Trang

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2016

Chuyện dài xe công

Nói không quá lời, việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa yêu cầu Ban Kiểm tra Trung ương Đảng và các ban ngành, địa phương liên quan phải làm rõ những vấn đề “chưa tỏ” dính dáng tới ông Trịnh Xuân Thanh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, là được khởi nguồn từ chuyện chiếc xe công, còn gọi là xe biển xanh. Nếu không có sự phát hiện tình trạng lạ đời của chiếc xe biển xanh ấy, có thể mọi điều vẫn trôi chảy bình thường, thậm chí tất cả, kể cả ông Thanh, đều tốt đẹp.

Những ồn ào của dư luận và báo chí, những thắc mắc của người dân rồi sẽ sớm được giải đáp sau kết luận của Trung ương, cụ thể là nguồn gốc lai lịch thực của chiếc xe, việc cấp biển số sai quy định, việc đề bạt luân chuyển cán bộ, việc xét khen thưởng thi đua, việc sử dụng đánh giá con người… Cái sảy nảy cái ung, chỉ cần sai một công đoạn, một khâu nào đó cũng sẽ dẫn đến hàng loạt sai phạm khác, mà trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh là ví dụ điển hình.

Ở đây, chúng tôi chỉ nêu ra vấn đề đã được bàn thảo lâu nay mà chưa đi đến đâu: chuyện xe công.

Tôi nhớ không lầm, cách nay đúng 10 năm, dư luận ồn lên về chuyện xe công khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về khoán xe công. Nghị quyết được ban hành nhưng sau đó không mấy cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện. Hình như dạo ấy chỉ duy nhất có ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội gương mẫu chấp hành. Ông trả lại nhà nước chiếc xe tiêu chuẩn cấp cho ông, và đương nhiên không cần tài xế riêng, ông tự đi làm bằng taxi, xe ôm. Chấm dứt việc nhà nước phải chi ra cả đống tiền mua xe, trả lương lái xe, sửa chữa xe, bảo trì bảo dưỡng xe định kỳ… Một cán bộ cấp cao có hàm tương đương thứ trưởng đi làm công vụ bằng phương tiện xe ôm, cứ như chuyện cổ tích, chuyện bịa. Người khen cũng lắm, kẻ chê cũng nhiều. Có người còn mỉa, cho là ông Thuận làm màu, ra vẻ ta đây. Nhiều cán bộ to không thích việc ông Thuận làm bởi nó ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Rốt cục, đến nay dường như mới chỉ có một mình ông Thuận áp dụng nghị quyết của Quốc hội.


Xét công bằng, không phải nhà nước không quan tâm đến tình trạng xe công, nhất là sự lãng phí và phát sinh nhiều trớ trêu ở bộ phận khá nhạy cảm này. Ngày 4.8.2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định số 32/2015/QĐ-Ttg về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô công. Bản quyết định nêu rất rõ đối tượng được dùng, xe loại nào, giá tiền bao nhiêu, dùng vào việc gì, nghiêm cấm làm sao… Chỉ có điều, quyết định không được cán bộ quán triệt nghiêm túc, văn bản vẫn đi một đằng, thực tế chạy ra một nẻo.

Thế mới có chuyện ông Trịnh Xuân Thanh chỉ là Phó chủ tịch tỉnh, không có tiêu chuẩn dùng xe công riêng nhưng vẫn cứ “ra ở riêng”. Đã thế quyết định 32 quy định rõ ngay cả chủ tịch tỉnh cũng chỉ được sử dụng xe có mức giá tối đa 920 triệu đồng thì ông xài luôn siêu xe Lexus giá vài tỉ. Nếu ông chịu khó dùng xe biển trắng (tư nhân) thì dù đi siêu xe cỡ xe Cadillac One của ông Obama có lẽ dư luận cũng chỉ xì xào chút ít, đằng này ông lại đeo cho nó cái biển xanh đầy uy lực. Quan chưa hẳn to mà cưỡi xe vài tỉ thì quá "coi trời bằng vung", bằng “lạy ông tôi ở bụi này”, coi thường kỷ cương phép nước, dư luận và trung ương không tha là đúng rồi.

Cái xe công biển xanh, nhất là biển 80B thì oai ngất trời. Nó thuộc hàng thiên lý mã, hạng Xích thố trong đám ngựa sắt, đi tới đâu cũng khiến cả đàn ngưỡng mộ, e ngại. Đành rằng người chức việc nhà nước làm việc công thì phải có xe phục vụ, nhưng thiết nghĩ tại sao cứ phải xe công, xe biển xanh. Nếu đi xe “không công”, tức xe biển trắng, xe tư nhân, chả nhẽ không làm được việc, chả nhẽ hiệu quả giảm đi. Thực tế cho thấy, ông Trần Quốc Thuận khi còn đương chức kêu xe ôm, taxi đi làm, công việc vẫn chạy (như lời ông kể), gần gũi đời thường, nhân dân yêu mến, chỉ có mỗi điều đa số cán bộ không thích. Làm việc nhà nước, với sự công bằng chính trực, thì xe nào chả được. Chỉ ai nhằm ẩn chứa điều gì cá nhân, tư lợi thì mới khư khư ôm không nhả xe công. Cái biển số xanh không chỉ giải quyết khâu oai, bệnh sĩ, vênh váo với thiên hạ mà còn có thể tận dụng vào nhiều thứ khác. Chả hiếm vụ xe công chở vợ con quan chức đi chơi, tới chùa lễ bái, ăn tiệc, về quê, thậm chí chỉ lâu lâu vi vu vài vòng cho thiên hạ lác mắt; chở hàng lậu; vượt đèn đỏ, vi phạm luật giao thông nhưng dễ được cảnh sát giao thông bỏ qua, thông cảm… Thế thì tội gì không hưởng, không xài, tội gì mà nhả. Chả dại như ông Thuận.

Một nước còn nghèo, phải nhặt nhạnh từng li từng tí để “nâng niu gom góp dựng cơ đồ”, từng hạt gạo, con tôm, hột điều, giọt dầu… xuất khẩu làm giàu cho đất nước, vậy mà cán bộ (chỉ có cán bộ mới được dùng xe công) lại vung tay quá trán, xài sang, không thèm hưởng ứng chủ trương tiết kiệm. Cứ như con số do Bộ Tài chính công bố năm 2015, ngân sách nhà nước mỗi năm phải chi hơn 13.000 tỉ đồng nuôi xe công, nghĩ mà xót xa. Trường học còn thiếu, giường bệnh chưa đủ, cầu cống đường sá cho miền núi vùng sâu vùng xa vẫn quá ọp ẹp nhì nhằng, chỉ riêng có đám xe công là ngày càng nhiều thêm. Giá như có sự ngược lại thì tốt biết bao nhiêu.

Chợt nghĩ vẩn vơ, biết đến bao giờ nhìn đâu cũng thấy những cán bộ gương mẫu như ông Trần Quốc Thuận.

Nguyễn Thông

3 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  2. "Những ồn ào của dư luận và báo chí, những thắc mắc của người dân rồi sẽ sớm được giải đáp sau kết luận của Trung ương"

    Đúng . Cứ như vụ cá chết ấy .

    "Thực tế cho thấy, ông Trần Quốc Thuận khi còn đương chức kêu xe ôm, taxi đi làm, công việc vẫn chạy (như lời ông kể)"

    Đúng . Cứ nhìn ra ngoài xã hội, mọi thứ đều "đúng quy trình", kể cả xả lũ & cá chết .

    "chỉ cần sai một công đoạn, một khâu nào đó cũng sẽ dẫn đến hàng loạt sai phạm khác"

    Nhưng lý tưởng Cộng Sản và chủ nghĩa xã hội là của Bác Hồ chọn lựa cho đất nước & dân tộc mà ?

    "Giá như có sự ngược lại thì ..." nước ta thành tư bẩn mất rồi . Không nên đâu bác Thông ạ, anh Mẫm không vừa lòng đâu .

    nhưng vẫn cứ “ra ở riêng”

    Chỉ có mỗi ông Trần Quốc Thuận "ra ở riêng" thôi . Ô Trịnh Xuân Thanh vô hợp tác xã đấy chớ . Bác đã viết "đến nay dường như mới chỉ có một mình ông Thuận" cơ mà .

    "Bản quyết định nêu rất rõ đối tượng được dùng, xe loại nào, giá tiền bao nhiêu, dùng vào việc gì, nghiêm cấm làm sao…"

    Cho tớ hỏi 1 câu nghiêm túc . Đảng Cộng Sản hô hào xóa bỏ giai cấp, nhưng đề ra nhiều cấp/loại tiêu chuẩn, như vậy có phải là phân chia giai cấp nghiệt ngã & tàn khốc hơn phong kiến hay tư bẩn không ?

    Tư bẩn & phong kiến thì không nói làm gì -bọn thối nát giãy chết í mà- nhưng nhà nước Cộng Sản, mồm thì hô hào xóa bỏ giai cấp, trong khi ra chỉ thị lập ra hàng hà sa số "tiêu chuẩn" -giai cấp với ngôn ngữ đặc trưng Xã Hội Chủ Nghĩa- là cái quái gì vậy!???

    Trả lờiXóa