Trang

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

Chuyện ngân hàng (kỳ 3, cuối)

Tháng 5.1977. Sau khi đã ổn định nơi ăn chốn ở tại ký túc xá Nguyễn Chí Thanh, quận 5 gần trường, tôi bắt đầu lần mò tìm hiểu đất Sài Gòn. Việc đầu tiên là đến thăm bà cô họ nhà mãi tuốt quận Bình Thạnh. Lóc cóc xe đạp chạy tới đó phải cả tiếng đồng hồ. Bà cô tôi là bà Nguyễn Thị Thi di cư Nam năm 1954. Vào Nam mới lập gia đình, chồng bà là người Nhật, thời điểm trước 30.4.1975 ông là Tổng giám đốc Tokyo Bank (Đông Kinh ngân hàng) trụ sở trên đường Hàm Nghi, gần Cục Hải quan bây giờ. Bên thắng cuộc tràn vào Sài Gòn thì ông phải ra đi. Ông bà có mấy người con tôi cũng không hỏi kỹ, chỉ nhớ có đứa con trai tên Hiroshi, nhìn trong ảnh rất cao lớn đẹp trai. Sau ngày 30.4.1975 ông và đám con bay về Nhật, chỉ còn bà ở lại. Chắc sẽ có người hỏi tôi sao sau 30.4 mà ông vẫn được về, không bị đi cải tạo; sao bà không cùng đi với ông… Chả là người nước ngoài như ông Nhật Bản này không thuộc diện bị chính quyền mới bắt cải tạo giam giữ, ông cũng chỉ làm kinh tế thuần túy, không dính líu gì vào ta hay địch, và cơ bản nhất là vợ ông, tức bà Thi cô tôi, có tham gia hoạt động cách mạng, thành viên của Hội phụ nữ giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Bà là bạn thân, đồng chí của mấy bà Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi), bà Ngô Bá Thành, bà Nguyễn Phước Đại… nên chính quyền mới cũng nể vì. Ông chồng hồi hương rồi, bà ở một mình. Ngôi biệt thự của ông bà trên đường Ngô Tùng Châu quận Bình Thạnh nằm giữa khu đất rộng cả ngàn mét vuông, cây cối um tùm xanh ngắt. Nhà của vị đứng đầu ngân hàng Nhật nổi tiếng Sài Gòn đương nhiên phải thế.

Tôi thỉnh thoảng đến thăm bà nhưng giữ ý. Bà là cô mình nhưng cực kỳ giàu có, tôi rất ngại mang tiếng “miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng” nên mỗi lần tới chỉ hai cô cháu nấu nướng ăn uống, có hôm bà bảo bữa nay không nấu nữa, đi ăn phở, ăn hủ tiếu, chứ bà cho bất cứ thứ gì tôi đều lắc đầu, dứt khoát không nhận. Nhà bà tivi, tủ lạnh, quạt máy, bàn là, máy giặt, vải vóc… không thiếu thứ gì, mà những thứ đó tôi đều ao ước. Tôi sĩ diện, quyết không là không. Cho tiền cũng không lấy. Lúc đầu bà giận, sau hiểu ra, bà bảo cháu ạ, mày giống hệt tính thày mày, khái tính, tự trọng từ hồi trẻ.

Hai cô cháu thường trò chuyện cả buổi. Bà bộc lộ sự thất vọng về chính quyền mới, than thở rằng bà chả thể nào hình dung được cơ sự lại như thế này. Mấy bà bạn người Hoa của bà cùng hoạt động phụ nữ bị chính quyền xua đuổi đã đi cả, bà càng thêm buồn nản. Một hôm tôi tới, bà bảo cháu ạ, cô đã làm giấy tờ, tháng sau cô đi Nhật, đi hẳn, có lẽ cô không về nữa. Bà Ráo có động viên nhưng cô đã quyết rồi. Cơ ngơi này cô đã hứa bán cho một đứa cháu họ (hình như gọi bà bằng dì, tôi chưa gặp bao giờ), nó là cán bộ thành phố, nó trả 3 nghìn 2 trăm đồng (sau đợt đổi tiền năm 1978 mấy tháng, đúng ra giá trị cơ ngơi này thời ấy phải mấy chục nghìn). Cháu có lấy thứ gì thì lấy, cô cho. Tôi chỉ xin bà chiếc bàn là (ủi) gọi là kỷ niệm. Bà phu nhân của vị giám đốc Đông Kinh ngân hàng, bà cô họ tôi, nhìn tôi ngạc nhiên, có lẽ bà nghĩ trên đời này không có đứa nào dại như thế.

Nhưng như thế lại may. Lần cuối tôi tới thăm cô trước ngày bà đi, cô tôi tâm sự thật lòng, bà kể bà rất buồn bởi đám cháu ở Hải Phòng suốt mấy năm rồi vào xin xỏ nhiều quá, gặp cái gì cũng đòi, cũng lấy, như vơ vét của cải vô chủ ngoài đường. Rồi cả cái ông cháu mua nhà kia, làm giấy tờ xong xuôi rồi, chuyển tên rồi, cứ lần lữa không trả hết tiền, chỉ có 3 ngàn 2 trăm đồng mà nó tìm đủ cách thoái thác, đến nay mới trả cô hơn 2 nghìn. Thôi, cô cũng coi như mất, cả tiền lẫn người thân. Bà hỏi tôi lương tháng bao nhiêu, tôi khai cháu được 64 đồng, sống một mình cũng tàm tạm. Bà cho tiền, tôi chỉ xin đúng 100 đồng, gọi là lộc cô cho cháu. Bà cười không nói gì, ánh mắt vui trở lại. Hôm bà đi, tôi không ra sân bay tiễn được bởi đang phải dạy học dưới cơ sở 2 dưới Tiền Giang. Từ bấy đến giờ không còn tin tức gì của bà Thi và những đứa con nữa. Nếu Hiroshi (bà Thi từng nói với tôi rằng cậu con trai bà rành tiếng Việt) vô tình đọc bài này sẽ biết thêm được chút ít về những ngày cuối cùng của mẹ ở Sài Gòn.

Khoảng những năm giữa thập niên 1980 đầu 1990 ở Sài Gòn bùng nổ các quỹ tín dụng. Mấy đại gia như Nguyễn Văn Mười Hai, Lâm Cẩu, Huỳnh Là, Lê Ân… tiền thu vào như nước, trả tiền lời cao vút (16%/tháng) nên thiên hạ nô nức rủ nhau tìm đến gửi tiền. Không có tiền thì bán cả đồ đạc, vay mượn để gửi, lấy lãi mà sống. Đám giáo viên Trường Dự bị đại học TP.HCM lương chết đói chúng tôi cũng nôn nao lắm. Mấy gia đình ở ký túc xá bàn nhau gom góp tiền bạc gửi như người ta để kiếm lời sống qua ngày. Nhưng có một thầy tỉnh táo, thầy Cung Bỉnh Duyệt, một thầy tu xuất, dạy vật lý rất giỏi, bảo rằng bọn quỹ tín dụng này huy động tiền bạc kiểu lấy mỡ nó rán nó, không làm ăn gì thì làm sao sinh ra tiền, sớm muộn cũng chết, đừng dại. Thầy Duyệt nói có lý, nhưng không gửi tiền ăn lời thì làm sao sống qua cái đận khổ ải này. Nhà tôi và nhà thầy Vy (đồng nghiệp, quê Thủy Nguyên, Hải Phòng) cuối cùng quyết định đem gửi vào quỹ tín dụng Chợ Lớn trên đường Châu Văn Liêm, lãi suất tháng lúc đầu 14%, sau đó hạ dần xuống 12%, rồi 10%... May mắn nhất là chúng tôi vừa đáo hạn, rút tiền về (mà cũng chả nhiều, mỗi nhà có mấy trăm bạc) thì bể tín dụng. Quỹ của mấy ông Lâm Cẩu, Huỳnh Là, Nguyễn Văn Mười Hai, Phạm Công Tước bể hết, thiên hạ ùn ùn đi rút tiền không được khóc như ri. Hồi ấy tôi còn nghe chuyện ông Lâm Cẩu, ổng đứng ra trấn an người gửi tiền, ổng bảo bà con đừng lo, ngộ sẽ trả hết, chỉ còn cái quần đùi ngộ cũng lột trả. Còn ông Huỳnh Là giám độc Công ty Đại Thành bị mù, ngay cả ký tên cũng không biết ký, nhiều người bảo nhau mình dại thì chết, ai đời người sáng mắt lại đem tiền đi gửi cho “thằng” mù. Về sau, mấy ổng đại gia đều bị bắt, đi tù, ông Nguyễn Văn Mười Hai và ông Phạm Công Tước bị kết án tử hình. Nghĩ cũng tội, vòng xoáy đồng tiền làm tan cửa nát nhà biết bao người.

Bây giờ nhớ lại, những gì mình liên quan đến ngân hàng phần lớn là vui ít buồn nhiều. Nhưng với những vụ lừa kiểu Huỳnh Thị Huyền Như của Vietinbank vừa rồi thì mình vẫn còn may lắm so với nạn nhân trăm tỉ nghìn tỉ bị mất vào tay mụ đàn bà này. Một chuyên gia về pháp luật nói với tôi, đúng ra thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm, phải bồi thường, nhưng tòa nó cứ tuyên đổ hết cho con mẹ Huyền Như đó thì nạn nhân làm gì được ngân hàng. Nó móc với nhau cả rồi. Ngân hàng vô tội, còn muốn đòi tiền mụ Như thì hãy bắc thang lên hỏi ông giời. (hết) 

Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. Người chép những chuyện như thế này không có mấy Ông nên in thành sách lưu lại.Cảm ơn Ông nhiều!N Đ.

    Trả lờiXóa
  2. Thì vậy ,bây giờ gởi tiền ngân hàng phá sản đền 75 triệu?????? Ngu ráng chịu nha .......

    Trả lờiXóa