Trang

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Phản cách mạng màu

Đang có những quan điểm, ý kiến trái chiều, thậm chí khá gay gắt về việc các bạn trẻ ở một vài đô thị (trong đó có Hà Nội và Sài Gòn) trang điểm đường phố bằng cách vẽ cây cỏ hoa lá sặc sỡ lên các cột điện, nắp cống.

Những người khen cho rằng cần phải khuyến khích động viên việc làm này của thanh niên, dù sản phẩm của họ chưa đẹp, chưa tạo thẩm mỹ tốt nhưng các bạn trẻ có ý thức làm đẹp thành phố, cái tâm của họ trong sáng. Có ý kiến còn thẳng ruột ngựa hơn, bảo rằng thiên hạ đã không làm thì đừng có chê, có giỏi thì đứng ra vẽ thử xem, đã bằng thanh niên chưa mà ỉ ôi này nọ.

Phía chê cũng chả vừa. Khá nhiều họa sĩ chuyên nghiệp, rồi cả những nhà chuyên nghiên cứu về đời sống đô thị, và nhiều nhất là những công dân bình thường, lên tiếng rằng đừng bôi bẩn thành phố, đẹp đâu chưa thấy chỉ thấy lem nhem, mất thẩm mỹ, biến phố phường thành không gian vườn trẻ, nên ngừng ngay trước khi sự khởi động này thành nạn bôi bẩn đại trà, v.v..

Kẻ chê người khen đều dựa trên cái lý và sự cảm nhận của riêng mình, nếu cứ bắt bẻ đúng sai thì cuộc tranh luận chả bao giờ có hồi kết. Chỉ có điều khi lý luận còn đang giằng co như thế thì các bạn trẻ như đứng ở ngã ba đường, chẳng biết có nên tiếp tục vẽ hay ngừng, làm nữa hay thôi, vẽ hay không vẽ.


Điều dễ nhận thấy nhất là, đoàn thanh niên, cụ thể là những bạn trẻ sinh viên học sinh trong màu áo xanh tình nguyện có tấm lòng yêu quý đối với thành phố mình. Họ muốn đô thị đẹp đẽ, sinh động bắt mắt, thu hút mọi người. Họ muốn đóng góp sức trẻ vào việc làm đẹp cộng đồng, tạo không gian đáng sống. Nhưng cũng cần phải nói thẳng, dù các bạn ấy đã từng làm được rất nhiều việc tình nguyện có ích, như Mùa hè xanh, Tiếp sức mùa thi, Vui trung thu với trẻ em nghèo, Góp đá xây dựng Trường Sa…, thì riêng việc vẽ vời này, theo tôi, cần phải xem lại, phân tích cho thấu đáo.

Chả nói ra thì ai cũng biết, cột điện và nắp cống là những thứ luôn đập vào mắt ta trên phố xá, tuyến đường. Mỗi thứ có chức năng riêng của nó, muốn nó kèm thêm gánh thêm chức năng khác thật không dễ, không đơn giản chút nào. Cột điện đương nhiên để chăng dây điện, còn nắp cống (còn gọi là hố ga) thì chặn cửa nhận nước của hệ thống cống rãnh. Cây cột điện được coi là “có văn hóa” phải là trụ không có dây điện rối chằng rối chịt như tơ vò, rủ lòng thòng ngang dọc, không bị bôi bẩn do ai đó dán lớp này chồng lớp kia đủ thứ quảng cáo khoan cắt bê tông, hút hầm cầu, chữa yếu sinh lý, bán nhà bán đất... Một cây cột điện đạt yêu cầu thẩm mỹ phải là cột điện sạch, dây nhợ gọn gàng chứ không phải bôi cho nó xanh xanh đỏ đỏ, trang trí hoa hoét. Đó còn chưa nhắc tới khả năng những tấm áo hoa sặc sỡ cho cột điện có thể gây nguy hiểm cho người đi đường bởi khiến họ bị phân tán đầu óc khi lưu thông.

Cái nắp cống được trang trí con chim con cá, hình ảnh thiên nhiên cũng không hẳn là hay. Nắp cống cốt yếu nhất phải chắc chắn, kín đáo, sạch sẽ, đừng chỗ cao chỗ thấp, đừng lở lói, chứ không phải đẹp. Màu sắc, hình ảnh này nọ phủ lên không hợp với nắp cống. Cống là chỗ chứa thứ nước bẩn, rác rưởi, bùn nhơ, tanh tưởi, hôi hám, nằm tịt dưới đất, nếu đem cái đẹp, đem sắc màu phủ lên nắp cống thật chả hợp tí nào. Sẽ rất phản mỹ cảm nếu hình ảnh trang trí trên nắp cống nằm lẫn với bùn rác hôi thối (điều này rất dễ xảy ra, nhất là vào mùa mưa). Người đi bộ thường phải bước trên nắp cống, họ sẽ phân vân khi bàn chân dẫm lên cái đẹp. Chả ai muốn đạp lên một bức tranh, nhưng đang đi thì cứ phải bước lên thôi.

Tôi không cực đoan như một số người gọi những màu mè hoa hoét đó là một dạng rác đô thị, chỉ nghĩ rằng khi làm một điều gì, dù cái tâm, tức tấm lòng ta, có trong trẻo, có tốt mấy đi nữa, thì cũng nên nghĩ cho chín, cho đủ rồi hãy làm. Cái sức, cái nhiệt tình bôi vẽ đó, nếu ta dành cho việc thường xuyên quét dọn rác rưởi, giữ phố sạch đường quang, nhắc nhở mọi người ý thức tạo lập nếp văn hóa công cộng, khơi thông cống rãnh… thì sẽ đẹp hơn, hiệu quả hơn. Làm đẹp cuộc sống, ai chả muốn, ai chả thích, chỉ có điều phải làm cái gì và làm như thế nào cho hợp.

Có lẽ việc bôi màu lên cột điện, nắp cống cũng là một dạng bệnh hình thức. Ai đó nếu có trách nhiệm khơi động phong trào, mở màn những việc như trên thì chỉ chăm chú tạo cái vỏ bề ngoài mà không xoáy vào thực chất, chỉ nhìn thấy lợi một mà không thấy hại mười, chỉ cốt gây ấn tượng mà không hình dung ra sự phản ứng đã chứa sẵn bên trong. Hình thức luôn đi đôi với lãng phí. Rất có thể các bạn trẻ đã mất nhiều công sức, tiền bạc cho việc vẽ lên cột điện sẽ lại phải mất không ít công của để bôi xóa những chỗ đã bôi lên.

Viết đến đây trong đầu tôi lại hiện lên những băng rôn khẩu hiệu mà người ta đã chăng ngang trên đường. Cứ mỗi dịp kỷ niệm hoặc tuyên truyền điều gì đó là khẩu hiệu giăng đầy. Có những khẩu hiệu kín đặc chữ, vài chục chữ chi chít, từ xa thì không đọc được, tới gần phải ngóc đầu lên, đọc cũng chả kịp, chẳng nắm được gì, mà lại rất nguy hiểm dễ gây tai nạn xe cộ. Ai cũng hiểu điều đó nhưng người chăng cứ chăng, người không đọc cứ không đọc, tốn kém cứ tốn kém, chả ai nghĩ tới hiệu quả. Bệnh hình thức quả thật đã ngấm vào máu, khó chữa.

Mong sao những bộ não phụ trách mọi phong trào trong cuộc sống hãy nhìn xa hơn, cao hơn, kỹ hơn dù là đang nhìn vào nắp cống, cột điện.

Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. Đất nước của khẩu hiệu ,chỗ nào cũng có,đọc chẳng ai hiểu họ nói gì,hoa cả mắt!N Đ.

    Trả lờiXóa
  2. "Có những khẩu hiệu kín đặc chữ, vài chục chữ chi chít, từ xa thì không đọc được, tới gần phải ngóc đầu lên, đọc cũng chả kịp, chẳng nắm được gì, mà lại rất nguy hiểm dễ gây tai nạn xe cộ"

    Ý dư thế lày "Ai đọc khẩu hiệu chết ráng chịu"

    Thật ra cách giải quyết không khó chuyện vẽ hoa, có điều nước mình hổng phải tư bẩn giãy chết nên không biết có áp dụng được không .

    Bên này chia ra 2 loại không gian, không gian riêng & công cộng . Không gian riêng, aka nhà mình, muốn vẽ trăng hoa gì cũng được . Nhưng không gian chung thì theo quy định là không được làm gì trái với quy định . Thẩm mỹ thì 9 người 10 ý, có nghĩa ai muốn vẽ gì cứ lấy phấn ra mà vẽ . Không được dùng sơn . Street arts (nghệ thuật đường phố) đừng dùng sơn trên public properties (tài sản công cộng) vì có thể đ/v người này hoa hòe hoa sói là đẹp, nhưng với người khác lại sến sựa, và ngược lại, tốt hơn hết là dẹp . Nếu nhà nước muốn làm đẹp không gian công thì commission nghệ sĩ (qua tuyển chọn, thi cử ...). Nhưng cũng có (rất nhiều) ngoại lệ . Thường thì ai dùng sơn lên tài sản công cộng, cảnh sát bắt được thì chỉ phạt & bắt chùi rửa . Không bắt được thì đem tù ra chùi rửa . Nhưng cũng có những hình quá đẹp, quá hoành tráng mà dân chúng lại thích, thế là chính phủ để kệ . Giống như 1 thư viện ở Los Angeles, có ai đó vẽ chân dung Frida Kahlo quá đẹp ở bức tường phía sau, ai thấy cũng trầm trồ, thế là chính phủ để nguyên, còn bảo tồn khi bị mưa gió .

    Việt Nam không có không gian chung lẫn không gian riêng vì tất cả là "sở hữu toàn dân", tức là dân không sở hữu gì cả . Sổ đỏ chỉ là giấy phép (đã xin được phép xử dụng đất, nên không có sự phân biệt giữa 2 loại không gian chung & riêng . Tuy vậy, có 1 cách trung dung, tức là nếu vẽ vời thì vẽ những gì mọi người đều đồng thuận . Việt Nam chỉ có 1 thứ duy nhất mọi người có thể đồng ý đó là Cụ Hồ . Thay vì vẽ hoa hòe hoa sói, nên có phong trào vẽ chân dung Cụ Hồ đầy đường, chỗ nào cũng có chân dung Cụ hết, từ ghế công viên cho tới cột điện ... Không ai có thể phản đối lòng người nghệ sĩ đ/v Cụ Hồ cả, thế là ổn cả mọi phía, chính quyền lẫn người dân . Và muốn vẽ to thế nào cũng được, đôi khi càng to càng tốt . Thêm cái lợi, những cặp đôi dắt nhau ra công viên, thấy chân dung Cụ là cụt hứng => thành phố càng nền nếp, gia giáo .

    Trả lờiXóa