Trang

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

Chuyện nước mắm (phần 4 - cuối)

Bây giờ, cứ vừa bước chân vào quầy thực phẩm ở các siêu thị thì đập vào mắt là “trên giời dưới mắm”. Đủ loại thương hiệu, đủ hạng cao cấp bình dân, muốn loại nào cũng có. Nhiều loại mắm, cứ theo nhà sản xuất quảng cáo, có cảm giác chỉ cần rưới vào cơm là vét sạch nồi, thay cho thịt cá rau quả. Mắm thế mới là mắm. Nhưng tôi chả bao giờ tin, bởi tôi đã dành đam mê mắm của mình cho mắm cáy mắm tôm mà bu tôi làm từ khi xưa rồi.

Thế mà có những lúc “đói mắm”, thèm mắm chết đi được. Nói đâu xa, thời sinh viên là đói mắm nhất. Không còn mắm cáy như hồi ở nhà, đám sinh viên gốc nông dân rặt như tôi chỉ trông chờ vào nồi nước mắm của nhà ăn tập thể.

Ai đã học các khoa Văn, Sử của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội những năm 1973 – 1976 ở ký túc xá Mễ Trì (huyện Từ Liêm) chắc còn nhớ cái nhà ăn phía sau nhà C2. Nó bị bom Mỹ xơi gọn đúng một nửa, nửa phần còn lại y nguyên. Cũng giống như cái nhà D6 cao 5 tầng bên khu Trường đại học Ngoại ngữ, lối sang bên ĐH Tổng hợp, bom laser chặt hẳn một nửa, cứ như ai lấy con dao rựa khổng lồ sắc lẻm chặt một phát đứt đôi. Đó là kết quả của những đợt máy bay Mỹ tháng 12.1972 đánh vào khu phát sóng của Đài tiếng nói Việt Nam đặt tại Mễ Trì, nếu từ nhà thờ Phùng Khoang vào sâu còn khoảng nửa cây số. Suốt nhiều năm liền thời hậu chiến, do khó khăn, người ta vẫn giữ lại, sử dụng cái nhà ăn cũng như tòa nhà D6 một nửa ấy để làm việc, coi như chả có gì vừa xảy ra. Từng ấy năm đại học, ngày nào đám sinh viên chúng tôi cũng phải ngắm những chứng tích chiến tranh, sản phẩm của khoa học quân sự này. Nhiều năm sau, khi cả đám đã tốt nghiệp, tỏa đi khắp nơi, thỉnh thoảng tôi hỏi thăm mấy đứa được giữ lại khoa, hỏi cái nhà ăn có còn không, chúng bảo còn. Đến khi “hàn gắn vết thương chiến tranh”, nhất là vào thời kỳ đô thị hóa, tấc đất tấc vàng, người ta đã đập bỏ đi. Tôi rất tiếc, giá cái nửa nhà D6 đó mà giữ lại làm kỷ niệm thời chiến thì tuyệt biết bao nhiêu. Tôi và người bạn gái học bên trường Ngoại ngữ cũng đã nhiều lần trú mưa ở hàng hiên của nó, mải trò chuyện tán nhau đến khi trời tạnh nhìn lên giời thì trăng đã lặn từ bao giờ.

Vòng về chuyện mắm. Đến giờ ăn, đám sinh viên Văn Sử từ nhà C2 men theo hố bom ùa vào nhà ăn B52. Cứ mỗi bàn 6 người, suất ăn gồm 1 nồi nhôm cơm, 1 nồi nhôm canh, 1 đĩa mặn hôm thì trứng hôm thì cá hôm thì thịt. Mấy năm ròng rã cứ 3 món ấy, kể cả cơm. Món thứ 4 là mắm phải tự lấy bởi nhà ăn không có đồ đựng, vả lại chả ai hơi đâu mà chiều cái bọn sinh viên ốm đói như ma này. Vậy là có những nhóm khôn ngoan, phân công đứa ở nhà hoặc đứa nào đó trốn mươi phút học cuối, đến chực sẵn tại cửa nhà ăn. Chú Nghề bếp trưởng đã cho đặt sẵn ngay hành lang cái nồi nhôm đại Liên Xô đựng nước mắm pha. Gọi là mắm thôi chứ trông nó ngà ngà cánh gián, mặn chát, ớt nổi lềnh phềnh. Thằng đến trước thủ ngay nửa bát, vớt thật nhiều ớt, sẵn cho bàn mình. Chỉ vài phút đã cạn nồi mắm, bọn đến sau chưng hửng nhìn cái nồi cạn tận đáy. Cuộc đua giành mắm ớt diễn ra suốt mấy năm trời, sau này cứ mỗi lần nhìn thấy bát nước mắm pha tỏi ớt của bà xã là tôi lại gai người nhớ hồi đi vòng qua hố bom (có hôm suýt té xuống nước, may mà tóm được cái cành nhãn) xông vào nhà ăn chứng tích B52 để giành nước mắm.

Sau nữa, khi vào miền Nam dạy học, tôi ở chung ký túc xá với nhiều đồng nghiệp vốn là giáo viên từ trước 1975 dạy ở Sài Gòn. Một trong những người mà tôi rất mến là thầy Cung Bỉnh Duyệt dạy lý. Tôi ở lầu 4, thầy Duyệt lầu 5, phòng thầy ngay trên phòng tôi. Thầy Duyệt vốn là thầy dòng, từng dạy trường dòng Lassan Taberd gần nhà thờ Đức bà, quận 1 (sau này chính quyền mới tịch thu, chuyển thành trường sư phạm, rồi trường cấp 3, giờ là trường Trần Đại Nghĩa). Thầy thuộc dòng dõi Tuần phủ Thái Nguyên Cung Đình Vận. Năm 1945, những người cộng sản làm cách mạng đã chiếm phủ Thái Nguyên, bắt Tuần phủ Cung Đình Vận lôi ra xử tử. Thầy Duyệt kể cho tôi nghe rằng khi ông chú ruột này bị trói vào cọc bắn, ông còn hô “Việt Nam Quốc dân đảng vạn tuế”, thì ra cách mạng giết ông Vận không phải chỉ bởi ông “làm tay sai cho Pháp” mà vì còn là yếu nhân của Quốc dân đảng. Cộng sản rất ghét Quốc dân đảng nên họ nhân cơ hội này trừng trị ngay. Trong những vị quan lại cao cấp của nhà Nguyễn thời 1945 như Vi Văn Định, Nguyễn Hữu Bài, Phạm Quỳnh, Phạm Khắc Hòe, Phan Kế Toại..., cụ Vận và cụ Phạm Quỳnh số phận thật không may. Sau tháng 5.1954, cả nhà thầy Duyệt phải di cư vào Nam, ở lại cũng không thể nào sống với họ được với cái lý lịch có người thân “nợ máu với cách mạng”.

Thầy Duyệt mỗi lần có món gì ngon lại gõ cộc cộc xuống sàn ra hiệu báo tôi lên. Hôm ấy nghe tiếng gõ, tôi vừa lò dò lên đã ngửi sực mùi là lạ. Trên chiếc bàn gỗ sứt sẹo bày một đĩa đầy, món tôi chưa thấy bao giờ. Có cả thầy Tài dạy toán (sau này thành anh em cọc chèo với tôi) đang chờ. Thầy Duyệt giục ăn đi, lấy bánh tráng cuộn nó với bún, rau sống, chuối chát... Đưa miếng nào, biết ngay miếng ấy. Tôi làm một chập mấy cuộn rồi mới bình tĩnh lại, hỏi món gì. Thầy Duyệt cười, miền Nam gọi nó là mắm Thái Dúi. Tôi nức nở khen mắm Thái Dúi ngon, ít nhất cũng vì nó ngon thật, cũng một phần để về sau nếu có nữa thì thầy Duyệt lại nhớ đến mình. Khi đã lập gia đình rồi, tôi khoe bà xã (dân Nam Bộ) thầy Duyệt có món mắm Thái Dúi ngon lắm, bà xã tôi cười rung cả nhà, bảo ông khờ ạ, ông Duyệt đùa đấy, nó là mắm Thái thôi, chứ thái dúi nói lái là dái thúi, ông tướng ạ. Hóa ra mình quá ngu. Năm 1984, sau nhiều năm ráng chịu đựng nhưng không trụ nổi, thầy Duyệt đã xuất cảnh qua Thụy Sĩ, nơi gia đình thầy đã ở đó từ mấy năm trước. Từ bấy đến nay tôi chưa có dịp gặp lại con người uyên bác, dí dỏm, vị thày tu xuất, người cháu của cụ Cung Đình Vận.

Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. Người tài lần lượt bỏ nước ra đi để bọn quỷ dữ đội lốt người lộng hành lãnh đạo đất nước !!!!!!

    Trả lờiXóa
  2. Quan chức (Đương chức và đã về hưu) đang ồ ạt "tỵ nạn chính trị" ra các thành phố để hưởng thụ, che dấu tài sản kếch sù và sự sỉ vả của dân địa phương đấy các bạn ạ.

    Trả lờiXóa