Trang

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

Chuyện guốc dép (2)

Bữa trước, tôi kể đến đoạn sắm mãi cũng chả được đôi dép cao su đúc Tàu bởi đó là hàng chuẩn, phải những tay anh chị, máu mặt, sẵn tiền lắm thì mới dám diện. Phải công nhận thời  ấy đồ viện trợ của Trung Quốc tốt thật. Quần áo ka ki Tô Châu, mũ cối, dép đúc, cái bát cái ca tráng men để ăn cơm - đựng nước, xe đạp Phượng Hoàng hoặc Vĩnh Cửu, phích nước Trường Giang, đồng hồ con gà mái mổ thóc, đèn pin Thượng Hải… thứ nào cũng bền, dùng năm này qua năm khác mà cứ như mới. Ông Trác anh họ tôi hồi làm cán hộ hợp tác xã mua bán huyện Kiến Thụy được phân phối chiếc xe Vĩnh Cửu màu cánh chả (màu cánh chim chả), gớm, đi mãi không hỏng, cái vành sắt mạ của nó cả mười mấy năm cứ sáng bóng như vành inox bây giờ. Xe đạp mà đâm nhau đụng nhau, thường là mấy anh Sputnik Liên Xô, Thống Nhất Việt Nam, Favorit Tiệp, Mifa Đức, thậm chí cả Peugeot Pháp bị cong vành chết trước chứ bọn Phượng Hoàng, Vĩnh Cửu cứ lì đòn chả sao, may ra có anh Con trâu đen sì của Liên Xô là chọi lại được.

Đang nói chuyện dép lại quành chuyện xe. Những năm 60 - đầu 80, dép nhựa Tiền Phong là thống soái trong hàng ngũ nâng niu bàn chân Việt. Cả miền Bắc có mỗn nhà máy nhựa Tiền Phong ở Hải Phòng, nằm trong hẻm trên đường Lạch Tray, gần khu Quán Bà Mau. Ban đầu nó chỉ sản xuất dép. Dép Tiền Phong nhựa trắng đương nhiên là loại 1, không cần xếp hạng. Nó cũng có dép nhựa màu nhưng không nổi tiếng bằng dép trắng. Do nhà máy đặt ở Hải Phòng nên tỷ lệ dân Phòng diện Tiền Phong trắng cao nhất nước, thủ đô cũng thua. Vẫn biết mọi sản xuất công nghiệp ở miền Bắc thời ấy là kinh tế kế hoạch có chỉ huy, sản phẩm bị nhà nước bao tất để sau đó giao cho thương nghiệp XHCN phân phối, tỉnh nào chả như nhau, nhưng ai cấm được dân phe đất cảng móc vào tận nhà máy tuồn dép ra. Chợ giời Hải Phòng, chợ Sắt cứ gọi là trên giời dưới dép Tiền Phong. Tôi mà làm chủ tịch Hải Phòng, tôi sẽ cho đúc tượng cái dép nhựa thương hiệu này bày ngay cổng phủ, đứa nào đến làm việc chỉ có phục lăn.


Không có tiền mua dép Tiền Phong chính hiệu, đám thanh niên, học trò nông thôn chúng tôi dùng hàng tái sinh. Hồi ấy, còn có thương hiệu dép nữa là Dân Sinh. Cơ sở nhựa này bắt chước mẫu mã của Tiền Phong nhưng do không thể nhập được hàng hạt nhựa nên mua gom từ các bà đồng nát đủ loại nhựa phế thải về nấu, đổ dép, gọi là dép dân sinh, dép nhựa tái sinh. Hàng này mau hỏng, chóng mòn, dễ nứt, quai mau đứt, đi chỉ ba bảy hai mốt ngày đã có vấn đề. Nhưng tương đối rẻ, cũng diện dép nhựa như ai. Ngay cả dép tái sinh, nếu không có tiền mua, thì chịu khó xin, thấy ai đi mòn định bỏ, mình lấy về gom lại đổi cho người bán dạo, cứ 5 đôi hỏng đổi được một đôi mới.

Gần như ai cũng biết cách hàn dép, chỉ có điều đẹp hay không mà thôi. Lấy đoạn sắt mỏng, thường là nẹp thùng hàng nhập khẩu, nung trong lò than, áp miếng nhựa hàn cùng màu vào chỗ rách, dúi que hàn vào giữa cho chảy nhựa cả hai phía dính vào nhau. Hàn quai thì dễ nhưng hàn đế khó lắm, đi vài bữa lại bục. Quai hậu chịu lực nhiều nên hay đứt, hàn mãi cũng chán, thôi thì dứt phăng biến thành dép lê, loẹt quẹt ra dáng tay chơi. Hồi tôi học ở Hà Nội, nhớ khoảng năm 73-76 ngay ngã tư Sở gần chỗ bán bia hơi có ông thợ méo mồm hàn dép siêu lắm, hàn đẹp, mịn, phẳng phiu và chắc. Bọn sinh viên khu Thượng Đình và Mễ Trì gần như đứa nào cũng biết ông này, cũng như biết chỗ ga Cầu Mới có bà lộn cổ áo, vá trần quả trám đầu gối quần hoặc đít quần kỹ và rẻ, ở đầu phố hàng Bông, gần vườn hoa Cửa Nam có cửa hàng nhuộm màu tím than đẹp, còn hiệu thuốc quốc doanh gần rạp Kinh Đô lúc nào cũng có sẵn thuốc hắc lào.

Lúc nhỏ ở nhà, tôi chả mấy khi đi dép. Chân đất quen rồi. Chỉ khổ nhất khi đến mùa đông, chân đi đất hoài nên da bị cứng, cổ chân lẫn bàn chân, nhất là gót cứ nứt toác cả ra. Cổ chân nứt hết đợt này đợt khác, máu rỉ trộn với đất bụi sùi lên thành lớp vảy đen sì, gọi là bị cổ trâu. Cứ kệ nó, càng chùi rửa càng nứt. Đợi đến gần tết, mới lấy tro trộn nước nóng thành sền sệt, đắp lên. Đợi mươi phút cho nó bở, ra bờ ao cuộn nắm rơm rồi mím môi mím lợi kỳ cọ. Đau lắm. Thấy bảo anh Hiển con bác Vình (sau anh ấy đi bộ đội, hy sinh ở miền Nam) vừa kỳ vừa hô “Hãy nhớ lấy lời tôi, đả đảo đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh muôn năm”, chẳng biết có hô 3 lần như anh Trỗi không. Để có được cái chân sạch sẽ ngon lành đón 3 ngày tết, đứa nào cũng phải chịu đau đớn vậy.

Một việc quan trọng nữa là trước khi đi ngủ phải rửa chân. Cứ đến giờ, thày bu tôi cũng như thày bu chúng bạn lại nhắc con cái rửa chân để còn đi ngủ. Chân đất suốt ngày, nhắc thế cũng phải. Ra cầu ao ngoáy ngoáy mấy cái, hoặc ra giếng múc gầu nước dội, đạp qua đạp lại, xỏ guốc dép vào rồi mới lên giường. Có đứa lười, khi mùa đông càng ngại tợn, lừa lúc thày bu không để ý, lấy cái chủi (chổi) rơm đạp lên đó di di vài nhát, xoa xoa hai bàn chân là tót lên giường. Mà thực ra cũng chả sợ bẩn bởi nào có nệm niếc gì, chiếc chiếu cũng cả vài tháng mới giặt, đâu có sạch hơn chân. Chính vì thế, mỗi mùa đông, tôi chỉ thích xuống bếp ngủ trong thùng trấu, vừa ấm, vừa khỏi rửa chân, chứ ra giếng dội nước rét bỏ mẹ.

Bọn trẻ con bây giờ sướng, chúng không bị nhắc đi rửa chân, cũng như mỗi chiều tối chả phải rút rơm, băm rửa rau lợn, lau bóng đèn (dầu hỏa), cài cửa chuồng gà… Chúng chả có tuổi thơ dữ dội.

Nguyễn Thông




3 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồ lợn,chen ngang vào quảng cáo!

      Xóa
  2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa