Thú thực, tôi cũng chả định nói gì về chuyện này bởi ban đầu
thấy nó cũng bình thường, thậm chí còn thinh thích. Mấy đứa học trò, mà học trò
thì mọi người biết rồi đấy, nhất quỷ nhì ma thứ ba chúng nó, nghịch phải biết.
Với bọn trẻ học trò, chuyện gì cũng có thể lôi ra vui đùa được. Có thế mới là học
trò.
Nhưng có không ít vị, nhất là quan chức, lại không nghĩ thế.
Dưới mắt họ, trong suy nghĩ, phán xét của họ, bất kỳ ai, kể cả học trò, lúc nào
cũng phải nghiêm túc, chín chắn, đứng đắn, đường hoàng, chuẩn mực, chỉn chu,
gương mẫu… Tức là học trò phải như... ông già. Nghĩa là tuổi trẻ phải luôn lập
nghiêm kính cẩn nghiêng mình cứ như đang trong cuộc tế lễ nào đó. Cấm nhảy
nhót, vui đùa. Cấm vui tươi dí dỏm, tếu táo hài hước. Không được sờ đụng vào điều
nhạy cảm, không được làm ảnh hưởng đến công cuộc trật tự an toàn xã hội, thậm chí là an
ninh quốc gia. Rất nghiêm trọng.
Tôi đang nhắc đến chuyện 4 em học trò trẻ trung, rất hài hước
(mà xưa nay những người biết hài hước thường là người thông minh), vui nhộn đầy
chất thanh niên vừa chế ra cái clip tếu táo về thi cử. Mấy cô cậu xứ Huế ấy phải
nói là nhanh nhạy (giá những người làm báo, làm truyền hình xứ ta đều nhanh nhạy
như thế), vừa kết thúc kỳ thi THPT quốc gia xong là có ngay “sản phẩm”. Lúc đầu
tôi chưa kịp coi clip, cơm không ăn thì vẫn còn đó chứ mất đi đâu mà vội, nhưng
khi nghe thiên hạ ồn lên chuyện ông Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Thừa
Thiên-Huế, tiến sĩ Phạm Văn Hùng ra ngay công văn khẩn cấp gửi các trường học
trên địa bàn, yêu cầu hiệu trưởng và đoàn thanh niên điều tra xác định có phải
học sinh của mình “phạm tội” hay không, và căng hơn nữa là chính ông Hùng còn đề
nghị Công an tỉnh "vào cuộc điều tra xác minh" sớm tìm ra những người tham gia
clip này, làm rõ lý do mục đích thực hiện clip, hay nói một cách thời thượng
thì chế ra clip ấy với động cơ gì, thì vội coi ngay.
Đang từ chuyện bé, những người có trách nhiệm
xé ra thành to, nâng lên thành quan điểm này nọ. Một việc rất cỏn con, có thể thấy nhan nhản trong cuộc sống đời
thường hằng ngày, bỗng được hình sự hóa để thành nghiêm trọng. Đáng tiếc là cơ
quan công an địa phương cũng đã “vào cuộc” thể theo đề nghị của vị đứng đầu
ngành giáo dục tỉnh. Một người bạn tôi ngoài Huế cho biết chiều 5.7 công an đã
xác định được danh tính đương sự và mời lên trụ sở để làm việc phục vụ công tác
điều tra.
Điều cần trao đổi cho ra nhẽ là những nhà chức việc của nhà
nước gánh trách nhiệm với dân với nước nên phải nắm và bao quát mọi điều, khi xảy
ra thứ gì "bất thường" phải có hiệu lệnh xử lý giải quyết ngay. Dân chúng cần
thông cảm cho cán bộ ở khía cạnh ấy. Ông giám đốc Phạm Văn Hùng cũng vậy, nếu
những tác giả của clip tếu táo kia không phải là học trò xứ Huế thì ông chả lên
tiếng làm gì. Cả công an cũng thế, chả nhẽ một giám đốc sở đề nghị phối hợp mà
chẳng quan tâm. Trong cái cơ chế này, ông Hùng Huế không làm thì chắc chắn sẽ
có ông Hùng nơi khác. Vấn đề ở chỗ nhà chức trách phải xác định được rằng trước
một vấn đề, sự việc gì đó thì nên làm hay không nên. Nhìn và xác định đúng bản
chất của vụ việc, chứ đừng theo kiểu giật mình, vội vội vàng vàng nhìn đâu cũng
“có vấn đề”, "nguy hiểm" rồi bắt buộc mọi thứ theo ý chí chủ quan của mình. Con kiến bỗng chốc
to thành con voi, chuyện bình thường hóa nghiêm trọng. Cách xử lý của tiến sĩ
Hùng, dư luận cho rằng thế là kém, vội vàng, và đáng trách nhất khi đây chính là người
đứng đầu ngành giáo dục một tỉnh giải quyết một vấn đề liên quan đến giáo dục.
Một người bạn tôi, nhà báo Thanh Hằng
(Hà Nội) có lý khi bày tỏ rằng “Ai
chả có một thời trẻ con nghịch ngợm, nông nổi, bồng bột, thiếu nghĩ suy chỉ để
hài hước thôi, thế mà sao thầy Phạm Văn Hùng nỡ đề nghị công an vào cuộc, để
hình sự hóa một việc đùa vui vô hại của con trẻ làm gì? Đành rằng các em nói
năng thiếu văn hóa, nhưng thầy giáo nên bao dung với học trò, để mở hướng tương
lai cho các em, chứ sao lại hơi tí là nghĩ đến chuyện đưa các em vào tù, để nhấn
cuộc đời các em xuống bùn đen thế hả thầy?”.
Tôi đã coi kỹ cái clip ấy, những điều mà nhà chức việc nhận định
rằng tục tĩu, thiếu văn hóa, bôi nhọ, xuyện tạc, v.v.. thực ra đều bị nâng mức
quá đáng. Tôi không bảo vệ cho cái sai nhưng ai đó đừng cả vú lấp miệng em, lấy
quyền hành ra để trấn áp, đe nẹt. Sự hài hước có những đặc trưng của nó, đừng lấy
tính nghiêm cẩn ra làm tiêu chuẩn đánh giá, phán xét. Nhà triết học vô sản Karl
Marx từng chẳng bảo rằng hài kịch, sự hài hước là cuộc tiễn đưa vui vẻ những
cái cũ cái xấu vào dĩ vãng, đến huyệt mộ của nó đó ư, cớ sao phải giật mình.
Vả lại chớ vì nghĩ rằng đây là vấn đề
“đại sự quốc gia” (kỳ thi THPT quốc gia) nên cứ phải kính cẩn, kính nhi viễn chi, tôn
trọng hết mực. Suốt bao năm nay, thi cử quốc gia có nhiều điều khiến dân chúng
bất bình, trở thành gánh nặng, nỗi lo cho học sinh và phụ huynh. Việc ngành
giáo dục đã có những cải cách, đổi mới thi cử để giảm gánh nặng ấy, mà sự tổ chức
2 cụm thi như kỳ thi vừa xong là biểu hiện rõ nhất, đã được dư luận và nhân dân
tán đồng, ủng hộ, nhưng không có nghĩa là không còn gì để chê. Mỗi góp ý của
dân để nền giáo dục nước nhà trở nên tốt hơn đều đáng được ghi nhận. Cứ đàng
hoàng coi cái clip kia cũng như biết bao lời nhận xét khác là sự góp ý chân
thành, cứ gạn đục khơi trong, sai thì sửa, nói đúng thì tiếp thu, nói trật thì
xem như chưa đúng vậy. Có thế mới quân tử, mới xứng đáng gánh vác việc xã hội.
Chưa chi đã vội tỏ uy quyền để hình sự hóa đời thường thực ra chả hay ho gì.
Tôi đồng ý với bác, tôi tếu táo rằng phải trị nhóm này thật nghiêm vì dám học tập Trạng Quỳnh ngày xưa, lại còn theo đòi văn hóa của các nước tiến bộ phương Tây!!!
Trả lờiXóaBác không thích viết về cơn giận sắp tới của Hà Bá thì bác viết về "Khoan sức dân" nha. Tôi nghĩ rằng có một số kẻ hiểu sai, chắc do truuj điện có dòng "khoan bê tông" nên họ hiểu khoan sức dân là xuyên qua, là phá vỡ sức dân! Trước đây còn đi vay bên ngoài, nay thế giới họ ngộ ra, cho vay về chúng làm lung tung:to nhất,dài nhất, tượng đài bỏ hoang,mạnh ai nấy xén bỏ túi...Họ ngán rồi...tiến tới cấm tiệt,không cho vay nữa,với phương châm: con cháu chưa chắc trả hết nợ cũ, ai dại gì cho vay nợ mới.
Thế là quay về "sức dân": "Còn 500 tấn vàng trong dân"! "Xã hội bất ổn là do dân còn giữ nhiều tiền "??? làm sao vét sạch đây? Thuế thì quá dư rồi, hơn 100 loại thuế thời thực dân Pháp rồi,thôi bắt đầu từ mua bảo hiểm - 80 triệu dân , mỗi đầu dân mua 100.000 thì cũng được 80 ngàn tỷ-rồi tính tiếp. Có lẽ sẽ đến quốc hữu hóa vàng và các tư trng quí.
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóaVì chúng nó đòi hỏi bọn trẻ trâu phải chính chủ , nghiêm túc như chúng nó nên 13 đứa thì Olypic đã trốn ở các nước tư bản giãy chết , 1 đưa về thì ngạc ngồi trên quê hương ??? ++ ôi là ++ chinh chúng mày đã giết sự sáng tạo của lớp trẻ con của người dân chúng mày chỉ thích các thái tử đó được quy hoạch thôi !!!!
Trả lờiXóaThật ra ông giám đốc Hùng hành động như vậy là giữ cái ghế của mình thôi
Trả lờiXóaBạn phải thông cảm cho lãnh đạo của xã hội ta chứ không phải chỉ mình ông Hùng, còn ông hiệu trưởng trường Trần Nhân Tông Hà Nội nữa...Họ chỉ lo cái ghế của họ thôi! Họ là loại "đội trên đạp dưới"!
XóaHình như ông Hùng là tiến sỹ xây dựng đảng? ông ta đang chính trị hóa nền giáo dục? đi học nghề thì chính trị học 3 thì nghề chỉ hoc có 2, hồi học sỹ quan, bọn tôi học chinh trị và nghiệp vụ là 1:1
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóa"Quan trí" như thế thì CNXH 1000 năm cũng chưa có !
Trả lờiXóaHọ đâu có trí mà nói "quan trí"!
Xóa