Trang

Thứ Tư, 10 tháng 1, 2018

Chuyện khẩu hiệu (kỳ 2)

Đọc xong bài 1, không ít bạn bảo tôi sao chưa thấy anh (bác) đưa ra câu khẩu hiệu cụ thể nào, nói phải có sách, mách có chứng chứ. Vâng ạ, chính tôi cũng chủ ý dành những kỳ sau cho nhiều câu khẩu hiệu. Có những câu nổi tiếng một thời, nhắc tới nó là hình dung ra ngay được một chặng đường lịch sử, một khung cảnh xã hội.

Phải nói rằng thời chiến tranh xuất hiện nhiều khẩu hiệu nhất. Ấy là tôi đang nói ở miền Bắc, do những người cộng sản nắm quyền, chứ từ vĩ tuyến 17 trở vào, suốt 21 năm (1954-1975) rất ít nghe nói tới khẩu hiệu. Dường như khẩu hiệu là sự độc quyền, việc sử dụng khẩu hiệu là sở trường của phe cách mạng, phe xã hội chủ nghĩa. Đọc những bản tổng kết lịch sử cách mạng do họ soạn ra, trong phần nguyên nhân thắng lợi hoặc phần bài học lịch sử, luôn có gạch đầu dòng nói rằng họ đã có sách lược đúng đắn về khẩu hiệu, việc đề ra những khẩu hiệu thích hợp, linh hoạt thay đổi khẩu hiệu khi tình hình biến chuyển, phát huy được sức mạnh khẩu hiệu để “cổ vũ toàn dân toàn quân thực hiện những nhiệm vụ cách mạng”… Với người cộng sản, khẩu hiệu cũng quan trọng như lá cờ trận, xe tăng, đại bác, súng AK, thậm chí như những binh đoàn.

Trong đời tôi, nhất là hồi tuổi thơ và tuổi thanh niên, có những câu khẩu hiệu lọt vào mắt, in vào trí não, bởi đi đâu cũng gặp, khi ngủ cũng chập chờn thấy nó. Nổi tiếng nhất, tiêu biểu nhất là 2 câu: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và “Vì miền Nam ruột thịt, tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”. Đó là khẩu hiệu tầm quốc gia, giống như thứ cương lĩnh chỉ đạo cộng đồng, như kèn trận thôi thúc giục giã. Khẩu hiệu vừa là mục đích, phương châm, vừa là động lực, và cũng là sự ràng buộc, bắt buộc. Ai tách ra khỏi định hướng ấy, sẽ bị coi là “có vấn đề”, là chống đối, phản động. Chính vì vậy, cũng dễ hiểu vì sao sức người sức của trong thời chiến tranh được huy động tối đa, rốt ráo, chặt chẽ như ta đã biết.

Hai câu khẩu hiệu tôi vừa kể có ở khắp nơi, trên mọi bức tường, mọi bảng thông tin. Thậm chí tường nhà bếp, tường trại chăn nuôi cũng chễm chệ khẩu hiệu. Người ta còn bạt phẳng một mảng núi để ghép đá hoặc quét vôi trắng những chữ ấy. Tôi từng đọc được khẩu hiệu đại tự “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, mỗi chữ cái cao vài mét, ở sườn núi Trà Phương quê tôi, núi Voi bên huyện An Lão, núi Đá Bạch-Tràng Kênh bên huyện Thủy Nguyên (cùng ở Hải Phòng), rất hoành tráng, đầy sức nặng. Có cảm giác, người ta mà đã kỳ công đắp được những khẩu hiệu ấy trên núi thì việc đánh thắng giặc Mỹ xâm lược chỉ là chuyện trong tầm tay, chuyện nhỏ.

Suốt thập niên 60, nhà tôi ở quê là căn nhà nhỏ tường đất nện, mái rạ, nhưng theo chỉ đạo của chính quyền xã hoặc huyện, đã có tường thì phải có khẩu hiệu. Anh trai tôi bèn hòa nước vôi, kẻ lên hai bức tường phía cửa chính 2 câu khẩu hiệu. Tất nhiên phải có câu “Quyết tâm…” mà tôi vừa kể, còn câu kia là “Toàn dân thực hiện 3 không”.

Cái câu thứ 2 này, chỉ những ai sống vào thời ấy mới hiểu, chứ bây giờ mà đố, chẳng khác gì câu hỏi của con Spanh cốt hỏi khó, ai không không giả nhời được nó sẽ ăn thịt trong thần thoại Hy Lạp. Chả là khi đó, cán bộ tuyên truyền rằng bọn Mỹ ngụy mưu mô lắm, chúng tung gián điệp ra miền Bắc, đi khắp nơi để dò la bí mật của ta. Chúng đóng vai thợ cắt tóc, mua đồng nát, đổi dép nhựa, khắc bút, hoạn lợn, sửa xe đạp, đứa nào cũng đeo kính râm… lần mò làng trên xóm dưới, hang cùng ngõ hẻm, tìm trận địa pháo, chỗ đặt ra đa, nơi bộ đội đóng quân, nơi có kho lương thực, v.v.. đánh dấu vào bản đồ. Sau đó, ban ngày thì chúng lấy gương phản chiếu lên trời, ban đêm thì đốt lửa hoặc rọi đèn pin để máy bay do thám Mỹ biết. Chính vì thế, nếu bà con, nhất là thiếu nhi, có gặp chúng, chúng hỏi này hỏi nọ thì cứ lắc đầu, cứ quán triệt 3 không: không nói, không nghe, không biết. Bọn gián điệp mà vấp phải 3 không của bà con, chúng chỉ còn cách bán xới vào Nam hoặc vào nhà đá. Tôi còn nhớ hồi ấy có mấy cuốn truyện về gián điệp hay lắm, đọc nát cả sách, như cuốn truyện tranh “Bàn tay 4 ngón”, cuốn “Mũi tên xanh”, gián điệp Mỹ ngụy lớ ngớ bị quân ta mưu trí tóm sạch.

Có một câu khẩu hiệu khác cũng na ná như câu “toàn dân 3 không” là câu “Toàn dân thực hiện 3 khoan”, không phải để chống gián điệp mà chống… yêu nhau, sinh đẻ. Đúng ra câu này chỉ nên dành cho thanh niên, chứ trẻ con hoặc bà già thì yêu nhau đẻ đái thế quái nào được. “3 khoan” tức là khoan yêu nhau, nếu đã lỡ yêu rồi thì khoan làm đám cưới, nếu lại lỡ cưới thì khoan có con. Đảng và đất nước đang cần những người không vướng bận tình riêng, hết lòng hết sức vì sự nghiệp cách mạng, vì thế đi đâu cũng thấy khẩu hiệu 3 khoan. Phải học tập tấm gương của Pa Ven Coóc Sa Ghin “tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”. Cấm thì cấm, khuyên thì khuyên thế thôi, chứ đã yêu nhau, phải lòng nhau thì có cấm đằng giời. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

3 nhận xét:

  1. Khẩu hiệu đã nhiễm vào máu người cộng sản. Ông chủ tịt nước bữa nay đã nghỉ hưu rồi vẫn còn hô khẩu hiệu thấy không!

    Trả lờiXóa
  2. Một thời LỘNG GIẢ THÀNH CHÂN,nay vẫn còn ông Thông ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có thể bạn đã hiểu chưa đúng về ý nghĩa của thành ngữ"lộng giả thành chân"? Một nghĩa duy nhất của thành ngữ này: Bỡn đùa quá mức dễ khiến người khác những tưởng đó là chuyện thật.

      Xóa