Nói gì thì nói, gió đã đổi chiều, bây giờ là thời của báo mạng, báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, truyền thông internet. Báo giấy cứ mỗi ngày thu hẹp lại như miếng da lừa (trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Honoré de Balzac), máy in chẳng còn phải chạy vất vả cần mẫn suốt đêm, nóng đến mức bốc khói như ngày nào. Các nhà máy giấy Tân Mai, Bãi Bằng mất nguồn khách hàng đáng kể. Có người còn bảo, phá rừng thế chứ có phá nữa, phá trụi trọc lốc, báo chí cũng chả sợ. Nhớ ngày nào ông phó tổng biên tập phụ trách trị sự cơ quan tôi phải gãy lưỡi năn nỉ bọn Tân Mai nó mới nhỏ giọt cho từng tấn giấy in báo, thiếu điều cơm mo nước bình đến cổng nó chực chờ mỗi ngày. Thế gian thịnh suy khôn lường, biết chấp nhận và tìm lối đi mới, đó là khôn ngoan nhất.
Cuộc đổi chiều ấy khiến báo in ngày càng mỏng nhẹ. Trang nội dung thì vẫn thế nhưng số trang quảng cáo cạn từng ngày. Hai tờ đàn anh về thu quảng cáo là Tuổi Trẻ và Thanh Niên sụt rõ nhất. Trôi qua vĩnh viễn thời 40-48 trang, thậm chí 60 trang quảng cáo. Mấy tháng nay, hai tờ này lặng lẽ tự động gia nhập đội ngũ của đàn em xưa kia. Bình thường trong tuần, cứ số báo ra ngày thứ hai và thứ năm được khách hàng quảng cáo chuộng nhất. Mỗi phần phụ trang quảng cáo phải dày gấp đôi phần nội dung. Giờ cầm tờ Tuổi Trẻ trên tay, nhẹ hều, phần quảng cáo chỉ lèo tèo vài ba trang, dù nó vẫn là phần tặng không, cho không bạn đọc.
Báo in bị mất quảng cáo, mất nguồn thu, lượng in ngày càng ít bởi nhiều lý do. Trước hết, nó không còn cơ hội thao túng, độc quyền thông tin như trước. Đã có rất nhiều kênh chia sẻ thị phần của nó, như truyền hình, báo điện tử, mạng xã hội. Giấy đã hết thời, thay vào đó là internet. Tiếp nữa, phải thừa nhận báo chí ngày càng dở, xì xằng, như cái nồi lẩu thập cẩm, thượng vàng hạ cám, mất cả vị thế văn hóa đẳng cấp ngày nào, khiến bạn đọc chán nản. Người mua báo ít đi trông thấy. Ngay chính tôi, mê báo in là thế, cũng rút lui dần, rồi tịt hẳn. Có dạo cứ vài tháng là bà ve chai lại réo ngoài cổng “có báo cũ bán không”, vài lần sau thấy tôi xua xua tay, bà biết là chẳng xơ múi gì. Bà ve chai mất mối. Lão hàng xóm nhà tôi bảo cần chi nhìn đâu xa, cứ trông vào cái xe đẩy của mụ ve chai giờ chỉ tinh vỏ lon bia là cũng có thể biết sự nghiệp báo chí nước nhà đi xuống như thế nào.
Rồi một nguyên nhân quan trọng nữa, ở chính các doanh nghiệp. Họ làm ăn ngày càng khó khăn, đồng tiền kiếm được không dễ, chi ra một ngàn một triệu cũng phải so đo tính toán thiệt hơn. Ném tiền vào quảng cáo trên báo in không phải là giải pháp tối ưu nữa. Có những chỗ khác rẻ hơn, hiệu quả hơn buộc người ta phải nghĩ lại.
Tôi có chú em quen biết từng ngồi ghế quản lý phòng marketing - quảng cáo của một tổng công ty danh tiếng về rượu bia nước giải khát. Thời vài năm trước, nó quan hệ với hầu hết những tờ báo lớn, quan trọng, có nhiều độc giả. Tiền quảng cáo của công ty nó chi vào báo, nếu ai vô tình đọc được con số chắc sẽ ngất. Nhưng nó bảo, vẫn có lời, lời to là đằng khác. Đầu năm nay, nó ghé chơi, tôi hỏi nó sự nghiệp quảng cáo của chú mày thế nào rồi. Nó cười, em nghỉ chơi với bọn báo in rồi. Ngu gì đem tiền cho bọn báo in, ma nó đọc. Quảng cáo trên intenet, báo điện tử, mạng xã hội bây giờ vừa cực rẻ, vừa nhanh, thông tin thoải mái, ngoài phần chữ còn tá lả hình ảnh, clip, màu mè cứ gọi lóa mắt, người tiêu dùng "chết” như ngả rạ. Nó bảo, tiền chi ít hẳn nhưng hiệu quả tăng vọt, thế thì tội gì bám mãi bọn báo in. Tôi nói, mày không bám nhưng vẫn có người bám. Nó cười, làm kinh tế mà cú đỉn thế thì nghỉ đi, ngu cho chết.
Cứ cái đà này, mấy ông ở Bộ Thông tin - Truyền thông, ở Ban Tuyên giáo, thậm chí Chính phủ cũng được may mắn ăn theo. Hồi đầu năm 2014, mấy ổng vẽ ra cái gọi là quy hoạch báo chí, dọa đến tháng 5.2014 bắt đầu dẹp, thu hẹp lại số lượng gần 800 tờ báo và tạp chí. Nhiều anh sợ vãi đái, chết đến nơi rồi, cử người đi chạy chọt, đi lobby, vận động cửa sau sân sau. Chính ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ấy cũng hùng hổ dẹp dẹp, bắt các cơ quan quản lý chậm nhất phải cuối tháng 10.2014 báo cáo kết quả. Rút cục chiến dịch đe dọa ấy đến giờ chưa quy hoạch được tờ nào theo đề án, ngoài mấy tờ vi phạm kỷ luật do chính các ông ấy đặt ra. Có vẻ như đụng chạm vào mấy thứ này không dễ nuốt, cũng không ra tiền, cho nên cứ dùng dằng. Nay thì “tự nhiên nhi nhiên”, chả cần ra tay nó cũng dần tự chết, đỡ phải mang tiếng đánh dẹp.
Nguyễn Thông
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóa