Nhân chuyện ông Võ Kim Cự, “người hùng” Formosa bị hàng loạt kỷ luật, vừa rồi lại thôi chức Chủ tịch Liên minh các hợp tác xã Việt Nam để về hưu (chắc là tiếc đứt ruột), bất giác nhớ những gì
liên quan đến hợp tác xã hồi trước.
Bây giờ, mở tờ báo ra là thấy nhan nhản những công ty, tổng
công ty, tập đoàn, những đơn vị kinh tế hùng mạnh, những quả đấm thép này nọ, với
người đứng đầu là giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch quyền nghiêng thiên hạ. Nhưng
cái thời tôi còn trẻ, báo chí ít, giá có mở trang báo ra thì chỉ thấy nói đến hợp
tác xã. Chỗ nào cũng hợp tác xã. Nhiều đến mức người ta viết tắt thành HTX cho gọn,
viết mãi thành quen, cứ đọc 3 chữ cái tắt ấy hiểu ngay là hợp tác xã, không cần
ai giải thích.
Những năm 60-70 ở miền Bắc, HTX có 2 loại chính: HTX nông
nghiệp và HTX của những ngành nghề khác, ví dụ HTX mua bán (thương nghiệp), HTX
vận tải, HTX bốc vác, HTX tín dụng, HTX chụp ảnh, HTX may mặc, v.v.. Phổ biến
nhất, đáng kể nhất là HTX nông nghiệp và HTX mua bán. Xã Thụy Hương (huyện Kiến
Thụy, Hải Phòng quê tôi) có cả hai HTX ấy.
Những năm 1953-1956, chính quyền cách mạng thực hiện cuộc cải
cách ruộng đất tịch thu ruộng đất nhà cửa của địa chủ phú nông chia cho nông
dân. Trong những thất bại của cách mạng thì đây là “thất bại vĩ đại” nhất, kinh
khủng nhất, tuy nhiên ráng gạn đục khơi trong thì cũng nên công nhận một điều là
khá đông nông dân nghèo (chứ không phải tất cả) đã có ruộng đất, có đất mà làm
ăn canh tác. Mơ ước nghìn đời “người cày có ruộng” thành sự thực, dù nó phải trả
bằng bao nhiêu máu, bi kịch của người khác. Chỉ có điều, ruộng đất về tay nông
dân chưa được bao lâu thì vài năm sau chính quyền lại làm cuộc cách mạng vĩ đại
tiếp theo là tịch thu ruộng đất của nông dân, bắt họ vào HTX. Lần này triệt để
hơn, bất cứ hộ nông dân nào, dù trước đó có được chia ruộng đất hay không, dù đất
đai do cha ông để lại, dù tự mua được, đều phải “tự nguyện” gia nhập HTX.
Thày bu tôi chịu khó làm ăn cày cấy, dành dụm từng đồng nên
dần mua được ruộng. Tới đầu thập niên 1960 nhà tôi có gần 9 sào (mỗi sào Bắc bộ
360 mét vuông), tổng cộng hơn 3.000m2 vừa nhà cửa, vườn tược, ruộng nương, thực
ra không phải là nhiều, chừng ấy chỉ đủ cho một gia đình nông dân sống tạm đủ.
Bão HTX lan tới quê tôi (Hải Phòng), hầu hết hộ dân phải nộp đất nộp trâu vào hợp
tác. Tới năm 1963 xã tôi chỉ còn 3 hộ cá thể là nhà tôi, nhà bác Ỷ, nhà bà Nhu chưa
vào. Lý do, thày tôi sau vài năm quan sát chuyện làm ăn của HTX nhận thấy ngày
càng phú quý giật lùi, người ta chỉ dựa dẫm nhau, người lười cũng như người
chăm chả phân biệt gì, thóc gạo khoai sắn ngày càng ít, nồi cơm độn ngày càng nhiều,
nhìn chung là đói, nên nhất quyết không chịu vào. Thày tôi bảo vào mà đói rã họng
thì vào làm gì.
Hồi ấy người ta hay kể cho nhau nghe chuyện trời sáng bảnh mắt,
mặt trời lên cao cả cây sào xã viên mới đủng đỉnh ra đồng. Chả ai tha thiết với
ruộng đồng, với việc chung, chỉ cốt có mặt, có công điểm để được chia thóc thôi.
Có cả chuyện mấy xã viên nghỉ giải lao chán chê mới giương cái vồ lên đập nương
(đập đất ải cho tơi) vừa lúc nghe tiếng kẻng báo hết buổi làm liền không tội gì
đập xuống nhát ấy, tiện vác vồ lên vai về nhà luôn. Chả bù với nhà tôi khi chưa
vào hợp tác, biết mùa hè thường nắng gắt nên cả nhà ra đồng sớm lúc còn mờ
sương, làm tầm này rất mát, nào tát nước, đập nương, dỡ khoai, gặt lúa, làm cỏ,
bón thuốc lào… nên khá nhàn nhã mà được việc. Thuế má, lương thực nghĩa vụ cho
nhà nước vẫn nộp đủ, nồi cơm trắng thơm không phải độn, có tiền mua con cá con
tôm. Nhiều nhà xã viên cũng biết vậy nhưng họ đã trót vào hợp tác mất rồi,
không giãy ra được.
Cuối năm 1963, thấy vận động không được, chính quyền thông
báo sẽ cưỡng bách 3 hộ phải vào HTX bởi không thể để vài gia đình lạc hậu cản
trở con đường tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Không vào hợp tác sẽ
không có nước tưới ruộng, con cái không được kết nạp đoàn, không cho đứa nào đi
học chuyên nghiệp, đi thoát ly, chỉ có mỗi đi bộ đội thì được. Căng quá, thày
bu tôi tặc lưỡi, không vào thì sẽ khổ các con. Thế là đầu năm 1964, 3 thành lũy
cuối cùng làm ăn tư hữu, nhà tôi, bác Ỷ, bà Nhu làm “đơn tự nguyện vào hợp tác”.
Cả xã tôi kể từ đó chính thức tiến lên chủ nghĩa xã hội. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Nghĩ đến HTX nói chung,cho dù HTX cắt tóc,hay may mặc vv mỗi HT đều có những câu chuyện cười ra nước mắt của một thời khốn khó,bây giờ nhớ lại thì có HTX chăn nuôi là hơn cả,nó ít người ,trực thuộc Ban quản trị HT,tài sản toàn miếng chín ,cũng đi làm lấy công điểm ,nhưng mỗi khi họp Ban quản trị,BQT.Họ liên hoan thịt lợn gà hay tát ao bắt cá cũng được ăn ké,vào đây làm phải người nhà BQT hay phải thành phần cốt cám đấy.Ôi một thơì.!
Trả lờiXóa