Không ai bắt bạn cũng như tôi phải đi chùa - đền, dù là đi thăm viếng hoặc cúng bái. Tất cả là tự nguyện, từ cái tâm của mình.
Nhưng nhà chùa, nhà đền bây giờ khác xưa nhiều. Hồi tôi còn bé, theo bu tôi ra chùa Trà Phương (làng tôi) hoặc đền Mõ (xã Ngũ Phúc, thờ bà công chúa Quỳnh Trân nhà Trần), cứ theo trí nhớ thì hầu như không thấy cái hòm công đức nào. Khách thập phương hoặc thiện nam tín nữ có tự nguyện đóng góp thì cứ để lên bàn thờ Phật, thờ Thánh, chỉ một chỗ thôi; không góp cũng chả sao, không bị ám ảnh bởi chuyện đóng góp.
Bây giờ, chùa đền nào cũng vậy, cả chùa Trà, cả đền Mõ, tất tần tật, cứ mỗi bàn thờ một vị thì bên dưới có một cái hòm công đức. Thắp nén hương (nhang) xong mà không bỏ vào đó năm bảy ngàn, mươi ngàn cũng thấy ngài ngại, lo lo, sờ sợ. Càng nơi linh thiêng càng sợ. Thần thánh phật lỡ ghi sổ mình "bủn xỉn" liệu có làm khó mình. Ai cũng tâm trạng ấy nên chả lạ gì lễ hội chùa Hương mỗi kỳ thu mấy chục tỉ đồng. Nhiều đến mức phải đấu thầu quản lý hòm công đức. Không ít cuộc tranh cãi phân chia tiền công đức, thậm chí đưa nhau ra tòa. Nhà chùa chả cần biết tiền đó tự nguyện hay miễn cưỡng, cứ đầy hòm là OK.
Hòm công đức đã thành nỗi ám ảnh của những người đi chùa, viếng đền. Phải công nhận tay nào gọi cho nó cái tên "công đức" quả là tài tình. Móc túi rất giỏi, mà không kêu vào đâu được.
Nơi thờ phụng thần phật đã bị biến thành chỗ buôn thần bán thánh, kiếm tiền trắng trợn.
Hồi cuối năm 2016, tôi có dịp về thăm lại chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Sơn Tây) sau 43 năm. Một danh thắng quốc gia cũng nhan nhản hòm công đức. Rất buồn.
(Nói thêm điều này: Noel 2016 vừa rồi, tôi tò mò vào nhà thờ Cầu Kho (Q.1, Sài Gòn) xem đức cha và giáo dân hành lễ, tôi để ý bên nhà thờ Thiên chúa - Công giáo không thấy cái hòm công đức nào. Hay họ khéo léo giấu ở đâu, nhưng tôi nghĩ là không có).
Nguyễn Thông
Họ chìa cái rổ tiền sát mặt bác đấy. Không bỏ mà được à?
Trả lờiXóa