nay bắt đầu sợ cây. Quan tổng trấn đi xuống hiện trường coi xét, lúc ra về không thấy nói gì, nhưng có vẻ đắc ý lắm. Ngài thì thầm vào tai thằng phụ tá: Trời cho ta thành công chuyến này (ấy là nghe dân kẻ chợ đồn vậy).

Lại nhớ dạo đầu năm, vào tháng Kỷ Mão, cả nước xôn xao vụ nha lại kinh thành chặt cây, nay trời lại lôi cây ra hành. Dân chúng bảo là điềm gở. Nhất là sau giông gió thấy mọc cái vòng sáng như lưỡi liềm gãy phía cầu sông Cái. Được một lúc thì tan. Nghe nói có người rục rịch lo bán nhà bán đất về mạn trung du Phú Thọ, Hòa Bình sinh sống cho yên.

Nguyễn Thông

Đặt tên đường

Nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Thị Băng Thanh (trên báo Tiền Phong hôm nay) cứ dứt khoát không được đặt tên đường bằng tên các vua triều Mạc (Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh). Bà viện dẫn Minh sử (của nhà Minh bên Tàu) và Việt sử thông giám cương mục (bên ta) để bảo rằng hai vị vua Mạc hèn nhát, có tội với đất nước, không xứng đáng đặt tên đường.

Tôi nghĩ lẩn thẩn, viện vào đâu chả viện, lại lấy sách của nhà Minh bên Tàu khi ấy tìm mọi cách hạ nhục Đại Việt để làm căn cứ thì quả uổng công nghiên cứu. Rồi cả Việt sử thông giám cương mục nữa, mà sao bà Thanh không tiện trích luôn Việt Nam sử lược của nhà nho Trần Trọng Kim, đều viết dưới góc nhìn của nhà nho chính thống, coi việc họ Mạc lật đổ (điều mà giới cầm quyền phong kiến rất sợ) một triều đại là bất trung, là ngụy, là giặc, liệu có chính xác không.

Đánh giá kiểu bà Thanh, cũng chẳng khác gì lấy sử miền Bắc trước kia và sử "chính thống" bây giờ để nhận xét về Ngô Đình Diệm, Dương Văn Minh, xấu đến mức chỉ có đào đất đổ đi thôi.


Mà tôi cũng nghĩ, giả dụ Mạc Đăng Dung có tự trói mình nhất thời thì cũng đừng tự cho đó là hèn nhát, vô sỉ. Việt vương Câu Tiễn bên Tàu ngày xưa từng nếm phân của vua Ngô Phù Sai để mưu việc lớn quốc gia, sao chỉ thấy khen mà chả ai chê.


Tôi sợ rằng, ngay cả một số tên đường bây giờ, như Lê Đức Thọ, Lê Duẩn chẳng hạn, cũng sẽ có ngày bị bóc ra, nếu nhìn theo kiểu bà Thanh.


Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Xứng danh anh hùng

BÁ TÂN
Đất nước ta, kể cả thời bình, quả là ra ngõ gặp anh hùng.
Thời kỳ kháng chiến có anh hùng lực lượng vũ trang. Đó là những người oai hùng lẫm liệt, người dân tỏ lòng tôn kính khi nhắc đến họ.
Thời bình có anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Số lượng anh hùng lao động thời kỳ đổi mới với giá trị đích thực công cuộc đổi mới hình như không tương xứng.
Nhiều địa phương nghèo. Nhiều ngành như rùa bò. Thậm chí có những lĩnh vực thẳng tay hành dân. Vậy mà ở đó bội thực anh hùng.
Lập công trạng nhờ đó được tôn vinh anh hùng. Những người như thế được lưu danh trong lòng dân.
Chạy để có danh hiệu anh hùng. Cái ô danh này tạo ra từ mua - bán, xin - cho.
                                                                    Ông Nguyễn Sự

Anh hùng như ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hội An, thật đáng tôn kính.
Có loại anh hùng như ông Hồ Xuân Mãn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, sặc mùi ô uế dài lâu không chỉ của một cán bộ cao cấp mà còn với tổ chức đảng.

Chuyện tình bi thảm ít người biết của một vị công chúa triều Trần

Hồi năm 2012, tôi đã có bài đề cập đến chuyện này, chưa được chi tiết lắm, nhưng không hiểu sao hiện không còn tồn tại trên trang nhà. Nay bổ sung cho đầy đủ hơn và đưa lên, cũng là để giữ lại làm tư liệu.
Người đó là công chúa Trần Quỳnh Trân, con vua Trần Thánh Tông, chị ruột vua Trần Nhân Tông, còn có biệt danh là Thiên Thụy công chúa. Sử sách ít chép về bà mặc dù đây là nhân vật rất đặc biệt, có lẽ do ngại đụng chạm đến tầm vóc của nhà Trần.
 
Mỗi lần về quê, tôi đều ghé thăm đền Mõ (H.Kiến Thụy, Hải Phòng) nơi thờ bà công chúa Quỳnh Trân và nghe nhiều sự tích về bà.

Trần Quỳnh Trân (? – 1308) là con vua Trần Thánh Tông và cung phi Vũ Thị Ngọc Lan. Bà cũng là chị ruột của vua Trần Nhân Tông. Do được phong là Thiên Thụy công chúa nên sử chép về bà đều chép là Thiên Thụy.

Chuyện kể rằng Quỳnh Trân xinh đẹp hiền dịu, rất được vua cha yêu quý. Bấy giờ Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư là một viên tướng kiêu dũng trí lược nổi danh trong triều. Năm 1257 khi quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ nhất, viên tướng trẻ Trần Khánh Dư đã lập mưu đánh bại một cánh quân của giặc, được vua Thánh Tông nhận làm Thiên tử nghĩa nam (con nuôi vua), phong làm Phiêu kỵ Đại tướng quân, một chức vụ mà đương thời, nếu không phải là hoàng tử thì không được phong. Là con nuôi vua, Nhân Huệ vương Khánh Dư thường tự do ra vào nơi cung cấm. Trước vẻ ung dung tự tại của vị tướng trẻ tài giỏi, Quỳnh Trân vô cùng ngưỡng mộ, rồi không biết từ lúc nào đôi trai tài gái sắc đó đã yêu nhau say đắm.

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

Điểm tin hôm nay 13.6

Thủy tốp ỡm ờ trễ nải khoe vòng một
Ông phó Phúc khen Hà Nội vụ cây xanh nghiêm túc đàng hoàng
Báo chí xúm vào tìm bí mật “thánh cô cô” bóc mẽ chân dài chân ngắn
Đội tuyển An Nam cũng chỉ thế thôi khó ra khỏi ao làng

Chả biết mừng hay vui khi Hội An có ông tân lãnh đạo
Công an bảo Hồ Ngọc Hà bị thiệt thòi mất quảng cáo, kinh hồn?
Cáp quang biển đã sửa xong, tha hồ mà vọc vạch
Ca sĩ Khánh Ly nói chưa hề có tình yêu với Trịnh Công Sơn.

Nguyễn Thông, 13.6.2015

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Một giai đoạn lịch sử bị quy luật đen chi phối

Hôm trước, đọc được ở đâu đó (vừa ăn bát bún đêm nên mệt cái bụng, tôi lười, không thèm tra Google) cái câu ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói "thời đại chúng ta là thời đại vẻ vang nhất trong lịch sử dân tộc", tôi chả có ý định phản bác, nhưng cá nhân tôi thì thấy rằng lịch sử nước này có một quy luật rõ ràng: cứ sau một thời đại anh hùng vẻ vang là một giai đoạn cực kỳ đen tối.

Đọc Đại Việt sử ký toàn thư và vài bộ chính sử là thấy rõ ngay. Ngô Quyền vừa giành được độc lập thì tiếp sau đó là loạn 12 sứ quân. Triều Lý chiến thắng được quân Tống giữ được đất nước, thái bình không bao lâu rồi đâm ra loạn, nông dân khởi nghĩa khắp nơi. Nhà Trần ngay sau khi thắng giặc Nguyên thì đói kém mất mùa trên cả nước, sưu cao thuế nặng, dân chúng khổ như ăn mày nhưng vua quan chơi bời sa đọa. Triều Lê vừa lập xong thì nhà vua giết ngay công thần, án oan sai tùm lum, binh đao nội chiến xảy ra khắp nơi. Quang Trung thắng quân Thanh vẻ vang nhưng gần như cũng là tay đao phủ giết công thần, mê tửu sắc. Chúa Trịnh phò được nhà Lê nhưng sau đó tác oai tác quái, coi dân như cỏ rác, biến triều đình thành nơi mê loạn. Nguyễn Ánh diệt được Tây Sơn, thống nhất được đất nước nhưng suốt trăm năm cả nước như bãi chiến trường, dân đói khổ, oán thán thấu trời.

Sau cuộc chiến tranh tương tàn để thống nhất đất nước kết thúc vào năm 1975, chỉ 2 năm sau thôi, cả nước rơi vào vòng đói khổ, dân chỉ còn da bọc xương, kinh tế tụt xa so với các nước láng giềng, không lúc nào ngưng tiếng súng, quan lại tham nhũng sa đọa, khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng, nhà cầm quyền nhu nhược làm mất bao nhiêu là lãnh thổ với quân Tàu. Đây chính là một trong những giai đoạn bi thảm nhất của lịch sử dân tộc. (tạm kể vậy, tôi sẽ viết sau kỹ hơn)

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2015

Hai điều nghĩ trong ngày chủ nhật

1. Phải nhìn thẳng vào thực tế mà nói rằng thời gian qua, chỉ từ tháng 5 năm ngoái đến nay, Trung Quốc đã khẩn trương, công khai tôn tạo, san lấp, xây dựng được quá nhiều đảo, có những đảo sát đảo do Việt Nam quản lý, trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, ngay trước mũi Việt Nam. Không thể nói Việt Nam không biết hoặc bị bất ngờ.
 
Biết, biết ngay từ đầu, nhưng không làm gì được, không vận động được dư luận quốc tế lên án Trung Quốc (như ngày xưa lên án Mỹ) bắt nó dừng, chỉ thể phản đối suông, để sự đã rồi đến vậy, đủ biết nhà cầm quyền xứ này đang ở thế yếu. Đừng mong Trung Quốc nó nể tình láng giềng bè bạn mà nó ngưng. Càng quen càng lèn cho chặt. Sau phép thử bằng giàn khoan Hải Dương-981 thì nó đã bắt thóp được thằng em và dư luận quốc tế. Rồi nó còn lấn tới nữa cho mà xem.

2. Bất kỳ điều gì cũng cần tranh luận, ngay cả cái gọi là chân lý. Nếu đã thực sự có dân chủ thì ý kiến trái chiều là bình thường. Nhiều người thắc mắc, chê cười việc ông thiếu tướng Trịnh Xuyên, ông nhà sư Thích Thanh Quyết, ông nhà báo Hà Minh Huệ... nói khác số đông về dự thảo luật Trưng cầu ý dân, riêng tôi thì không. Phải để cho các ông ấy nói, có quyền biểu đạt suy nghĩ, quan điểm riêng của mình.

Vấn đề cần xem xét ở chỗ tại sao lại phản đối luật Trưng cầu ý dân. Các ông ấy là người có học, há chẳng biết khắp nơi trên thế giới, trưng cầu ý dân là chuyện bình thường, như hít thở khí trời vậy. Và rất tốt, bởi nếu không tốt thì người ta dẹp bỏ lâu rồi. Thấy điều hay mà không làm là không có trí. Thấy điều tốt mà không làm là không có nhân.

Tương tự, ở những quốc gia tiên tiến nhất, thì đa nguyên đa đảng là chuyện bình thường, là động lực giúp cho xã hội tiến bộ, đi lên. Chỉ có nhắm mắt, như đà điểu rúc đầu vào cát mới không thấy điều đó.

Bàn bạc, trao đổi là cần thiết, nhưng nhân loại đã đi những bước dài, kẻ đi sau may mắn có sẵn những kiến thức, kinh nghiệm ấy mà không biết tiếp thu, đem về ứng dụng cho mình để rút ngắn khoảng cách, chỉ thể gọi là ngu xuẩn.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Giáo sư Vũ Đình Huy đòi công lý cho người con gái bị giết hại

Lời chủ trang:
Hồi giữa tháng 3, tôi được ông bạn đồng môn Nguyễn Huy Hoàng từ Nga về mời đến nhà anh Phương Văn Dần làm việc ở Viện Puskin VN, nhà tại Q.Bình Thạnh để ăn trưa, trò chuyện. Tới nơi thì mọi người đã đông đủ cả. Chuyện xa (Nga) chuyện gần (Việt), rồi nghe nhà thơ Nguyễn Duy đọc thơ. Bác Duy thì tôi quá quen, nhưng xung quanh có vài gương mặt lạ. Hoàng giới thiệu với tôi anh Vũ Đình Huy, Viện sĩ-GS-TSKH đang dạy ở Trường đại học Bách khoa TP.HCM. Người giỏi như anh Huy ở nước ta chẳng có bao nhiêu. Tôi chào anh, lần đầu gặp mặt, nhưng sao cái tên thì đã bắt gặp ở đâu rồi. Tua lại trí nhớ, giật mình, đúng rồi, đã đọc trên báo và hình dung ra ngay. Đó là người cha bất hạnh, có cô con gái cực kỳ xinh đẹp bị một kẻ cuồng yêu đâm chết ngay tại nhà trên đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn 5 hồi năm 2011. Báo chí một dạo ùm lên, ai cũng thương xót cô gái xấu số, căm giận kẻ ác độc. Rồi theo thời gian lại quên đi, chìm vào quên lãng. Giữa cuộc vui, tôi không tiện hỏi bác Huy rằng kết cục thế nào. So với cái ảnh đăng báo hồi đó, con người đáng thương tóc giờ đã bạc trắng, già đi nhiều. Cứ lặng lẽ quan sát, thấy người cha ấy bị nỗi buồn dạo nọ đeo đẳng nên không giấu được nét buồn khi mọi người nói cười hỉ hả. Cũng chả trách được bởi có mấy ai nhớ chuyện của bác Huy.


GS-Viện sĩ Vũ Đình Huy (phải) và nhà thơ Nguyễn Duy - 3.2015 (ảnh: Nguyễn Thông)

Hôm qua, bác Huy gửi cho tôi mail này, bảo rằng bác đang đi tìm công lý cho đứa con gái bất hạnh. Đơn từ đã đi khắp nơi rồi, chả biết công lý đang nằm ở đâu.

Dưới đây là nguyên văn "đơn yêu cầu" của nhà khoa học, GS-TSKH Vũ Đình Huy:

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

Hơn cả quốc hội

Chuyện cũ
Hồi tôi còn bé, thôn Trà Phương tôi có 2 HTX, một do ông Quảng (bố của chủ tịch xã bây giờ) làm chủ nhiệm, ông Bồ phó chủ nhiệm. Nhà tôi thuộc đội 4 do ông Tư đội trưởng, ông Viên đội phó. Một tối họp đội, thì cũng bàn đại loại xem ngày mai thì cân phân nhà ai, chia rơm thế nào, bà Sắng chả biết trong ngày bị đứa nào nó chửi, nó bới trộm khoai nên vào cuộc họp toàn nói linh tinh, vỗ bướm bành bạch. Ông Tư đập bàn: đây là chỗ họp hành đàng hoàng, mọi người tha hồ nói, nhưng không phải chỗ ăn nói linh tinh, cút ngay. Bà Sắng sợ quá, cun cút về, hôm sau còn đếch được chia rơm.

Họp phải thế, chủ trì phải thế, như ông Tư, đuổi thẳng cánh đứa ăn nói linh tinh. Quan trí hồi ấy cao phết, chứ đâu như bây giờ, chả thấy ông Tư, quên, ông Sinh Hùng nói gì. Đáng nhẽ linh tinh nhố nhăng như ông nghị Đương, ông nghị Huệ là đá đít ngay chứ.

Lão Maddox hàng xóm nhà tôi buông một câu: các bố như nhau cả thôi.

Nguyễn Thông

Dành cho các bạn K.17

Bạn Nguyễn Bá Tân vừa gửi mail cho biết bố vợ bạn Nguyễn Khôi (báo Nhân Dân) vừa mất. Bá Tân viết mấy lời, vừa với tư cách cá nhân, vừa như thay mặt cho K.17 (1972 - 1976, khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội) chia buồn với bạn Khôi.
Cầu cho cụ ông siêu thoát nơi cực lạc.



CHIA BUỒN VỚI NGUYỄN KHÔI
Bố vợ Nguyễn Khôi qua đời ngày 2/6/2015.
Ông cụ hưởng thọ 87 tuổi.
Lễ truy điệu tổ chức tại nhà tang lễ Bệnh viện 108, từ 9h - 11h, ngày 5/6/2015.
An táng tại quê nhà, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Bố mẹ vợ Nguyễn Khôi có 5 người con,  4 gái, 1 trai.
Vợ của Nguyễn Khôi, Đỗ Thị Minh Thu, con đầu trong gia đình.
Là con rể nhưng Nguyễn Khôi được bố mẹ vợ thương yêu như là con đẻ.
Là anh rể đầu, Nguyễn Khôi được các em vợ quý mến như là người anh cả trong gia đình.
Làm rể mà được gia đình bên vợ đối xử hết mực yêu thương như Nguyễn Khôi là vô cùng hiếm.
Là người Hà Nội gốc, gia đình bố mẹ vợ Nguyễn Khôi không những kế thừa và mà phát triển nền nếp văn hóa thanh lịch, đạo nghĩa ân tình bình dị nhưng vô cùng sâu đậm.
Nguyễn Khôi là thành viên của K.17.
Các thành viên K.17 hiện cư trú tại Hà Nội đã hẹn nhau, ngày mai 5/6/2015, tề tựu tại Nhà tang lễ Bệnh viện 108 để kính viếng và đưa tiễn bố vợ Nguyễn Khôi về cõi vĩnh hằng.
K.17 chia buồn với Nguyễn Khôi.
Các thành viên K.17, bạn học của Nguyễn Khôi, xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình bố mẹ vợ Nguyễn Khôi. 
                                                                                  

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

Ruồi và ong

Mình cứ nghĩ ông trời rõ khéo lẩn thẩn.

Cái con ruồi chả chịu làm gì, chỉ vo ve nhưng cứ bọn người làm được thứ nào ngon là chúng tới xơi trước, cũng giả bộ hai chân xoa xoa lễ phép trước khi ăn nhưng ăn không chừa món chi. Vậy mà bọn người phải chịu nó. Còn khen nó "tự nhiên như ruồi".

Còn con ong cả đời vất vả, cày cuốc vườn hoa khắp xứ hút mật ngọt đem về nuôi con, nhưng cứ được lít nào là đám người lấy luôn lít ấy, ong chả biết kêu ai.

Hóa ra, với đứa đểu như ruồi thì người sợ, với kẻ làm lụng như ong thì người coi không bằng nô lệ.

Tuy nhiên, con ong hơn con ruồi và con người ở chỗ nó không bao giờ đậu vào... cứt. Đó là sự công bằng trong sắp đặt của trời.

Nguyễn Thông