Trang

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

Làm việc thiện như lòng mình thúc giục

Những ngày qua, giữa bao nhiêu thế sự nóng bỏng quay cuồng khiến ta cảm thấy căng thẳng mệt mỏi, vẫn luôn có những chuyện đời và tấm lòng xanh mát, dịu dàng làm lòng ta chùng lại, cuộc sống thêm gần gũi yêu thương.

Tôi muốn nói đến những việc thiện, người thiện, thiện tâm đang xuất hiện hằng ngày, có khi thu hút sự quan tâm chú ý của cộng đồng, nhưng rất nhiều khi cứ âm thầm lặng lẽ. Điều tốt không cần phô bày nhưng sức lan tỏa vô cùng lớn.

Sáng 21.9 tôi có chút việc phải rong xe trên phố. Và thật cảm động khi bắt gặp một tấm bảng chữ to, chân phương, rõ ràng ghi nội dung: “Hớt tóc miễn phí: Những người bán vé số, người tàn tật, trẻ mồ côi”. Tấm biển được dựng ngay ngắn dưới gốc cây dầu cổ thụ, trước một tiệm chuyên làm tóc, hớt tóc rất bề thế, bàn ghế sang trọng trên đường Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM). Một cơ sở hoành tráng như thế này, bình thường nếu ta muốn ghé vào hớt tóc cũng gợn chút gì ngài ngại, vậy nhưng chủ nhân nó lại rộng lòng đón những người “dưới đáy” vốn e dè, nhếch nhác, những người mà nếu bình thường đi ngang qua cũng không dám nhìn vào. Một chút tò mò, tôi dừng xe với ý định “kiểm tra” thực tế, thấy rõ ràng có hai người đàn ông, một trẻ một già, trông cách ăn mặc, da dẻ là biết ngay diện khách miễn phí, đang được thợ tỉ mẩn “gọt” cho bộ tóc bù xù, có lẽ đã lâu không có dịp tân trang. Ai muốn biết chuyện tôi biên ra đây thực hư thế nào, hãy bớt chút thì giờ tới đoạn giữa đường Bùi Thị Xuân, gần cây xăng là rõ. Tôi chỉ muốn nói rằng chứng kiến điều như vậy, lòng thật vui khó tả.


Hôm vừa rồi, vài tờ báo nhanh nhảu tường thuật bữa ăn trưa của vợ chồng cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Hai ông bà đến thăm quán cơm từ thiện Nụ cười (còn gọi là quán cơm 2 nghìn bởi giá bán mỗi suất chỉ có 2.000 đồng) do nhà báo về hưu Nam Đồng chủ xướng. Ông bà tặng quán 50 triệu đồng để góp thêm vào việc giúp người nghèo, tiện bữa đã ăn suất cơm 2 nghìn rất vui vẻ. Tôi có hỏi người trong cuộc hôm ấy và được biết ông bà cựu chủ tịch nước lặng lẽ đến thôi, không tiền hô hậu ủng, không truyền thông này nọ, báo chí biết và viết cũng chỉ do ngẫu nhiên gặp gỡ. Tôi phải biên lại điều này bởi cũng có ý này khác cho rằng việc thiện có nhiều người làm, sao lại phải khen ông cựu chủ tịch. Theo tôi, dù cậu bé đập heo đất hay vị chủ tịch ghé quán cơm, bất cứ ai sẵn mối thiện tâm với người nghèo đều rất đáng khen, chớ nên nghi ngờ và phân biệt.

Không khó gì lắm, ta dễ thấy trong cuộc sống hằng ngày, những người quanh ta, có biết bao nhiêu việc thiện, người thiện, bao tấm lòng từ bi bác ái. Cũng đôi khi vài trường hợp ồn ào, nhưng phần lớn thầm lặng, tự nhiên như mọi điều tốt trên đời. Những thùng nước lạnh đặt ven đường cho người nghèo khát nước, sọt bánh mì miễn phí, quầy quần áo biếu không… giờ đây ta có thể thấy ở bất cứ đô thị nào. Càng mỗi khi xảy ra thiên tai, tai nạn lại càng trỗi dậy ý thức “lá lành đùm lá rách” mà tổ tiên, cha ông đã truyền lại cho con cháu. Cơn bão số 10 vừa qua có thể quật đổ hàng loạt nhà cửa, phá hủy vô vàn tài sản vật chất của người dân vùng miền Trung bị bão nhưng nó cũng khơi dậy tấm lòng yêu thương, ý thức cộng đồng, tình san sẻ của dân ta. Hay cứ mỗi mùa trung thu đến, trẻ nghèo vùng sâu vùng xa lại nhận được niềm vui qua những tấm bánh, chiếc lồng đèn rước trăng tròn từ những cá nhân, tổ chức, đơn vị luôn có ý thức chăm lo cho phận nghèo. 

Việc thiện là việc làm thường xuyên, bình dị chứ không cần kêu to, khoe mẽ. Tuy nhiên việc thiện tỏa sáng và thu hút rất nhanh, thuyết phục lòng người rất nhanh. Đã từ lâu, cộng đồng xã hội đều biết chương trình “Cơm có thịt” giúp trẻ em miền núi, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn ở các tỉnh biên giới phía bắc do nhà báo Trần Đăng Tuấn và bạn bè quyên góp, không chỉ đem cho các em các cháu bữa ăn ngon hơn mà cả những ngôi trường cũng khang trang sạch đẹp hơn. Một người bình dị khác, cô giáo cũ của tôi, cô Ngô Anh Thơ (Khoa văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội trước kia) suốt bao năm nay đã cùng nhiều bạn bè, học trò, đàn em thực hiện công việc thiện mang cái tên rất đẹp “Vì ta cần nhau” giúp cho hàng vạn trẻ em nghèo quần áo, sách vở, đồ dùng học tập... Một bạn trẻ khác, anh Nguyễn Quang Thạch, tự nguyện bỏ công việc ổn định có thu nhập cao để dấn thân với mong muốn đem tri thức đến cho trẻ em nông thôn, hơn chục năm qua một mình anh đi khắp nơi thực hiện chương trình “Sách hóa nông thôn”, quyên góp, kêu gọi mọi người giúp đỡ lập được hơn chục ngàn tủ sách cho các trường nghèo, thôn làng xa vắng. Tất cả những con người thiện tâm ấy đều xem làm việc thiện như ta hằng ngày phải hít thở không khí vậy.

Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, nơi nơi làm việc thiện sẽ tạo nên một xã hội ấm áp, chan chứa tình người. Cuộc sống như thế sẽ đáng yêu hơn, có ý nghĩa hơn.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét