Trang

Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Linh địa Nga Sơn

XUÂN BA (nhà báo)

Huyện Nga Sơn xứ Thanh là vùng linh địa. Và lắm chuyện. Ghi lại có mà mỏi tay.

Khoa Văn Tổng hợp khóa 17 có anh Đỗ Xuân Thanh tính lành, mê làm thơ hơn học. Ra trường hằng bao năm làm ở NXB Thanh Hóa. Lần ấy anh Thanh dẫn cả bọn qua làng Vân Hoàn ghé nhà thơ Hữu Loan vốn là chỗ anh quen biết. Đến cổng, anh bảo đứng đây đợi để anh vào nói trước với cụ kẻo cụ không tiếp thì ê mặt. Đó là lần đầu tôi được tiếp kiến thi sĩ. Anh Thanh nói cụ không phải khái tính, khó tính mà là tiết tháo. Bài viết Thi sĩ Hữu Loan, trung chuyển tính cách Thanh với kẻ sĩ Bắc Hà của tôi thời điểm cụ mất cũng là cái ý anh Thanh một lần hé cho…

Hẹn lên hẹn xuống về quê anh Thanh ở Nga Thủy mấy lần chơi nhưng nhỡ cả. Cho đến khi anh mất vì bạo bệnh… Tôi được mụ bạn đồng môn Trần Thị Sánh cử mang ít bạc vụn tiền anh em góp vào Nga Sơn viếng anh khi đã qua 49 ngày. Bàng hoàng khi chị vợ anh Thanh đưa cho coi cuốn bản thảo thơ. Hóa ra anh Thanh dành bao nhiêu là tình cảm cho cánh đồng môn lớp Văn 17 mà chúng tôi không hề biết.

Bữa nắng oi mới đây ghé nhà chú em Phạm Văn Sơn ở Nga Thạch được chén một bữa gỏi nhệch đã đời. Nắng gỏi mưa cầy. Nắng xơi gỏi, cữ mưa lạnh mà chén thịt chó cứ là oách xà lách. Các cụ bảo thế. Chợt nhớ năm xa, nhà văn Nguyễn Quang Sáng ra Hà Nội cũng cữ nắng rủ vô quán gỏi nhệch mới mở. Nhệch là thứ gì mậy? Lão nhướng cặp mày bạc thắc mắc… Khốn khổ, hóa ra mấy năm tập kết trên đất Bắc, lão chưa được nếm vị nhệch bao giờ. Thừa dịp bốc phét rằng nhệch loài chạch nước lợ. Nhệch na ná giống lươn, giống rắn. Tư cách kém rắn nhưng khá hơn lươn. Lão Sáng gật gật…

Nga Thạch không chỉ có gỏi nhệch. Nói nhỏ chút. Trung tâm mát xa chăm sóc sức khỏe của ông thày thuốc Nguyễn Tài Thu ở Thái Hà (Hà Nội) nổi tiếng lâu nay hút khách bởi thứ mát xa đấm bóp thật 100% rất chi chất lượng, không hiểu sao tuyển toàn các cô vùng Nga Thạch này? Bí mật ấy sẽ hóa giải sau.

Như bao du khách khác về Nga Thạch, tôi lại ghé dâng hương Đền thờ Thám Hoa Mai Anh Tuấn. Mai Anh Tuấn, người làng Nga Thạch đây, đỗ Đình nguyên Thám hoa năm 1843 dưới triều Thiệu Trị. Đặc biệt bởi kể từ khi nhà Nguyễn mở thi Đình (năm 1822) đến lúc đó mới có Mai Anh Tuấn là người đầu tiên đỗ Đình nguyên Thám hoa ở tuổi 28, cũng là người khai khoa Tam khôi của triều Nguyễn. Quan trẻ họ Mai được bổ chức Hàn lâm Thị độc trong tòa Nội các. Tính thẳng, ngay (chắc cũng có chút ngang?) việc quan chạy nhưng cũng chuốc lấy chả ít phiền toái. Lần chuốc nặng nhất là nhân có viên sứ thần nhà Thanh đến Huế. Khi trở về cứ gửi vị ấy theo đoàn thuyền buôn khá lớn là tiện và an toàn nhất. Nhưng vua Tự Đức đã rình rang tổ chức một đoàn thuyền của nhà nước đưa tiễn về tận Tàu quá nhiêu khê tốn kém. Mai Anh Tuấn đã ngay lập tưc dâng sớ can ngăn rằng việc ấy vừa tốn vừa bất tiện làm giảm uy thế ngoại giao của nước Nam!

Chỉ có thế mà ông vua Tự Đức kết tội Mai Anh Tuấn “khi quân bất kính” rồi đùng đùng hạ chức, phái đi làm án sát tỉnh Lạng Sơn. Chàng quan trẻ Mai Anh Tuấn không lấy làm vì mà vui vẻ với các việc trị nhậm một vùng vùng biên viễn khỉ ho cò gáy. Gian khó nguy hiểm nhất là việc đánh dẹp bọn thổ phỉ nhà Thanh khi lẻn, khi tràn sang Lạng Sơn cướp phá. Không may trong một lần đánh dẹp Mai Anh Tuấn đã bị thương rồi mất ở tuổi 36.

Là người liên tài, vua Tự Đức rất thương tiếc. Hơi bị hiếm hoi và chẳng phải ngẫu nhiên khi Tự Đức có những lời này trong lễ an táng Khôi giáp đỗ đầu khoa, nổi danh rạng rỡ người thân, đó là Hiếu. ở Nội các, làm kháng sớ, phạm kỵ húy, đó là Trung. Làm chánh tướng là khó, vào đất chết mà chẳng tránh, đó là Nghĩa.

Lần ấy ghé Ba Đình được mấy sử gia xứ Thanh cắt nghĩa tường tận nguyên nhân thất bại của nghĩa quân Đinh Công Tráng. Nhưng không thành công thì thành nhân. Cái tên căn cứ Ba Đình của nghĩa quân Đinh Công Tráng đã được cụ Trần Văn Lai, Thị trưởng thành phố Hà Nội dưới trào cụ Trần Trọng Kim (một nhiệm kỳ thị trưởng đoản nhất hành tinh chỉ có 3 tháng) mang đặt tên cho một bãi đất trống. Số là thời ấy ở cuối con đường mang tên vị cố đạo Puyginiê (nay là đường Điện Biên Phủ) mạn bắc hiện diện một bãi đất cỏ dại mọc có tên là point (poăng, điểm bắt đầu phố) BS Trần Văn Lai đã lấy tên Ba Đình của nghĩa quân Đinh Công Tráng ở Nga Sơn đặt tên cho khoảng đất ấy là quảng trường Ba Đình. Đến tận bây giờ có người vẫn nhầm là khu đất ấy vốn có… ba cái đình!

Cũng cần nói thêm, sau thời điểm cụ Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945, Quảng trường Ba Đình có tên mới là Quảng trường Độc Lập. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, Pháp chiếm lại đặt tên là Quảng trường Hồng Bàng. Năm 1954 tiếp quản Thủ đô lại mang tên cũ là Quảng trường Ba Đình cho đến bây giờ.

Là đang nói dở đến nguyên nhân bại của thủ lĩnh Đinh Công Tráng. Hơi phân vân và tiếc không biết có chính xác không là người bày mưu để bọn Pháp triệt hạ được căn cứ Ba Đình là cụ Trần Lục, tức Trần Triêm, còn gọi là Cha Sáu, tác giả của công trình kỳ vĩ nghe đâu sắp được UNESCO tôn vinh – Nhà thờ đá Phát Diệm. Kế dẫn đến bại và nguyên nhân thắng rất đơn giản là tháo sạch nước quanh căn cứ nghĩa quân. Và quân Pháp cứ nhong nhong trên đất bằng thẳng tiến. Lịch sử nước Nam có lắm thứ bi thương thế.

Dịp ấy theo ông bạn già Xuân Thùy làm ở Báo Nhân Dân ghé quê Xuân Thùy ở Nga Vịnh. Nga Vịnh cũng là quê Cha Sáu. Tò mò hỏi Xuân Thùy hậu duệ cụ Sáu có còn ai? Hình như sạch bách cả! Hỏi xã này có ai mần to hoặc công tích như cha Sáu? Cũng chả có ai… Trong cơn rượu nhỡ mồm trách yêu ông bạn già Xuân Thùy rằng xứ địa linh này mà chỉ nảy nòi ra cỡ phóng viên báo Nhân Dân thôi sao thì bị lão chửi cho một trận!

Rồi cũng có những chuyến ghé Nga Sơn hơi bị hoàng tráng. Hoành tráng bởi ăm ắp những huyền thoại lẫn chính sử. Mờ nhòe và tươi rói. Hẵng còn hôi hổi thời sự. Đó là lần ghé Nga Điền. Một vùng đất lạ. Ghé ngôi nhà lợp bằng cói gọi là mái bổi rất đẹp của người cháu họ Bác sĩ Trần Kim Tuyến. Trần Kim Tuyến mật vụ cố vấn cho anh em nhà Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu từng hao khuyết bao nhiêu là giấy mực thiên hạ. Trần Kim Tuyến từng ở ngôi nhà bổi này nghe nói đến mười bảy tuổi mới rời làng.

Đến Nga Điền không thể hỏi thêm tung tích một nhạc sĩ tài danh. Nhắc đến vị này lại nhoằng sang người kia.

Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu. Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều. Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ . Ai đứng trông ai ven hồ, khua nước chơi như ngày xưa...

Vâng ca từ đó trong nhạc phẩm Nỗi lòng người đi của Anh Bằng. Bao nhiêu ca sĩ, bao nhiêu người hát không nhớ lại nhớ đến giọng ca Lộc vàng. Lộc vàng Nguyễn Văn Lộc đã bị bắt năm 1968 bị đi tù hơn 10 năm chỉ vì hát nhạc vàng, nhạc tiền chiến trong đó có Nỗi lòng người đi. Anh Bằng tác giả gần 700 ca khúc từng phổ biến khắp thế gian. Nhạc sĩ Anh Bằng tức Trần Anh Bường quê ở Nga Điền đây đã trút hơi thở cuối cùng bên trời Tây di tản.

Và không thể không hỏi thêm dấu vết lẫn tung tích nơi chôn nhau cắt rốn của ông Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng quê Nga Điền đây. Nguyễn Tiến Hưng sinh năm 1935 Tiến sĩ Kinh tế, nguyên Tổng trưởng Kế hoạch kiêm cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, từng là GS Đại học Harward, tác giả Hồ sơ mật Dinh Độc LậpTâm tư tổng thống Thiệu.

… Mấy bữa nay tự dưng rộ lên chuyện ông tướng Trương Giang Long khá nổi tiếng bị cất chức gì gì ấy. Có nghe phong thanh ông tướng này quê Nga Sơn.

Nga Sơn, vùng đất xứ Thanh với huyền thoại Mai An Tiêm đã từng là vùng địa linh đã sinh chẳng ít nhân tài hào kiệt. Hào kiệt là người tài chứ chẳng phải những kẻ nghèo khó đã và đang kiệt đi từng hào! Càng chả phải lũ thương nhân ma mãnh gặp thời giàu xổi cũng tiếng tăm này khác nhưng đùng cái phá sản thoắt thành tay trắng!

Nga Sơn cũng là nơi chốn đi về của lũ viết chúng tôi, tất nhiên xứ ấy không chỉ có món gỏi nhệch!

Định bụng nếu gặp được và hỏi chuyện ông tướng Trương Giang Long cũng là một thứ duyên may? 

Xuân Ba



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét