Trang

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2017

Chuyện không vui đầu năm: Cứu đói cho dân đón Tết

Đầu năm mới, nhất là lại sắp đến Tết cổ truyền, nói hoặc bàn chuyện vui thì mới phải đạo. Nhưng lẽ đời tuy vậy, mà thực tế lại hay vênh, ít khi hòa hợp. Vậy nên khi nhiều tờ báo của nhà nước chính thức đưa tin rằng cho đến thời điểm này đã có 12 tỉnh trên cả nước đề nghị Chính phủ cấp gạo cứu đói để dân đón Tết thì quả thật thông tin này rất buồn.

Cứ như các báo, theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội), đến ngày 3.1.2017 đã có 12 tỉnh gửi công văn về Bộ xin Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói cho dân dịp giáp Tết Đinh Dậu. Các địa phương gồm: Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Đắk Nông. Tổng số gạo cần cứu đói khẩn cấp hơn 14.700 tấn. Một vị lãnh đạo của Cục Bảo trợ cũng cho biết thêm con số tỉnh thành chưa chắc đã dừng lại ở số đó mà còn có thể tăng, chưa chốt lại bởi còn khá nhiều tỉnh đang rất khó khăn, dân rất đói, đang làm đề nghị nộp lên Chính phủ.

Được biết trước Tết Bính Thân 2016 cũng đã có 19 tỉnh xin Chính phủ cứu đói. Chính quyền các địa phương dù hiểu nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn nhưng họ không đành lòng nhìn dân chúng nơi mình đói cơm ngay trong những ngày đón Tết.

Đói, đương nhiên là buồn. Dân chúng bị đói, lại càng buồn hơn. Nhưng đói vào đúng những ngày cần phải được no, được vui để đón Tết đón xuân thì đúng là quá bi thảm. Vẫn biết trên nước mình không phải nơi nào, tỉnh thành nào cũng bị nạn đói hoành hành, tuy nhiên “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, không mấy ai nỡ nhìn đồng bào mình đói kém, thiếu cơm ngay lúc xuân về. Lúc ấy, những hình ảnh quen thuộc như sắc thắm hoa đào, mai vàng đang độ, cánh én chao liệng trời xuân, không khí dập dìu nơi phố xá… bất chợt trở thành vô tình, xa lạ. Có lẽ chả ai nỡ cười vui trong cảnh đói kém, rét mướt của đồng bào mình đang ở khắp nơi.

Năm nay, thiên tai bất thường, lũ lụt hoành hành, hạn mặn tấn công đồng ruộng… gây quá nhiều thiệt hại. Những nơi ấy, cảnh đói kém là khó tránh khỏi, như Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Phú Yên (tỉnh Phú Yên đã xin Chính phủ cứu đói, trợ cấp từ hồi đầu tháng 12). Có những tỉnh đất chật người đông, cái nghèo cái đói cứ đeo đẳng mãi như một thứ định mệnh khó dứt, như Thanh Hóa, Nghệ An. Nhiều tỉnh chưa bao giờ thoát ra khỏi danh sách đói nghèo như Yên Bái, Lào Cai, Ninh Thuận, Đắk Nông… Và trong số 12 tỉnh xin cứu đói đợt này, có cả tỉnh vốn xưa nay nằm trong vựa lúa sông Hồng, tỉnh Hà Nam, giờ cũng thiếu gạo, cũng phải đi xin. Thật buồn.

Dường như ai cũng hiểu, khi chính quyền địa phương “chìa tay” xin gạo cứu đói cho dân vào lúc này có nghĩa tình trạng đã căng lắm rồi. Tết mà cũng đói thì coi sao được. Tuy nhiên, Hơn 14 nghìn tấn gạo mà bổ về cho 12 tỉnh có lẽ cũng như muối bỏ bể, chả làm thay đổi được bao nhiêu không khí mấy ngày tết. Tết mà đói thế, vậy trong năm chắc dân đói dài dài, triền miên. Thương người dân suốt bao nhiêu năm sau ngày hòa bình vẫn còn chịu cảnh “làm bạn với đói”, sống chung với đói nghèo. Không thể tất cả tình trạng đói kém chỉ đổ cho thiên tai.

Tôi nhớ hồi còn nhỏ, đi học được dạy rằng “Nước ta ở xứ nóng, khí hậu tốt/Rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu/Nhân dân dũng cảm và cần kiệm/Các nước anh em giúp đỡ nhiều”. Nay thì chúng ta xác định phải tự lực tự cường, không dựa dẫm trông chờ vào ai, vào anh em nào, chỉ có điều trăn trở: với những yếu tố quan trọng, hết sức thuận lợi kia, sao dân chúng vẫn vật vã trong đói nghèo?

Làm sao chẳng suy nghĩ, một đất nước có những khi được phong là cường quốc lúa gạo, xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, một nước thỉnh thoảng trong danh sách bình chọn của tổ chức quốc tế này nọ xếp vào nhóm hạnh phúc, dân chúng thỏa mãn, hài lòng bậc cao; một nước mà đôi khi trong đại hội, hội nghị tổng kết dịp này dịp khác luôn có báo cáo khen ngợi nêu bật thành tựu, bước phát triển vượt bậc, thắng lợi, thành công trên đủ lĩnh vực, mà trên thực tế vẫn tồn tại điều khó chối bỏ: người dân vẫn đói, cơm chưa đủ no, đói ngay cả trong ngày tết. Tết vẫn thiếu cơm, có nghĩa gần như thiếu tất cả, đừng nói chi đến cành đào, món ngon, sơn hào hải vị, du xuân…

Nhân việc ngày nay, lại ngẫm chuyện thời xưa. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1437, vua Lê Thái Tông sai hành khiển Nguyễn Trãi và hoạn quan Lương Đăng soạn lễ nhạc cho cung đình. Đăng nịnh vua, bày ra những thứ chỉ cốt lấy lòng vua, xa rời thực tế. Nguyễn Trãi dâng biểu lên Thái Tông tỏ bày: "Nay đúng là lúc nên làm lễ nhạc. Song không có gốc thì không đứng được. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Xin bệ hạ yêu nuôi nhân dân, để cho nơi làng mạc thôn cùng xóm vắng không có tiếng oán giận than sầu, đó là không mất cội gốc của nhạc vậy". Gần 600 năm đã trôi qua, những lời gan ruột của nhà yêu nước thương dân vĩ đại ấy vẫn còn văng vẳng đến bây giờ.

Bản danh sách 12 tỉnh đói kém nói trên là câu chuyện buồn trước thềm xuân. Chỉ mong sao mai này, thậm chí gần hơn, từ Tết sang năm, không còn chuyện các tỉnh lập “danh sách đói” đệ trình lên Chính phủ. Không trình không có nghĩa là vẫn đói nhưng sĩ diện đem giấu đi, mà là dân chúng được thực sự no ấm, đầy đủ, bình yên vui vẻ đón Tết, chờ bước xuân về.

Để làm được như thế, trách nhiệm của Chính phủ, của bộ máy nhà nước rất nặng nề, không đơn giản chút nào nhưng chả lẽ cơn đói của dân "nơi làng mạc thôn cùng xóm vắng" kéo dài đã mấy chục năm chưa đủ dài hay sao?

Nguyễn Thông

3 nhận xét:

  1. "khi nhiều tờ báo của nhà nước chính thức đưa tin rằng cho đến thời điểm này đã có 12 tỉnh trên cả nước đề nghị Chính phủ cấp gạo cứu đói để dân đón Tết thì quả thật thông tin này rất buồn"

    Báo ngày Tết không nên đăng những tin này để giữ không khí hồ hởi phấn khởi cho những ngày Tết .

    Vẫn biết trên nước mình không phải nơi nào, tỉnh thành nào cũng bị nạn đói hoành hành, tuy nhiên “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”

    Chỉ có 12/68 con ngựa đau thôi . Bỏ cỏ đó quan ăn hết cho mà xem .

    "Không thể tất cả tình trạng đói kém chỉ đổ cho thiên tai"

    Còn thế lực thù địch, bọn tự chuyển hóa, tự diễn biến ... bỏ đâu ? Không lẽ đổ hết tại "Thiên tài Đảng ta"?

    "chỉ có điều trăn trở: với những yếu tố quan trọng, hết sức thuận lợi kia, sao dân chúng vẫn vật vã trong đói nghèo?"

    Nói nhỏ cho các bác nghe: Chắc chắn hổng phải do sự lãnh đạo của Đảng các bác gòi . Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý cái gì chứ, Đảng-Chính phủ thấy cái nghèo là tránh như hủi vậy . Chỉ lãnh đạo & quản lý người giàu thôi . Không tin hỏi nhà bác Thông, cô của bác í là bà Nguyễn Thị Năm .

    "Gần 600 năm đã trôi qua, những lời gan ruột của nhà yêu nước thương dân vĩ đại ấy vẫn còn văng vẳng đến bây giờ"

    Phong kiến . Dẹp! Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày xưa kêu gọi "Bài phong, đả thực". Chữ "thực" bây giờ là "ăn", đả "thực" có nghĩa đứa nào "ăn" là "chỉ có úynh thôi" -từ của Tbt Lê Duẩn-. Ăn mà bị "úynh" chỉ còn nước đói .

    "nhưng chả lẽ cơn đói của dân "nơi làng mạc thôn cùng xóm vắng" kéo dài đã mấy chục năm chưa đủ dài hay sao?"

    Tôi nghĩ chưa đủ . Chúng ta có đủ kiên nhẫn chờ chủ nghĩa xã hội tới cuối thế kỷ thì dân đói vài chục năm nhằm nhò gì .

    "trách nhiệm của Chính phủ, của bộ máy nhà nước rất nặng nề, không đơn giản chút nào"

    Hy vọng Đảng-Chính phủ "quẳng gánh lo đi mà vui sống". Lo nghĩ hoài thì làm sao mà hưởng được thành quả lao động ? Khi chết đi chúng lại bảo là chết chả mang đi được gì .

    Trả lờiXóa
  2. Bản người đang đọc đây cũng bị đói nhiều năm nghĩ lại vẫn còn hãi, đói quay quắt, cái gì ăn được là ăn ,cốt sao cho lấp đầy cái dạ dầy là ổn,thôi thì đủ loại rau ,củ, quả,.nay về già đã qua những đêm dài không ngủ ,mơ được bữa no,mà thương cảnh người còn không có cơm ăn..

    Trả lờiXóa
  3. 14 ngàn tấn gạo rồi sẽ vãi vào đâu? Trước hết là phải cắt cái lũ ăn bám đông như quân nguyên đi: đảng và các hội đoàn.

    Trả lờiXóa