Trang

Thứ Hai, 17 tháng 4, 2017

Cấm và cấp phép - căn bệnh của thói cửa quyền

Dường như bộ máy hành pháp, mà cụ thể là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, cụ thể hơn nữa là Cục Nghệ thuật biểu diễn, đang có vấn đề. Những “dầu mỡ” mà người ta vừa tra vào bộ máy ấy chẳng những không khiến nó trơn tru mà trái lại, làm khụng khiệng, trục trặc, phát lộ những xộc xệch, hoen rỉ ẩn chứa lâu nay.

Sự việc những ngày qua đậm chất bi-hài kịch. Dư luận chưa kịp lắng xuống từ chuyện Cục Nghệ thuật biểu diễn chả biết nổi cơn cớ gì tự dưng cấm một loạt 5 ca khúc cũ, trong đó có những bài như Con đường xưa em đi, Rừng xưa, Cánh thiệp đầu xuân… từng lan tỏa sâu rộng trong lòng người yêu nhạc, thì lại một phen choáng váng với việc cục này đòi hỏi muốn hát bài Nối vòng tay lớn của cố nhạc sĩ nổi tiếng Trịnh Công Sơn thì phải xin phép, chờ Cục cấp phép. Cục giải thích rằng từ xưa đến nay bài hát ấy chưa từng được cấp phép. Nó đã vô phép thì không được hát. Nếu cố tình hát là vi phạm pháp luật. Đòi hỏi này chả khác quả chùy giáng vào sự nhẫn nại của công chúng khiến họ phát cơn địa chấn bực bội. Họ đặt nghi vấn: Những nhà hành pháp đang thực thi pháp luật của nhà nước, hay là đang hành dân, hành hạ nghệ thuật?

Ai cũng hiểu xã hội phải được quản lý bằng luật pháp, bằng những quy định của thể chế. Cơ quan hành pháp là lực lượng trực tiếp chỉ đạo, ban bố, kiểm tra, theo dõi, uốn nắn, điều chỉnh việc thi hành những quy định của pháp luật. Cục Nghệ thuật biểu diễn làm việc được giao theo đúng chức trách thì chả có gì phải phàn nàn. Nhưng họ không làm vậy. Họ làm tùy hứng, làm theo ý thích, rất máy móc, phi thực tế, không cần biết hiệu quả ra sao. Dường như những vị có trách nhiệm chỉ ngồi trong phòng kín như bưng bấm nút ban hành những quy định mà chính bản thân họ cũng không hiểu chúng sẽ tồn tại như thế nào trong cộng đồng xã hội, trong cuộc sống hằng ngày. Khi bị dư luận phản ứng, họ chỉ còn biết cãi theo lập trình “chúng tôi làm theo quy định, làm đúng quy trình”, một kiểu cãi lấy được.

Đã có vô vàn ý kiến khác nhau về những “nhố nhăng” trong sự cấm đoán hoặc đòi hỏi của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Thậm chí dư luận chỉ đích danh những người như ông Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương phải từ chức. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, rồi Thứ trưởng Bộ văn thể du Vương Duy Biên đã lên tiếng phê bình khá gay gắt. Cục Nghệ thuật biểu diễn cuối cũng cũng thừa nhận sai lầm, rút lại quyết định cấm vô lý, không đòi hỏi phải phép tắc này nọ nữa. Sức ép của dư luận, sự phẫn nộ của công chúng, và đặc biệt là giá trị hiển nhiên của các tác phẩm nghệ thuật đã buộc họ phải rút lui. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là xong, là có thể chấm dứt những trường hợp tương tự, nếu không đào tận gốc vấn đề.

Điều dễ thấy nhất, mặc dù nó chìm trong não của những người nắm quyền hành pháp ấy, là tư duy xơ cứng, bảo thủ. Dường như họ bị rất nặng hội chứng chiến tranh, di căn của thời hậu chiến. Nhìn đâu cũng cảnh giác, cũng ra quan hệ ta - địch, cũng thấy kẻ thù. Lúc nào cũng chăm chăm vào sự nghiệp “ai thắng ai” trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Cuộc chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng hơn 40 năm nhưng những vị này vẫn đầy tinh thần chiến đấu. Khi cả xã hội đòi hỏi phải thúc nhanh hơn nữa sự hòa hợp, xóa đi những mặc cảm, giận hờn, thậm chí oán thù, để cùng nhìn về một hướng, cùng chung sức chung lòng vì đất nước phát triển, vì ngày mai, thì những “chiến sĩ” này lại thỉnh thoảng vung vài nhát xẻng đào sâu thêm hố ngăn cách. Loay hoay với chủ trương cấm đoán, họ không chỉ cố tình đi ngược chiều phát triển mà còn “góp phần quan trọng” phá hoại cuộc sống yên bình, ổn định.

Một điều khác nữa, tư duy quản lý của họ được tạo trên nền tảng cửa quyền, hách dịch, ban ơn, nặng cơ chế bao cấp, xin-cho. Đáng nhẽ, họ chỉ cần đưa ra một danh sách (mà suốt 42 năm rồi vẫn không làm được) những tác phẩm nghệ thuật biểu diễn bị cấm, không được phép phổ biến; còn lại thì cứ thế xài thỏa thích (tất nhiên ai dùng phải lưu ý tôn trọng tác quyền, vấn đề bản quyền). Quá đơn giản. Mọi người có quyền được làm những gì mà pháp luật không cấm. Những lãnh đạo của Cục Nghệ thuật biểu diễn không thích thế, họ muốn chứng tỏ uy quyền, thương ai thì người ấy được nhờ. Một bài hát nổi tiếng như bài Nối vòng tay lớn, cả nước với bao thế hệ đã hát suốt gần nửa thế kỷ nay mà Cục bảo rằng muốn hát phải có giấy phép thì tác giả của chuyện hài hước Những người thích đùa cũng phải gọi bằng cụ.

Bộ máy công quyền cần có những con người không chỉ am hiểu luật pháp mà còn phải nắm bắt sâu sắc cuộc sống, cả quá khứ, hiện tại, tương lai. Ngồi vào chiếc ghế hành pháp mà đầu óc xơ cứng, máy móc, bảo hoàng hơn vua thì chỉ gây khó cho xã hội. Ngoài mấy trường hợp trên, vụ xét duyệt Giải thưởng Hồ Chí Minh cho một số văn nghệ sĩ vừa qua cũng là một ví dụ. Đầy tai tiếng. Sao họ không nhớ lời dạy của cụ Hồ, “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Cứ làm theo lời cụ, đâu đến nỗi phát sinh phiền hà rắc rối, tai tiếng như vậy.

Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. Khi mà cục trưởng biến thành cục cứt!

    Trả lờiXóa
  2. Khi những tên "du kích" (đừng đọc lái) vô học nắm chính quyền thì đó là chuyện bình thường!

    Trả lờiXóa