Trang

Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2017

Chuyện bộ đội tên lửa

Đã sang tháng 12, tháng cuối năm tây, cũng là tháng có ngày lễ trọng của quân đội nhân dân Việt Nam - 22.12, gọi nôm na là ngày nhà binh. Thời gian trôi nhanh vùn vụt, thế mà đã 45 năm sau sự kiện “Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng. Cũng tầm này 45 năm trước chúng tôi đang “đóng” ở ven sông Cầu, nhưng chẳng phải bộ đội mà là sinh viên. Thầy trò Trường đại học Tổng hợp Hà Nội khăn gói quả mướp kéo nhau về sơ tán ở tỉnh Hà Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang bây giờ), lớp tôi về thôn Sát Thượng, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, vì vậy nhiều đứa chúng tôi về sau cứ mỗi dịp hàn huyên ôn chuyện cũ lại loáng thoáng câu hát “để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc” trong bài Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa của cụ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Tối 18.12.1972, một bạn cùng lớp rủ tôi ra bến phà Đông Xuyên mua kẹo đốp. Tôi rất thích thứ kẹo đặc sản ấy của xứ Kinh bắc nhưng không có tiền, trong túi chỉ nhõn vài đồng bạc ranh, bu tôi tằn tiện lắm mới dành dụm được, dúi cho trước hôm con lên đường nhập học. Nghe rủ, đi ngay. Hai đứa mua xong trở về trên đường đê ven sông Cầu, vừa đi vừa nhấm nháp đốp đốp. Sông Cầu rì rào, gió mùa đông bắc buốt lạnh. Chưa tới cổng làng Sát Thượng, chợt thấy phía Hà Nội chớp lửa nhóa nhòa sáng rực một góc trời, máy bay Mỹ kéo tới ầm ầm rú rít, bom nổ dậy đất tưởng phen này chết đến nơi. Chạy ba chân bốn cẳng, văng cả kẹo. Hà Nội đằng kia như trong cơn động đất. Gần chục năm chiến tranh, chưa bao giờ tôi thấy tên lửa ta phóng nhiều thế. 12 ngày đêm trận chiến cuối cùng đánh máy bay Mỹ đã bắt đầu như vậy.

Suốt hơn chục hôm sau đêm đó, hầu như ngày nào cũng như ngày nào. Chả học hành được gì, cả thầy lẫn trò. Cứ ngóng về Hà Nội. Các thầy cô đã đưa gia đình sơ tán theo trường nhưng còn nhà cửa tài sản ở phố, có thầy tranh thủ đạp xe về xem nhà mình bị thiệt hại gì không. Bọn sinh viên thì thêm việc mới: lùng bắt phi công Mỹ. Ban ngày chúng đánh ít hơn nhưng cứ tầm gà lên chuồng là từng đàn từng lũ kéo đến. Nơi trường đóng, nếu theo đường chim bay cách Hà Nội đâu có bao nhiêu. Nhiều đêm máy bay B-52, F-111A, F-4… gầm ngay trên đầu, nhiễu rải đặc trời, sáng hôm sau nhìn cả làng cả nước, bụi chuối bờ tre lấp lánh sợi nhiễu trắng xóa. Tối nào tên lửa cũng gầm vang, đan chéo dày đặc trên trời. Đạn cao xạ nổ bùng như pháo hoa. Đêm 24.12 nó tạm ngưng, thấy bảo để hai bên cùng đón Noel. Nhưng đến tối 25 và 26.12 thì quả thật đỉnh điểm, chết đến nơi rồi, chết thật rồi. Ngay tại Yên Phong mà nhà cửa sân sướng rung chả khác gì động đất, đạn cao xạ, tên lửa vụt bay sáng rực trời. Có tiếng ai đó hô phi công nhảy dù, đi bắt nó bà con ơi. Suốt đêm sinh viên cùng dân làng đòn gánh đòn càn, gậy gộc lùng sục, nhưng hóa ra dù bay sang bên kia sông Cầu, mạn huyện Hiệp Hòa, nghe nói thằng phi công B-52 ấy bị tẩn gần chết.

Mấy hôm sau, nghe đồn rằng cứ đà rụng này bọn Mỹ sắp hết B-52, mừng ơi là mừng. Nhưng cũng có người bảo ta sắp cạn tên lửa rồi, nó rải thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng nên Liên Xô chuyển sang không vào được. Còn Trung Quốc giở chứng đang cấm cửa đường sắt liên vận, hàng hóa vũ khí tắc hết bên kia biên giới rồi. Lại lo. Chả biết thế nào. Nhưng nó đánh đến hết đêm 29 rồi thôi. Thở phào. Chắc bên nào cũng hết hơi, mệt phờ.

Phải công nhận các thầy cô khoa Văn nhanh nhạy thật. Tôi nhớ nửa đầu tháng 1.1973 gì đó, lâu quá trí nhớ đã nhạt nên không kỹ là ngày nào, lãnh đạo khoa thông báo tập trung hết bọn sinh viên năm thứ nhất ở Yên Phong đến sân hợp tác Sát Thượng nghe bộ đội kể chuyện đánh B-52. Xì xà xì xào, thế nào cũng được thấy mặt anh Phạm Tuân phi công đây, náo nức lắm. Khi đã đông đủ cả, thầy Nguyễn Văn Tu - Phó chủ nhiệm khoa cùng một anh bộ đội bước vào. Trời, phi công gì mà đen nhẻm, ốm nhách, vêu vao, có khi còn nhỏ con hơn anh Ma Duy Giang người Tày lớp tôi. Thầy Tu giới thiệu đây là thượng úy Nguyễn Văn Phiệt tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57 tên lửa đoàn Loa Thành, đơn vị đã góp phần cực kỳ quan trọng bắn rơi nhiều B-52 trong cuộc chiến vừa qua. Nghe tới đó, chợt nhớ đến những quả tên lửa vút trong đêm, nhất là đêm 18.12, nhớ đến bầu trời Hà Nội sáng rực. Tự dưng thấy yêu anh bộ đội gầy gò, quên hẳn nỗi niềm háo hức chờ ngắm phi công. Anh Phiệt chắc hơn tụi tôi chục tuổi, kể chuyện thật thà, nghe kể mà càng thương các anh hơn. Ngắm anh, khuôn mặt đen nhẻm bởi nắng gió bom đạn, bỗng có cảm giác như đó là người lính trong đoàn quân áo vải của Quang Trung Nguyễn Huệ, da thịt và áo quần vẫn còn dính mùi thuốc súng, vào giải phóng thành Thăng Long khi xưa. Cũng xin nói thêm một chút, sau này anh Phiệt đeo sao trung tướng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-không quân.

Không phải đến bấy giờ tôi mới biết bộ đội tên lửa, mà từ lâu rồi, hồi năm 1966. Quê tôi vốn có cái bãi tha ma tên gọi Mả Đò, bởi trước kia có bến đò ngang ở đó. Khi xảy ra chiến tranh, nhà nước bắt dời hết mồ mả về khu Mả Vối trong làng, lấy chỗ làm trận địa tên lửa. Hơn chục ụ tên lửa được bố trí tại đó, còn bộ đội chia nhau ra đóng ở nhà dân. Nhà tôi ngay sát đường, các chú sĩ quan không chỉ trú ngụ ăn ngủ mà còn biến ngay thành nơi họp hành, tham mưu tác chiến. Mỗi lần các chú họp, thày tôi lại nhắc khéo bảo bọn trẻ con “chúng mày đi chơi, cho các chú làm việc”. Chú Tước (Trần Hữu Tước) trung úy, trán hói, cao to hồng hào như tây, chú Cảnh (Nguyễn Huy Cảnh, người Nghệ An) thiếu úy đẹp trai, trẻ lắm, cả hai đều đi học Liên Xô về, nói tiếng Nga tanh tách. Tôi thích chú Cảnh hơn vì chú Tước hơi hách. Dạo ấy đánh căng, trận địa bị nó bắn ngược sóng điều khiển cháy cả ra đa, chết chú thiếu úy sĩ quan điều khiển Trần Phúc Cán, thế là các chú bộ đội tên lửa nhà ta bày kế nghi binh, kéo hết tên lửa thật ra ụ ngoài đồng, có nhiều ụ sát cả nhà dân, ngay trước nhà bà Sở hoặc sau nhà ông Hý con, sát hông nhà ông Tí Tâm…, còn trong trận địa Mả Đò toàn những tên lửa giả bằng tôn, đúng kích cỡ. Bữa đó, tôi đi câu cá ở khu đầm cạnh trận địa về, gặp ai cũng bô bô khoe rằng ối giời trông tên lửa giả giống y như thật. Đang bố lếu bố láo, trúng ngay tai ông Tước, ông quát, ai bảo mày đó là tên lửa giả. Ông dọa mách thày tôi, lần này thì lại ối giời, tôi giật mình quăng giỏ cá chạy bán sống bán chết. Sau này nhớn rồi mới nghĩ thật buồn cười, đến mình trẻ con vắt mũi chưa sạch còn biết là tên lửa giả thì giấu được ai nhỉ. Gián điệp nó đeo kính râm đóng vai cắt tóc, hoạn lợn, bán kẹo kéo... lởn vởn khắp nơi, có mà giấu được khối.

Tối tôi hay ngủ với chú Cảnh. Nhà nghèo nên mùa đông rét lắm, chả có chăn mền gì ra hồn. Các chú bộ đội cũng nghèo, dù bộ đội tên lửa nhưng cũng chỉ có cái chăn bông đơn. Hai chú cháu ôm nhau, nhiều đêm tôi vô tâm kéo hết, chắc chú Cảnh hở lạnh, nhưng không thấy chú nói gì. Được mấy tháng ở nhà tôi, người ta điều chú Cảnh đi tiểu đoàn khác, chỉ còn chú Tước, có thách kẹo tôi cũng không dám ngủ chung. Tôi nhớ lại và ghi những dòng này từ ký ức trẻ thơ, giờ chẳng biết chú Cảnh còn hay mất, chỉ nhớ láng máng đó là tiểu đoàn 61 (hoặc 66 gì đó) đoàn tên lửa Sông Đà (hoặc Hạ Long, lâu quá quên bố nó mất), đóng quân tại trận địa thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, chú Cảnh ạ. Sau năm 1972, trận địa được giao lại cho lữ đoàn đặc công nước 126 bộ đội hải quân. Đặc công rút đi, bàn giao cho pháo cao xạ.

Bọn trẻ con làng tôi đứa nào cũng dạn tên lửa, mỗi lần các chú bắn máy bay, nhìn quả tên lửa SAM của Liên Xô to hơn cái cột đình lừng lững phóng vụt lên, đầu nhọn hoắt, đuôi thổi ra luồng lửa dài, chúng thích quá nhô đầu ra khỏi hố tránh bom cá nhân, hò reo ầm ĩ. Hình như trong chiến tranh, bom đạn đã trở thành thứ gì đó rất bình thường, như bây giờ hằng ngày ta nhìn thấy chiếc xe máy chạy trên đường vậy.

Có lần, chính tôi chứng kiến một quả tên lửa vừa vụt lên bay được một đoạn thì rơi ịch ngay xuống cánh đồng xã Đại Hà cách trận địa khoảng hơn 2 cây số đường chim bay. Bọn trẻ con đồn nhau chắc quả này bị thối. Cũng may nó không nổ, bộ đội đến thu hồi về ngay.

Thỉnh thoảng về quê, dù ít thời gian, tôi vẫn lân la ra trận địa cũ xem có gì thay đổi. Giờ nghe đâu bộ đội pháo cao xạ vẫn đóng ở đó. Chỉ khác, xưa tên lửa quay về hướng nam thì nay nòng pháo quay về hướng bắc. Ôi mong sao đừng xảy ra chiến tranh để bến đò ngang xưa mãi được yên bình.

Nguyễn Thông



2 nhận xét:

  1. Có ai mong gì chiến tranh đâu , không may nó có xẩy ra thì người khổ nhất vẫn là DÂN ,cũng như mọi cuộc chiến,DÂN vẫn bại thôi.

    Trả lờiXóa
  2. "thế là các chú bộ đội tên lửa nhà ta bày kế nghi binh, kéo hết tên lửa thật ra ụ ngoài đồng, có nhiều ụ sát cả nhà dân"

    Giời ạ, bộ đội Cụ Hồ nhà bác Thông công nhận miu trí! Tên lửa thật kéo sát nhà dân để Đế quấc Mỹ nó không dám bắn phá tên lửa thật của ta, vì chúng mà muốn đánh phá tên lửa thật sẽ trúng nhà dân .

    Đảng, cách mạng, Cụ Hồ & bộ đội của Cụ Hồ miu trí quá! Hèn chi giặc Mỹ thua chạy mất dép .

    Trả lờiXóa