Sáng 15.2 (mùng 8 tết), tôi đến trụ sở VCB Bến Thành trên đường Bùi Thị Xuân,
Q.1, TP.HCM làm lại cái thẻ ATM. Ngày đầu tiên sau tết, lại là đầu tuần nên rất
đông. Lấy số thứ tự, ngồi chờ như mọi người. Có mấy người nước ngoài cũng đang
chờ.
Khổ nỗi, loa thông báo của ngân hàng chỉ phát bằng tiếng Việt, ví dụ “xin mời
khách hàng số ba không tám một (3081) đến quầy số năm”, mấy ông bà Tây nghe chả
hiểu gì, lâu lâu lại nhổm dậy cầm phiếu số chìa ra hỏi nhân viên (chắc họ hỏi:
đã đến lượt tôi chưa?), nhân viên VCB giải thích vài câu, xua tay; họ về chỗ,
chút nữa lại nhổm đít hỏi, lại xua tay, về chỗ… Rất nhiều lần.
Tôi chứng kiến cảnh đó, ái ngại quá, ra nói với anh bảo vệ đang canh chừng, anh
ạ, anh xem có ô nào trống, kêu họ vào, giải quyết cho họ trước đi, đừng để họ
tội nghiệp như thế. Chàng bảo vệ xua tay: không được, em đã từng giải quyết
thế, bị người ta phản đối dữ lắm.
Tôi rất ngán ngẩm. Sao lâu nay chúng ta vẫn tuyên truyền đủ những lời hay ý
đẹp, nào là “Việt Nam, điểm hẹn, điểm đến thiên niên kỷ”, nào là “Du lịch thân
thiện cởi mở”, nào là thu hút du khách bằng tâm hồn Việt Nam, vân vân… Vậy mà,
với những người bạn nước ngoài, họ vì yêu mến xứ ta mà tìm đến đây, họ muốn
được chứng kiến sự cởi mở, thân thiện của con người Việt, nỡ nào ta đối xử với
họ lạnh lùng, nguyên tắc, cứng nhắc, ít tình người như thế. Tôi chả biết anh
nhân viên bảo vệ nói vậy thì có đúng từng xảy ra chuyện phản ứng đó không,
nhưng nếu thế thật thì quả là buồn.
Có những dịch vụ, khi đông người phải xếp hàng chờ đến lượt, về nguyên tắc, ai
cũng vậy thôi. Ngày tôi còn bé, trong sách tập đọc có thuật lại chuyện Lênin
trong hiệu cắt tóc. Chuyện rằng Lênin là lãnh tụ của nước Nga Xô viết, đến hiệu
cắt tóc, ông thấy đông người, vẫn tự nguyện xếp hàng theo thứ tự. Chủ tiệm thấy
vậy mời ông lên trước, ông từ chối, lấy tờ báo ra coi, tiếp tục chờ đến lượt
mình. Xếp hàng cũng là nét đẹp văn hóa.
Nhưng biết nhường nhịn cho người khác, nhất là những người cần được nhường nhịn
lại càng là nét đẹp văn hóa, giàu ý nghĩa tâm hồn. Một dân tộc luôn coi trọng,
đề cao sự “nhường cơm sẻ áo”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “thương
người như thể thương thân”, hào hiệp, rộng lòng… chả nhẽ lại còn so đo với bạn
bè quốc tế, không dám nhường vài phút, vài chục phút đồng hồ, nhường chút quyền
lợi cỏn con. Tôi chỉ mong lời kể của anh nhân viên bảo vệ là sai, là không có
chuyện đó. Chỉ có điều, một sự thực xảy ra trước mắt tôi: dù tôi có ý định
nhường thứ tự của mình cho cặp vợ chồng già ngoại quốc chờ rút tiền ấy, nhưng
họ chắc đã chờ quá lâu, họ nản, họ cảm ơn tôi, và lủi thủi ra về. Họ không rút
được tiền (có lẽ để tiếp tục chuyến du lịch trên đất nước này). Người chồng
trước khi về vẫn OK chào anh nhân viên bảo vệ, còn người vợ lặng lẽ bước ra,
khuôn mặt rất buồn. Tôi cũng rất buồn bởi tôi là người Việt chứng kiến cảnh đó.
Cứ lẩn thẩn tự hỏi, tại sao một ngân hàng đàn anh như VCB mà lại thiếu sót thế
nhỉ. Có khó gì đâu, nếu muốn tránh tình trạng khó xử như anh bảo vệ kia từng
gặp phải, thì tại sao không mở một ô riêng, quầy riêng cho người nước ngoài. Số
khách này không nhiều so với khách nội địa, tuy nhiên lúc nào cũng có, nhất là
người ta đang đến Việt Nam du lịch ngày càng nhiều. Đơn giản vậy mà không làm
được hay sao? Đừng “đuổi” khách đi bằng sự vô tâm, ích kỷ, bằng lý lẽ cứng nhắc.
Muốn “móc” được tiền khỏi túi du khách ngoại, làm cho bạn bè quốc tế thêm ấn
tượng tốt, thêm yêu đất nước và con người Việt Nam, vô vàn cách, chỉ có điều
mỗi người chúng ta có muốn làm hay không mà thôi.
Nguyễn
Thông
Tôi sống ở Mỹ. Nhận thấy ngân hàng nào cũng có một ô dành cho khách đặc biệt. Tương tự, trên xe buýt hay bãi đậu xe lúc nào cũng có chỗ ưu tiên dành cho người tàn tật.
Trả lờiXóaTheo như lời bạn nói, cách hành xử ở VN quá cứng nhắc.
Cách đây khá lâu, khi trên đường đến Mỹ định cư, tôi phải đổi chuyến bay ở phi trường Tokyo, NB, tôi còn nhớ rõ tối hôm đó, có một nhân viên làm ở phi trường, chắc thấy bộ dạng của tôi họ cũng biết, ông ta mang cho tôi một hộp cơm và một ly nước.
Không phải ông ta làm một việc từ thiện. Tôi không phải là một người bị bỏ đói hay ăn xin.
Đơn giản, lòng tốt, sự tử tế của ông phát sinh một cách tự nhiên. Trước một hoàn cảnh như vậy...cách ứng xử khác nhau tuỳ chỗ.
Giời ạ, ngân hàng Xã Hội Chủ Nghĩa thì cần gì tiếng tư bẩn cơ chứ! Vả lại tiếng Tây cũng lắm thứ, chọn 1 thứ tiếng thế nào cũng có thằng Tây khác mặt đực ra . Cứ nói tiếng Việt hoặc/và, mai đây, tiếng Hoa cho nó tự hào dân tộc cũng chả chết thằng Tây nào .
Trả lờiXóa"Muốn “móc” được tiền khỏi túi du khách ngoại, làm cho bạn bè quốc tế thêm ấn tượng tốt, thêm yêu đất nước và con người Việt Nam, vô vàn cách, chỉ có điều mỗi người chúng ta có muốn làm hay không mà thôi"
Trả lờiXóaĐúng . Ngày 19-5 sắp tới, chúng ta nên mở phong trào thi đua chặt chém khách du lịch -“móc” được tiền khỏi túi du khách ngoại- để làm cho bạn bè quốc tế thêm ấn tượng tốt (hay không tùy cách nhìn), thêm yêu đất nước và con người Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa đi . Tớ nghĩ Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ rất hài lòng nếu chúng ta có những thành tích như vậy để dâng lên Người .
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóa