Nhà chức trách đến điều tra, họ bảo bởi nghe nói “nhà này có người chết”. Tìm tòi lục tung cái căn hộ của ông gốc Việt kia, họ tìm ra, thu được “hợp chất” đáng ngờ, thực ra tinh những mắm là mắm, nào mắm nêm, mắm tôm, mắm ruốc. Họ niêm phong, đem về phòng thí nghiệm và trước khi rút quân không quên cảnh cáo chủ nhà, nếu chúng tôi phát hiện ra điều gì, nhất là chất độc, thì đừng có trách pháp luật.
GS Trần Văn Khê trong một buổi thuyết trình về ẩm thực tại trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thông
Nhân viên la bô (laboratoire) cho những con bọ ăn thử hợp chất khả nghi ấy, lạ thay, mấy ngày sau, đám bọ chẳng những không lăn ra chết mà con nào con nấy mập hẳn lên, thì lấy làm thắc mắc: chất gì đen thui mà lại nhiều dinh dưỡng thế? Kết quả phân tích cho thấy hợp chất ghê gớm gọi là mắm đó rất nhiều enzyme. Cuối cùng thì cảnh sát phải đến tận nơi đem trả lại tang vật (họ rất đàng hoàng, không vi phạm pháp luật thì trả lại đầy đủ và xin lỗi), chỉ khuyên ông nghiện mắm: lần sau ông có nấu hoặc ăn, xin ông nhớ đóng kín cửa hoặc đem đi đâu xa xa, kẻo làm phiền người khác.
GS Khê kể đến đây, nghe chừng đã hơi
mệt. Nhác thấy bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng
TP.HCM khi ấy, lên ghé vào tai ông điều gì đó, hình như đề nghị giáo sư nghỉ giải
lao chút đã. Ông gật gật và bảo: Trước khi nghỉ chút chút cho các ông các bà đỡ
mệt bởi phải nghe tôi nói nhiều, tôi lại kể thêm cho các vị nghe chuyện này: Có
một lần, mấy người Pháp họ hỏi tôi, người Việt Nam các ông ăn rau thế nào. Tôi
bảo rau là món ăn thường tình, hằng ngày của người Việt. Và đặc biệt nhất là ăn
sống. Ăn sống đủ loại rau để có nhiều mùi vị, mỗi mùi vị là một vị thuốc, nếu nấu
chín sẽ mất đi. Ăn rau không chỉ để ăn mà còn chữa bệnh. Nghe tôi giới thiệu đến
đây, hai phóng viên Tây ghé tai nhau, nắc nỏm: “Việt Nam nó ăn lạ thật, vừa ăn
lại vừa uống thuốc”.
Với GS Trần Văn Khê, ăn uống cũng là một hành vi văn hóa. Ảnh: Nguyễn Thông
GS Trần Văn Khê có cảm tình đặc biệt
với bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM. Khi chưa
định cư hẳn trong nước, hầu như lần nào về Việt Nam, giáo sư cũng đến thăm
trung tâm và nói chuyện chuyên đề ở đây. Chị Hưng rất biệt đãi giáo sư, với ý
thức “chiêu hiền đãi sĩ”, quý trọng nhân tài. Chị luôn nhắc cán bộ nhân viên của
mình hãy học hỏi gương của GS Khê, trau dồi nắm chuyên môn cho thật vững. Chị tạo
mọi điều kiện để lớp bác sĩ trẻ đi tu nghiệp, cả trong nước lẫn nước ngoài.
Chính tiến sĩ - bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh (con gái của ông chủ thương hiệu bột
dinh dưỡng nổi tiếng Bích Chi, hiện là Phó giám đốc trung tâm) cũng đi lên từ sự
chăm lo ấy. Rồi rất nhiều bác sĩ như hai chị em bác sĩ Đào Thị yến Thủy, Đào Thị Yến Phi, bác sĩ Đỗ Triều Hưng... đều nhận được sự chăm sóc tận tình của chị Hưng, mà tôi nghĩ, đến giờ khi đã thành đạt, ở những cương vị quan trọng trong ngành y tế, họ chắc chẳng thể nào quên người thủ trưởng cũ chu đáo của mình.
Tôi nhớ, hôm đó tháng 2.1999, nhân lúc giải lao, tôi rụt rè xin GS
Khê vài nhận xét về chị Hưng, giáo sư trầm ngâm giây lát và bảo, đại loại rằng,
cô ấy là người rất giỏi, đầu óc quản lý tuyệt vời, nếu cô ấy có điều kiện hoàn
cảnh xã hội tốt để được trọng dụng, phát huy thì có ích lớn cho cuộc sống lắm.
Nghe GS Khê “bút phê” vậy, tôi hơi thắc mắc, chị Hưng đang làm giám đốc trung
tâm kia mà, uy tín, danh tiếng đang nổi kia mà. Nhưng chả bao lâu sau, xảy ra vụ
tố cáo kèn cựa này nọ ở trung tâm và Sở Y tế, chị Hưng bị bắt buộc phải bàn
giao công việc, tôi sực nhớ đến lời GS Khê dạo đó. Hay là giáo sư đã linh cảm,
nhận thấy trước điều gì mà chả tiện nói ra. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét