Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017

Chuyện thư từ

Phải công nhận bây giờ người ta sướng thật, nhất là bọn trẻ. Nếu phải đi xa, cuộc sống xa cách người thân, đối với chúng cứ nhẹ hều. Làm gì nghĩ ngợi cho mệt đầu, bởi khi cần thì móc cái điện thoại di động “ma phôn” bấm vài nhát, tất cả hiện lên ngay trước mặt, cả cha mẹ, vợ chồng con cái, người yêu, bồ biếc, cả khung cảnh quê hương, làng xưa phố cũ, thậm chí con chó con mèo từng gắn bó với mình đang nuôi ở nhà… có tuốt trong máy, sinh động, không khác gì đang bên nhau. Chẳng còn cảm giác xa xôi, trong Nam ngoài Bắc, thậm chí tận bên Mỹ nếu đi máy bay phải mất hơn 1 ngày đằng vân, vậy mà đường viễn liên hàng vạn cây số chỉ trong nháy mắt bấm một nhát là có thể í ới, nhìn nhau được ngay. Với những công nghệ hiện đại như Facebook, Skype, Fiber… vừa trò chuyện, vừa ngấm nguýt liếc nhau, tán phét cả ngày mà không mất xu nào. Thế mới kinh.

Bây giờ ít ai biết hoặc nhớ rằng công nghệ hiện đại, đặc biệt là internet đã giết chết một ngành có bề dày như thành nhà Hồ. Ngành bưu chính. Người lớn lẫn trẻ con chả ai nhắc tới bưu chính nữa. Nó đã chết lặng lẽ, không điếu văn, không sự thương tiếc của người đời. Kéo theo nó xuống mồ là con tem và cái bì thư (còn gọi là phong bì: phong tức là sự bao bọc, bì là cái vỏ).

Hồi tôi còn bé, những năm thập niên 60, thỉnh thoảng thấy chú đưa thư dừng xe đạp ngoài ngõ gọi vọng vào, ông ơi, ông có thư này. Thày tôi ra nhận thư, hôm nào chú đưa thư bận thì đạp xe đi ngay, có hôm vào uống nước. Thư của một người bạn bên Pháp gửi về cho thày tôi, những chiếc phong bì rất đẹp, in nhiều hình ảnh nước Pháp. Thày tôi lấy chiếc kéo con, cắt cẩn thận, đọc xong xếp ngay ngắn vào chiếc hộp sắt tây, lưu lại như một thứ kỷ vật. Dạo anh Uy tôi đi học ở Liên Xô, thư gửi về, thày tôi cũng làm như vậy. Sau khi thày tôi mất, mấy chị em tôi vẫn giữ y nguyên những lá thư và chiếc hộp sắt ấy, mỗi lần giở ra coi luôn có cảm giác ấm nóng, gần gũi, dường như thày chỉ vừa đi đâu vắng chút xíu rồi lại về.
Ông anh tôi, năm 1969 đăng lính, đầu năm 1970 vào chiến trường, đi đến đâu cũng viết thư về. Thư kể hành quân trên đường Trường Sơn, có lúc mệt đến mức không còn cảm giác đôi chân đang bước nữa, chiếc ba lô như khối nặng ngàn cân đè lên người, nếu dứt bỏ được chiếc cúc áo cho nhẹ bớt thì cũng vặt ra mà vứt đi ngay, bớt tí nào hay tí ấy. Tôi đọc văn thơ, nghe văn nghệ sĩ kể lính ta hành quân ra trận còn đem theo cả truyện Kiều, cả thơ văn Hồ Chủ tịch, phục lắm, sao mà các anh ấy hào hoa thế, sau khi đọc thư anh tôi tự dưng đâm ra nghi nghi, có thể các bác văn nghệ nhà ta nói quá lên chăng. Vừa rồi, nhà thơ Đặng Vương Hưng công bố cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của anh Nguyễn Văn Thạc (anh Thạc giải nhất văn miền Bắc năm 1970, học khoa toán Tổng hợp Hà Nội, đi bộ đội năm 1971 và hy sinh năm sau), có lẽ anh đậm chất văn chương, ham đọc sách nhưng chính anh từng ghi đại loại rằng những cuốn sách lúc này không cần thiết, chỉ nên dành cho tương lai bởi nó làm vướng víu hành trang người lính.

Một ông bạn học phổ thông với tôi, anh Vũ Trường Thành người xã Minh Tân cùng huyện Kiến Thụy, đang học năm cuối (lớp 10) chưa kịp thi tốt nghiệp thì có đợt tuyển quân bổ sung cho mặt trận Quảng Trị. Năm 1972, cả thầy Nguyễn Văn Mễ chủ nhiệm và đám hơn chục trai tráng cấp 3 Kiến Thụy lên đường. Thành vào đến Quảng Trị, đánh nhau mấy tháng ở đó. Khi đã rời thành cổ, y gửi về cho tôi lá thư chiến trường. Điều đặc biết là thư viết bằng giấy pơ luya màu xanh nhạt, thứ giấy chuyên viết thư của binh lính Sài Gòn, góc trái phía trên còn in hẳn cái lô gô đầu trâu và dòng chữ “Tiểu đoàn Trâu điên”. Tôi đọc đi đọc lại tấm thư của ông bạn, thích thú với mảnh pơ luya xanh ấy lắm, cất kỹ chả kém gì ngày xưa thày tôi giữ thư trong hộp sắt tây. Suốt 4 năm đại học, lúc nào tôi cũng ép nó dưới đáy chiếc hòm gỗ khóa chuông mua ở phố Hàng Bông. Cuối năm 1976 ra trường, hòm bị mọt, tôi tống tất cả quần áo, sách vở, đồ kỷ niệm vào chiếc ba lô anh Uy tôi cho, hóa kiếp chiếc hòm gắn bó cả đời sinh viên. Đem thư bạn vào Sài Gòn, thỉnh thoảng vẫn lôi ra đọc. Ai ngờ hôm mình đi vắng, đám vợ con dọn dẹp nhà, thấy xếp giấy “linh tinh” (bọn hắn biện bạch vậy) để trên giá sách, tưởng đồ bỏ đi, gộp với đống báo cũ bán ve chai hết. Tiếc đứt ruột. Nhiều lúc nghĩ vẩn vơ, bác Đặng Vương Hưng mà vớ được bức thư ấy có khi trả cả cây vàng, mà chưa chắc mình đã bán.

Bọn sinh viên là đám chăm viết thư nhất. Thực ra nhớ bố mẹ người thân cũng có, nhưng mỏng thôi, phụ thôi, chủ yếu để xin tiền. Chả biết chúng có bày cho nhau kinh nghiệm không nhưng luôn làm ra vẻ không cần tiền, một điều nhớ thày bu thế này, hai điều thương em bé nhỏ thế kia, cuối thư ký tên đàng hoàng, rồi như sực nhớ, ghi vài dòng tái bút, kiểu à con quên, nếu thày bu bán lợn, bán rau rồi thì gửi cho con mươi đồng để con mua sách (bao giờ mà chẳng lý do mua sách), con cảm ơn thày bu. Hầu như không đứa sinh viên nông thôn nào mà không có vài lần tái bút như thế.

Lớp tôi có anh B. người xứ Nghệ. Anh có tình ý với chị C. người Phú Thọ. Ở chung ký túc xá Mễ Trì, chàng trên tầng 3, nàng tầng 2 nào có xa xôi gì nhưng chàng vốn dát gái không dám gặp mặt ngỏ lời. Có vẻ sau hôm lớp được khoa tổ chức cho ra rạp Kinh Đô gần Cửa Nam coi bộ phim Liên Xô “Mối tình qua những bức thư” về, chàng nghĩ ngay đến thư. Phải nhờ thư thôi. Viết xong đem vào tận bưu điện Ngã Tư Sở gửi, có hôm thì nhờ bạn bè chuyển cho C., cả tôi cũng được nhờ. Nhưng mối tình qua những bức thư ấy không thành bởi nàng không hồi âm. Vừa rồi gặp nhau sau 40 năm ra trường, lên ông lên bà cả rồi, nàng về hưu với hàm đại tá, chàng nguyên hiệu trưởng cấp 3, nhìn nhau cười ngỏn ngoẻn.

Suốt bao năm thư từ đã đóng vai trò cực kỳ quan trong trong đời sống tình cảm của những người xa nhau, đó là chưa kể tác dụng phụ (mà chính) là xin tiền. Nhân viên bưu tá được người ta kính trọng lắm. Thời ấy có truyền kỳ câu chuyện rằng những đôi vợ chồng hoặc người yêu xa cách viết thư xong thường đề thêm vào ngoài phong bì hàng chữ rất nắn nót “Xa nhau tình cảm dạt dào/Nhờ anh bưu điện chuyển vào tận tay”. Anh bưu tá kia chắc đọc mãi mấy câu ấy cũng chán, cũng bực mình, bèn phăng thêm vào dưới: “Thư này ông đéo chuyển ngay/Để xem tình cảm chúng mày ra sao”, chả biết có thật không.

Cũng thời sinh viên dạo ấy, phong bì không phải dễ mua bởi chút tiền còm còn để dành mua tem (tem thư có loại 6 xu, loại 12 xu (1 hào 2 xu), gửi thư ít nhất cũng mất béng 12 xu tem) nên chúng tôi tinh tự làm phong bì. Nếu có cái phong bì cũ đã dùng nhưng còn tốt lộn trái ra thì tuyệt, còn không thì cứ giấy học trò làm kiểu thủ công. Bởi vậy, thời ấy nhìn đám phong bì mà thất kinh, đủ kiểu to nhỏ, hình dáng khác nhau. Có ông làm phong bì chữ nhật ngang bằng 2 ngón tay dài như con rắn, có ông gấp hình tam giác, có ông vẽ đủ thứ lên vỏ, có ông hình như trong thư chưa tải hết tình ý nên còn ghi kín đặc cả phong bì, chỉ chừa chỗ ghi tên người nhận và dán tem. Kể cũng hay và buồn cười.

Nay thì, như đã nói ở trên, không còn ai gửi thư nữa. Nó đã chết từ dạo đầu thập niên 90 xuất hiện cái máy fax, rồi sau đó internet phổ biến thì nó chết hẳn. Nhân viên bưu chính giờ đây không có việc làm, đành phải tham gia vào việc thu tiền điện tiền nước, phát lương hưu, cấp bảo hiểm y tế… Một thời là cái nghề sạch sẽ, sang trọng, được kính nể, nay chả ai để ý, đúng là bãi bể nương dâu, đời chẳng biết đâu mà lần.

Duy chỉ còn cái phong bì là chưa chịu chết. Nó không làm nhiệm vụ gửi thư nữa, mà ghê gớm hơn nhiều. Nhưng đấy là chuyện khác, sẽ nói vào dịp khác.

Nguyễn Thông





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét