Trang

Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2017

Trạm BOT phải dời về đúng chỗ chứ không cần miễn giảm

Khi đất nước vào quá trình hội nhập kinh tế, thu hút sự đầu tư của của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, có một khái niệm mới, dưới dạng từ tiếng Anh viết tắt, được sử dụng ngày càng nhiều, phổ biến. Đó là BOT. Đây là viết tắt của cụm từ Build - Operate - Transfe, có nghĩa Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao. Khi cần phát triển đất nước nhưng nguồn tài chính công lại hẻo, khó khăn, thì chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp (tập đoàn, công ty) bỏ vốn xây dựng trước (build, thông qua đấu thầu), sau đó doanh nghiệp được khai thác vận hành một thời gian theo thỏa thuận (operate) và hết hạn sẽ chuyển giao (transfer) lại công trình cho nhà nước. Đại loại nguyên tắc của BOT là như vậy.

Lâu nay có không ít người hiểu phương thức BOT chỉ gắn với giao thông, xây dựng cầu đường. Thực ra BOT có mặt ở nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Làm cái nhà máy điện (nhiệt điện, thủy điện, điện mặt trời) để cung cấp điện năng cho đất nước, cho sản xuất và sinh hoạt, rất cần BOT, nhất là với những doanh nghiệp có kỹ thuật cao, kinh nghiệm về điện. Một số lĩnh vực khác cũng vậy, điều quan trọng là cả hai bên (nhà nước và nhà đầu tư) cùng có lợi, trong đó nhà đầu tư đóng vai người kinh doanh, bỏ vốn ra và thu dần vốn cũng như lãi về. Có lời lãi thì mới làm, không có lời, chả ai dại “ném tiền qua cửa sổ”.

Thu hút, hấp dẫn nhà đầu tư nhất chính là những dự án BOT giao thông. Một đất nước muốn phát triển nhanh mọi mặt không thể để tình trạng hạ tầng giao thông yếu kém, lạc hậu, manh mún. Đường sá là những mạch máu nuôi cơ thể đất nước, mạch máu càng trôi chảy, thông suốt, không bị ách tắc thì đất nước càng phát triển, kinh tế - xã hội càng mau thay đổi. Thực tế cho thấy những nước đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, thông thoáng, thuận tiện chính là những quốc gia phát triển rất nhanh. Nước ta từ khi hội nhập đã chú trọng xây dựng, làm mới đường sá, cầu cống, sửa chữa nâng cấp đường cũ nên đã có nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội. Không phải không có lý khi ở một nước nông nghiệp - nông thôn - nông dân chiếm tỷ trọng cao nhất thì 4 ưu tiên “điện, đường, trường, trạm” được hết sức coi trọng, mà đường đứng ở vị trí thứ 2.


Điều mà hầu như ai cũng nhận thấy, khi tài chính, vốn liếng ngân sách còn eo hẹp thì khai thác những nguồn vốn khác để thúc đẩy sự phát triển, trong đó có những dự án BOT, là cần thiết. Xã hội hóa là chủ trương đúng đắn của nhà nước, được nhân dân đồng tình và ủng hộ. Sửa chữa, nâng cấp, hiện đại hóa những con đường cũ, xây những con đường mới, cây cầu mới, giúp việc đi lại thuận tiện hơn, nhanh hơn, ai mà không ủng hộ. Chả riêng gì nước ta, trên thế giới dường như nước nào cũng có dự án BOT giao thông, có trạm thu phí. Một người bạn tôi nhiều năm sống ở Mỹ cho biết nước Mỹ thuộc loại có nhiều trạm thu phí BOT nhất thế giới, nhưng bạn ấy cười bảo bây giờ có lẽ phải chịu xuống hạng, đứng sau Việt Nam.

Nói những điều như trên để rút ra kết luận ban đầu rằng dân chúng không hề có tư tưởng, suy nghĩ phản đối dự án BOT. Đừng qua những thực tế nóng bỏng ở trạm thu phí Cai Lậy đã và đang xảy ra, rồi ở biết bao trạm thu phí khác trên nhiều tuyến huyết mạch quan trọng, như các trạm BOT Bến Thủy, Quán Hàu, Việt Trì, Kinh Môn, cầu Đuống, Pháp Vân-Cầu Giẽ… chịu sự phản ứng của dân chúng để quy rằng “dân chúng có vấn đề”. Điều quan trọng, chính phủ và các cấp bộ ngành liên quan cần nghiêm túc và khách quan xem xét tình trạng “trạm thu phí có vấn đề”, không có lửa thì làm sao có khói.

Chúng ta cần lật lại từng khía cạnh một để lý lẽ cho thuận nhĩ (lọt tai). Điều đầu tiên, cần khẳng định đường sá cầu cống giao thông là tài sản quốc gia, tài sản của toàn dân, ai cũng có quyền sử dụng. Đường giao thông là một phần trong thành quả cách mạng mà nhân dân đã giành được sau những cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, thậm chí có thể nói những con đường ấy được trả bằng sinh mạng, xương máu nhân dân. Nó là đường vinh quang đúng nghĩa nhưng xây bằng sự hy sinh của dân chứ không phải bằng xác quân thù. Không ai có quyền ôm những con đường đó về riêng mình để rồi bắt dân muốn đi qua phải “nộp tiền mãi lộ”.

Bằng hoạt động của mình, người dân đã thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước. Cùng với những nguồn thu khác (thuế doanh nghiệp, tiền bán tài nguyên…), thuế từ sức dân đã tạo nên ngân sách để phát triển đất nước. Nhà nước là lực lượng thay mặt dân đứng ra quản lý, điều hành đất nước, nhà nước sử dụng nguồn ngân sách ấy phục vụ lại nhân dân. Về mặt giao thông, nhà nước phải chịu trách nhiệm dùng tiền do dân đóng góp để tu sửa nâng cấp đường sá đã có, xây dựng những trục lộ cốt yếu, quan trọng, vừa để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ an ninh - quốc phòng, vừa tạo thuận tiện đi lại cho dân. Về nguyên tắc, những con đường như thế không được thu phí của dân, nhất là với những con đường đã có từ trước, bởi chi phí nâng cấp, xây dựng đều từ tiền của dân. Không thể thu chồng thu như thế được.

Cũng phải nói rõ điều này: Nhà đầu tư bỏ tiền ra làm mới hẳn một con đường hoặc xây một cây cầu, lập một bến cảng, thậm chí làm một sân bay… thì được quyền thu phí bởi đó là quyền lợi của họ. Không thể bắt người ta bỏ vốn liếng ra mà không thu lại cái gì. Đây là làm ăn, kinh doanh, cùng có lợi, chứ không phải hoạt động từ thiện. Có những dự án số tiền xây dựng, đền bù giải tỏa, v.v.. lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng, hàng vài trăm triệu USD nhà đầu tư phải bỏ ra, số tiền thu hồi vốn kéo dài vài chục năm nhưng nhà đầu tư vẫn quyết làm bởi dù gì đi nữa vẫn có lãi, nhất là thực hiện dự án BOT công trình giao thông. Ai sử dụng những con đường đó thì phải chấp nhận trả phí cho nhà đầu tư, chả có gì bàn cãi. Chẳng hạn xưa nay tuyến Hà Nội - Hải Phòng vốn đã có đường số 5 nổi tiếng, vì là độc đạo nên ngày càng ùn tắc, chật chội, không đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhà nước đã duyệt dự án, nhà đầu tư đã bỏ vốn làm tuyến cao tốc nối thủ đô với thành phố cảng hoàn toàn mới, rất hiện đại, rút ngắn hẳn một nửa thời gian hành trình. Xe nào muốn đi nhanh, muốn vi vu cao tốc thì phải nộp tiền, phí dù cao hay thấp cũng phải chịu, hoàn toàn tự nguyện chứ chẳng ai bắt buộc. Không trả tiền, xin mời đi đường khác, đi theo đường 5 cũ. Tuy nhiên, nhà nước đừng toa rập với chủ đầu tư bằng cách tăng phí đường số 5, một dạng ép nhà xe phải lựa chọn một trong hai cái xấu. Đúng ra quốc lộ 5 dù được nâng cấp nhưng cũng là tiền rút từ ngân sách, hoặc từ nợ vay nước ngoài mà dân phải nai lưng ra trả, không được quyền thu phí. Dân suốt bao năm phải cắn răng trả phí cho việc đi lại trên đường 5 là đã quá vô lý rồi.

Tôi muốn nhắc đến trường hợp cây cầu Cỏ May trên quốc lộ 51 đoạn sát cửa ngõ vào TP.Vũng Tàu. Khi chưa có cầu BOT Cỏ May mới thì dân chúng qua lại hai chiều trên cây cầu Cỏ May cũ rất chắc chắn do người Mỹ xây dựng thời trước năm 1975, hoàn toàn không phải nộp phí. Sau khi làm cầu mới trên nhánh đường mới, cầu cũ thành một chiều, ai đi Vũng Tàu (hoặc ngược lại) đều phải chịu phí. Ngay cả tuyến quốc lộ 51, một con đường cũ, nhà đầu tư chỉ nâng cấp mở rộng, thế là họ được quyền “thu tiền mãi lộ” móc vào túi dân, điều mà lẽ ra với những con đường như thế này nhà nước phải chịu trách nhiệm làm lại cho dân đi. Bây giờ từ TP.HCM đi Vũng Tàu, ai muốn lướt gió trên cao tốc Sài Gòn - Long Thành - Dầu Giây xin mời cứ chuẩn bị sẵn tiền trả cho cuộc sống chất lượng cao, tuy nhiên đi trên đoạn quốc lộ 51 mà vẫn bị mất tiền thì quả thật bất hợp lý.

Cứ như báo chí thông tin thì đến cuối tháng 10 tới hầm đường bộ đèo Cả (thuộc quốc lộ 1 nối 2 tỉnh Khánh Hòa - Phú Yên sẽ đi vào hoạt động. Con hầm trí giá mấy nghìn tỉ đồng ấy, xe nào muốn an toàn chui qua, lại nhanh nữa, đương nhiên phải trả phí. Trạm thu phí hầm đèo Cả chả bị ai phản đối bởi nó được đặt đúng chỗ, nhằm vào đúng đối tượng. Nếu không thích hầm, tức là không muốn mất tiền, xin mời các bác lại leo đèo theo lối cũ.

Dân nuôi nhà nước, nhà nước có trách niệm nâng cao đời sống nhân dân. Con sông bấy lâu cách trở đò ngang, khi có điều kiện, nhà nước phải làm cầu cho dân qua lại. Nhà nước đừng quan niệm mình đã đứng ra vay tiền bắc cầu cho dân qua sông, dân không phải lụy đò nữa thì dân phải trả tiền phí qua cầu. Vậy dân đóng thuế để làm gì? Xưa nay bộ máy này vẫn tuyên truyền dân đóng thuế là quyền lợi, nghĩa vụ, là vinh dự và trách nhiệm xây dựng đất nước, vậy cớ sao lấy tiền ấy xây cầu rồi tiếp tục móc túi dân “lấy mỡ nó rán nó”. Cũng đừng lý sự trước kia dân đi đò hoặc đi phà vẫn phải trả tiền, chả nhẽ chính quyền của dân vì dân chỉ sánh với chủ đò ngang ư? Dân không nộp thuế nuôi chủ đò thì chủ đò có quyền thu tiền để trang trải chi phí sức lao động, hao mòn phương tiện mà họ bỏ ra. Nhà đầu tư nào chi tiền xây hẳn cây cầu mới, như cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống chẳng hạn, thì ai qua phải nộp tiền. Còn cầu Mỹ Thuận, cầu Bãi Cháy, cầu Bến Thủy… mà cũng thu tiền là điều vô lý bởi dân không thể 2 lần đóng tiền cho một thứ.

Quay trở lại chuyện trạm thu phí Cai Lậy. Rất rõ ràng nó đã được đặt không đúng chỗ. BOT đâu thì hãy đặt ở đó, đừng tạo thêm những đồn bốt ngăn chặn hạch hỏi tại nơi nhà đầu tư không có quyền. Dân chúng phản đối thu phí không phải chuyện phí cao hay thấp, ít hay nhiều, mà là vô lý. Hãy trả trạm về đúng chỗ của nó. Sai thì phải sửa. Phải lắng nghe dân, nhất là khi dân có lý. Không được à uôm muốn được lòng cả hai, như kiểu cho phép tạm miễn phí, giảm phí cho một số đối tượng, trong thời gian nào đó... Không thể miễn, giảm phí qua trạm thu phí Cai Lậy bởi vì cái sai ở đây là vị trí đặt trạm chứ không phải là mức phí.

Theo một chuyên gia kinh tế, phải buộc trạm thu phí dời vào phần đường tránh mà họ đã đầu tư. BOT là đầu tư để cho người dân có thêm lựa chọn chứ không phải là chặn cửa, đơm đó, buộc mọi người dân dù đi đường cũ hay đường mới đều phải trả tiền. Bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư không có nghĩa chấp nhận cái sai của họ. “Dân vi quý, quân vi khinh”, dân mới là đáng quan tâm nhất. Nếu tiếp tục duy trì trạm thu phí bất hợp lý Cai Lậy trên quốc lộ 1, thì dân có quyền không nộp bởi không thể chấp nhận cái sai, sự vô lý, bất hợp lý đã quá rõ.

Người xưa nói “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, đừng trách dân, hãy tự trách mình đã dung túng cho sự làm sai làm bậy.

Nguyễn Thông





2 nhận xét:

  1. Hay nhỉ, nước ta muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội nên cái gì của tư bẩn giãy chết cũng đem về cho bằng hết .

    Lạy bác Thông, đúng là bên xứ đế quốc đầu sỏ này nhiều trạm thu phí giao thông, nhưng bắt buộc phải có đường cùng tuyến nhưng không tốn tiền . Có 2 cách làm; 1- lượng xe lưu thông quá tải nhưng chính phủ hết tiền . Tư nhân sẽ bỏ ra làm thêm làn đường, ai muốn đi qua làn đường đó thì phải đóng tiền . Ai không muốn thì lết . Nhưng với số tiền không đáng kể (75c tới 1.25 đồng) nhiều người chịu bỏ tiền ra, quan niệm thời gian là vàng bạc . Tiết kiệm được thời gian tức là tiết kiệm đuợc vàng bạc . Consequently, giải tỏa bớt lượng lưu thông, có nghĩa nhờ vậy lượng lưu thông trên xa lộ không tốn tiền cũng giảm đáng kể, bần tiện cũng được lợi .

    2- Tư nhân xin được phép chính phủ làm đường tắt . Chính phủ phải làm đường qua hết tất cả các town & cities, bất kể lớn nhỏ . Nhưng sẽ có những khu nổi lên thành những khu chính (hubs). Nếu theo đường chính thì đi từ hub này tới hub khác xa vạn dặm . Tư nhân bỏ tiền ra xây đường nối 2 cái hubs mà bỏ qua tất cả những khu ít dân cư ở giữa . Ai muốn đi từ hub này đến hub khác lẹ thì cứ trả tiền . Và tất nhiên tiền cũng không đáng bao nhiêu .

    Cái chính là nếu chỉ có 1 con đường duy nhất từ chỗ này đến chỗ kia & phải đóng tiền, dân tư bẩn giãy chết sẽ chửi cho tắt bếp, và đuổi cổ thằng điên nào trong chính phủ ra quyết định ngông cuồng đó .

    Thực chất của đường đóng tiền ở xứ giãy chết này là vậy, chứ hổng phải như bác Thông tưởng bở .

    Nhưng dân mình hổng phải tư bẩn giãy chết, mà là công dân xã hội chủ nghĩa, có nghĩa bó tay bó chân bó chiếu đem chôn chấm cơm . Người nào còn ngáp ngáp thì lựa lời mà khuyên Đảng nhẹ nhàng & thâm trầm à la mode trí thức xã hội chủ nghĩa . Tớ tài nông đức cạn, tâm cũng chả sáng nên hổng lãnh hội được mấy trò đó . Xin kiếu vậy .

    Trả lờiXóa
  2. Tất cả đất ,dân VIỆT là của đảng ,đảng muốn làm gì chả được ai có ý không theo là phản động đấy,.

    Trả lờiXóa