Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Mỗi tuần một từ Hán Việt: Chấp bút

Mục này hôm nay, tôi muốn góp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên).
Mấy hôm rồi, nhân những sự kiện Tổng thống Mỹ Obama diễn thuyết, phát biểu ở nơi này nơi nọ, nội dung rất hay, ấn tượng, có khá nhiều báo khai thác ở khía cạnh: những nội dung ấy ông Obama tự nghĩ ra, hay có ai chuẩn bị sẵn. Có 3 tờ báo viết rằng "ai chắp bút cho ông Obama?".
Xin nói ngay, viết thế là sai, phải viết là "chấp bút". Đây là một từ có thành phần Hán Việt nhưng đã được Việt hóa, dùng như từ thuần Việt. Chấp, theo nghĩa Hán Việt, là: cầm, giữ, nắm lấy, thực hành, nhận. Chấp bút theo nghĩa thô là nhận lấy cái bút, cầm lấy bút để làm việc. Nghĩa văn vẻ thì chấp bút là khởi thảo, thực hiện một văn bản, công trình nào đó theo bản đề cương có sẵn, hoặc theo ý kiến, sự chỉ đạo của cá nhân hoặc tập thể nào đó. Người chấp bút là người làm cái công việc ấy. Chấp bút có thể là một người nhưng cũng có thể là một nhóm người.
Còn chắp là từ thuần Việt, có nghĩa là ghép lại (những cái gì đó rời rạc) vào nhau, cho nó liền lại. Truyện Kiều có câu "Trong khi chắp cánh liền cành/Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên" để nói về tâm trạng của cô Kiều sau 15 năm mối tình Kim - Kiều gãy đổ, đứt đoạn, sợ chàng Kim không đủ cao thượng quên đi được quá khứ. Hai bàn tay khi úp lại với nhau cho nó dính liền ta gọi là chắp tay...
Còn viết là chắp bút rồi hiểu theo nghĩa chắp những cái bút lại với nhau thì quá thô thiển, làm hỏng hết vẻ đẹp của ngôn ngữ.
Có những từ, khi sử dụng, chỉ chịu khó nghĩ một tí thôi thì sẽ không sai.

Nguyễn Thông

4 nhận xét:

  1. Chấp=nắm giữ.
    Chấp bút= viết một văn bản mà nội dung được gợi ý từ một người hoặc nhóm người.(Bài nói của cụ Phạm Văn Đồng là do nhà thơ Việt Phương chấp bút).
    Chắp: ghép nối. (Lời quê chắp nhặt dong dài. Mua vui cũng được một vài trống canh-Kiều).

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Thế"chấp nhau"có nghĩa là sao?vì khi chấp nhau mà chỉ có hai người với nhau thì nhiều khả năng vui buồn sung sướng giận dữ...lắm trạng thái lắm

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa