Quan điểm của tôi rằng, có những sản phẩm văn học nghệ thuật sinh ra trong một thời kỳ nhất định dù chịu ảnh hưởng của bộ máy cầm quyền, của thể chế chính trị xã hội đương thời nhưng nó vượt qua những ngăn trở, cách biệt về tư tưởng, thái độ chính trị, thời gian, lòng người... và sống mãnh liệt. Khi ấy, nó tồn tại như một giá trị nghệ thuật, giá trị cảm xúc chứ không phải tính này tính nọ (tính đảng, tính dân tộc...) mà chế độ quen áp đặt.
Hôm trước, khi trò chuyện với một bậc đàn anh, tôi nghe anh bảo rằng có những bài hát của miền Bắc hồi chiến tranh đúng là hay thật nhưng sự thẩm thấu, cảm nhận thì có lẽ những người ở đất Bắc từng sống thời điểm ấy mới thấy hết được cái hay của nó. Tôi thưa rằng, anh ạ, nó cũng giống như em nghe ca khúc của Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Phạm Đình Chương, Trịnh Công Sơn... qua những giọng hát Thái Thanh, Duy Quang, Khánh Ly... vậy, em thấy rất hay nhưng chả thể nào đi sâu vào ngõ ngách cái hay như các anh được. Điều may mắn ở chỗ, anh em mình đều coi đó là những giá trị xuyên thời gian, xuyên lòng người, chứ không phải như mấy nhà tuyên giáo cực đoan lúc nào cũng tụng niệm "đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ/Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ", cấm cản, hủy hoại biết bao nhiêu giá trị đích thực. Phá đình chùa, tịch thu sách cũng như lập danh sách cấm những bài hát không ưa, thực ra về bản chất cũng chẳng khác nhau bao nhiêu.
Gọi là bài hát nhưng đây là một bản hợp xướng, dài những 12 phút 18 giây. Bình thường, mỗi ca khúc chỉ khoảng 4 - 5 phút, tức là bài này dài gấp gần 3 lần. Dài nhưng mà nghe xong vẫn thấy thòm thèm, thấy ngăn ngắn, cứ ngẩn ngơ tiếc nuối.
Tôi cứ cực đoan mà cho rằng đây là đỉnh cao, là số 1, là Hy Mã Lạp Sơn của âm nhạc miền Bắc mà lâu nay người ta quen gọi bằng cái tên "âm nhạc cách mạng". Đỉnh ở những điều: nội dung cũng như giai điệu cực kỳ hay và xúc động, hiếm có tác phẩm nào cùng thời đạt được, tác giả là nhạc sĩ Hoàng Vân, lĩnh xướng là giọng Trần Khánh, dàn hợp xướng là dàn của đài Tiếng nói VN, trong đó có đội Sơn Ca lừng lẫy. Kể từ đó đến nay, biết bao nhiêu lần thế hệ sau đã dàn dựng lại, nhưng theo tôi, không thể nào bằng bản này, do chính bác Hoàng Vân tham gia dàn dựng.
Cái đỉnh cao vòi vọi đây, sẽ có người quy kết rằng nó góp phần đẩy biết bao thanh niên ra chiến trường (vào chỗ chết), vun đắp cho thể chế độc tài... như nhiều lần tôi được nghe vậy. Tôi không cãi, bởi có thể họ đúng hoặc đúng phần nào. Nhưng thực thà mà nói, với thế hệ chúng tôi, sinh ra và trưởng thành trong những năm 60-70 thế kỷ trước, thì quả thật "Hồi tưởng" của Hoàng Vân qua giọng ca Trần Khánh và tốp Sơn Ca thiếu nhi là kỷ niệm, dấu ấn khó quên.
Chúc cả nhà ngày chủ nhật nhẹ nhõm, thư thái.
Nguyễn Thông
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóaCa từ hơi cưỡng, còn lại, từng tiểu tiết, giai điệu, người lĩnh xướng, dàn hợp xướng, tuyệt!
Trả lờiXóaRất hay anh Thông ạ.
Trả lờiXóaĐược hồi tưởng lại những năm tháng hào hùng của dân tộc khi tuổi còn xuân.
"Phá đình chùa, tịch thu sách cũng như lập danh sách cấm những bài hát không ưa, thực ra về bản chất cũng chẳng khác nhau bao nhiêu."
Trả lờiXóaĐúng . Lâu lâu bên đây cũng có những cuộc triển lãm nghệ thuật thời phát-xít Đức . Đi xem cũng gợi lên những cảm giác hào hùng khó tả lắm . Chế Lan Viên ví Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao không chính xác lắm . Em nghĩ phải đổi là "Bác Hồ ta đó, chính Hồ Ít Le"
Bên đây nhạc thời phát-xít không bị cấm đâu ạ . Chỉ có điều này, ngoài những bọn đầu trọc, phát-xít mới hay KKK, không ai có đủ thô bỉ để nghe (lại) những bài hát đó .
Trả lờiXóaChắc tại bác có kỷ niệm với bài này, chứ hồi đó giới nhạc cho rằng đây là bản hợp xướng tồi nhất thời kỳ đó, cả nhạc và lời đều rất khiên cưỡng.... Những Ngợi ca Tổ quốc, Tiếng hát biên thùy, Sông Lô, Du kích Sông Thao...khá hơn
Trả lờiXóa