So với hồi tôi từng đến những năm 80 thì khu Thanh Đa giờ đã sầm uất như một Singapore thu nhỏ của Sài Gòn (nói thế cho nó sướng chứ cũng còn không ít nhếch nhác). Tuy nhiên, những dãy nhà cũ vốn là khu gia binh, khu cư xá sĩ quan quân đội Sài Gòn vẫn còn, gồm những lô nhà ký hiệu chữ A, B, C… Bác Thân thì ở bên khu mới, ký hiệu đánh số 1, 2, 3… Dù được xây sau nhưng nó vẫn đậm dấu ấn kiểu xây dựng thời bao cấp, tường xi măng thô ráp sần sùi, kiến trúc xấu, cầu thang thô thiển, loại nhà chỉ cốt làm chỗ ở, chui ra chui vào chứ không phải sự hưởng thụ. Dọc lối vào tang gia, rải rác có những chú dân phòng mặc trang phục xanh có phù hiệu bắc ghế ngồi để ý người qua lại. Càng gần nhà có tang, dân phòng và “người lạ” vẩn vơ bên ngoài càng nhiều, nhưng kệ, ai hơi đâu mà quan tâm. Mình đi đám ma cơ mà, chứ có phải đi khủng bố, đặt mìn cầu Sài Gòn đâu mà ngại.
Phần xác văn sĩ Nguyễn Quang Thân được quàn ngay trong căn phòng ông từng sống lâu nay, trên lầu 2 (tức tầng 3 tính theo kiểu miền Bắc). Nhác thấy một ông già còn phong độ chậm rãi từng bậc cầu thang lên trước, tôi lần theo. Nhìn quen quen nhưng mình không dám dấn lên hỏi sợ thất lễ. Nhà văn Dạ Ngân phu nhân bác Thân đang đứng ở cửa phòng đón khách, cất tiếng “Em chào giáo sư Nguyễn Đăng Hưng”. Té ra giáo sư Hưng, một nhân vật nhiều người biết tiếng, mình cũng may mắn diện kiến đôi lần.
Đợi giáo sư Hưng thắp hương cho bác Thân xong, mình cũng làm lễ, khấn bác Thân đi thanh thản nhưng nhớ phù hộ cho đất nước, nhân dân, như lâu nay bác từng canh cánh trong lòng. Người hiền từ trong ảnh đặt đầu áo quan chắc nghe được cả, mắt cứ nheo nheo quan sát mọi người đang đến tiễn biệt mình.
Thầy chùa đến cúng, để rộng chỗ, tôi đỡ tay giáo sư Hưng cùng xuống nơi tiếp đón đặt tại công viên dưới nhà. Hương trầm ngào ngạt. Vòng hoa xếp đầy xung quanh. Một nhà văn ra đi trong sự chia biệt ngậm ngùi của giới văn nghệ sĩ, trí thức và người đọc, về độ đậm tiếc thương có lẽ còn hơn rất nhiều nhà chính trị mà tôi từng chứng kiến, dù nơi đây chỉ là khoảng đất trống dựng tạm mái che, ghế nhựa đơn giản bày giữa hai lô nhà chứ không phải như tòa nhà tang lễ trang trọng trên đường Lê Quý Đôn.
Ngồi trò chuyện với giáo sư Hưng, tôi thủng ra nhiều điều. Năm nay đã ngoài 75 nhưng ông còn khỏe, tiếng nói vẫn sang sảng. Người có thanh như vậy tức là khí và thần tốt lắm. Hồi nãy tôi nắm cánh tay ông thấy chắc nình nịch. Ông có nét giống cụ giáo sư nhạc Trần Văn Khê, tuy mỗi người mỗi sở trường. Đó là những kho tri thức, hiểu sâu biết rộng. Tài và tâm đi liền. Ông kể mỗi năm cứ ở Bỉ 6 tháng, 6 tháng còn lại ở quê nhà. Không xa nước được.
Quay lại chuyện bác Thân, ông nói chỉ có điều, ở tuổi này mà không có bà xã bên cạnh thì rất nguy hiểm. Tôi hỏi nguy hiểm sao, ông bảo trường hợp ông Thân là ví dụ. Ông Thân đang rất khỏe, đi bơi (hồ bơi Yết Kiêu) bị đột quỵ ngay tại chỗ. Điều không may cho ông Thân là không có ai bên cạnh, nhất là lại không có bà xã bởi bà Dạ Ngân khi ấy về quê ngoại có việc. Nếu có người thân hiểu biết cách sơ cứu, mà là bà xã thì càng tốt (điều này huyền bí lắm, rất khó cắt nghĩa) lập tức lấy kim sạch châm ngay 5 đầu ngón tay cho máu chảy ra, có thể cứu được, qua tai nạn khỏi. Tại sao? Giáo sư giải thích bởi khi đột quỵ tức là có mạch máu não bị đứt, máu tràn ra. Nếu ngay lập tức châm đầu ngón tay thì máu sẽ có lối thoát khác, giảm áp suất không tràn lên não nữa. Mà phải để nạn nhân nằm yên, đừng cuống quít vật qua vật lại càng khiến máu trên não chảy mạnh. Não mà bị đầy ứ máu thì vô phương cứu chữa. Phải sơ cứu vậy rồi mới có thể đưa đi cấp cứu. Điều không may cho ông Thân là không được sơ cứu, nhưng có lẽ con người ta có cái số rồi. Trời đã định thì phải chấp hành thôi. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Nguyễn Thông
"Gặp nhau tại đám tang nhà văn Nguyễn Quang Thân", có thể sẽ ổn và dễ lọt tai hơn!
Trả lờiXóa