Trang

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

Chuyện hải quan


    Báo chí vừa rồi đưa tin công an bắt được một cha cán bộ hải quan cỡ kha khá của hải quan TP.HCM, chỉ riêng hơn chục cái phong bì mà y mới thu nhận trong 5 ngày đã sơ sơ 1 tỉ đồng. Đọc tin, ai cũng lắc đầu lè lưỡi.
    Dù báo chí bảo rằng cha này bị công an bắt do các doanh nghiệp bị bóp nặn quá nên ức, không chịu được đã tố cáo. Nhưng dư luận cũng nói có lẽ y ăn dày, không chịu chia cho các đồng chí đồng nghiệp, nhất là cấp trên, nên trở thành kẻ chịu nạn của sự ghen ăn tức ở. Điều này chả biết có đúng không nhưng có bằng chứng là y không bị bắt quả tang, người ta đã làm rõ tài sản phi pháp của y khi y còn ở nước ngoài, về nước mới bị bắt. Nhiều người bảo: cho chết.
    Ở xứ ta, ai cũng biết hải quan là một ngành đặc biệt dành cho con ông cháu cha, cho những kẻ có tiền chạy chọt vào làm. Hải quan là vùng cấm địa, không có chỗ cho bọn dân thường. Hải quan là đất vàng, chỉ con cháu các cụ mới được hưởng lộc. Hải quan là đất ác, người lương thiện đừng hòng ngó vào.
    Đã nói đến hải quan là nghĩ ngay đến làm tiền, tống tiền, làm giàu phi pháp, tiêu cực, tham nhũng. Nó mang cái án chung thân ấy không oan tí nào.

    Hồi sau năm 1992, tôi bỏ dạy học bởi đói quá, thày giáo tháo giày, xung phong đi làm thuê cho công ty nước ngoài. Bị nó bóc lột nhưng lại sống được, đỡ hơn gần 2 chục năm làm chủ mỏi mòn. Ông chủ người Hồng Kông tên là Choi Wan Hoi (Thái Văn Hòa) rất quý tôi, chớ giấu tôi điều gì. Chả biết móc nối với hải quan làm sao, hay là có chế độ gì ưu tiên, đặc biệt mà hàng nhập khẩu đóng trong container được đưa thẳng từ cảng về sân công ty. Trước khi khui container, công ty điện báo cho hải quan. Chỉ chốc nhát là 2 cán bộ - nhân viên hải quan có mặt. Cũng ra vẻ làm đủ thủ tục, kiểm kiểm đếm đếm, rồi họ rút lên lầu uống nước. Vậy là xong. Họ chỉ vui vẻ về sau khi ông Choi sai nhân viên đưa cho họ, mỗi người một phong bì dày cộp. Lần nào cũng như lần nào. Ngày nào cũng có hàng về. Ngày nào cũng 2 cán bộ hải quan đến kiểm tra. Tôi thắc mắc, hỏi ông Choi, anh ơi, sao anh đút cho họ làm gì, mà đút nhiều thế, hàng của ta có gian dối gì đâu. Ông Choi cười, chú (ông ấy coi tôi như chú em nên xưng hô vậy) đếch hiểu đời, hiểu chuyện làm ăn. Cứ thử chỉ mời họ uống nước suông xem, ngay ngày mai hàng sẽ ách lại cảng ngay, mà nó có kiểm, nó cũng hành hạ mình lên bờ xuống ruộng (ông Choi là người Hoa phố Khách, Hải Phòng nên thạo tiếng Việt lắm). Cứ phong bì nhẹ xem, cũng chết với nó. Mình muốn yên, phải tọng vào mồm nó. Và tôi nói thật với chú, thằng doanh nghiệp đếch nào chẳng gian dối, sòng phẳng thì có mà ăn cám. Nó biết thóp, nó chặn phát là mình chết ngay. Từ bấy, tôi hiểu tại sao bọn hải quan chúng giàu có đại phú thế.
    Tôi có người nhà ngay cạnh nhà một thủ trưởng hải quan tỉnh, vợ thủ trưởng là trưởng hải quan một cảng lớn. Tay bán cà phê sát đó kể đây chỉ là chỗ thứ không biết bao nhiêu của họ, vài ba hôm mới ghé một lần. Trong nhà toàn đồ đạc của bậc vua chúa. Riêng bộ sa lông, chính ông chủ khoe mua hết 250 triệu đồng. Xe hơi thay như thay áo. Kinh.
    Một xã hội mà tồn tại cái ngành đặc quyền đặc lợi công nhiên như thế, hỏi sao người dân chẳng bất bình. Nhưng bất bình cũng chẳng làm gì được nhau. Chúng ông cứ thế đấy, có giỏi thì trèo lên giời mà kêu.

Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. "Nhưng dư luận cũng nói có lẽ y ăn dày, không chịu chia cho các đồng chí đồng nghiệp, nhất là cấp trên, nên trở thành kẻ chịu nạn của sự ghen ăn tức ở"

    Thế là không theo lời Bác Hồ thuổng của Tôn Trung Sơn, "Không sợ thiếu, chỉ sợ chia không đều". Bị phạt là phải lắm!

    Các cháu ngoan Bác Hồ nên nhớ ăn đồng chia đủ theo lời Bác thuổng của Tôn Trung Sơn dạy, thì sẽ được ăn dài lâu nhá .

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa