Trang

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

Một nhà lãnh đạo tiên phong

Ông Chín Cần, một ngọn cờ đổi mới, đã ra đi.

Ông thuộc thế hệ những nhà lãnh đạo địa phương có đóng góp to lớn vào cục diện thay đổi của đất nước sau 1975.

"Bù giá vào lương", cuộc cải cách cơ chế "phân phối lưu thông" ở tỉnh Long An do ông lãnh đạo, thực chất là áp dụng thị trường trong xử lý mối quan hệ tiền tệ, hàng hoá và giá cả, một tử huyệt của lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội không chỉ ở Việt Nam.

Cuộc cải cách ấy ở Long An, cùng với những cải cách ở TP.HCM do ông Võ Văn Kiệt lãnh đạo, đã có đóng góp quyết định hình thành đường lối đổi mới do ông Trường Chinh khởi thảo vả trình bày ở đại hội VI của đảng vào 1986.

Trên chính trường ông nổi lên như một nhà lãnh đạo địa phương nổi bật. Có lẽ cũng vì vậy ông được điều ra trung ương, trải qua nhiều vị trí, được những nhà lãnh đạo cấp cao chuẩn bị để đảm đương vị trí Trưởng ban Tổ chức TƯ.

Nhưng sự nghiệp chính trị của ông không đạt đến đỉnh cao như người đồng liêu Võ Văn Kiệt. Phút cuối ông không được ông Nguyễn Văn Linh "cơ cấu" như ông Linh đã trao đổi trước với ông. Nội tình của đêm trước đại hội này dường như ông chỉ chia sẻ với một người bạn thâm giao là nhà báo Thái Duy.

Tôi có duyên được hầu chuyện với ông nhiều lần, nhiều phần là do ông quí mến các nhà báo, nhất là một nhà báo trẻ từ miền Nam ra thường trú ở Hà Nội.

Thuở ấy ông ở một biệt thự công vụ trên phố Nguyễn Cảnh Chân. Những khi có quà quê Nam Bộ, nhất là khô cá sặc, ông thường gọi đến ăn cơm. Cả buổi cơm, rồi suốt tuần trà sau đó, ông chỉ nói hết chuyện Tam Quốc đến chuyện đời xưa bằng một giọng kể ngắt quãng. Cho đến khi những người giúp việc, từ cận vệ cho đến cần vụ xin phép ra về thì ông mới bắt đầu giọng điệu sôi nổi, hai chú cháu nói chuyện "quốc sự".

Thường thì ông hỏi về thái độ của dân chúng trong Nam về ông Trường Chinh, ông Linh, ông Kiệt. Ông cũng thường xuyên hỏi thăm về các trí thức nổi tiếng ở Sài Gòn, về các nhà báo mà ông tỏ ra ưu ái như Kim Hạnh, Thế Thanh...

Sau này, trong quá trình tìm kiếm tư liệu về đổi mới, có dịp nhớ lại những gì ông trò chuyện tôi mới chợt nhận ra, tôi đã được ông kể cho nghe về quá trình vận động bên trong của công cuộc đổi mới, về những khúc mắc mà không khí đổi mới tưởng rất sôi nổi nhưng liền sau 1986 đã đột nhiên khựng lại đến 3 năm.

Ông là người khẳng định vai trò của ông Trường Chinh trong việc quyết định đường lối Đổi Mới. Từ việc ông Trường Chinh xuống Long An tim hiểu tinh hình, khi về lại TPHCM, tới ranh giới Bình Chánh, đích thân ông xuống xe bắt tay ông Chín Cần thật chặt rồi nhỏ nhẹ nói cám ơn Long An đã cung cấp cho ông một thực tiễn sinh động, tươi tốt.

Trong câu chuyện của ông, tôi đã biết về một nhân vật được ông coi là bà đỡ của đổi mới , ông Hoàng Hữu Nhân, Trưởng ban Công nghiệp TƯ, người dám phản biện những chủ trương, đường lối lớn, từ dời thủ đô khỏi Hà Nội được chính Bác Hồ đồng ý, rồi tập thể hoá nông nghiệp, cho đến cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam. Ông khẳng khái tranh luận phản bác cả ý kiến của ông Lê Duẩn, sẵn sàng phát biểu ủng hộ những sáng kiến đổi mới ở cơ sở.

Cũng có những lần ông hỏi dân trong Nam đánh giá gì về ông Đỗ Mười. Có lần ông nói thẳng, ông không biết ông Đỗ Mười đổi mới từ khi nào, chứ ít nhất ngay sau hội nghị TƯ lần thứ hai của nhiệm kỳ đại hội VI, chính ông Đỗ Mười đã tung ra một tài liệu xem xét lại các quyết sách trao quyền tự chủ nhiều hơn cho xí nghiệp, phê phán các quan điểm bung ra, xé rào...Sau đó, đổi mới đã không còn không khí hồ hởi của đại hội VI mà ở trong tình trạng giằng co, trì trệ đến tận cuối 1988 khi tình hình đã trở nên nghẹt thở.

Ông cũng cho rằng lựa chọn thích hợp nhất cho vai trò tổng bí thư sau đại hội VI là ông Võ Văn Kiệt. Với ông Chín Cần, người đã nhiều năm làm công tác tổ chức, từng giữ vị trí phó trưởng ban thứ nhất ban Tổ chức TƯ, ông Kiệt thích hợp làm tổng bí thư hơn làm thủ tướng.

Có lẽ sự rõ ràng trong quan điểm đổi mới và với con người đổi mới đã khiến quan lộ của ông đi ngang. Nhưng ở vị trí nào ông cũng có đóng góp bằng tâm thế đổi mới. Làm bộ trưởng bộ Lương thực ông là người giúp tượng hình cơ chế thương mại cho lương thực, nhất là lúa gạo. Làm Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra Chính phủ ông trực diện phanh phui những sai trái của một bộ trưởng kỳ cựu. Làm chủ tịch Hội Nông Dân, ông đã làm sống động lại đoàn thể này sau nhiều năm cơ chế bao cấp gần như biến tổ chức này thành một bình hoa trang trí. Chừng ấy, cộng với nếp sống thanh bạch, liêm khiết và gần gũi dân chúng đã khiến nhiều người dè chừng ông.

Ông về hưu ở TPHCM, được nhà nước hoá giá một biệt thự trên đường Điện Biên Phủ. Về già ông bán căn nhà đó chia cho hai người con trai.

Một trong hai người con trai đó đã từ chối nhận phần được chia với lý do cực sốc, không muốn dính vào cuộc phân chia chiến lợi phẩm! 

Người con trai ấy từ rất sớm đã rời bỏ môi trường nhà nước để làm một nhà nghiên cứu tự do. Anh chọn ở nhà thuê trong một hẽm nghèo Gò Vấp, dịch sách mướn kiếm sống và thực hiện theo ý mình những công trình nghiên cứu văn hoá - xã hội. Anh là nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, một chuyên gia Hán Nôm ở vào hàng top của giới nghiên cứu. 

Cao Tự Thanh ít khi nói về người cha của mình với những người thân quen bằng đại từ ba tôi hay cha tôi. Nói về ông Chín anh gọi là đương sự. Anh không tỏ ra rung động khi người ta bàn tán đến công tích của cha mình. Với anh, ông Chín Cần là cha anh, ông Cao Văn Chính. Anh như không có liên hệ nào với ông Chín Cần, phó thủ tướng Nguyễn Văn Chính.

Ông Chín Cần và Cao Tự Thanh khắc khẩu. Ông dường như cũng để mặc Cao Tự Thanh cứ tự xưng mình Thanh Tự Cao và không cần đến sự giúp đỡ của ông. Nhưng khi có người quen biết con trai mình, ông không giữ được nét tự hào. Thường thì ông rung đùi, tỏ ra khoái chí khi nghe trầm trồ về những lựa chọn ngang ngạnh của con trai.

Theo Facebook của bạn Trần Kim Anh (K.17)

7 nhận xét:

  1. Sao có nhiều ông lãnh đạo giữ những chức vụ rất to được khen là có tư tưởng đổi mới mà đất nước vẫn cứ càng ngày càng đi xuống là cớ làm sao?

    Trả lờiXóa
  2. Nhiều biệt thự tọa lạc ở đường ĐBP(mặt sau là đường Tú Xương) hầu hết là tài sản quốc gia, nơi ở của các tướng lĩnh cấp cao quân đội Sài Gòn đã vội vã cao chạy xa bay trong sự kiện cuối tháng 4/1975. Bất cứ cá nhân và người nhà của cá nhân cán bộ, cũng cấp cao VC, được sự tạo điều kiện dễ dàng, "lấy của làng đền ơn ông xã" từ Thành Ủy và UBND thành phố HCM bấy giờ, hợp thức giấy tờ rồi... bán đi, thu lợi những 4-5 ngàn cây vàng, thẳng thắn, trung thực mà nói, là việc làm trái đạo.

    Trả lờiXóa
  3. Viết văn , làm báo là nghệ thuật sử dụng chi tiết . Bài của Kim Anh có 2 chi tiết chẳng biết thuộc loại nghệ thuật gì . Một là , lấy nhà biệt thự của chế độ cũ bán chia tiền cho con . Hành xử như vậy có đúng là người cộng sản hay không. Trong cải cách ruộng đất đã từng xảy ra thảm cảnh tương tự . Hai là , Cao Tự Thanh gọi bố đẻ là đương sự. Tài năng, kẻ cả xuất chúng, không đối lập với đạo nghĩa. Chưa từng thấy nhà bác học nào gọi cha đẻ là đương sự. Gọi cha đẻ bằng đương sự là bộc lộ tính khách quan khoa học hay là sự hỗn xược.

    Trả lờiXóa
  4. Chỉ biết rằng chính bọn cộng sản làm nghèo đất nước dù chúng có công trạng to lớn cỡ nào . nên nhớ dân miền nam đã bị lừa từ khi còn VNCH !!!!!

    Trả lờiXóa
  5. Không có Nhà Trần, Quang Trung Nguyễn Huệ, Như Hồ Quý Ly, Như Mạc Đăng Dung..khi thể chế đã thối nát, mục ruỗng thì đại họa cho Tổ quốc, dân tộc tiêu vong! Để giữ ngai vàng lũ PK và CS đưa vào lịch sử là kẻ "bất trung"?? hề quá đi thôi?? Hỡi các trí thức bỡ đợ, theo đóm ăn tàn! Buồn.

    Trả lờiXóa
  6. Không có kẻ nào đáng khen hết! Phải như Trần Độ! Xứng đáng là anh hùng của thời đại! và rồi sẽ đi vào lịch sử Việt nam. Hãy nhớ nhé, Mua từ chức vụ, học hàm, học vị, danh hiệu..Vậy cái đuôi của chúng chỉ nói lên sự tha hóa tuyệt đối mà thôi, cái kiểu: Nguyễn Phú Trọng, GS-TS...

    Trả lờiXóa
  7. Rất thương tiếc ông Chín Cần . Nhờ những người như ông mà miền Nam được/bị giải phóng . Và cũng nhờ có đổi mới mà dân càng ngày càng mất lòng tin vào Đảng-Chính phủ . Những người như ông là của khỉ, lộn, quý của đất nước .

    Trả lờiXóa