Trang

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

Thanh kiếm và lá chắn

    Ở miền Bắc hồi những năm trước 1975, người đọc rất mê bộ tiểu thuyết của nhà văn Xô viết Vadim Kozevnikov có tên Thanh kiếm và lá chắn. Thanh kiếm làm nhiệm vụ tấn công, trừng phạt; lá chắn để chở che, bảo vệ, phòng ngừa. Tôi muốn dùng mấy chữ ấy khi liên hệ với vụ chung cư 4S Riverside Garden (Q.Thủ Đức, TP.HCM) bị côn đồ tấn công.

    Điều mà bất cứ ai đã từng trải trong xã hội ta đều có thể thừa nhận là bộ máy bảo vệ an ninh trật tự ngày càng được hoàn thiện, cái xấu cái ác ngày càng bị đẩy lùi. Người dân mỗi ngày yên tâm hơn sống và làm việc trong sự yên bình, ổn định, có sự bảo vệ của lực lượng chuyên trách. Công đầu trong lĩnh vực này là công an và dân phòng, nhất là những cán bộ chiến sĩ bám sát cơ sở, gắn bó chặt chẽ với từng địa phương. Đã có biết bao vụ việc kẻ xấu gây mất an ninh trật tự, đe dọa tính mạng và tài sản nhân dân, phá vỡ luật pháp và kỷ cương xã hội… bị lực lượng công an tấn công, ngăn chặn, xử lý kịp thời. Chắc mọi người còn nhớ cách nay chưa lâu (rạng sáng 7.12), công an TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã nhanh tay chặn đứng hai nhóm côn đồ hung hãn chuẩn bị xáp chiến, thu giữ hàng chục đao kiếm, mã tấu, hung khí nguy hiểm. Chẳng ai có thể hình dung được cái kết quả mà chắc chắn sẽ đẫm máu nếu công an không can thiệp kịp thời. Đó chỉ là một ví dụ trong vô vàn vụ việc chứng minh sự cần thiết của cả thanh kiếm tấn công và lá chắn phòng ngừa.
    Cán bộ chiến sĩ công an luôn thấm nhuần 6 điều Bác Hồ dạy lực lượng công an nhân dân và coi đó là kim chỉ nam cho mọi hành động của mình. Đó là cương lĩnh, là tư tưởng, và cán bộ chiến sĩ biến những điều ấy thành hành động cụ thể trong thực tế chứ không phải chỉ học thuộc lòng. Người dân đặt niềm tin vào công an, an tâm với sự chở che của lá chắn. Nhiều người vẫn chưa quên, ngay sau khi xảy ra vụ thảm sát dã man tại Bình Phước, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã bay từ Hà Nội vào, đích thân nắm bắt vụ việc và chỉ đạo phá án, yêu cầu lực lượng công an phải nhanh chóng, kịp thời, tấn công quyết liệt bọn tội phạm, vừa để bảo đảm trật tự xã hội, vừa đem lại sự yên tâm cho người dân. Vì vậy, không có lý gì mà để côn đồ, tội phạm hoành hành, hung hăng coi thường pháp luật ngay trước mắt công an. Không lý gì mà côn đồ đập đánh người dân chán chê, đập phá chán chê rồi công an mới có mặt.

    Nói như vậy bởi trong vụ côn đồ tấn công chung cư 4S Riverside Garden, như Báo Thanh Niên thuật lại lời những người chứng kiến, nhân viên Ban quản lý chung cư vội gọi Cảnh sát 113 báo tin nhưng 15 phút sau mới có… một công an phường xuống.  Trong khi đó, trụ sở công an phường và chung cư cách chưa đầy 1km, chỉ mất 5 phút là có mặt. Thậm chí, khi công an phường xuống hiện trường nhưng đứng ở cổng trước không vào hiện trường (cổng sau) can thiệp, chỉ gọi cho ai đó. Lại 15 phút sau nữa mới có 2 công an phường cùng 2 cảnh sát 113 xuống rồi mới cùng nhau vào hiện trường…”. Quả thật, bất cứ ai coi cái “đoạn băng quay chậm” ấy đều phải sốt ruột. Máu của người dân bị đổ bởi bàn tay hung hãn của côn đồ, đương nhiên những kẻ vi phạm pháp luật phải bị trừng trị, nhưng giá như “thanh kiếm và lá chắn” nhanh nhẹn, kịp thời, xông xáo, quyết liệt thì đâu đến nỗi.

   Lại thêm trường hợp không chỉ rút kinh nghiệm là xong của bộ máy công quyền.

Nguyễn Thông

3 nhận xét:

  1. Cứ xem công trạng và tội lỗi của đại tá Dương tự Trọng thì biết Công an Việt nam chống tội phạm không khác gì cái đèn cù! Phải chăng đây là bạo lực Cách mạng?? Dùng tội phạm đánh tội phạm? dùng tội phạm đánh "đồng chí"? tội phạm và công an lẫn lộn?

    Trả lờiXóa
  2. Xin thông cảm cho lực lượng còn mỏng.
    Ngay lúc côn đồ bắt đầu thường chúng rất manh động. Chúng coi thường tất cả, coi thường cả mạng sống của chính chúng thì cần phải tránh.
    Thường sau 10-15 phút manh động lên cực độ thì sự manh động sẽ giảm xuống, sau vụ hỗn chiến chúng sẽ bị hao lực,... lúc đó CA mới tọa sơn quan hổ đấu vào thu lượm thành quả, bắt sống bọn bị thương và từ đó sẽ dễ dàng truy tìm ra cả băng,..
    Nhẹ như trở bàn tay, đảm bảo sự thành công với chi phsi thấp nhất, giảm tối thiểu rủi ro và thương vong cho chiến sĩ. Đó là bài học cơ bản....
    Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều hiểu được trong 15 phút đó, máu của nhân dân, sự hoảng loạn của nhân dân đã lên đến cực điểm,.. lúc họ cần sự hỗ trợ thì các anh lại chần chừ, lúc gần xong chuyện rồi thì anh mới tới.

    Tóm lại, mục tiêu các anh làm là để phá án, có thành tích thôi chứ mục tiêu không phải là bảo vệ nhân dân như anh Thông nói ở phần đầu bài viết.

    Tôi là nhân dân !


    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa