Trang

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Xuân Ba về hưu

Bất kỳ ai đi làm cho nhà nước rồi cũng phải về hưu. Đến tuổi thì về, không ở lì mãi được. Ngay cả trường hợp được đảng tín nhiệm, “đảng yêu cầu thì phải phục vụ”, rồi cũng về. Không về thì ở đó nằm vạ à.

Xuân Ba, bạn tôi, nhà báo kỳ cựu, phóng viên báo Tiền Phong, từ đầu đến cuối nghề chỉ phục vụ tờ báo duy nhất, vừa về hưu. Hồi tháng 9. Nhưng y không nói cho ai biết. Lặng lẽ đến và lặng lẽ đi, ấy là hiểu đời vậy. Tôi cứ đinh ninh phải cuối năm nay y mới nghỉ, giờ biết y đã về nhờ đứa cháu gái y báo cho biết. Y cũng như tôi, làm thì làm, nghỉ thì nghỉ, có gì đâu mà rộn, báo cho người này người kia làm chi.

Trong đám K.17 (1972-1976) Văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội chúng tôi, hơn trăm đứa cả 3 ngành văn, ngữ, Hán Nôm, số thành đạt được vua biết mặt chúa biết tên chỉ đếm trên đầu hai bàn tay. Chứ không nổi như mấy khóa sau, 18, 20 chẳng hạn, người danh tiếng nhiều lắm. Nhưng K.17 ít hotman mà chất lượng, đều vào loại sừng sỏ cả.

Làm to nhất có Lương Ngọc Bính, đảng trưởng Quảng Bọ suốt 2 nhiệm kỳ. Y làm Bí thư Tỉnh ủy nhưng ít tai tiếng, không dính tham nhũng, và đáng nói nhất làm quan to vẫn thân thiện, tốt với bạn bè, đông môn. Đại hội đảng tỉnh này vừa kết thúc, y không có tên, tôi mừng cho y. Đánh đu với tinh mãi cũng có ngày mang vạ.

Giỏi nhất, bác học nhất không đứa nào bằng Cao Tự Thanh. Đôi chân khập khiễng  của con người ấy lại tải cái đầu bằng đầu của một nửa K.17 gộp lại chứ không đùa. Thằng Tửu vẫn bảo rằng thằng Cao Văn Dũng (tên thật của Cao Tự Thanh) không phải do bố mẹ nó đẻ ra trên cõi trần này đâu, chính nó rạch giời rơi xuống đấy. Nó là tắc thiên, được thượng đế sai xuống cõi trần đàn đúm với con người. Nó là chúa trùm Hán Nôm, nhiều vị trong nghề phải sợ, không cãi được nó. Là con ông to rất to nhưng đến giờ y vẫn như kẻ giang hồ, ở nhà thuê, nay đây mai đó, tay làm hàm nhai, không dựa dẫm vào bất cứ ai. Rất vênh váo, đứa nào có tài chả vênh váo, nhưng là một nhân cách hiếm có.


Giỏi giang, miệt mài làm khoa học, lên đến đỉnh cao danh vọng là thằng Nghiệu, Vũ Đức Nghiệu. Nó xuất thân dân trường chuyên Lê Hồng Phong - Nam Hà, cái tên chỉ cần xưng ra đã khiến ối kẻ lắc đầu lè lưỡi. Nó là đứa đầu tiên của khóa 17 được phong Phó giáo sư, cỡi lên đến chức Phó hiệu trưởng Trường đại học KHXH-NV Hà Nội. Rất kinh. Được cái y rất hiền, sống tử tế, với bạn bè thật thà như đếm.

Sè sè với Nghiệu là Trần Ngọc Vương. Khó nói giữa hai thằng này ai giỏi hơn ai. Vương sâu sắc, tỉ mỉ, thẳng thắn, đầy chất Bọ, làm nghiên cứu khoa học ít ai bằng. Trong số đệ tử của thầy Trần Đình Hượu, bậc giáo sư đáng kính nhất nhì khoa Văn, thì thằng Vương là số 1. Nó giỏi văn học cổ, am hiểu kinh nghĩa xưa, uyên bác cả đông tây, xài được cả tiếng Nga, Pháp, Hán, thạo nói chuyện, nó nói khiến người nghe nuốt lấy từng nhời chứ không như nhiều ông khác dễ gây ngủ gật.

Kể thêm thằng nữa là thằng Tân loe, Lê Ngọc Tân. Thằng này theo học văn khoa hơi phí người bởi nó phải học làm thủ tướng hoặc bộ trưởng kinh tế mới đúng. Nó không xuất sắc về văn chương hoặc nghiên cứu khoa học như đám kia nhưng tất cả phải xách dép cho nó về làm ăn kinh tế, nôm na gọi là kiếm tiền. Nó là một trong vài người đầu tiên ở miền Bắc dám đứng ra mở trường dân lập, kinh doanh giáo dục. Trong khi cô Hoàng Xuân Sính chẳng hạn lo mở trường đại học thì nó khai phá mảng trường dân lập phổ thông cấp 3, cấp 2. Trúng to, giàu tiền muôn bạc vạn. Có lần nó bảo tôi, mày ạ, kinh doanh giáo dục siêu lợi nhuận. Sau nhiều người thấy dễ ăn nhào vào thì nó chuyển qua làm thứ khác. Đám đồng môn ngoài Hà Nội cứ mỗi lần đi đâu lại réo Tân ơi Tân ời, thế là nó điều ngay xe và tài xế. Thằng này còn chuyện nữa ai cũng kính nể là hồi thầy Đỗ Đức Hiểu còn sống, bị đột quỵ, gia cảnh khó khăn, nó liền đón thầy về nhà nuôi, nâng giấc chăm sóc thầy cho đến khi thầy về cõi vĩnh hằng.

Ấy, cứ cà kê mãi, bởi có thể kể thêm vài ba người nữa, nhưng thôi, chứ cái đám nhàn nhạt, vô tích sự như tôi hơi bị nhiều, nhắc đến chỉ tổ mỏi mồm, mất thời gian. Nhưng bỏ sót thằng Xuân Ba thì không được. Nó là đứa đáng được nhắc nhất, hơn cả đám tôi đã căng băng rôn ra ở trên.

Xuân Ba tài không bằng Dũng què, trí lự sâu không bằng Nghiệu Vương, to không bằng Bính, giàu không đọ được Tân loe, đẹp trai không bằng Hoàng Thanh Chương… nhưng tôi nghĩ nếu có dịp gặp nhau, cả bọn ấy sẽ nhất trí để nó ngồi chiếu trên. Nếu tóm lại bằng chữ “giỏi” thì Xuân Ba là thằng giỏi nhất. Cứ mỗi lần họp lớp hoặc tùng tam tụ ngũ, chưa thấy nó là lại nháo nhác hỏi nhau Xuân Ba đâu, thằng Ba đâu. Đám con gái mới buồn cười, mặc dù tụi tôi đang ngồi đầy xung quanh vẫn coi như chưa có, vẫn thắc mắc sao thằng Ba chưa đến. Cứ làm như không có Xuân Ba thì không có đứa nào là đàn ông. Cha bố chúng nó.

Khổ nỗi, mọi đám vui, vắng nó là dễ hỏng. Cả bọn đang ớ ra chả biết gợi chuyện gì, nó đến tức khắc sinh sắc ngay. Định ngồi đến chiều muộn rồi tan, nhưng lần nào cũng kéo dài tới nửa đêm. Sao mà nó biết lắm thứ thế, diễn trò hay thế, duyên dáng thế. Mình có lúc sinh ra ganh tị, nhưng sau ngẫm lại, chả bằng cái móng chân nó, tị tị cái gì.

Xuân Ba làm báo cực giỏi. Nhiều người đọc bài của nó, do không ưa chế độ, do ghét mấy nhà cai trị thì bảo nó là bút nô, là tay sai chính quyền. Thôi thì mỗi người mỗi nghĩ, chả cấm được. Nhưng là người trong nghề, tôi thấy viết được như nó, thu hút được người đọc, tạo được danh tiếng trong nghề đến thế, trần đời chả có mấy ai. Một thời gian dài, cái tên Xuân Ba là thứ thương hiệu cho báo Tiền Phong. Người ta cầm tờ báo lên nhìn thoáng qua, có bài của Xuân Ba thì mua, không thì thôi, lặng lẽ bỏ xuống kẻo bị người bán lườm nguýt.

Nó viết khỏe, chọn đề tài hay, có giọng riêng, thầy Hà Minh Đức gọi là phong cách Xuân Ba. Tất nhiên không phải ai cũng thích, có người bảo rề rà, lẩn thẩn, nhưng tôi để ý phần lớn khoái nó. Đọc bài nhiều kỳ của nó, cứ hết phần này lại thòm thèm chờ phần tiếp. Báo Tiền Phong nắm được cái thóp ấy nên khai thác triệt để. Nhưng vừa rồi Tiền Phong bị phơi bài khi đăng loạt bài về Tổng cục 2, kéo hơn chục kỳ, chỉ có vài ba bài đầu của Xuân Ba mớm, sau chen vào bài người khác, đọc chán ngay.

Đem thân tồn tại với đời, thiếu gì kẻ yêu người ghét, huống hồ người tài. Xuân Ba cũng vậy. Thủ tướng Ba Dũng mỗi lần đi đâu nước ngoài cũng trực tiếp mời nó đi cùng, tất nhiên tư cách trong đoàn báo chí. Ông ấy thích nó, trọng nể nó, thích nói chuyện với nó. Nó đi thì phải viết như trả món nợ ân tình chứ không phải ham hố chơi bời giao du với kẻ quyền thế, người sang. Thiên hạ không ưa ông thủ tướng, giận cá chém thớt, quay sang ghét luôn nó. Cũng tội. Nhưng tôi biết bạn tôi, nhân cách chả đến nỗi nào để phải gánh tiếng ác. Một lần nó đánh thư điện tử cho tôi, than rằng chúng nó bảo tao là bồi bút, bút nô, buồn lắm mày ạ.

Cái con người ấy, tếu táo thế nhưng ít người hiểu được tâm trạng nó. Có lần, đang đêm nó điện cho tôi, thì thào mày ơi, tao hỏi khí không phải, chính quyền trong ta có còn không. Nghe nó nói, tôi sực nhớ những ngày mùa đông rét muốt ở ký túc xá Mễ Trì, bụng đói meo, nằm gác chân lên nhau nghĩ về ngày mai.

Giờ thì nó hưu rồi. Đủ vòng hoa giáp lục thập, rời chốn bụi bặm mà nhân gian quen gọi cõi trần. Cháu nó bảo tôi, bác ấy giờ hơi yếu, già đi nhiều, chỉ tính cách vẫn thế. Đúng chất Xuân Ba. Thôi, tôi không viết nữa, để tôi nhấc máy cái đường điện thoại viễn liên gọi ra Hà Nội trò chuyện với nó xem sao.

Nguyễn Thông


11 nhận xét:

  1. Tôi không là đồng môn K 17 hoặc Kx Ky gì với Thông hoặc bạn học của Thông, nhưng ngay từ đầu, không hiểu vì sao, tôi hết sức quí trọng các bạn. Có thể do ám ảnh cái câu ' văn học là nhân học'. Thật vậy, cả đời tôi, thường thấy anh chị nào giỏi văn học thì cũng đều có nhân cách, sống tử tế, biết xa lánh cái ác. Bác Thông có kỷ niệm đẹp ở K17. Cố gắng gìn giữ tình cảm và trân trọng quan hệ ấy. Nhân đây, qua Bác, một bạn đọc trung thành với Blog của thành viên của K17, tôi xin ngưỡng kính tài năng, đạo đức của hầu hết các bạn K17 của Bác và chúc mọi người sức khỏe, vui, sống tếu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có được người bạn - bạn đọc như anh quả là niềm hạnh phúc, anh ạ. Cảm ơn anh.

      Xóa
  2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  3. " Y làm Bí thư Tỉnh ủy nhưng ít tai tiếng, không dính tham nhũng, và đáng nói nhất làm quan to vẫn thân thiện, tốt với bạn bè, đông môn"

    Tốt . Chưa bị lộ . Ráng để cho "không bị lộ".

    "Nhiều người đọc bài của nó, do không ưa chế độ, do ghét mấy nhà cai trị thì bảo nó là bút nô, là tay sai chính quyền. Thôi thì mỗi người mỗi nghĩ, chả cấm được. Nhưng là người trong nghề, tôi thấy viết được như nó, thu hút được người đọc, tạo được danh tiếng trong nghề đến thế, trần đời chả có mấy ai"

    Đúng . Cũng như Giáo sư chủ nghĩa Mác thời này vậy . Thời mạt Mác nhưng lại có nhiều ông/bà dạy tận tâm, truyền vào học sinh sinh viên niềm tin vững chắc vào chủ nghĩa Cộng Sản .

    Của hiếm đấy!

    "bút nô, là tay sai chính quyền"

    Bộ bút nô & tay sai của chính quyền không có người giỏi à ? Bút nô, tay sai chính quyền cũng có nhiều loại, dở vì kém tài, vì thiếu nhiệt tình ... và cũng có bút nô & tay sai chính quyền giỏi như nhà báo Xuân Ba này vậy .

    Trả lờiXóa
  4. Cai tay Thong cung lan loi ,bon chen lam day to cho may co quan (day hoc ,lam bao ,viet Blog)nhung vi dot chang ai dung nay quay sang noi xau che do -loai tieu nhan vi khong dat muc dich thi quay ra phan phao.

    Trả lờiXóa
  5. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  6. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  7. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  8. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  9. Tôi rất ấn tượng với nhà báo Xuân Ba khi đọc bài "Nỗi buồn Thống Đốc" . Một bài viết làm tôi cười ngất và rất thú vị với giọng văn tưng tửng của a XB
    Sau này vụ Trịnh Xuân Thanh cộm lên, tôi lại tình cờ đọc một bài viết về người cha của Trịnh Xuân Thanh, lại chợt thấy giọng văn sao giống với tác giả bài NBTĐ, tôi đoán ngay tác giả bài viết này là NB Xuân Ba Quả nhiên đến cuối bài thấy tên Xuân Ba ngay bên dưới, tôi cười thầm và đúng là: Bạn cần tri kỹ Viết cần tri âm. Nhờ anh nhắn với NB Xuân Ba rằng Giữa trời Nam này đang có một tri âm của Xuân Ba, chỉ cần đọc văn là biết tên tac giả
    Đọc bài này của anh tôi cũng cười ngất nhất là đoạn "Đám con gái mới buồn cười, mặc dù tụi tôi đang ngồi đầy xung quanh vẫn coi như chưa có, vẫn thắc mắc sao thằng Ba chưa đến. Cứ làm như không có Xuân Ba thì không có đứa nào là đàn ông. Cha bố chúng nó"

    Trả lờiXóa