Trang

Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

Chuyện năm 1972 (kỳ cuối)

Trong 2 kỳ trước, tôi đã kể những điều xảy ra từ đầu năm tới giữa năm, khi máy bay Mỹ ném bom trở lại miền Bắc vào giữa tháng 4, mà những nhà chép sử gọi là cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2. Vậy là câu sấm “Đầu năm mưa đá, giữa năm bắn phá, cuối năm hòa bình” đã ứng nghiệm 2 phần. Ai nấy đều nôn nóng chờ đợi hết năm để xem phần 3 sấm trạng có đúng không. Khát khao hòa bình rõ rệt hơn bao giờ hết, nhất là khi con người ta đã quá mệt mỏi với cuộc chiến tranh kéo dài, lại đang chịu cảnh hằng ngày nhìn thấy lũ lượt máy bay Mỹ đem bom tới quẳng khắp nơi, nhà đổ, người chết, làng xóm xơ xác tiêu điều. Tôi còn nhớ thời ấy có đọc được bài thơ của ai đó, trong ấy có câu “Thà ăn muối suốt đời/Còn hơn là có giặc”.

Thầy giáo chủ nhiệm lớp 10 và nhiều bạn tôi đã ra trận. Đám chúng tôi nhờ lý do, tiêu chuẩn này khác chửa phải đi nên cố gắng học hành, cũng để khỏi phụ lòng người đang lăn mình vào chỗ sinh tử. May mắn tháng 6 năm ấy tôi thi tốt nghiệp phổ thông (hết lớp 10) cũng đỗ. Tôi nói may bởi sau này vẫn tự thú với bạn bè rằng mình chưa bao giờ làm được hoàn chỉnh bài toán đại số quỹ tích hoặc bài toán hình về hình học không gian. Cả tính hóa trị môn hóa nữa, cũng dốt đặc cán mai táu. À, nói thêm cái thành ngữ “dốt đặc cán mai táu”, cái mai để đào đất, lưỡi bằng sắt, cán bằng gỗ. Để cho chắc chẳn, khỏi bị gãy khi phải đào phải bẩy những hòn đất lớn, người ta chọn thứ gỗ thật chắc làm cán, chứ gỗ bạch đàn, gỗ xoan hoặc tre không ăn thua. Trong tứ thiết họ nhà mộc có “đinh, lim, sến, táu”, được cái cán gỗ táu thì chắc phải biết. Nó đặc như sắt, cứng như sắt. Đứa nào học dốt quá, thày bu nó hoặc thày cô giáo, bạn bè cười chê là “dốt đặc cán mai táu”, không nhét chữ vào đầu được. Loại ấy chỉ cho đi cày, theo đít con trâu.

Tôi biết thân biết phận cái đầu gỗ táu của mình nên khi nghe bạn bè rủ làm hồ sơ thi đại học, tôi chả dại chọn khối A, B, mà nhanh nhảu điền ngay khối C. Hồi ấy chỉ có 3 khối thi chứ không nhiều khối khiếc như bây giờ. Hai khối A, B cho các môn tự nhiên, khối C cho các môn xã hội - văn sử địa. Tôi tự tin chọn khối C cũng một phần do hồi nhỏ chịu khó đọc sách, cứ sách có chữ là đọc, thậm chí có đứa cho mượn cuốn tiểu thuyết chép tay “Bí mật thành Pa Ri” cũng đọc luôn, suýt bị thầy giáo tóm bởi đọc sách cấm trong giờ học. Lại một lần nữa ông trời mất cảnh giác trong sự chọn lựa, sàng lọc, tôi may đậu vào Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Cùng lớp với tôi chỉ có vài đứa không phải cười khi coi bảng đăng khoa (Khấp như thiếu nữ vu quy nhật/Tiếu tựa sinh đồ lạc đệ thi – Cười như anh khóa hỏng thi/Khóc như cô gái ngày đi lấy chồng), như thằng Cự trúng Khoa Địa cùng trường tôi, thằng Chân vào đại học Thủy lợi, thằng Khuê đủ điểm đi Liên Xô, thằng Hồng vào đại học Kinh tế tài chính… Chúng nó đứa nào cũng thuộc loại siêu, giỏi toán cực kỳ, chỉ mình là được giời chiếu cố.

Thi cử hồi năm 1972 cũng như một số năm sau này cực kỳ đơn giản. Cứ học hết phổ thông thì thi đại học. Chả học thêm học nếm, luyện thi luyện thiếc gì. Các thầy rất đói nhưng chẳng ai nghĩ chuyện mở lớp bồi dưỡng, luyện thi, dạy thêm để kiếm tiền. Hình như đã ngồi ở ghế nhà giáo thì không thể kiếm tiền ngoài lương. Có dạy thêm cho đứa trò nào đó cũng chỉ do tình cảm thôi, sau này dịp tết nhất nó đem cho chục cam, vài ký khoai tây cây nhà lá vườn gọi là biết ơn thầy. Mà nếu có mở lớp luyện thi chắc cũng chả ma nào học bởi đám chúng tôi ngoài giờ học ở trường thì khoảng còn lại trong ngày là lăn ra đồng giúp thầy bu làm ruộng, rồi còn câu cá, đánh dậm, xẻo tép kiếm miếng ăn. Học được tới đâu thì thi tới đó, nếu trượt thì vào trường trung cấp, vào 10 + 3 sư phạm, hoặc ra ngoài Hồng Gai Cẩm Phả làm công nhân mỏ.

Sang khoảng tháng 8, tháng 9 nghe nhiều tin dữ từ chiến trường. Cán bộ xã xì xào ở Quảng Trị nó phản công dữ lắm, bộ đội chết nhiều. Giấy báo tử bay liên tục về làng tôi, đêm đêm nghe tiếng khóc ai oán đầu làng cuối xóm. Xã tôi có anh Hữu, anh Hiệp, anh Duyên, anh Kịch, anh Nam… Sau này đọc những thông tin chính thống tôi được biết suốt cả chiến dịch giải phóng Quảng Trị 81 ngày đêm, mà phía chính quyền miền Nam gọi là mùa hè đỏ lửa, quân miền Bắc chết hơn 10.000 người, có ngày mất trọn cả đại đội. Riêng binh đoàn sinh viên hơn 6.000 lính trẻ chủ yếu bổ sung cho chiến trường Quảng Trị, chỉ còn chưa đầy một nửa trở về. Quảng Trị năm 1972 như cái lò xay thịt, hai bên nướng nhau, như củi đậu nấu hạt đậu vậy. Hai nghĩa trang quốc gia Trường Sơn và Đường 9 cùng nằm trên đất Quảng Trị là một phần dấu ấn lịch sử buồn cho cuộc tang thương nồi da xáo thịt ấy. Tôi nhớ chuyện có vị lãnh đạo tỉnh Quảng Trị khi nghe một ngài tứ trụ triều đình nói văn mẫu rằng Quảng Trị cần phát huy tiềm năng và thế mạnh, thì nửa đùa nửa thật thưa rằng thế mạnh của Quảng Trị là nghĩa trang liệt sĩ, còn tiềm năng là hài cốt liệt sĩ. Thật đau, thật buồn.

Tôi có người bạn thân, anh Vũ Trường Thành học cùng lớp 10 dở dang rồi đi bộ đội, đánh nhau trên mặt trận Quảng Trị, cùng sư đoàn với những Đinh Thế Huynh, Nguyễn Quốc Triệu, họa sĩ Lê Duy Ứng…, bị thương thành thương binh, sau về học 10 + 3 Kiến An làm nghề giáo học. Khi còn đi dạy cũng như lúc đã về hưu, năm nào y cũng lặn lội vào Quảng Trị thăm lại chiến trường xưa, thắp hương cho đồng đội ở cả nghĩa trang Trường Sơn lần Đường 9, lần nào ra kể lại cũng mắt đỏ hoe, khóc rưng rức.

Rồi thời gian cũng trôi dần, nặng nề, chậm chạp. Lại nghe tin hội nghị Paris căng lắm, có thể thất bại. Mình làm căng, nó cũng căng, hai bên cùng nắm hai đầu dây kéo thật lực, làm chi mà chả đứt. Và đứt thiệt. Ông Lê Đức Thọ vừa về Hà Nội sáng 18.12 thì tối 18 nó đánh luôn. Tôi đã kể về 12 ngày đêm khói lửa ngút trời nhiều lần rồi, giờ không kể nữa. Nó đánh hết ngày 29.12 thì thôi. Ngày 30, rồi ngày 31.12 cuối cùng của năm im tiếng bom, tiếng súng. Không còn nhìn thấy tên lửa vút lên bầu trời đêm nữa. Thấy bảo cũng hết đạn rồi. Từ nơi sơ tán trên mạn sông Cầu tỉnh Hà Bắc, chúng tôi thử mò về Hà Nội xem thế nào, qua khu Yên Viên, Đông Anh khói vẫn bốc nghi ngút, nhà cửa đổ nát như trên mặt trăng. Chỗ này là nơi tập kết hàng hóa vũ khí xăng dầu theo đường tàu liên vận từ Liên Xô, Trung Quốc về nên máy bay đánh rát suốt mấy ngày liền, không còn căn nhà nào lành lặn.

Tháng 2.1973, trường tôi được lệnh về lại Hà Nội, thầy trò dắt díu nhau khăn gói quả mướp hồi cư. Khi đi qua Ngã Tư Sở, từ phía đường Tàu Bay (hình như bây giờ là đường Trường Chinh cong mềm mại) chạy vụt ra một đoàn xe khách Robir, trên xe là những cái đầu cái tay phi công Mỹ thò ra vẫy vẫy. Chúng được trao trả, đang ra sân bay Gia Lâm về nước. Đám chúng tôi đang hành quân cũng vẫy chúng nó, có đứa biết tiếng Anh còn kêu to gút bai (goodbye).

Cuối cùng thì câu sấm tương truyền của cụ Trạng Trình đã ứng ở phần cuối cùng “cuối năm hòa bình”.

Năm 1972 tôi đã chứng kiến như thế, chỉ biên lại những điều tận mắt còn nhớ, không bịa tạc, không đơn sai, dù có thể nhầm chút ít do xảy ra đã quá lâu rồi.

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Ôi chú Thông ơi, chú làm tôi thổn thức. Chú nhắc lại mùa hè đỏ lửa QT, 12 ngày đêm HN làm tôi nhớ thêm Mậu Thân 68, đồng đội tôi, Nòi giống Việt ta, ai còn ai mất làm tôi nặng nỗi ưu tư, rớm tràn nước mắt. Những người mất đó như vô hình vô tướng vì tôi không quen biết họ hay chưa 1 lần gặp họ. Nhưng còn đồng đội tôi, những đứa cùng ngồi với tôi trong 1 lớp? Có đứa lên đường hồi còn lớp 8, lớp 9 (66,67), có đứa cùng tôi hoặc sau tôi. Trong số đó, có đứa “ở lại” luôn không về, nay gọi là “Mãi mãi tuổi 20” hay “Còn mãi với thời gian”. Biết nói sao cho đúng được ý nghĩa của sự “ở lại” đó? Chú “may” bị trời để sót lại? Không phải “may” đâu nhé mà là để “sổng” một cái đầu biết phân định đúng sai, để không đeo trên vai súng đạn, mà đeo cái mà “sứ mệnh” giao phó. Đừng hỏi và, tầm chú thì không cần hỏi “sứ mệnh” là thằng nào. Chỉ biết mình có “sứ mệnh” thì phải lưu tâm.
    Tôi gọi chú, xưng tôi không phải coi khinh đâu nhé. Về tầm và Tâm, tôi đâu dám sánh hay coi khinh chú. Gọi vậy là theo tuổi tác thì gọi cho tăng tình thân bạn hữu “thời” chúng ta. Chú hiểu cho và Cảm ơn chú. Nhân thể xin có lới Chúc Mừng Năm Mới Chú và Gia quyến!

    Trả lờiXóa