Trang

Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

Những vẻ đẹp dung dị làm ta trào nước mắt

    Trong đời thường, nhiều khi ta cứ cố dõi mắt thật xa, vận dụng hết trí tưởng tượng để tìm cho ra, hình dung ra những điều thật lý tưởng, tròn trịa, hoàn mỹ, để rồi phải thất vọng khi không thấy bóng dáng chúng nơi đâu. Nào ta có biết rằng giữa cuộc sống vô cùng vô tận ấy, trong muôn vàn cái đa dạng phong phú ấy, điều ta muốn biết muốn tới chả ở đâu xa mà ngay cạnh mình, trước mắt mình.
 
    Tôi đã có những cuộc kiếm tìm gượng gạo, máy móc như thế, và nhiều lần vô vọng. Ngày này tháng khác trôi đi, đôi lúc buông xuôi, chán nản. Nhưng rồi chính những điều bình thường nhất diễn ra hằng ngày lại giúp mình khai mở, giác ngộ. Và thêm yêu cuộc sống, yêu con người.

    Ở Sài Gòn, đã từ lâu mọi người quen với hình ảnh thùng nước uống miễn phí bên đường dành cho người qua lại. Hớp nước cho người nghèo, người lỡ độ đường trong cái nắng phương Nam gay gắt thật quý biết bao. Một cô gái là chủ công ty nho nhỏ kinh doanh dược phẩm kể cho tôi nghe có lần đang đi trên đường Võ Văn Tần (Q.3), xe dừng khi đèn đỏ cô thấy thùng nước từ thiện bên đường, mấy người bán vé số đang xúm xít uống. Về nhà thì bắt chước làm thôi, chả nghĩ ngợi gì cao xa gì. Sắm thùng inox, ly inox, đưa ra hôm trước, hôm sau thì mất. Chưa kịp mua cái khác, đành dùng tạm thùng nhựa. Bữa sau có người (bí ẩn) đem đến trả lại chiếc thùng inox ấy, cả 2 cái ly nữa, kèm theo mấy chữ xin lỗi viết nguyệch ngoạc. Việc làm tốt đẹp đầy tình người của cô đã lay động cả suy nghĩ người có hành vi sai trái. Từ bấy giở đi, thùng nước để suốt từ sáng đến tối trước nhà, chẳng ai trông coi, không hề dây xích khóa khoáy mà chả hề suy suyển.

    Hồi cuối tháng 1.2016 vừa rồi, dường như ai cũng cảm động khi báo chí đăng ảnh một nhà hảo tâm ở Q.3 mua gạo ngon đóng thành bịch 5kg, xếp cả đống ven đường trước nhà, với tấm biển đề "Gạo miễn phí, mỗi người lấy một gói ăn tết", “Quà tết miễn phí, mỗi người lấy một phần”. Bạn tôi bảo từ thiện kiểu này có lẽ chỉ có ở Sài Gòn. Tất nhiên không phải ai cũng tham lam ào vào lấy bởi những người khá giả, người chưa đến mức khó khăn đều hiểu rằng gạo này dành cho người nghèo. Mà ngay cả người nghèo cũng chỉ tự động lấy một phần. Không lấy thứ dành cho người khác, đó vừa là lòng tự trọng, vừa là nét văn hóa đặc trưng của người Nam Bộ. Bạn tôi nói thêm, nhận từ thiện kiểu này, cũng chỉ mới thấy ở Sài Gòn.

    Mấy hôm trước tết, trước tình trạng thời tiết không thuận lợi, hoa nở sớm, hoa tết có nguy cơ dội chợ, người dân thành phố này truyền tai nhau, rồi kêu gọi trên mạng với thông điệp "mua hoa tết để giúp nông dân, giúp người trồng hoa". Tất cả chỉ nhằm mục đích đừng để diễn ra cảnh hoa bị ế, bị rẻ thối phải đổ bỏ, phần nữa là giúp người bán hoa mau chóng hết hàng, được về nhà sớm lo tết với gia đình. Tôi đã đọc được những lời hỉ hả trên mạng xã hội, chẳng hạn  “mình nghe vậy là ra lề đường mua ngay, hai chậu cúc to chà bá, người bán không nói thách, mình cũng không trả giá”, “bác bán hoa tết quê Sa Đéc cứ cảm ơn mãi khi chiều 29 (30 tết) mình khuân cho bác ấy cả mai, cúc, hướng dương”…

    Nhân mấy chuyện trên, tôi lại nhớ cũng chính nơi đây, thành phố Sài Gòn dễ thương này là nơi khởi đầu của những quán cơm 2.000 đồng mà người chủ trương là nhà báo kỳ cựu Nam Đồng cùng bè bạn ông. Cơm 2.000, giá ấy chỉ có tính tượng trưng, thực chất là từ thiện gần như miễn phí đối với đồng bào còn hoàn cảnh khó khăn, những sinh viên nghèo thiếu thốn, người nhập cư chưa có việc làm ổn định, em bé bán vé số, chị ve chai, anh phụ hồ… Sau hàng loạt quán cơm như vậy, đã phát sinh thêm những biến thể đáng yêu như bánh mì miễn phí, phở từ thiện… ghi thêm bao dấu ấn đẹp đẽ đầy chất nhân văn ở thành phố cực kỳ sôi động và ấm áp tình người này.

    Thương xót người cần lao, trọng nghĩa trọng tình, đất Nam Bộ, nhất là Sài Gòn, có những con người đầy chất Lục Vân Tiên, phóng khoáng, rộng mở, hào hiệp, lại cộng thêm tấm lòng bao dung nhân ái vốn có của người dân nước Việt, thật đáng cho chúng ta ngưỡng mộ, yêu thương.

    Vẻ đẹp, sự cao quý chẳng ở đâu xa, đó chính là những hành vi, việc làm thật cụ thể, giản dị, thiết thực và tuyệt đẹp, lại rất nhân tình mà ta được chứng kiến hằng ngày.


Nguyễn Thông
(Bài đăng trên báo Thanh Niên hôm nay 15.2.2016)

2 nhận xét:

  1. Những tấm lòng nghĩa hiệp chia sớt nỗi khốn đau ngụ Sài gòn(Nam bộ),làm cùng trách nhiệm đảm,không đòi hỏi chi cho bản thân,nhẽ đâu người hành tinh khác nhỏ lệ buồn,...,vậy còn vô khối cưỡng cướp bất lương sao chưa hối sám?,hay tự trọng,sỉ liêm,danh dự,tình người,bất ngất của hiếm?.Chim đã hót dưới trời xanh,khởi đầu(15.02.2016) như khát vọng CON NGƯỜI.

    Trả lờiXóa
  2. " Người Sài Gòn"-cái tên từng vào cổ tích

    Trả lờiXóa