Trang

Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2016

Nhớ "những người muôn năm cũ" ở báo Thanh Niên

    Hôm nay 3.1.2016, Báo Thanh Niên tròn tuổi 30.
    30 năm tuổi, với một tờ báo cũng chưa phải là nhiều, nhưng với một đời làm báo thì là khoảng thời gian đáng kể, thậm chí gói ghém trong đó cả cuộc đời người này người khác. 30 năm biết mấy vui buồn, kỷ niệm, gắn bó với nhau.
    Tôi bỏ nghề dạy học thâm niên gần 20 năm và đầu quân về Báo Thanh Niên năm 1996. Về báo như một sự tình cờ và từ cái khởi điểm ấy thấm thoắt đã 20 năm gắn bó với thương hiệu nức tiếng này. Và điều để lại trong tôi nhiều lắm, nhất là những gương mặt, những con người, đầy chất Thanh Niên.
    Trong những ngày này, báo tràn ngập niềm vui, tôi vẫn bâng khuâng nhớ những bạn bè, anh chị đã cùng mình đi trên con đường sôi động ấy. Người còn sống, người đã khuất. Có những người rời báo, rời ta làm cuộc đi xa mãi mãi nhưng dường như còn quanh quất đâu đây. Tôi “ăn cơm mới, nói chuyện cũ” nhắc đến một số trong những con người đó, chả phải là ôn nghèo kể khổ gì, đơn giản chỉ bởi là kỷ niệm khó quên.
    Như đã nói, tôi lính mới tò te về báo khi tờ báo đã hơn 10 tuổi. Thập niên đầu vất vả gian nan thế nào, tôi không được chứng kiến, chỉ nghe kể lại. Nghĩ mình thật may. Nhà 248 Cống Quỳnh bấy giờ xập xệ cũ kỹ lắm, chỉ nửa căn biệt thự chật chội. Cả tòa soạn chỉ hơn 3 chục người. Vài người khá giả có xe máy, còn lại diện xe đạp tuốt. Vài vị ăn ngủ ngay tòa soạn, “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”, cơm bụi vỉa hè Cống Quỳnh, đánh vật với sự nghiệp chữ nghĩa, thông tin. Ban đầu, tôi hơi thất vọng, tưởng làm báo oai như thế nào, nhưng “ra đi là sự đã liều, mưa mai chẳng quản nắng chiều cũng cam”, thầm nhủ ráng thêm chút nữa xem sao.

    Một hôm đang ngồi viết bài, nghe tiếng oang oang chát chúa từ phòng Ban Thư ký vọng ra. Giọng cáu gắt lắm, bực bội lắm, hình như đang mắng ai đó cẩu thả. Rằng “câu cú chả ra làm sao, tiếng Việt mà cũng không biết dùng, nghỉ đi, đừng báo biếc gì nữa”. Tôi rụt rè ngó ra, một lính cũ của Ban Văn nghệ, anh Nguyên Hưng, bảo cụ Thế Vũ đấy, ông thiên lôi đấy, đứa nào cẩu thả, sai chính tả thì chết với cụ. Tôi vốn thích sự chỉn chu, tự dưng thấy có cảm tình với ông thiên lôi. Sau này, khi về Ban Thư ký, làm việc trực tiếp dưới quyền “cụ Thế Vũ” càng thêm yêu quý anh. Một nhà văn, nhà báo hết lòng vì tiếng Việt. Có những bản thảo anh sửa nát ra, sửa từng dấu phẩy, nhưng có những bản anh vo viên ném ngay vào sọt rác. Hỏi vì sao, anh bảo nội dung đã dở mà nó còn hủy hoại tiếng Việt như thằng khủng bố vậy thì để làm gì. Nhiều đêm trực, tôi thấy con người gầy gò chỉ hơn 40 ký kia ôm ngực ho sù sụ, anh bị bệnh phổi, cày miệt mài trên đống bản thảo. Những người sáng mai cầm tờ báo đọc khen bài này bài kia, đâu có biết sự cần lao của anh thợ cày trên cánh đồng chữ nghĩa, như nhà văn Thế Vũ.
    Một bộ phận chả mấy khi chường lên mặt báo, là Phòng Kỹ thuật. Họ cùng Ban Thư ký bám cơ quan cho đến khi trang cuối cùng chạy vào nhà in. Nói chạy đúng nghĩa bởi hồi ấy bài vở, hình ảnh tuy được trình bày trên máy vi tính nhưng internet chưa phổ biến nên phải in ra giấy scan, anh Hòa, anh Thạch… làm montage cắt ra dán lên phim, sau đó bỏ vào ống nút lại cho kín, hộc tốc phóng xe đến nhà in, dù nửa đêm, dù mưa gió, kệ, phải đến đúng giờ. Trình bày được trang báo đẹp, ấn tượng, bắt mắt, thu hút bạn đọc là cả kỳ công. Không ngày nào giống ngày nào, trang nào giống trang nào. Thanh Niên có những họa sĩ trình bày cực giỏi như Hoàng Ngọc Biên (thuở ban đầu), Đoàn Mẫn, Nhã Bình (Đỗ Xuân Bình). Bình tuổi Giáp Ngọ, hơn tôi 1 tuổi, cả hai vợ chồng đều họa sĩ. Nhã Bình là bút danh của anh, quả thật cái tên với con người là một, lúc nào cũng nhã, phong thái ung dung. Tôi chứng kiến cũng có lúc anh cáu giận nhưng cả cáu cũng nhã, chứ phải như tôi hoặc người khác, cứ gọi là um lên, lành làm gáo vỡ làm muôi. Bình là con người của sự tỉ mỉ, tinh tế, chính xác, hài hòa, sáng tạo, nghệ thuật vị nghệ thuật. Rất nghệ sĩ. Tôi cứ đùa chọc anh, nếu không có ông, chả biết báo Thanh Niên sẽ ra sao, anh cười hiền, đời ai mà biết trước được. Thế rồi một hôm tháng 5.2007, buổi sáng còn ngồi cà kê với anh, đến đầu giờ chiều đã nghe chị Kim Lan vợ anh báo tin anh mất, đột quỵ. Cả cơ quan bàng hoàng, thương tiếc.
    Trong số phóng viên buổi ban đầu, có lẽ Đặng Ngọc Khoa gây ấn tượng rất mạnh với mọi người. Y to cao, như con gấu, vui vẻ xởi lởi, dễ gần. Có Khoa ở đâu là chỗ đó ầm ĩ ngay. Đàn giỏi, hát hay, làm thơ, vẽ tranh, tổ chức sự kiện… cái gì Khoa cũng biết, làm ngon lành. Đời Khoa lận đận. Chả yên chỗ nào, tôi bảo Khoa “ở không yên ổn, ngồi không vững vàng” làm khổ vợ con, Khoa nheo nheo mắt chê tôi, không biết giang hồ mà cũng đòi làm báo. Y nay Đồng Nai, mai Bình Thuận, khi Sài Gòn, lúc Đà Nẵng, rồi cuối cùng trụ lại thành phố ven sông Hàn, và cũng ra đi mãi mãi từ chốn ấy sau căn bệnh ung thư quái ác. Đời Khoa là cả cuộc xông xáo, tìm tòi chất liệu cho trang viết, cho tờ báo đậm chất thời sự mỗi ngày. Hồi Khoa còn sống, thường bạn bè nhắc đến y là gắn ngay đến Khoa bão (làm tin về các cơn bão rất chi tiết, tập hợp đủ các nguồn trong và ngoài nước), Khoa voi (cứ nơi nào voi rừng bị săn đuổi, hết thức ăn, về buôn làng phá phách, dù ở Quảng Nam, Bình Thuận, Ninh Thuận… là y có mặt liền). Và đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu vì sao Khoa còn có biệt danh là “mặt buồn”, có lẽ do Khoa hay quan tâm lo lắng cho bọn trẻ con, nhất là mấy đứa ở vùng sâu vùng xa thất học.
    Nhắc đến ung thư, sực nhớ ngay tới Hoàng Hoài Sơn. Sơn về báo sau tôi khá lâu nhưng anh cũng đã có thâm niên trước đó bên tờ Thể thao&Văn hóa. Sơn đi học bên Liên Xô về, tiếng Nga nhoay nhoáy, tuy gia thế cũng chả phải vừa (con cụ Hoàng Châu Ký nghiên cứu tuồng nổi tiếng, em nhà thơ Y Nhi…) nhưng giản dị, dễ gần, chả bao giờ kênh kiệu này nọ. Sơn lúc thì Trưởng ban Tuần san, khi thì Phó ban Văn nghệ, thành thực mà nói anh không có khiếu làm quan, làm quản lý, nhưng viết thì ít ai bì kịp. Anh viết bài, dịch tài liệu từ tiếng Nga, cả tiếng Anh nữa, chả số báo nào, số tuần san nào anh không có bài. Một dạo bẵng đi không thấy anh, mà cũng không thấy bài, tôi dò hỏi thì biết anh đi Singapore điều trị, bị ung thư. Thời gian sau, anh về, tuy còn nghỉ nhưng ghé chỗ tôi. Xạ trị hóa chất, tóc tiếc rụng cả, thương lắm. Vậy mà anh vẫn cười như không, bảo “thân như điện ảnh hữu hoàn vô” (thân người như tia chớp, có rồi không), lăn tăn làm gì cho mệt. Anh mở cái túi nhỏ đeo bên mình, lấy tặng tôi 3 bức tượng con khỉ nhỏ, con bịt mắt, con bưng mồm, con che tai, dặn dò triết lý sống nó nằm cả ở đây đấy, ông ạ. Khi lão thần ung thư quái ác kéo anh đi (tháng 9.2013), anh Đức Trung thư ký tòa soạn chơi thân với anh bảo tôi viết một bài cho báo và bản điếu văn, tôi vừa viết vừa bùi ngùi thương con người trung hậu hiền lành ấy.

    Giờ thì họ, những người đáng yêu đáng trọng ấy đã đi về cõi hư vô cả rồi. Ngày vui của báo ít người nhắc đến họ. Người giỏi cứ hiếm dần. Nhưng tôi cứ nghĩ, trong chốn xa xôi, họ vẫn đồng hành cùng bạn bè đồng nghiệp trong hành trình 30 năm và những năm tiếp nữa.

Ngày 3.1.2016 (đăng trước vài tiếng bởi mai bị cúp điện)
Nguyễn Thông
(Viết nhân kỷ niệm tam thập chu niên Báo Thanh Niên)

8 nhận xét:

  1. "Một nhà văn, nhà báo hết lòng vì tiếng Việt (tớ thêm) Xã Hội Chủ Nghĩa"

    "đâu có biết sự cần lao của anh thợ cày trên cánh đồng chữ nghĩa (tớ lại thêm) Xã Hội Chủ Nghĩa, như nhà văn (tớ lại phải thêm) Xã Hội Chủ Nghĩa Thế Vũ"

    "lấy tặng tôi 3 bức tượng con khỉ nhỏ, con bịt mắt, con bưng mồm, con che tai, dặn dò triết lý sống nó nằm cả ở đây đấy, ông ạ"

    Thế mà tớ nghĩ 3 con khỉ đó là triết lý làm báo của thời đại Hồ Chí Minh!

    Trả lờiXóa
  2. Nhiều blog trích đăng lại bài của tác giả khác là chủ yếu. Quanh năm không thấy một bài chính chủ. Ở đây, Anh Thông không làm thế. Thi thoảng, xuất hiện một vài bài tâm đắc của những bè bạn tâm huyết. Hầu hết là bài vở của Anh. Gõ vẻn vẹn vài dòng còm thôi mà sai lỗi ngữ pháp, lỗi diễn ý cả một núi. Đằng này chủ trang viết 4-5 bài trong tuần, đủ mọi đề tài, đủ mọi thể loại, mà cô đọng, ý nhị, thật thà. Chúng ta phải biết trân trọng công sức của Anh và nghiền ngẫm sau khi đọc. Dưới tầng lớp chữ nghĩa ấy nhiều điều giúp chúng ta suy nghĩ, học hỏi, xử thế để bản thân ngày một tiến bộ hơn, hoàn thiện hơn. Không năng lực, không vốn sống, không có cái nhìn thấu đáo cuộc sống, cuộc đời, làm sao'viết' được.'Viết' chẳng giống cuốc đất. Không cần học hành, đào tạo, kiến thức gì ráo, anh em nào cũng có thể làm được. Đằng này,...
    Đọc xong bài viết của Anh, lẽ ra, hiểu thêm Anh đã sống một thời khá dài với nghề giáo, nghề báo chỉnh chu, hiếu thuận với nghề và với người trong nghề, ắp đầy kỷ niệm. Có người đọc xong, thì phán ngay, sao không thấy móc xấu XHCN vào, sao không thấy đả đảo ông lãnh tụ CS. Tôi thất vọng, chán chường về những bạn đọc như thế. Thích, muốn, ngứa chân ngứa tay thì cứ quấn cờ vàng vào, trương biểu ngữ lên, xuống phố mà gào mà thét. Hà cớ gì phải "móc hông" người khác. Tôi chúa ghét cách làm chính trị trẻ con. Tôi không ưa Việt Cộng, nhưng suy cho cùng, trong cuộc sống, tồn tại những loại người này thì cũng cần sự tồn tại của Việt Cộng. Hết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "nghề giáo, nghề báo chỉnh chu"

      Nghề giáo, nghề báo thời đại Hồ Chí Minh, học trò chán không muốn học, dân không muốn đọc . Vâng, rất chỉnh chu .

      "Tôi không ưa Việt Cộng", nhưng tớ đoán bác ghét dân chủ tư bẩn hơn nên phải đánh đuổi nó đi để đưa Việt Cộng vào .

      "3 bức tượng con khỉ nhỏ, con bịt mắt, con bưng mồm, con che tai, dặn dò triết lý sống nó nằm cả ở đây đấy, ông ạ"

      Triết lý sống của nhà báo là 3 con khỉ không nghe, không nói & không nhìn! Yep, nghề báo Đảng quả là quang vinh!

      Xóa
  3. Anh Thông đọc bài này nhé. Cực hay của báo KTSG:"http://www.thesaigontimes.vn/140478/Thuong-hieu-chinh-tri-khac-tinh-cua-hoang-hon-nhiem-ky.html"

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  5. Từ nhỏ tới lớn con chỉ đọc 3 loại báo chính thông : Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ, Báo Công An ^^

    tu quan ao gia re
    thiet ke nha xinh

    Trả lờiXóa
  6. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa