Trang

Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

Lượm lặt tiếp chuyện tại đám giỗ ông Võ Văn Kiệt...

LƯU TRỌNG VĂN (nhà báo)

Gã xin lỗi vì sự chậm trễ này, hê, hôm qua gã mải bù khú chuyện vẽ vời, vẽ thì ít mà vời các cô người mẫu thì nhiều với họa sĩ Trịnh Thanh Tùng sau rồi lại sa đà bù khú tiếp với nhà thơ Nguyễn Duy và nhà thơ Nguyễn Đỗ từ Mỹ về cùng nàng thơ Helen Nguyễn xinh tươi con gái của một bác trùm an ninh, từng là sếp của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và tướng Tô Lâm, chuyện thơ thì ít mà chuyện các nàng... thơ thì rõ nhiều.

Thôi, chiều nay mưa, gã xin kể tiếp.

Khi xe chở gã tới khu Lan Anh bên sông Sài Gòn thấy ngoài cổng có nhiều xe hơi biển xanh trắng tùm lum. Hiếu Dân trong bộ đồ màu đen tới bên xe dìu GS Tương Lai tuổi 82 vào nhà. Có chú Sáu Phong đang ngồi trỏng, Hiếu Dân nói.

10g30 rồi, gã nghĩ theo như mọi lần thì ông Tư Sang không dự tiệc chắc đã tới và đã về, còn đương nhiên ông Ba Dũng theo "đúng quy trình" sẽ tới muộn hơn.

Qua một cây cầu gỗ nhỏ vào ngôi nhà thờ giữa hồ nước có sen và cá lượn bơi. Bàn thờ nghi ngút khói hương và tràn ngập hoa và vòng hoa, liếc cái, gã thấy nhiều vòng hoa đề tên, chức vụ của các bác lãnh đạo hàng đầu cũ và mới.


Gã nhớ hồi đám tang cha gã, vòng hoa nào cũng có băng- rôn đề chức vụ, vai vế người viếng. Riêng vòng hoa của ông Võ Nguyên Giáp và ông Lê Quang Đạo không đề chức tước gì sất mà chỉ đề "Võ Nguyên Gíáp và vợ' và "Lê Quang Đạo và vợ" kính viếng nhà thơ...Tại sao vậy? Vì họ hiểu cha gã thích gì và ghét gì.

Gã có nói với Huỳnh Sơn Phước tại nghĩa trang khi thấy trên mộ ông Kiệt có vòng hoa đề "Phó thủ tướng Võ Đức Đam kính viếng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt": nếu tôi là ông Đam một cộng sự thân thiết của ông Kiệt thì tôi sẽ đề "Cháu Đam đây, chú Sáu ơi!". Chắc ông Kiệt sẽ vui lắm vì thấy đứa cháu thư kí của mình hiểu mình.

Hiểu ông Kiệt người đặt tên con gái yêu là Hiếu Dân và lấy bí danh là Sáu Dân có gì đâu ngoài một chữ "tình". Tình với nhau, tình với nước, tình với dân.

Hiếu Dân có ý mời nhóm của bác Tương Lai ngồi cùng bác Sáu Phong ở bàn uống nước chờ nhập tiệc. Chiếc bàn này ở bên dưới bức ảnh ông Kiệt nơi ông Kiệt thường ngồi tiếp khách khi cuối đời ông bỏ biệt thự trên đường Tú Xương của nhà nước về ở với con gái để chuẩn bị làm thủ tục trả nhà cho Nhà nước. Bác Tương Lai cười bảo: để chú về chỗ xưa nay thường ngồi thôi. Đó là chiếc bàn chầu rìa mà Hiếu Dân cười bảo: bàn quan sát.

Ngồi trong phòng khách một lúc, ông Sáu Phong tức nguyên chủ tịch Nguyễn Minh Triết đòi ra bàn ngoài trời kê bên sông Sài Gòn khúc nhìn ra cầu Thủ Thiêm, để ngồi cho thoáng mát. Ông cười rất bình dị như bản tính xuề xòa nông dân của ông: tui quen ngồi giữa trời đất rồi.

Trong Chính phủ một thời có hai ông Sáu. Thủ tướng Võ Văn Kiệt là Sáu lớn, còn phó thủ tướng Phan Văn Khải là Sáu nhỏ. Vì ông Nguyễn Minh Triết lúc ấy là bí thư thành ủy TP.HCM nên không được xếp hạng gọi là Sáu gì sất ngoài thẳng đượt "Sáu Phong" bí danh xưa nay của ông.

Khi ông Sáu Phong cùng một loạt quan chức ra ngoài trời thì gã thấy trung tướng Võ Viết Thanh cao, gầy ngẳng, trán rộng xuất hiện. Ông được mời ra ngồi cùng bàn với ông Sáu Phong nhưng ông từ chối, ông chọn một chiếc ghế đối diện với bác Tương Lai rồi bảo: Giữ ghế này cho tui, tui ra chào cụng một ly với ông Sáu sẽ quay lại ngay.

Bàn gã ngồi ngoài bốn anh em chung một chuyến xe có thêm nàng nhà báo Thế Thanh, nguyên Phó chủ tịch Hội Phụ nữ TP.HCM người mặc áo có viết dòng chữ trên lưng "Hoàng Sa- Trường Sa của Việt Nam" trong các cuộc xuống đường chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo, nhà thơ Nguyễn Duy và thỉnh thoảng nhạc sĩ Hà Dũng có làm kinh doanh cũng chỉ để mua vui cho các nàng ca sĩ trẻ xinh, thoắt ngồi thoắt biến.

Ông Lê Hồng Anh thân hình bệ vệ mặc sơ mi nâu lững thững bước vào. Ông không ngước khuôn mặt với đôi mày rậm như Trương Phi nhòm ngó ai, cứ thế đi về phía hình như ông đã biết trước chỗ nào dành cho ông.

Trung tướng Võ Viết Thanh đã trở lại chỗ mà ông "xí" trước. Gã quý ông tướng từng một thời là anh hùng chỉ huy những trận đánh đầy mưu lược trong chiến tranh ở xứ dừa Bến Tre,và cũng là một người chịu học, chịu mày mò, sáng tạo ra những khẩu pháo bắn không giật làm GS Trần Đại Nghĩa chuyên gia chế tạo vũ khí phải kinh ngạc. Gã càng quý ông hơn khi chính ông khi là thứ trưởng Công an phụ trách an ninh đã có những chính sách thông thoáng để Việt kiều về thăm quê hương. Và, đặc biệt chính ông đã là người bất chấp các áp lực của cấp cao nhất trong vụ án Sáu Sứ vu khống tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Trần Văn Trà âm mưu đảo chính chống đảng để tìm ra sự thật bảo vệ danh dự cho tướng Giáp và tướng Trà. Chính vì sự dũng cảm cương quyết ấy ông đã bị vu khống về lí lịch, rằng bố mẹ ông là Việt gian bị cách mạng trừng trị chứ không phải đã hy sinh cho cách mạng. Khi nghe những lời xúc phạm bố mẹ mình như vậy, ông kể cho nhà báo Huy Đức và nhà báo Lê Phú Khải là ông đã tính rút súng bắn các ông Võ Chí Công, Nguyễn Đức Tâm, Đoàn Khuê những người vu không bố mẹ ông ngay trước Đại hội Đảng lần thứ bảy.

Bây giờ ông ngồi đó cười hiền lành biết bao.

Gã bảo trông anh Bảy khỏe ra đấy. Ông nói nhờ tập luyện và chơi thể thao. Gã hỏi anh chơi món gì? Ông bảo chơi golf. Nói xong ông trầm ngâm một chút rồi nói tiếp:

Không vì tôi khoái chơi golf mà tôi ủng hộ chuyện mấy cha xây sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất đâu. Đi đâu tôi cũng phản ứng. Tôi đã kiến nghị lên các cấp cao đòi dẹp bỏ sân golf này trả cho sân bay để mở rộng sân bay. Tôi nói có cái việc đó mà các anh không làm được thì sao dân tin các anh?

Gã hỏi tướng Võ Viết Thanh nghĩ gì về quyết định mới đây của Bộ Chính trị sẽ kiểm tra tài sản của 1.000 cán bộ cấp cao mà Bộ Chính trị quản lý. Tướng Thanh đáp: Thật ra tôi không quan tâm lắm chuyện này. Tôi chỉ quan tâm cái gốc là cần phải thay đổi thể chế sang dân chủ.

Huỳnh Sơn Phước nghe vậy thì máu nhà báo nổi lên độp hỏi ngay:
-Vậy thì cách nào theo anh?
-Phải có đối lập xây dựng.
-Anh nói rõ hơn được không?
-Điều này tôi đã kiến nghị công khai với các vị cao cấp nhất. Đó là... thành lập thêm bên cạnh đảng cộng sản như hiện nay một đảng mà cụ Hồ từng thành lập đó là đảng Lao động.

Gã cười như để làm nhẹ tính chất nghiêm trọng của vấn đề: Thì hai anh em trong nhà cạnh tranh lành mạnh với nhau thôi phải không anh? Thì vẫn tư tưởng Hồ Chí Minh, thì vẫn chủ nghĩa xã hội như đảng Dân chủ với Cộng hòa bên Mỹ vẫn chung một tư tưởng đó là lợi ích nước Mỹ và Hiến pháp Mỹ.

Hê, thực tình gã cho rằng đây là vấn đề nội bộ của đảng cộng sản, với tư cách một quần chúng ngoài đảng và thú thật từng là cảm tình đảng...lão thành vì chờ hoài vẫn chả ma nào chịu kết nạp, gã trộm nghĩ, đất nước vẫn trong tay các bác ấy, anh em, con cháu một nhà dù là Cộng sản hay Lao động có đi đâu mà sợ nhể?

Chuyện đang rôm rả trong bàn gã ngồi nào là nếu có tổ chức đối lập xây dựng do chính Đảng lập ra thì ai sẽ giơ tay đăng kí là đảng viên Lao động, ai sẽ giơ tay đăng kí ở lại đảng Cộng sản thì xuất hiện trung tướng Lưu Phước Lượng nguyên phó tư lệnh quân khu Chín.

Thấy Thế Thanh, tướng Năm Lượng nắm chặt tay: Lúc ba em hy sinh năm Mậu Thân 68 ngay cửa ngõ Sài Gòn tôi ở cách hầm của ổng 200m. Khúc ấy chỉ có ruộng, tụi trực thăng rà bắn rất rát trúng hầm của ba em. Ba em lúc đó là sư trưởng sư Năm. Nè chồng em luật sư Trương Trọng Nghĩa phát biểu ở Quốc hội hay lắm, tôi rất ủng hộ đó .À, mà các ông đang bàn chuyện gì vậy?

Huỳnh Sơn Phước nói ý của tướng Võ Viết Thanh rồi hỏi tướng Năm Lượng, anh ủng hộ không?

Tướng Năm Lượng đáp: Tôi nghĩ cái gì thì cái, đảng phải triệt để đổi mới. Tôi nói các nhà báo ở đây cứ việc ghi âm vì những điều này tôi đều đã công khai phát biểu cho các cấp lãnh đạo rồi.

Gã hỏi, nếu đảng không triệt để đổi mới thì sao ạ?

Tướng Năm Lượng xòe hai cánh tay ra và nói: Thì sẽ mất ráo lòng dân, thì...có quy luật cả rồi, có ai thoát khỏi quy luật đâu?

Bàn đã lấp đầy những món ăn dân dã đặt trên mẹt, trên lá hoa sen, trên vỏ thân chuối. Rượu được rót ra. Tướng Năm Lượng với tính cách lính chiến Nam Bộ cầm li rượu tớp cái ực: Phải triệt để đổi mới thôi mới tồn tại được.

***
Gã có điện thoại của một chú em quê Nam Định say mê làm phân bón hữu cơ, ra ngoài nghe, tám, trở lại nghe ai đó nói ông Ba Dũng vừa tới. Gã hỏi bác Tương Lai, ông Ba có đến với bác không? Bác Tương Lai nói, ông có tới bắt tay. Chiếc bàn ở trung tâm phòng khách đối diện với chiếc bàn mà gã đang ngồi năm ngoái ông Ba ngồi cùng các ông Lê Hồng Anh, Trương Hòa Bình, Đinh La Thăng, Phan Thanh Bình, Trần Hồng Quân giờ để trống.

Vì sao nhể?

Gã cảm nhận vì sao rồi. Nhưng không thể toẹt ra được.

Xuất hiện GS Nguyễn Thiện Nhân, tân Bí thư thành ủy TP.HCM. Năm ngoái thì tân bí thư Đinh La Thăng.

Xuật hiện Võ Văn Thưởng, chàng trai ủy viên BCT trẻ nhất, người vừa gây bão dư luận với tuyên bố: Sẵn sàng đối thoại với những người khác chính kiến.

Và chuyện kà kê cũng dài rồi, gã buông gõ phím đây vì 6 giờ tối phải gặp các bác Huỳnh Tấn Mẫm, Mai Anh Tài các chuyên gia chữa bệnh tự kỉ... Gã thú thật những lúc thất tình gã đã từng là... trẻ tự kỉ... mà chuyện thất tình thì với gã sẽ còn dài dài nên cũng cần lắm những kinh nghiệm phòng tránh... tự kỉ...

Lưu Trọng Văn
(theo Facebook Lưu trong Văn, https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1867702803554948&id=100009457401127)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét