Trang

Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

Xảo thuật ngôn từ

Chiều 14.7, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) họp tổng kết 6 tháng đầu năm 2017. Đây là sự kiện bình thường bởi chả riêng bộ này mà nhiều bộ ban ngành khác cũng vào mùa sơ kết ấy. Tuy nhiên đã xảy ra chuyện không bình thường là lãnh đạo Bộ dứt khoát không cho giới báo chí truyền thông vào dự. Dư luận xì xào hay là có tật giật mình, đẹp tốt phô ra xấu xa đậy lại chứ có nhẽ đâu thế.

Cái lý để cấm cửa báo chí có thể một phần do những lùm xùm xung quanh vụ Bộ TN-MT cho phép Công ty TNHH Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được phép “nhận chìm xuống biển gần 1 triệu mét khối vật chất” (từ “nhận chìm” và “vật, chất” là nguyên từ trong giấy phép cấp ngày 23.6.2017 của Bộ TN-MT do Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc thay mặt Bộ trưởng ký). Dư luận xã hội phản đối dữ quá, báo chí săm soi ghê quá nên dường như họ ngại bị vặn vẹo, khó trả lời.

Nói không quá, vấn đề môi trường đang là chuyện hằng ngày nóng hổi nhất trong đời sống cũng như trên mặt báo. Nỗi lo môi trường bị hủy hoại thành mối quan tâm của mọi người, từ vị lãnh đạo cao nhất quốc gia đến người dân vô danh tiểu tốt. Cách đây ít ngày, trên ngay chính tờ báo điện tử Một Thế Giới này, trong mục này đã có bài (Xả thải và tự sát của tác giả Đoàn Đạt) phân tích sâu sắc nguy cơ nói trên, cho thấy môi trường biển đang đứng trước sự tận diệt vô cùng kinh khiếp bởi con người. Chính vì vậy, tôi không nhấn sâu vào điều đó nữa mà quành sang chuyện khác có liên quan.

Trở lại cái giấy phép của Bộ TN-MT và những trả lời của ông Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc với báo chí, cũng như những phân trần của Phạm Ngọc Sơn (Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển đảo) tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Thuận, người ít học nhất cũng thấy Bộ và các quan bộ đang ra sức bảo vệ việc họ đã cho phép đổ xả chất thải xuống biển. Dường như theo ý họ, đây là việc hết sức bình thường, đúng luật, không gây nguy hại gì. Họ ngầm tuyên bố đã làm chỉ có đúng, đừng thắc mắc, ý kiến ý cò. Vẫn cái lối ngụy biện xưa nay của khá nhiều quan chức.

Lý sự phân trần gì đi nữa cũng vẫn lộ ra những quanh co, xảo ngôn. Đường đi hay tối, nói dối hay cùng, huống hồ tìm cách phủ nhận sự thật. Buồn cười nhất là để né tránh sự thực trần trụi xả thải ra biển, các vị ấy chơi chữ “nhấn chìm”, “vật, chất”. Sao không nói trắng phớ ra là cho phép đem đổ ùm ra biển, đổ những thứ thải bỏ không thể dùng được vào việc gì. Tưởng nói thế, ngôn ngữ nhẹ bỗng thế thì sẽ thuận tai dân chúng chăng, bớt lời ra tiếng vào chăng. Các vị đã nhầm, con người bây giờ không dễ bị lừa, nhất là định lừa họ bằng văn bản nhà nước. Có một thời, cách nói, cách diễn đạt, dùng từ kiểu tránh trớ, uốn éo, uyển ngữ đã khá phổ biến, cốt để làm loãng vấn đề, đánh lừa dư luận, kéo suy nghĩ con người ra xa điều thực chất, kiểu như tịch thu vàng thì nói “kim loại có màu vàng”, quá nhiều quan chức tham nhũng thì gọi là “bộ phận không nhỏ”… cũng ít nhiều gây hiệu quả. Tuy nhiên, suy xét tận gốc thì cách đó cũng chả xa sự lươn lẹo, gian dối bao nhiêu. Mà gian dối thì làm sao bền, sớm muộn cũng bị phơi bày.

Vụ “nhấn chìm vật chất” cũng vậy. Nếu các vị cố sống cố chết bảo rằng 1 triệu mét khối đó không phải là chất thải, không độc hại, chúng chỉ là cát sỏi nạo vét, là bùn, vỏ sò vỏ hến… thì dân chúng xin được hỏi sao lại phải mất công đem đi đổ bỏ. Trên khắp nước này, mà ngay ở tỉnh Bình Thuận thôi, đang có biết bao công trình cần “vật chất” để san lấp, thậm chí nếu bán cũng có người mua, cơn cớ gì phải tốn phí phương tiện, nhân lực kéo chở chúng ra đổ bỏ ngoài biển. Chỉ có khi đã xác định đó là chất thải (chưa nói có độc hại hay không) thì mới dám liều “lãng phí” thế. Các vị cầm đầu Bộ TN-MT đã giấu đầu hở đuôi, cái đuôi bảo thủ, cố chấp, làm càn.

Đừng vì mục đích phát triển kinh tế bằng được mà chấp nhận trả bằng mọi giá. Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách, không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới. Biển khơi bao la nhưng không phải là vô tận. Hủy hoại môi trường biển tức là hủy diệt tương lai của loài người, trong đó có chính mỗi người chúng ta, con cháu ta. Bài học Formosa còn nóng hổi, đừng cố tình, nhắm mắt quên. Suốt bao năm buông lỏng tình trạng phá rừng đã khiến rừng xứ ta cạn kiệt, gây bao tai họa trước mắt và lâu dài vẫn chưa đủ hay sao mà giờ đây tiếp tục nhào ra biển, tàn phá hủy hoại biển. Rồi dân tộc sẽ về đâu, sẽ sống làm sao trên cái nền tảng độc địa ấy?

Phải chặn ngay trước khi quá muộn.

15.7.2017
Nguyễn Thông

7 nhận xét:

  1. Thú thật với mọi người, lúc thanh xuân và thi thoảng dọc tuổi bên này dốc đời, tôi có khoái VC. Nhưng dăm bảy năm qua, do quá nhiều sai phạm của chế độ và do cái lũ DLV của VC đẻ ra, ăn nói lưu manh, luận lý trẻ trâu, cái gì của VC cũng đều đúng, đều tốt, đều thánh cả, tôi không còn một chút cảm tình; nói ác mồm, trông nó xụm bà chè càng nhanh càng bớt tức mắt, chướng tai. Cũng cùng lò, tôi đọc câu chữ của ông Thông, tôi cảm được ông là nhà báo chân chất, ít oi giữa cái bừa bộn chữ nghĩa, thông tin hằng ngày. Nói điều này, tôi cóc cần vuốt ông Thông để làm gì nhưng ít ra cũng góp lời để ông vui đi tiếp cái kiếp con tằm phải nhả tơ của cái nghiệp ngứa tay, ngứa mồm, ngứa mắt. Mấy ngày qua, sau bài bảng 2 mộ chí ở sân bay TSN không còn, gây khó khăn cho việc tìm hài cốt LSVC và bài này, xảo ngôn khi chọn từ 'nhận chìm vật chất'ở Vĩnh Tân, ông Thông bị đám DLV lý sự cùn, điên cuồng rủa sả. Nào là, bảng mộ chí dựng 1968, đến 1975 tính ra 7 năm, làm sao mà còn. Nào là, vật chất cho phép nhận chìm là cát rất mịn, nhận chìm triệu mét khối ra biển như đổ cốc nước vối xuống Hồ Tây. Nào là não ngắn, xuyên tạc...
    Vài thông tin dậy sóng khác, không phải từ chỗ ông Thông đưa tin, như chuyện ông Phúc quạt xoành xoạch khi được mời nghe thưởng thức nhạc thính phòng nhân hội nghị G20, thơ ĐTQ, ông Phúc lại ba hoa là của GN khi tiếp xúc với bà con người Việt tại Đức...bọn DLV cũng đều cãi bay. Trong những ngày gần 27-7 này, tôi thấy hận và thương cho bao con người đã hy sinh để dựng lên một chế độ mà càng ngày đám lưu manh quá nhiều mà người tử tế quá hiếm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người trí thức như TMĐ rất nhiều từ nhiều năm nay!Nhưng đất nước vẫn oằn đau dưới một tập đoàn gian manh quỷ quyệt!Âu cũng là nghiệp chướng của dân tộc mình!

      Xóa
  2. Rất đúng cám ơn tác giả." Đường tắt hay tối, nói dối hay cùng " có lẽ đúng hơn Anh ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Đường đi hay tối. Nói dối hay cùng". Đây là tục ngữ chính thống. Đối với giới bình dân, ý nghĩa tục ngữ này khá khó giải thích. Vài dị bản xuất hiện để dễ thuyết phục hơn như" Đường tắt hay tối. Nói dối hay cùng" hoặc "Đường tắt hay rối. Nói dối hay cùng"...Tuy nhiên, xét về mặt đối âm tiết, đối thanh điệu, đối từ loại, đối ý thì câu tục ngữ "Đường đi hay tối. Nói dối hay cùng" vẫn chính thống, thông dụng và là sự chọn lựa sử dụng đúng đắn và chính xác nhất. Thưa Bạn ND 12:41 và có thể còn nhiều bạn đọc khác. Kính!

      Xóa
  3. " Đường tắt " hay " Đường đi " trong câu tục ngữ " Đường đi hay tối nói dối hay cùng " bạn TMD 14:59 có thể tham khảo ở :Tuấn Công thư phòng. Kính.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn chú ý các thanh điệu đối nhau: ĐƯỜNG ĐI(bằng), TỐI(trắc) đối với NÓI DỐI(trắc), CÙNG(bằng). Lỗ Tấn nói:"Trên đời này làm gì có đường. Người ta đi lại mãi mà thành". Không gian, thời gian ra đời của ĐƯỜNG gắn chặt với xuất xứ câu tục ngữ. Vậy ĐƯỜNG hết lối(tối là hết lối) là chuyện dĩ nhiên. Mô típ dân gian thường lấy cái dĩ nhiên của tự nhiên cụ thể gút kết cái dĩ nhiên của hành xử trừu tượng để hướng giáo con người.
      Vun bồi gốc rễ, lá cành xanh tốt=>Chăm chút
      ông bà, dòng họ, cháu chắt đông vui, hiển đạt. "Đường tắt hay tối" thì dễ hiểu trong thời hiện đại khi nói năng, giao tiếp. Còn đã gọi là tục ngữ thì "Đường đi hay tối" đắc dụng hơn hẳn vì nó hội đủ các yếu tố cần thiết ngôn ngữ văn học.

      Xóa
  4. Chúng tôi những người già đọc báo mạng chẳng ai có tài khoản do vậy đành phải viết đôi câu vào mục nặc danh chứ chả sợ gì khi mình nói thật,đôi khi câu từ còn lủng củng mong ông Thông đại xá vui lòng!N Đ.

    Trả lờiXóa