Trang

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

Vĩnh biệt nhà báo Hàm Châu: Trăm năm không dễ một người!

NGUYỄN SĨ ĐẠI (nhà báo)

15 giờ 16 ngày 1.8, tôi đang trên đường đến NXB Giáo dục thì nhận được điện thoại của Ngô Phương Thảo (báo Nhân Dân) báo tin nhà báo Hàm Châu mất đột ngột, chưa rõ nguyên nhân tại nhà riêng.

Tôi thật sự bàng hoàng vì mấy hôm trước đó, anh Hàm Châu còn gửi email cho tôi nói chuyện về Hội nghị khoa học cơ bản và xã hội ở Quy Nhơn. Đây là một sự kiện khoa học lớn do UNESCO, Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), Viện Quốc tế Solvay về vật lý ở Vương quốc Bỉ, Bộ Khoa học - Công nghệ Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức, thu hút nhiều nhà bác học Giải thưởng Nobel về vật lý, hóa học, kinh tế và hòa bình. Những hội nghị như vậy, nhất là về vật lý, nhà báo Hàm Châu thường được mời tham dự vì ông thân thiết với vợ chồng GS Việt kiều Trần Thanh Vân; GS Pháp Odon Vallet, quen biết với các nhà khoa học, nhà báo nổi tiếng thế giới như J.Steinberger, S.Glashow, J.Cronin, J.Friedman (Mỹ), G.Charpak (Pháp), C.Rubbia (Italy) và vì tên tuổi và những bài báo khoa học của Hàm Châu đã được giới khoa học và báo chí quốc tế biết đến.

Vừa rồi, anh đã cho xuất bản cuốn sách Ánh sáng nhân văn trong thế giới các nhà vật lý (NXB Thế giới, 2016). Đó là kết quả của 11 lần dự “Gặp gỡ Việt Nam” và các tiếp xúc khoa học quốc tế. Còn anh, Hàm Châu, viết về cuốn sách của mình như sau: Sách khổ 34 x 16cm, giấy trắng, dày 832 trang, ngoài phần ngôn từ, còn in 82 bức ảnh với chú thích tiếng Việt và tiếng Anh. "Đôi lời cùng bạn đọc" tác giả Hàm Châu viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Mặc dù công phu như vậy, nhưng giá bán chỉ có 250.000 đồng, thấp hơn giá một bữa ăn tự chọn (buffet) ở nhà hàng Sen tại Hà Nội”. 

Chưa kịp mừng anh thì đã khóc. Khóc vì sự ra đi đột ngột của anh. Khóc cả vì cái câu anh viết như một tâm sự cuối cùng!

***
Nhà báo Hàm Châu, họ Nguyễn, sinh năm 1934 trong một gia đình Nho học có truyền thống yêu nước tại làng Xuân Liễu, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông nội là Phó bảng Nguyễn Văn Chấn khoa thi 1895; ông ngoại là Đình nguyên Vương Đình Thụy khoa thi 1910. Thân sinh là Tú tài Nguyễn Xuân Thụ. Hồi nhỏ ông từng  được sống và theo học ở Huế, có ít nhiều vốn sống ở chốn cung đình.  

Ông tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, chuyên ngành kinh tế thương nghiệp, nhưng  một cơ trời, nhà báo Đinh Nho Khôi, Tổng biên tập báo Thủ Đô (tiền thân của báo Hà Nội mới) do biết dòng dõi thư hương của Hàm Châu, đã mời ông về làm phóng viên tờ báo này. Hàm Châu trở thành nhà báo Hà Nội từ năm 1959. 

Năm 1979, ông về công tác tại Tạp chí Tổ quốc, cơ quan của Đảng Xã hội Việt Nam (Đảng Xã hội và Đảng Dân chủ sau này "tự" giải tán), giữ cương vị Tổng biên tập. Năm 1989, báo Nhân Dân ra Nhân Dân chủ nhật, tờ chủ nhật đầu tiên của cả nước thì Hàm Châu và một số cây bút tên tuổi khác được mời về.  
Tôi quen nhà báo Hàm Châu từ khi ông là Tổng biên tập Tổ quốc, tờ tạp chí có nhiều bài viết của trí thức mang tinh thần đổi mới, có hàm lượng khoa học cao như của Phan Đình Diệu, Vũ Đình Cự, Nguyễn Văn Hiệu, Đào Vọng Đức... Rồi tôi cùng ông làm việc tại Nhân Dân chủ nhật từ những ngày đầu. Với cương vị là Phó trưởng ban, ngoài những bài viết về khoa học, bút ký…, ông có rất nhiều đóng góp cho tờ tuần báo rất mới, rất có uy tín này trong một thời gian dài. Hồi ấy, tôi mê nhất ở ông là cách biên tập. 

Khi biên tập, ông có ba cây bút: Bút chì, bút đỏ và bút mực thường. Bút chì dùng để biên tập những bài của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà văn lớn, giống như ý kiến đề xuất, để cấp có thẩm quyền cao hơn và tác giả quyết định. Bút đỏ dùng để sửa lỗi sai, để biên tập cho các phóng viên, cộng tác viên bình thường. Bút xanh để ký (có một thời, ở báo Nhân Dân, chỉ Tổng biên tập mới được ký bút mực đỏ). Lúc nào tôi cũng coi ông như người thầy. Còn ông luôn quý trọng tôi ở tính thẳng thắn, ở những ý tưởng táo bạo và ở sự hiểu biết văn chương, lĩnh vực mà ông rất đam mê nhưng ít có thời gian dành cho nó.  

Khi tôi làm Tổng biên tập báo điện tử Doanh nhân Việt Nam toàn cầu (DVT), người đầu tiên tôi mời làm cố vấn, thực chất là Tổng thư ký, là người cùng phụ trách nội dung, chính là Hàm Châu. Không chỉ vì tình nghĩa. Mà chủ yếu vì tài năng của ông. Ở đây, những phóng viên trẻ, được tuyển dụng theo kiểu mới, không chỉ học báo chí mà nhiều hơn là dân ngoại thương, ngoại ngữ, tin học… đều thụ giáo ở ông, coi ông là người thầy thực thụ trên mọi phương diện. Vì ông gồm đủ kinh tế (Đại học Kinh tế Quốc dân), ngoại ngữ (bốn ngoại ngữ), khoa học, văn chương, lịch sử và báo chí.  

Trừ một số người đặc biệt thuộc lớp trước; khi về hưu, với kiến thức của một công dân toàn cầu, với say mê nghề nghiệp hiếm có, ông trở thành một nhà báo tự do mang tầm quốc tế. Ông không cần mang danh tờ báo nào, chỉ mang tên mình và những tác phẩm báo chí đã vượt khỏi biên giới. Thế giới luôn chào đón những người như vậy. 

Người ta nói cái quan định luận. Nghĩa là khi đóng nắp quan tài, mới có thể đánh giá con người. Ngay khi còn sống, tôi đã nhìn thấy Hàm Châu như một tấm gương tuyệt vời của sự hiếu học; một nhà báo lớn của nền báo chí Việt Nam hiện đại, một trí thức uyên bác, mẫu mực; một nghệ sĩ lặng lẽ mà đa tài; một người đồng chí, người anh em thủy chung, bặt thiệp; góp ý thẳng thắn nhưng chưa bao giờ làm mất lòng ai, hại ai. PGS Vũ Quang Hào đánh giá: Nhà báo Hàm Châu là một nhà báo chuyên sâu viết về khoa học bậc nhất và đến nay chưa ai thay thế được. Cùng với Nhân Dân, những tờ báo uy tín như Tuổi trẻ, Dân trí… thường xuyên đặt bài ông.

Về tác phẩm của ông, tôi chưa thể thống kê hết. Nhưng như ông kể và như tôi biết (cuốn sách nào ra, tôi cũng là một trong những người được tặng đầu tiên), thì đến nay, ông là tác giả của gần 3.000 bài báo, hơn 10 đầu sách in riêng, hàng chục  đầu sách in chung. Từ Hiếu học và tài năng, Người trí thức quê hương, Trái tim trong tuyết trắng, Đất Việt cuối trời xa, Ngô Bảo Châu - một “Nobel toán học”, Những chân trời của tài năng… đến Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại, Ánh sáng nhân văn trong thế giới các nhà vật lý; tôi hiểu tâm nguyện sâu xa của ông là từ những chân dung trí thức; ông muốn gửi tới lớp trẻ, tới những người lãnh đạo đất nước một thông điệp: Phải chú ý tới hai nền tảng của mỗi người cũng như của cả xã hội: Tri thức và nhân văn! Ông đã phấn đấu suốt đời không mệt mỏi để phát đi thông điệp ấy! 

So với tác phẩm, thì những giải thưởng, những danh hiệu của Hàm Châu còn mỏng nhưng cũng đủ vinh quang: Giải chính thức về thể ký của Hội Văn nghệ Hà Nội năm 1971; Giải nhất báo chí toàn quốc năm 1982; Giải nhì Cuộc thi ký văn học Chân dung người đương thời, do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức năm 2009; Giải nhì Cuộc thi viết về Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh, do Ban Tuyên giáo Trung ương cùng NXB Dân Trí tổ chức năm 2013; Hội viên Hội Nhà báo; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Và không thể không kể đến hai người con xuất sắc là Tiến sĩ toán học Nguyễn Thị Thiều Hoa (đang làm việc tại Mỹ) và chuyên gia tin học Nguyễn Tử Uyên.
***
Anh Hàm Châu!
Tôi với anh sống với nhau lâu đến thế, tri âm đến thế; sao anh ra đi không một lời báo trước? Người em nhỏ đồng hương, người đồng nghiệp trong làng báo, làng văn xin cúi đầu vĩnh biệt anh. Tuổi già hạt lệ như sương, khóc anh không nước mắt mà thương tiếc, mà đau xót khôn cùng. Cả ân hận vì lâu nay anh em mình ít gặp nhau, cùng nhau ăn bát bún ngan với đám học trò như Song Hà, như Thảo, như Phong… Và như Nguyệt, như Thủy, như Minh, như Mai…, mà kể chuyện đời? Đám ấy đang khóc anh. Và hàng nghìn, hàng triệu bạn đọc đang tiếc thương anh.

Xin vĩnh biệt anh, người thầy, người anh, người bạn lớn! 

Xin chia buồn với Thiều Hoa, Tử Uyên và gia đình cùng quê hương Nam Đàn. Thương tiếc và tự hào vì người cha, người con Hàm Châu! Trăm năm không dễ một người.

Nguyễn Sĩ Đại

5 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Nhờ đọc bài này mới biết báo Nhân Dân ngày xưa có cả phụ san Nhân Dân Chủ Nhật . Heck, còn biết cả Nhân Dân là 1 tờ báo . Cứ tưởng ... Nhờ có phụ san, chắc ngày xưa nhân dân ta không bao giờ sợ thiếu mỗi lần đi thăm Lăng Bác nhỉ .

    Đúng, "một tấm gương tuyệt vời của sự hiếu học; một nhà báo lớn của nền báo chí Việt Nam hiện đại, một trí thức uyên bác, mẫu mực; một nghệ sĩ lặng lẽ mà đa tài; một người đồng chí, người anh em thủy chung, bặt thiệp"

    Cứ thêm 4 chữ Xã Hội Chủ Nghĩa vô tội vạ vô phần trên mới xứng đáng với tổng biên tập phụ san của báo Nhân Dân .

    Trả lờiXóa
  3. "Giải nhì Cuộc thi viết về Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh, do Ban Tuyên giáo Trung ương cùng NXB Dân Trí tổ chức năm 2013"

    Đọc cái tên là đã thấy cao quý rồi!

    Ban Tuyên giáo trung ương & NXB Dân trí họp nhau lại cho ra 1 giải thưởng có tên "Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh", và nhà báo vĩ đại Hàm Châu nhà ta đoạt giải nhì . Tuyệt vời hơn nữa, anh chàng Nguyễn Sĩ Đại cho mấy thứ chời ơi đất hỡi này là cao quý!

    Ai nói ban Tuyên giáo & bộ giáo đục không làm được gì cả thì đọc bài của nhà báo Xã Hội Chủ Nghĩa Nguyễn Sĩ Đại viết về cái chết của (lại) một nhà báo Xã Hội Chủ Nghĩa khác là biết liền . It's working a bit too well. Thành công quá sức tưởng tượng luôn .

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  5. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa