Trang

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

Biên lại cho khỏi quên (1)

Triều đại cộng sản năm thứ 71, chính thể đệ nhị mang tên Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (đệ nhất có tên Việt Nam dân chủ cộng hòa, chấm dứt năm 1976). Từ tháng 2 Bính Thân (2016) tới nay là tháng 4 ta, nhà nước mới vừa được đảng cai trị cử ra, đứng đầu là một đại tướng quân họ Trần, tên Đại Quang, từng là thượng thư bộ Công (an), vốn người đất thang mộc Hoa Lư sinh ra Đinh tiên hoàng đế khi xưa.

Triều đình danh nghĩa đứng đầu là họ Trần nhưng thực ra chúa Nguyễn, người xuất thân vùng ven kinh thành, vẫn nắm quyền quyết định mọi sự, kể cả nội trị ngoại giao, việc lớn việc nhỏ đều gom vào tay chúa. Mỗi lần kinh thành mở hội, chúa thường đăng đàn diễn thuyết, nói hay lắm, giọng thủ thỉ như rót mật, đám dân chúng say điếu đổ. Có kẻ chỉ mong được một lần nắm bàn tay chúa, chớp ảnh chung với chúa đem về treo trong nhà, dẫu cho gan óc lầy đất cũng hả dạ.

Nhà chúa đang chỉ dụ triều đình tổ chức bầu ra các cấp cai trị, từ hương lý ở xã phường đến bọn quan lại trung ương. Nghe nói tiền của đổ vào cũng nhiều, gần 4.000 tỉ bạc, nhưng cũng chả đáng là bao so với một vụ tham nhũng vài ngàn tỉ, mà tham nhũng thì nhan nhản, nhiều đến nỗi cựu quốc vương họ Trương, quan lại quen gọi là anh Tư, ở triều trước đã phải thốt lên rằng “quốc nạn tham nhũng ngày càng nặng, khó trị”.

Đang lúc cờ bay trống giục nhịp nhàng, bỗng dưng trời đất, nhân tình thế thái có nhiều điềm gở khiến cả vua lẫn nhà chúa đều lo.


Chưa năm nao khô hạn kéo dài như năm này. Suốt một dọc miền Trung, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, kéo vào đến tận lục tỉnh Nam Kỳ xưa, chỗ nào cũng nắng cháy hết cỏ cây, tháng này qua tháng khác. Ruộng đồng nứt nẻ hết cả. Trâu bò dê lợn không có thức ăn, thiếu cả nước uống chết lăn quay từng đàn, dân chúng phải đem chôn bởi chỉ còn da bọc xương. Đất lục tỉnh trù phú xanh tươi, dư thừa sản vật là thế, nay cũng vừa bị khô hạn, sông Cửu Long kiệt nước, vừa bị nước biển xâm nhập vào sâu tận gần biên giới đất Miên, cá tôm nuôi cũng chết, cây trái chịu mặn héo rũ, lúa không gieo được, người người nhà nhà lũ lượt kéo nhau lên Sài thành hoặc các khu công nghiệp ở vùng Hố Nai xưa kia làm thuê làm mướn. Thôn quê vùng nhị hà sông Tiền sông Hậu giờ chỉ lắm người già và trẻ con.

Tháng 3 Bính Thân (2016), vùng biển dọc 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh vào tới tận Thừa Thiên bỗng dưng nước bốc mùi hôi thối, cá chết hàng loạt, ngư dân điêu đứng, chỉ biết nằm bờ chứ không thể vươn khơi, nếu trót đánh bắt được cá về cũng chả biết bán cho ai. Thiên hạ còn lo lắng sợ tình trạng này kéo dài, vội đi mua tích trữ mắm, muối, cá khô, chả khác thời chiến tranh. Triều đình đủng đỉnh cử người đi điều tra, đoàn thì báo về do thủy triều đỏ, đoàn thì bảo là có chất lạ nhưng chưa xác định được. Đám báo chí, công luận và dân chúng thì tỏ ý nghi ngờ cái khu nhà máy sắt thép của người Trung Quốc ở Vũng Áng gần quê ông Trần Phú hồi xưa xả chất độc gây ra. Kết quả chưa đâu vào đâu, bất ngờ nhà chúa có chuyến thăm thú Vũng Áng, gặp nhà tư bản có cái tên Tây Formosa, động viên họ đừng e ngại, cứ yên tâm làm ăn. Tình hình đang rối, cuộc điều tra đang gần đến hồi kết, bỗng yên ngay. Mấy ngày sau, suốt dọc dãy biển miền Trung vui lắm, các quan hò nhau ra tắm biển, vui thú chán chê, xong lên bờ đưa nhau ăn cá, gắp gắp nhai nhai để làm gương cho dân chúng, ý rằng nước trong lành, cá an toàn, đừng quá lo lắng ảnh hưởng đến đại cục.

Đám đông dân chúng và báo chí đang ồn lên giận dữ về phát biểu “chọn cá hay chọn thép” của nhà tư bản có tên Chu Xuân Phàm, sau vài ngày được cơ quan tuyên giáo của nhà chúa hướng dẫn định hướng, tự dưng nín bặt.

Giữa tháng 3 Bính Thân, một gia chủ ở kinh thành thịt con lợn làm đám giỗ, phát hiện trong bụng có cục gì tròn tròn to lắm, moi ra thì thấy khối lông đen dính chặt với nhau. Mấy người thông thạo hay chuyện bảo đó là cái cát lợn, một thứ quái, nhưng quý lắm, hơn vàng, dùng để làm thuốc trị bách bệnh, cả ung thư, có giá vài tỉ đồng. Chủ nhà vừa mừng vừa sợ nhưng vẫn chưa ai hỏi mua. Bẵng hơn chục hôm, sang đầu tháng 4 Bính Thân, một nông gia ở Hà Nam có con lợn sề bị điện giật chết, mổ ra cũng lại phát hiện một cục cát lợn còn to hơn cái cục vừa thấy ở kinh thành. Có người bảo rằng cát là điềm lành, nhưng cát lợn trong năm Thân thì lại không tốt, thậm chí rủi ro, bởi Thân Hợi kị nhau, nhẹ thì đói kém, nặng thì xung đột tương tàn. (còn tiếp).

Nguyễn Thông

7 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Hay thiệt đó! Lịch sử lặp lại hỉ? Xưa có "vua lê - chúa trịnh" nay đến thời "Vua trần chúa Nguyễn".

    Trả lờiXóa
  3. anh cu viet mac du co ve hoi giong"Hieu gio".

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  5. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  6. Tôi đang chờ Nguyễn Thông viết tiếp...

    Trả lờiXóa
  7. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa