Trang

Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Chuyện đi buôn

Dường như trong đời, ai cũng có, ít nhất một lần, đi buôn. Cái câu “phi thương bất phú” của các cụ xưa nó ngấm vào não. Kiếm tiền bằng đi buôn chả có gì xấu, miễn không lừa đảo, gian dối cướp giật của người khác.

Có một thời cả nước đi buôn. Những năm sau 1975 công cuộc cả nước “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội" ngày càng tệ hại. Đói vàng mắt. Rách như tổ đỉa. Dân Bắc còn đỡ, từ khổ chuyển sang khổ nên vẫn chịu được, quen rồi, tôi luyện thành thép, thép đã tôi như thế rồi. Nhưng dân Nam thì bi kịch, một bước xuống vực. Đang no đủ, sung sướng, thậm chí thừa thãi, đánh ùm một phát chui tọt xuống hố. Ban đầu còn ngơ ngác, hồ nghi, nghĩ cũng chả mấy bữa mà lại như xưa, ngờ đâu càng ngày càng tăm tối. Chịu riết không nổi, âm thầm đi vượt biên. Anh nào nhát sợ làm mồi cá mập thì ở lại và… đi buôn.

Tôi vào Nam đầu năm 1977. Làm nghề dạy học, mô phạm, chúa ghét dân buôn. Hồi nhỏ đã được giáo dục rằng chỉ có thương nghiệp quốc doanh là đàng hoàng, chứ buôn bán xấu xa lắm, không làm ra của cải cho xã hội, chỉ lừa đảo… Buôn gian bán lận. Cán bộ tuyên truyền bảo chúng tôi phải nhìn người buôn bán tư nhân như kẻ thù địch, phải luôn chuẩn bị tư thế sẵn sàng lao vào cấu xé nó cho hả giận. Đã có nhà nước thương nghiệp, mậu dịch quốc doanh rồi, mà nó còn buôn bán, tức là cố tình phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Làm nghề dạy học, nghỉ hè là thời cơ vàng để đi buôn. Hè năm 1978, lương giáo viên được 64 đồng một tháng, ăn chả đủ, lấy đâu tiền mua vé về quê. Lần đầu tiên xa quê dài dằng dặc cả không gian và thời gian, nhớ lắm. Một tay học sinh là bộ đội đi học, Đào Gia Thiệp người xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên mách tôi cứ vay tạm ai đó trăm bạc, mua cau khô đem ra, lời gấp rưỡi, cũng bù được 2 cái vé ngồi tàu chợ. Nghe lời y, tôi một liều ba bảy cũng liều, ra chợ An Đông cõng về 7 ký cau khô. Lâu rồi không nhớ kỹ, hình như 15 đồng/ký. Ối giời, giá buôn cục sắt cục chì nó đi một nhẽ, đút vào cái ba lô là xong, đằng này 7 ký cau khô lồng khà lồng khồng thành bao to tướng, ôm nó cũng đủ chết. Thiệp có kinh nghiệm bèn chia làm 2 bao, dặn tôi dọc đường cố giữ cho khô, để mưa ướt là vứt. Y lấy xe đạp chở tôi ra ga Bình Triệu, còng lưng đạp chở nhau gần 2 chục cây số. Tôi ngồi sau ôm đám cau khô, bụng bảo dạ chẳng có cái dại nào giống cái dại nào.

Nói khó mãi, đám thuế vụ ga Bình Triệu cũng cho đem hàng lên tàu. Thời ấy ai đi tàu hỏa cũng tranh thủ buôn bán nên cả toa chất đầy hàng hóa. Tôi nhét 2 bao cau khô dưới gầm ghế, và để dưới chân. Suốt chặng đường hơn 1.700 cây số, cứ ngồi thu lu chả duỗi được cái chân. Lại không dám ngủ. Nếu chỉ có chiếc ba lô ôm vào lòng, lỡ thiếp đi cũng chả sao, đằng này đi buôn, đứa nào tham thấy mình ngủ nó nhẹ nhàng ôm một bao cau thì chỉ còn nước khóc ròng. Nó lấy, có mà giời tìm bởi ga nào tàu cũng dừng, người xuống người lên nườm nượp. Sau 72 tiếng đồng hồ (3 ngày 3 đêm) hành trình khổ ải, tàu về tới ga Hàng Cỏ. Lối ra cửa Trần Quý Cáp bị chặn. Lưng đeo ba lô, hai tay xách hai bao cau khô, tôi run rẩy bò ra đường Nam Bộ tìm mối bán cau. Dân phe dìm hàng, chỉ trả cao hơn giá gốc được dăm sáu đồng. Nhùng nhằng mãi nhưng nghĩ đến cái đoạn ôm 2 bao của nợ ấy về Hải Phòng, tốn tiền cước, mà chả biết dưới Phòng có chịu mua không, tôi tặc lưỡi ông chỉ dại lần này. Chuyến buôn mở màn ấy không lỗ lã xu nào nhưng hiểu “phi thương bất phú” không phải ai cũng làm được.

Vậy mà lúc trở vào Nam lại ngu nữa, lại dính buôn. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. Anh Thông ơi, giá sách viết đủ chữ thì loại anh (cả tôi nữa) đâu đến nỗi. Nguyên văn là: "Phi thương bất phú, vi phú bất nhân". Nếu ai cũng đọc hết thì sẽ có người chùn tay vì sợ bất nhân. Thế mà có kẻ "lõi" lại đọc là "phi phú bất thành nhân" thế mới hại đời bao người chứ.

    Trả lờiXóa
  2. Năm 1985, chuẩn bị cưới vợ, em gôm hết gia tài, mượn vốn gấp 3 gia tài nữa đi buôn mực khô từ Vũng Tàu lên Sài Gòn. Đạp xe đạp 130 km cho chuyến đi định mệnh, dọc đường quản lý thị trường, công an chộp luôn. Tiền hết, đổ nợ trơ cái xác không hồn. Trời ơi, ông bố vợ tương lai của em - một thiếu tá về hưu, đang tâm đem con gái( vợ chưa cưới của em Bác Thông à)gả cho một lão việt kiều. Thế là cả đời em và nàng khóc ròng. Giờ gặp nhau nước mắt nàng vẫn còn rưng rưng.

    Trả lờiXóa