Trang

Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

Chuyện vải lụa

Bảo tôi ăn theo vụ ông Khải silk (dân dã gọi thành Khải siu) đang nóng rẫy thu hút sự chú ý của dư luận cũng được bởi thấy thiên hạ đang nói về ông lụa này rát quá, tự dưng nhớ đến lụa, những thứ liên quan tới lụa.

Nước Nam ta, ngôn ngữ miền Bắc có những khác biệt cơ bản với ngôn ngữ miền Nam dù cùng chung tiếng Việt chữ Việt. Có lẽ do di dân khai phá phương nam muốn tạo ra chút bản sắc riêng để không bị trộn lẫn. Ngoài bắc, tất cả các loại sản phẩm dệt bằng sợi tơ tự nhiên hay nhân tạo đều gọi chung là vải, rồi từ vải mới chia ra từng loại, như diềm bâu (chúc bâu), thổ cẩm, lĩnh, sa tanh, phin, kaki, ka tê, simili, chéo go, lụa… “Ôi chiếc quần chéo go/Ống rộng dài quét đất/Chiếc áo trắng chúc bâu/Đi qua nghe sột soạt” (thơ Xuân Quỳnh). Trong từng loại lại chia nhỏ hơn, chẳng hạn vải phin thì có phin thường, phin nõn, lụa có lụa tơ tằm, lụa nhân tạo… Trong nông nghiệp cũng phân biệt rất rõ ràng, tất cả những thứ cây trổ ra hạt thóc thì đều là cây lúa, lúa tẻ, lúa nếp, lúa mì; từ cây lúa sinh ra thóc, thóc lại chia thành thóc nếp, thóc tẻ; thóc tẻ có những giống khác nhau như tám, di, dự, chân trâu lùn, nông nghiệp 8; nhỏ hơn nữa thì lại có tám xoan, tám hạt tròn, tám thơm. Xay thóc thì sẽ ra gạo, gạo cũng chia thành gạo nếp, gạo tẻ. Đem gạo nấu lên sẽ có cơm hoặc cháo. Nếp nấu bình thường thì ra cơm nếp, bỏ vào chõ nấu xông hơi cách thủy thì có món xôi (nấu kiểu vậy gọi là đồ xôi), nếp trộn với đỗ xanh, thịt lợn gói trong lá dong lá chuối đem luộc thì gọi là bánh chưng, v.v..


Nhưng miền Nam không vậy. Tôi và đám em vợ dân Chợ Mới, An Giang đã cãi nhau suốt nửa ngày trong một cuộc nhậu (đám giỗ) khi chúng hắn khăng khăng vải là vải, lụa là lụa, hai thứ khác nhau, lụa không phải vải. Thóc lúa gạo cũng vậy, theo chúng, gạo là gạo, nếp là nếp, không lẫn lộn trộn chung vào được. Nếu hỏi nhau năm nay mùa màng thế nào, thì hỏi thu được bao nhiêu giạ lúa chứ không phải bao nhiêu giạ thóc. Ôi giời, đã quy ước như vậy thì mình nhập gia phải tùy tục, nhất là bên vợ, cãi lại chỉ tổ mệt.

Đang nói về lụa. Hồi tôi còn bé, cả làng Trà Phương (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, tỉnh Kiến An – khi ấy là tỉnh, chưa thuộc thành phố Hải Phòng) chỉ còn nhà cô Mô giữ nghề trồng dâu nuôi tằm. Cô là chị họ thày (bố) tôi, lẽ ra chúng tôi gọi là bác nhưng cứ quen cô, quý thày tôi lắm, cứ đôi ba năm lại cho thày tôi một bộ quần áo lụa. Lụa tơ tằm, thứ thì vàng óng rất sang trọng, thứ thì vàng nhạt mát mắt, cầm trên tay có cảm giác dòng nước suối đang chảy qua bàn tay, mềm mại chả khác gì làn gió thu, dễ thương vô cùng. Thời ấy vải vóc khan hiếm, tem phiếu vải nhà nước phân phối chỉ có 4 mét/người/năm nên những tấm lụa cô Mô cho thày tôi được coi như báu vật.


Dệt lụa ngày xưa - Ảnh tư liệu

Bình thường may quần áo vải diềm bâu nâu thì thày tôi lên nhà anh Cảnh là cháu họ, thợ may xóm trên để đo cắt, nhưng với bộ lụa cứ phải dứt khoát "bác" Huy. Anh Huy là cháu gọi thày tôi bằng chú ruột, làm giáo học, hiệu trưởng trường cấp 1 của xã (cả xã chỉ có một trường cấp 1, còn muốn học cấp 2 thì phải lên học chung với xã Thanh Sơn), rất khéo tay, may cực giỏi. Thày tôi pha ấm chè ngon, hai chú cháu nhâm nhi chè nóng, đọc báo Nhân Dân (tiêu chuẩn của hiệu trưởng) xong thì anh Huy lấy thước dây ra đo, tỉ mỉ dài ngắn rộng hẹp, hỏi ông thích loại cổ tròn hay vuông, mấy túi… Anh bỏ hẳn một ngày cắt may, bộ quần áo lụa qua tay bác Huy, thày tôi mặc ưng ý không thể tả, bọn trẻ con chúng tôi thấy đẹp hơn mọi thứ trên đời. Chỉ những ngày giỗ tết, hoặc nhà có khách, có việc ra ủy ban, thày tôi mới diện bộ quần áo lụa, mấy đứa con đứa cháu cứ thì thầm nhà mình có ông tiên. Đúng như cổ nhân nói người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân. Sao con tằm trông ghê gớm mà lại sinh ra thứ tơ óng ả nuột nà tuyệt vời thế. Mỗi lần giặt bộ lụa ấy, thày tôi thường tự làm lấy bởi con cái hay ẩu tả, chỉ cốt quấy quá cho xong. Vò nhẹ, xả lần cuối bằng nước mưa, rũ phơi ngoài nắng cũng thật nhẹ nhàng. May hồi đó hiếm xà phòng, lại không có máy giặt, chứ như bây giờ tống vào chiếc cối quay Toshiba nó quay vài vòng chắc chỉ ba bảy hai mốt ngày là tan.

Tôi thỉnh thoảng lên chơi nhà bà Mô xem bà cho tằm ăn, lá dâu tỏa mùi thơm dễ chịu, bọn tằm ăn rỗi rào rào, bò lổm ngổm trong cái nong, cả nghìn con thỉnh thoảng ngóc chiếc đầu đen lên nhìn khách, trông phát khiếp. Có lần cô Mô cho chị em tôi ăn thử con nhộng xào, tôi nhìn thấy kêu toáng con sâu, hoảng quá chạy mất. Cô gói một gói bảo chị tôi đem về cho ông em. Thày tôi khen ngon nhưng tôi cứ khiếp mãi, tới giờ đầu hai thứ tóc vẫn chưa một lần cắn vào con nhộng. Cái gì mình đã có ấn tượng từ bé, dù hay dù dở, cũng theo ta suốt đời.

Cả cô Mô, thày tôi, anh Huy đều đã ra người thiên cổ, những bộ quần áo lụa tơ tằm mang dấu ấn bàn tay chăm chỉ khéo léo của cô tôi anh tôi tất nhiên cũng không còn nhưng ký ức về lụa, về sự mềm mại, dịu dàng, yêu thương cứ như thứ kỷ niệm chẳng thể phai mờ. (còn tiếp)

Nguyễn Thông



1 nhận xét:

  1. Một miếng lụa giả nhãn mác,người tiêu dùng bị thiệt khoảng vài trăm ngàn nhưng giá trị sử dụng thì cơ bản không khác nhau là mấy.
    Còn một học thuyết giả được giữ nguyên nhãn mác thì sao?

    Trả lờiXóa